Bé 21 tháng tuổi


Bài học theo tháng tuổi

Chăm sóc bé


Sữa mẹ và sữa công thức


Ăn dặm


Sự phát triển tháng này

Bé 21 tháng tuổi bắt đầu phát triển khả năng độc lập. Ở sự phát triển của trẻ, thời gian này trẻ muốn tự mình thay quần áo, tự chơi đùa, khám phá thế giới bên ngoài. Ở giai đoạn phát triển này trẻ cũng thích thể hiện trí tưởng tượng và sức sáng tạo qua các “tác phẩm” đầu đời, cũng như rất muốn cùng ba mẹ làm việc nhà. Ba mẹ khi chăm sóc bé nên dành cho trẻ nhiều thời gian và tâm sức hơn để sự phát triển của trẻ được hoàn thiện.

Nếu không có gì để làm, bé sẽ quẩn chân bạn cả ngày đấy! Hãy tạo những khu vực vui chơi cho bé quanh sân nhà, và để mắt canh chừng khi bé chạy nhảy khắp nơi. Nếu bạn thích ngăn nắp thì đây có thể là khoảng thời gian tương đối khó khăn. Bé 21 tháng tuổi đâu cần biết bạn muốn nhà cửa phải gọn gàng, trật tự! Bé còn quá nhỏ để thay đổi hành vi cho vừa lòng ba mẹ, mà bạn cũng phải học cách làm ngơ trước những đống đồ lộn xộn quanh nhà thôi!

Cố gắng đừng quá kỳ vọng về bé. Ai đã từng chăm sóc bé từ 1-3 tuổi đi đều biết các bé rất náo loạn. Bé thích được vui chơi theo nhóm bạn cùng tháng tuổi, mùa hè nghịch nước thoả thích hay đuổi bắt nhau trong công viên. Vẫn còn quá sớm để các bé tự chơi đùa với nhau vì tới lúc này bé 21 tháng tuổi vẫn chỉ biết có mình mà thôi.

Hãy giúp bé sinh hoạt theo lịch hàng ngày đều đặn, bé sẽ mau lớn và cùng bạn trải qua những ngày tháng êm đềm. Nếu bạn sắp sinh thêm em bé, bạn sẽ thấy những hành vi của bé có sự thay đổi khi bé tập làm người anh người chị. Bạn cần dạy bé vai trò làm gương vì bé sẽ học được nhiều điều bổ ích từ người em của bé. Bé học cách biết chờ đợi, kiên nhẫn, chấp nhận ba mẹ chia sẻ quan tâm cho em và mình không phải là người duy nhất cần chăm sóc…, tất cả đều là những bài học thiết yếu cho cả đời. Nhưng trong quá trình điều chỉnh này, bố mẹ cần chuẩn bị tâm lý là có lúc bé cũng sẽ bị xúc động mạnh và tiêu cực.

Sự phát triển của bé về thể chất và trí tuệ

Bây giờ bé yêu đã biết chạy và càng ngày càng chạy nhanh, đặc biệt khi bé muốn lấy thứ gì đó NGAY LẬP TỨC! Bé có thể cúi xuống và đứng dậy mà không hề mất thăng bằng. Bé thích leo trèo và hiếu động! Có vẻ như năng lượng trong bé dồi dào bất tận, thực ra bé sẽ mệt và cần được nghỉ ngơi.

Tập thói quen cho bé đi theo những lúc bạn cần ra ngoài. Kiểm tra lại rào chắn cho thật an toàn để bé không thể luồn ra khỏi khu vực vui chơi ngoài sân. Hãy nói chuyện với bé về những việc bạn đang làm khi chăm sóc bé và khuyến khích bé giúp bạn, chẳng hạn nhờ bé gom kẹp quần áo, hái hoa hay tưới cây. Những công việc nhỏ nhặt này sẽ giúp bé hình thành cảm giác mình là người quan trọng trong nhà và xây dựng trong bé tình cảm khăng khít với bạn. Dù bé có bị thế giới bên ngoài cuốn hút và muốn tự mình khám phá, bé vẫn cần có bạn bên cạnh và vỗ về khi cần. Bạn tạo đủ không gian cho bé tìm hiểu mọi vật nhưng không được lơ là với sự an toàn của bé. Cho đến khi bạn hoàn thiện kỹ năng này cũng là lúc bé của bạn bước sang giai đoạn phát triển mới.

Bé 21 tháng tuổi bắt đầu tỏ vẻ thích thú với việc tự mặc lấy áo quần hay cởi phăng ra khi bé bất ngờ đổi ý. Bé tò mò khám phá cơ thể và cố gắng gọi tên các bộ phận. Bé hào hứng xô đổ các toà tháp xếp hình xuống đất. Bé nhận biết nhiều vật quen thuộc, tất cả đều thể hiện cố gắng của bé gọi đúng tên sự vật.

Chăm sóc bằng cách chơi đùa và tương tác cùng bé

Hãy khơi dậy niềm đam mê làm đồ chơi từ vật liệu tái chế nào! Đừng vứt bỏ các hộp đựng trứng, lõi cuốn giấy vệ sinh, hộp giấy đựng ngũ cốc hay khay đựng khăn giấy nhé (đọc thêm mục các hoạt động dành cho trẻ). Bạn có thể biến chúng thành những món đồ chơi gợi trí tưởng tượng cho bé đấy. Bạn hãy để bé thử làm nhà bằng thùng carton và dùng bút màu trang trí cho ngôi nhà đó. Bé cần được khen ngợi vì bé muốn chứng tỏ mình cũng rất tuyệt vời trong mắt ba mẹ. Hãy chắp cánh sức sáng tạo của bé khi bé tưởng tượng các trò chơi về liên quan đến hoạt động gia đình.

Trò chơi xếp hình là cách rất tốt giúp bé phát triển sự sáng tạo và trí tưởng tượng. Bé 21 tháng tuổi có thể lắp ghép hình hay lập “công trường xây dựng” ngoài trời. Các hình khối cũng giúp bé làm quen với hình học từ rất sớm.

Biểu hiện của bé 21 tháng tuổi

Nếu bé 21 tháng tuổi có anh chị em còn nhỏ tuổi, ở tháng này bé thường lân la gần anh, chị hay em của mình. Không thể tách chúng ra và đôi khi cũng có những xung đột nho nhỏ vì tranh giành đồ chơi. Đừng vội can thiệp vào những xung đột nhỏ này, bạn nên để các nhóc tỳ có cơ hội tự dàn xếp với nhau. Qua thời gian, các bé 21 tháng tuổi sẽ hình thành được kỹ năng có thể gọi là thương lượng và từ đây các bé có thể dàn xếp hợp lý và lại vui vẻ cùng nhau. Dĩ nhiên, nếu một (hoặc cả hai) bị thương tổn – lúc này đây bạn mới can thiệp. Xem phần bài viết về tranh giành giữa các con để được tư vấn thêm.

Những thứ bạn đang dùng bỗng dưng biến mất còn bạn thì cố lục trí nhớ xem mình đã để ở đâu. Hóa ra có … tên trộm nhí trong nhà đã bí mật “thó” đồ làm của riêng và giấu rải rác khắp nơi  – dưới gối, trong mấy cái hộp, thậm chí cả trong toilet! Không rõ tại sao các bé 1-3 tuổi lại làm thế. Có lẽ là từ tiềm thức tổ tiên săn bắn/hái lượm của chúng ta ngày xưa, hay đơn giản là bé có nhu cầu thu thập.  Vì vậy bạn nên để những thứ quý giá cao hơn tầm tay của bé 21 tháng tuổi, và dĩ nhiên phải ngoài tầm mắt của bé nữa, bạn nhé.

Thức ăn và dinh dưỡng cho bé

Đôi khi bạn thấy con mình đang lăn lê trên sàn nhà với ổ bánh mì bơ đậu phụng? Hãy cố gắng cười hài hước lúc này bạn nhé. Vì các bé ở tuổi này không có khái niệm làm “đúng”, mà chỉ đơn giản bé muốn thử, đặc biệt là những bé có óc quan sát. Bạn cũng nên cho bé cùng tham gia chuẩn bị bữa ăn và để bé quan sát mọi việc. Xua một bé 21 tháng tuổi ra khỏi bếp thì tiện cho bạn hơn là để bé quanh quẩn bên chân, nhưng khi có dịp, bạn hãy để bé cùng ở cạnh nhé. Nếu bé nhà bạn là một tín đồ lười ăn, thì khi bé cùng ba mẹ chuẩn bị bữa ăn, có thể bé sẽ dễ ăn thêm chút đồ ăn nhẹ.

Bạn hãy sáng tạo hơn trong thực đơn hàng ngày cho bé. Thức ăn yêu thích của bé 21 tháng tuổi có thể rất đa dạng và khác hơn so với bố mẹ. Bạn cũng cần để ý việc chăm sóc bé của mình hơn bằng việc thay đổi các loại quả hoặc rau xanh với hương vị mới để bé thử. Và nên nhớ, dù lần đầu nếm thử có thể bé sẽ không thích nhưng phải động viên bé, hoặc bạn có thể ăn để bé biết bạn đang ăn và ăn rất ngon, dần dần bé cũng sẽ làm theo.

Để chăm sóc bé yêu mạnh khỏe

Bạn hãy sắm cho bé một đôi ủng cao su, nếu bạn sống ở vùng hay mưa. Và nhớ trước khi mang cho bé, hãy lắc lắc đôi ủng và kiểm tra thật kỹ xem có nhện hay gì đó bên trong không. Tập cho bé cách đi ủng để phòng khi không có bạn bé cũng sẽ tự làm được. Dù bị ướt và lạnh không phải là nguyên nhân gây ra cảm lạnh, nhưng phải tốn nhiều công sức mới giữ ấm cho bé được.

Ý nghĩa đơn giản của cuộc sống gia đình là được vun đắp bằng thức ăn ngon, ngủ đủ giấc, có thời gian nghỉ ngơi, và những phút giây sôi nổi. Tuy nhiên công việc chăm sóc bé đôi khi cũng nên phá lệ, vì ngẫu hứng mà lại hóa hay. Nếu cảm thấy cuộc sống ngột ngạt hay đơn điệu, bạn nên thay đổi nếp sinh hoạt ngày hôm đó. Mặc dù bé thích nếp sinh hoạt cũ, nhưng đôi khi bé thích nghi hết sức dễ dàng. Hơn nữa, nếu ba mẹ yêu đời thì càng tốt đẹp hơn cho bé!

Để bé yêu khỏe mạnh thì không phải chỉ là về thể chất mà còn có cả tinh thần cho bé nữa. Bạn có thể để cho bé thấy cách bạn bộc lộ cảm xúc và ứng xử lúc đó ra sao. Qua những cử chỉ và hành động của bạn, bé sẽ học được giá trị của cuộc sống để ứng xử trong đời sống thường nhật.

Nhiều bậc cha mẹ muốn giấu những cảm xúc tiêu cực trước bé yêu của mình, nhưng bạn cũng nên biết cần phải cho bé thấy những cung bậc cảm xúc của mình. Hãy cứ để bé thấy bạn rơi nước mắt nếu cần, hoặc vừa khóc vừa cười, hoặc khi bạn cảm thấy hơi buồn. Đừng ngạc nhiên nếu bé nhìn chằm chằm kinh ngạc vì trước đây bé chưa hề thấy bạn như thế bao giờ. Phản ứng của bé có thể rất thú vị đấy.

Một số lời khuyên cho bạn:

  • Hãy đăng ký cho bé học bơi, nhất là nếu gia đình bạn có hồ bơi. Kiểm tra rào chắn quanh hồ, và các chốt động cơ tự động đóng/mở cửa vào hồ .
  • Một cách chăm sóc bé là khuyến khích bé trở thành trợ lý tí hon của mình, cho bé cùng làm việc nhà. Bé sẽ rất thích thú cái cảm giác mình có ích, đặc biệt bé sẽ rất khoái chí nếu bạn khen ngợi rối rít khi bé giúp ba mẹ. Hãy để bé tự làm vài việc vặt như đi tìm mảnh giấy cho ba, thay nước uống cho cún, v.v... Đến tuổi này, không cần phải tách bé hoàn toàn với hoạt động thường nhật của gia đình nữa.

Khi bạn đi khám răng, hãy đưa bé đi cùng để bé quan sát bạn ngồi trên ghế khám răng ra sao, há miệng ra như thế nào. Sau vài lần như thế bé sẽ quen dần với các thiết bị nha khoa. Làm quen với việc bảo vệ vấn đề sức khỏe răng miệng là bài học giá trị suốt đời về vấn đề sức khỏe dành cho bé.