Sự tăng trưởng và phát triển của trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi

Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi ngủ rất nhiều giờ trong ngày nhưng con cần được bú thường xuyên để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và phát triển. Với trẻ 1 tháng tuổi, sự phát triển của bé sẽ diễn ra và thay đổi theo từng ngày.

Nếu đây là lần đầu làm cha mẹ, bạn sẽ cảm thấy rằng chăm sóc trẻ sơ sinh là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn với nhiều thách thức. Những thắc mắc thường trực về việc liệu rằng bé cưng có đang phát triển một cách khỏe mạnh có thể làm cho bạn lo lắng không yên.

Sự tăng trưởng của trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi

Sau khi lọt lòng mẹ vài ngày, cân nặng của trẻ có thể thấp hơn so với lúc mới ra đời khoảng 10%. Nhưng bạn đừng vội lo lắng, nguyên nhân của vấn đề này là lượng chất lỏng dư thừa trong cơ thể con sẽ mất đi trong vài ngày đầu sau khi sinh.

Sau đó, cân nặng của con sẽ tăng lên trong vòng 2 tuần tới và bắt đầu tăng nhanh chóng. 140 – 250 gram là cân nặng trung bình mà bé có thể tăng mỗi tuần trong tháng đầu tiên sau sinh. Ngoài ra, chiều dài của bé có thể tăng thêm khoảng 10cm trong tháng đầu sau khi con ra đời. Do đó, nếu bé không đạt được mức cân nặng cơ bản, bạn nên đưa con đến bác sĩ nhi khoa để tìm hiểu nguyên nhân và có hướng khắc phục kịp thời.

Sự phát triển của trẻ 1 tháng tuổi

Với trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi, bạn hãy theo dõi sự phát triển của bé theo tuần để nắm được về các mốc đang phát triển của con. Điều này giúp bạn kịp thời phát hiện các bất thường của trẻ để có hướng can thiệp phù hợp.

Để đánh giá sự phát triển của trẻ, các bác sĩ thường sẽ căn cứ vào cân nặng, chiều cao và chu vi vòng đầu của bé. Bác sĩ cũng có thể che một mắt của bé để kiểm tra khả năng nhìn và quan sát phản ứng của con. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ kiểm tra khả năng nghe, giao tiếp và khả năng ngôn ngữ của trẻ.

1. Trẻ sơ sinh 4 tuần tuổi

Với trẻ 4 tuần tuổi, những tiếng ọ ẹ, tiếng khóc của bé chính là ngôn ngữ mà bé dùng để giao tiếp với bạn. Điều quan trọng là bạn hãy nói chuyện, chơi với bé mỗi khi con thức. Đây là một trong những cách quan trọng để xây dựng sự gắn kết và phát triển kỹ năng ngôn ngữ của bé. Khi thính giác và tầm nhìn của trẻ phát triển hơn, bé có thể nhận ra giọng nói, âm thanh và khuôn mặt quen thuộc.

Mỗi ngày, bạn nên đặt cho bé nằm sấp trong vài phút để cơ cổ, lưng, tay của con được phát triển. Lưu ý là bạn không được rời mắt khỏi bé khi cho con nằm sấp.

2. Trẻ 5 tuần tuổi

Trong giai đoạn này, bé có sự phát triển mạnh mẽ về cân nặng, tăng trung bình 200 gram mỗi tuần. Với trẻ 5 tuần tuổi, các cơ bắp trên cổ của bé đã phát triển hơn trước nên nếu bạn cho bé nằm sấp, con có thể sẽ cố gắng thử cất đầu lên.

Trong khoảng thời gian này, một số bé đã biết nhoẻn miệng cười. Các bé có xu hướng ngủ nhiều hơn vào ban đêm, thậm chí có thể ngủ một giấc dài từ 4 – 6 giờ.

Con cũng có sự phát triển tốt hơn về tầm nhìn và sự tập trung, do đó, bé có thể tập trung cả hai mắt để nhìn một đối tượng cụ thể. Đặc biệt là con cũng có thể phân biệt được các màu sắc nhất định.

3. Trẻ 6 tuần tuổi

Trẻ 6 tuần tuổi có thể tăng trung bình 140 – 200 gram mỗi tuần.

Thính giác của trẻ 6 tuần tuổi đã phát triển đầy đủ nên con sẽ tập trung sự chú ý vào âm thanh hay giọng nói tốt hơn. Ngoài việc trò chuyện với bé, bạn có thể cho bé nghe nhạc, hát cho bé nghe…

Trí nhớ và tầm nhìn của con cũng dần phát triển, vì vậy bé có thể tỏ ra phấn khích khi nhìn thấy cha mẹ. Trong giai đoạn này, bé sẽ có một số biểu hiện trên gương mặt như nhướng chân mày, mím môi.

4. Trẻ 7 tuần tuổi

Khi con được 7 tuần tuổi, bạn sẽ nhận thấy chiều cao của bé đã tăng thêm khoảng 4 – 5 cm. Não và thị lực cũng phát triển tốt hơn trước, con có thể nhìn được vật cách xa khoảng 60cm. Nếu quan sát bé, bạn sẽ nhận ra con sẽ tập trung hơn khi nhìn một vật nào đó đang chuyển động.

Đây là thời điểm tuyệt vời để trò chuyện với bé, cho con nghe nhạc, xem sách có các hình ảnh sinh động nhiều màu sắc… để cải thiện nhận thức của trẻ.

Trẻ 7 tuần tuổi cũng biết điều khiển tay để lấy những thứ mà bé muốn nên con cố gắng quơ bất cứ thứ gì trong tầm tay. Do đó, bạn cần đảm bảo bé không ở gần những vật có nguy cơ gây ra tai nạn.

Sức khỏe của trẻ 1 tháng tuổi

Hầu hết các bậc cha mẹ đều tỏ ra lo lắng nếu con thường xuyên quấy khóc trong độ tuổi này.

Nếu bé khóc thường xuyên và bạn nghĩ rằng con có thể đang bị những cơn đau co thắt ở trẻ sơ sinh (hội chứng colic hay trẻ khóc dạ đề) làm phiền, hãy kiểm tra các triệu chứng.

Trẻ sơ sinh bị hội chứng colic làm phiền khi khóc thường có biểu hiện như: bụng cứng, co đầu gối lên phía ngực, mắt nhắm chặt hoặc mở to khi khóc. Ngoài ra, con có thể nín thở trong khi khóc. Nguyên tắc chung để xem xét trẻ có đang có vấn đề với hội chứng colic hay không căn cứ vào tiêu chí sau: khóc 3 giờ mỗi ngày, 3 ngày mỗi tuần và kéo dài ít nhất trong 3 tuần.

Thực tế, không phải các cơn khóc của trẻ sơ sinh đều cảnh báo một vấn đề nào đó nghiêm trọng. Khóc là cách tự nhiên để con giao tiếp với bạn, báo cho bạn biết con đói, con cần thay tã, con muốn được vỗ về… Đồng thời, tiếng khóc của trẻ sơ sinh cũng là dấu hiệu cho biết con khỏe mạnh.

Nếu bé cưng của bạn không khóc hoặc chỉ ọ ẹ, bạn nên đưa bé đến bác sĩ nhi khoa để tìm hiểu nguyên nhân do đâu.

Trẻ 1 tháng tuổi còn khá nhỏ, do đó, bạn nên giữ vệ sinh cho bé đúng cách để hạn chế nguy cơ lây nhiễm các tác nhân gây hại, bạn cần rửa tay sau mỗi lần thay tã cho bé và trước khi chăm sóc con, giữ con tránh xa những người có vấn đề về sức khỏe…

Tháng đầu tiên sau sinh, bé có thể cần chủng ngừa một số căn bệnh nhất định. Do đó, bạn đừng quên đưa bé đi chủng ngừa và khám sức khỏe định kỳ nhé.

Sự phát triển các giác quan của trẻ 1 tháng tuổi

Sau đây là một số mốc phát triển quan trọng tiêu biểu của bé trong tháng đầu tiên:

  • Thể chất và vận động: Bé 1 tháng tuổi đã biết điều khiển đôi tay nên con có thể giật, quơ tay, thậm chí là đưa tay lên miệng. Nếu đặt nằm sấp, một số bé có thể xoay đầu qua trái hay qua phải. Bé có thể nắm chặt bàn tay. Nhiều bé cũng đã biết nhoẻn miệng cười.
  • Xúc giác và khứu giác: Trẻ 1 tháng tuổi đã có thể xác định được mùi sữa mẹ. Bé cũng có thể cảm nhận được vị đắng hay chua và sẽ tìm cách né tránh khi được cho ăn những vị mà bé không thích. Bé cũng tỏ ra không thích khi được cưng nựng một cách thô bạo và tỏ ra yêu thích với mùi dễ chịu.
  • Thị giác và thính giác: Ở độ tuổi này, bé đã có thể tập trung nhìn 1 vật có khoảng cách ít nhất khoảng 25 – 30 cm và có thể theo dõi 1 vật chuyển động. Bé cũng có thể nhận ra giọng nói và cố gắng tìm hướng về phía phát ra tiếng nói.

Lưu ý là với các trẻ sinh non, bé có thể không được các mốc phát triển như trên. Việc đánh giá sự phát triển của trẻ sinh non cần căn cứ vào tuổi thai của trẻ. Các bé sẽ dần đạt được những cột mốc theo tốc độ riêng.

Hành vi của trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi

Bé 1 tháng tuổi đã biết nhoẻn miệng cười như một phản xạ. Khi tròn 6 tuần tuổi, con có thể nhoẻn miệng cười nhiều hơn, nhận ra được gương mặt và giọng nói của những người thân quen.

Đây cũng là thời điểm mà hội chứng colic xuất hiện nên bé có thể khóc rất thường xuyên mà không có lý do gì rõ ràng. Tin vui là hội chứng này sẽ biến mất khi con lớn hơn, thường là sau 4 – 6 tháng tuổi.

Nếu hội chứng colic làm phiền bé cưng, bạn có thể vỗ về con bằng cách ôm ấp vỗ về con, cho bé tiếp xúc da chạm da, hát ru, mở những bản nhạc du dương êm dịu cho bé nghe hoặc làm gì đó để bé mất tập trung. Nếu con không có phản ứng tốt với các hành động kể trên, bạn cần kiên nhẫn. Bạn không nên nổi nóng, quát tháo hay tỏ ra căng thẳng với bé… vì bé cưng có thể phản ứng thái quá với những hành động này của bạn.

Điều quan trọng là bạn hãy thử áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa để biết được những gì tốt nhất cho con mà bạn có thể áp dụng.

Hoạt động cho bé 1 tháng tuổi

Dưới đây là một số hoạt động an toàn và đơn giản cho trẻ 1 tháng tuổi có thể hỗ trợ quá trình phát triển của bé.

  1. Vì cơ cổ của bé còn yếu vẫn đang phát triển nên khi bế bé, bạn phải đỡ cổ và đầu cho con.
  2. Mỗi ngày nên đặt bé nằm sấp trong ít phút để kích thích con cố gắng ngẩng đầu lên. Điều này sẽ giúp phát triển cơ cổ của bé. Lưu ý, bạn không nên rời mắt khỏi bé khi con nằm sấp. Nguyên do là việc cho trẻ nằm úp có thể làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
  3. Hãy tương tác (nói chuyện với bé, massage cho bé…) trong khi bạn đang thay tã hoặc chơi với bé. Hãy thử và làm cho bé theo dõi giọng nói và chuyển động của bạn.
  4. Hãy để bé nắm lấy ngón tay của bạn. Điều này sẽ giúp trẻ phát triển khả năng cầm nắm tốt hơn và cải thiện kỹ năng vận động tay.

Chế độ ăn của trẻ 1 tháng tuổi

Ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức, bạn không nên cho bé ăn hay uống bất cứ thứ gì, kể cả là nước lọc. Việc cho trẻ sơ sinh uống nước cũng có thể khiến con bị ngộ độc nước, dẫn đến hạ natri máu, co giật, tổn thương các mô, thậm chí là tử vong.

Trẻ 1 tháng tuổi nên được ăn ít nhất 6 cữ/ngày (nếu được nuôi bằng sữa công thức và 12 cữ/ngày nếu nuôi bằng sữa mẹ). Về lượng sữa, mẹ nên cho bú theo nhu cầu của con và cho con bú ngay khi bé đói.

Thời gian ngủ của trẻ

Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi thường ngủ từ 14 – 17 giờ mỗi ngày. Thời gian ngủ của con được phân tán trong suốt cả ngày. Bé thường ngủ sau khi bú no, tắm mát, thay tã sạch sẽ. Việc ngủ đủ giấc ngủ rất quan trọng với sự tăng trưởng của trẻ vì hầu hết sự tăng trưởng diễn ra trong khi bé đang ngủ.

Chăm sóc bé 1 tháng tuổi và lời khuyên dành cho bạn

Chăm sóc bé 1 tháng tuổi

Việc chăm sóc trẻ 1 tháng tuổi đúng cách là điều cần thiết để hỗ trợ sự phát triển của trẻ nhỏ. Dưới đây là một số phương pháp chăm sóc trẻ 1 tháng mà bạn có thể tham khảo:

  • Cho bé bú khi bé đói: Bạn hãy cho con ăn theo nhu cầu, đừng ép bé ăn theo lịch của bạn. Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng bé ăn ít nhất 6 lần/ngày nếu bạn cho bé dùng sữa công thức và 12 lần/ngày nếu bạn cho con bú mẹ.
  • Hãy để bé ngủ theo nhu cầu của con, đừng ép bé ngủ khi con không muốn hoặc đánh thức khi con đang ngủ ngon. Một giấc ngủ có chất lượng tốt rất quan trọng cho sự tăng trưởng trẻ.
  • Bạn hãy tương tác với con, nói chuyện và chơi với bé thường xuyên. Đây là cách tuyệt vời để phát triển kỹ năng giao tiếp của trẻ sơ sinh.
  • Khi cho bé ngủ, bạn cần đảm bảo rằng chỗ ngủ của con không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào (cách xa cửa sổ, cửa ra vào, không có bất kỳ vật dụng hay đồ chơi có thể gây hại… để tránh ngạt thở), ánh sáng dịu nhẹ, nhiệt độ mát mẻ… Bạn nên cho con ngủ trong cũi để hạn chế nguy cơ con trở mình rơi xuống đất.
  • Luôn rửa tay sạch trước khi cho bé bú, chăm sóc bé, sau khi thay tã…
  • Hãy đưa bé đi khám sức khỏe và tiêm chủng đúng lịch. Việc này giúp bảo vệ con khỏi nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Lời khuyên khi chăm sóc trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi

Bạn có thể làm theo các mẹo sau để đảm bảo rằng con bạn được cung cấp đầy đủ và đang đi đúng hướng phát triển.

  • Cho bé tiếp xúc da kề da: Bé sẽ cảm thấy được an ủi khi được tiếp xúc da với cha/mẹ. Việc ôm ấp, vỗ về… của bạn sẽ giúp cảm thấy yên tâm.
  • Cho bé vài món đồ chơi an toàn, lục lạc… để con chơi.
  • Massage cho bé và di chuyển chân của con theo động tác đạp xe nhằm xây dựng kỹ năng vận động của trẻ. Điều này sẽ giúp xây dựng sức mạnh cơ bắp cho trẻ để hỗ trợ cho việc bò và bước đi sau này.
  • Hãy đưa bé đến gặp ​​bác sĩ nếu bạn nhận thấy bé bú kém, bỏ bú, ngủ không ngon giấc. Lưu ý là bạn cũng nên đưa con đi khám nếu nhận thấy rằng bé không phản hồi với âm thanh hoặc giọng nói.

Mỗi giai đoạn phát triển của bé là rất quan trọng và nếu bạn nhận thấy bất kỳ sự chậm phát triển nào, hãy đưa bé đến gặp bác sĩ nhi khoa để kịp thời phát hiện các bất thường.

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ 1 tháng tuổi

Sau khi con chào đời, chế độ dinh dưỡng cho trẻ 1 tháng tuổi là vấn đề mà các mẹ quan tâm nhất. Trong giai đoạn này, các mẹ nên cho bé bú theo nhu cầu và không cần bổ sung thực phẩm nào khác, kể cả nước trắng.

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho bé và không có bất cứ loại sữa nào có thể thay thế sữa mẹ. Sữa mẹ có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết: chất đạm, chất béo, chất đường, nước, sinh tố, khoáng chất… Các mẹ nên có một chế độ ăn đầy đủ các dưỡng chất, uống nhiều nước và sữa, sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý để có nhiều sữa cho bé bú. Dưới đây là chế độ dinh dưỡng cho bé 1 tháng tuổi để các bạn tham khảo.

Bé chỉ nên bú sữa mẹ hoặc sữa bột vì 2 loại sữa này là nguồn dinh dưỡng chính trong suốt 12 tháng đầu tiên. Khi bé bắt đầu ăn dặm, bạn vẫn nên tiếp tục cho bé bú mẹ trong ít nhất 12 tháng. Trong thời gian bé được 1 tháng tuổi, bạn nên chú ý đến chế độ và thói quen ăn uống của bé để đảm bảo con vẫn tăng trưởng tốt. Việc nên làm trong giai đoạn này là kiểm tra thường xuyên và theo dõi sự tăng trưởng của bé.

Ngày đầu tiên: Cho bé bú thường xuyên

Bé cần bắt đầu bú sữa mẹ thường xuyên, nhất là vào ngày thứ 2. Có thể bạn chưa quen hẳn việc cho con bú, nhưng điều này rất quan trọng để bé làm quen với việc bú sữa. Nhiều bé sẽ hình thành thói quen bú sữa đều đặn khi bước vào giai đoạn phát triển mạnh.

Ngày 3−5: Sữa bắt đầu biến đổi

Sữa của bạn sẽ thay đổi màu sắc và tiết ra nhiều hơn.

  • Cho bé bú khi bé thấy đói;
  • Không cho bé ngậm ti giả vì bạn sẽ khó biết khi nào bé đói;
  • Tránh cho bé bú sữa bột vì nếu không cho bé bú sữa mẹ, tuyến sữa sẽ không tiết ra nữa;
  • Giữ ấm bầu vú, massage ngực. Mẹ có thể tắm để làm giảm đau nhức ở bầu ngực trong giai đoạn này.

Ngày 14−30: Bé tăng trưởng nhanh chóng

Bé yêu sẽ phát triển nhanh chóng trong giai đoạn này. Con bú nhiều hơn và liên tục trong vòng nhiều ngày. Do đó, các mẹ nên lưu ý:

  • Cho bé bú khi con thấy đói;
  • Điều chỉnh lượng sữa cho bé bú;
  • Nếu sử dụng sữa bột trong giai đoạn này sẽ làm bạn ít tiết ra sữa hơn.