Trẻ 3 tháng tuổi phát triển nhanh chóng và đem đến cho bạn rất nhiều điều bất ngờ. Ở giai đoạn này, bé có vẻ khóc ít hơn, các phản ứng đa dạng hơn, bạn sẽ thấy bé có vẻ khôn hơn và lớn hơn mỗi ngày.
Sự tăng trưởng của trẻ 3 tháng tuổi
3 tháng sau khi sinh, cân nặng và chiều cao của bé đã phát triển hơn trước rất nhiều. Cân nặng của các bé thường tăng gấp đôi so với khi sinh ra nên con thường không còn mặc vừa các bộ đồ sơ sinh nữa. Do đó, bạn sẽ có cảm giác dường như con đang tăng trưởng nhảy vọt. Thế nên, trong giai đoạn này, việc mua sắm quần áo mới cho bé có kích thước lớn so với hiện tại cần được ưu tiên. Tuy nhiên, bạn hãy nhớ rằng trong thời gian tới, bé yêu sẽ phát triển nhanh về cân nặng và chiều dài nên bạn cần cân nhắc khi chọn mua quần áo cho trẻ, đừng mua nhiều một lần hay chỉ mua cùng một kích cỡ để tránh gây lãng phí.
Sức khỏe của trẻ 3 tháng tuổi
Chúng ta luôn có thể bày tỏ với bác sĩ hay người thân khi có các vấn đề về sức khỏe nhưng với trẻ 3 tháng tuổi thì việc này rõ ràng là bất khả thi. Tuy nhiên, con có một cách để báo cho bạn biết, đó là khóc. Do đó, bạn hãy luôn chú ý đến những tiếng khóc của trẻ, đặc biệt khi con khóc kèm các dấu hiệu bất thường (mệt mỏi, giảm khả năng vận động, hơi thở yếu…). Hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất nếu con có các dấu hiệu kể trên.
Các mốc phát triển của trẻ 3 tháng tuổi
Dưới đây là một số phát triển hàng tuần của trẻ 3 tháng tuổi:
1. Trẻ 12 tuần tuổi
Trẻ 12 tuần tuổi vẫn còn ngủ nhiều và mô hình giấc ngủ của con dần được hình thành nhưng chưa rõ ràng. Hãy chắc chắn rằng con ngủ vài giờ vào ban ngày, vì điều này giúp bé ngủ ngon vào ban đêm.
Đôi mắt của bé cũng phối hợp tốt hơn và khả năng nhận thức cũng tốt hơn. Nếu nhận thấy bé cưng thường xuyên nheo mắt hay mắt có biểu hiện không bình thường, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhãn khoa. Nguyên nhân là các tình trạng này có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề về thị lực sau này.
2. Trẻ 13 tuần tuổi
Tầm nhìn của trẻ được cải thiện không ngừng nên ở thời điểm này con có thể cảm nhận được màu sắc và theo dõi các vật chuyển động ở xa đến khoảng 7 mét. Đây là thời điểm thích hợp mà bạn có thể cho bé ngửi mùi hoa tươi, các loại rau trái cây có mùi thơm. Bé cũng biết quay đầu về phía phát ra âm thanh.
Vào tuần thứ 13, trẻ sẽ học cách sử dụng tay để kéo, nắm nên bé có thể nắm bất cứ thứ ở gần, bao gồm cả tóc, quần áo… của bạn. Kỹ năng vận động, phối hợp tay và mắt của trẻ sẽ trở nên tốt hơn khi con bước vào tuần thứ 13. Việc con thét, la to sẽ rất phổ biến ở giai đoạn này và nếu để ý bạn sẽ thấy bé có thể giật mình hay thường xuyên tự vỗ về mình sau khi thét hay khóc.
3. Trẻ 14 tuần tuổi
Thế giới của em bé bây giờ đã ở mức rực rỡ và đầy màu sắc vì giờ đây bé có thể phân biệt được màu sắc và các màu đậm. Thế giới của trẻ lúc này sẽ là một thế giới mới với màu sắc tươi mới và rực rỡ hơn. Trẻ sẽ bắt đầu phản ứng tích cực hơn với sự hiện diện của bạn hay người thường xuyên chăm sóc trẻ và có phản ứng rõ ràng hơn khi nghe giọng nói của bạn.
Bé sẽ cười nhiều hơn khi nhìn thấy hình ảnh em bé trong cuốn sách và cũng sẽ thích nhìn chăm chú vào gương khi được cho soi gương. Bé có thể không hiểu rằng đó là hình ảnh của chính mình được phản chiếu trong gương. Điều thú vị là con tỏ ra phấn khích khi nhìn hình ảnh đứa trẻ trong gương đang mỉm cười với mình.
4. Trẻ 15 tuần tuổi
Đây là giai đoạn mà đa phần các bé cưng đã biết lật, một số bé có thể lật rất thành thạo. Tuy nhiên, các bé sẽ cần được hỗ trợ để có thể lăn mình trở lại tư thế nằm ngửa. Phải đợi một khoảng thời gian nữa cho tới khi cơ cổ và cơ bụng phát triển mạnh mẽ hơn, bé mới có thể thực hiện động tác lật mình trở lại sau khi lật úp.
Bạn có thể hỗ trợ bé tăng cường sự phát triển của các cơ bắp bằng cách đặt gối phía sau lưng bé khi cho bé ngồi (tư thế dựa) hoặc điều chỉnh ghế nằm của xe đẩy hơi thẳng lên chút xíu. Tốt nhất, mỗi ngày, bạn nên đặt con nằm úp trong vài phút để bé quen với việc này.
Sự phát triển của trẻ 3 tháng tuổi
Sự phát triển của bé sau ba tháng sẽ xoay quanh ba lĩnh vực: thể chất, nhận thức và cảm xúc. Những cột mốc này sẽ biểu thị sự tăng trưởng của em bé và có thể được đo lường một cách tương ứng.
- Cải thiện kỹ năng vận động thô: Khi được đặt nằm sấp hay lật, bé sẽ có thể nâng đầu lên một góc 45 độ. Sức mạnh của cơ cổ ngày càng phát triển giúp bé có thể ngẩng đầu lên khi nằm sấp.
- Phản ứng với âm thanh: Bé sẽ bắt đầu quay đầu hoặc hướng về phía phát ra âm thanh. Điều này cho thấy khả năng sử dụng các giác quan cảm nhận âm thanh của bé đang phát triển. Việc nghe thấy những âm thanh quen thuộc như giọng nói của bạn, tiếng chuông điện thoại reo, tiếng lục lạc… sẽ làm cho bé có những phản ứng như vậy.
- Tăng khả năng giao tiếp bằng giọng nói: Trong giai đoạn này, một số bé có thể mấp máy môi, bập bẹ để đáp lại những gì bé nghe được. Mặc dù những tiếng bập bẹ và hành động của bé sẽ không giống với thực tế nhưng đây sẽ là một cột mốc quan trọng đối với sự phát triển của trẻ.
Những hoạt động cho bé 3 tháng tuổi để kích thích con phát triển khỏe mạnh
Nếu bạn muốn biết những hoạt động nào là phù hợp cho bé 3 tháng tuổi nhằm kích thích con phát triển khỏe mạnh, hãy tham khảo những gợi ý sau:
- Cung cấp đồ chơi: Khi cho bé chơi với đồ chơi, bạn có thể đặt bé nằm ngửa hoặc nằm sấp và để bé đưa tay ra lấy các món đồ chơi mà bạn cầm cho bé. Hãy cung cấp cho bé các món đồ chơi với nhiều hình dạng, màu sắc và kích cỡ khác nhau mà bé có thể dễ dàng cầm hay nắm. Lưu ý rằng, các bé thường sẽ cho những đồ chơi này vào miệng, vì vậy bạn nên chọn đồ chơi phù hợp và vệ sinh chúng đúng cách, thường xuyên.
- Thực hành hỗ trợ đầu: Bạn hãy ngồi xuống, đầu gối hơi co lại, đặt bé ngồi vào lòng bạn, lưng bé dựa vào đùi bạn để hỗ trợ cho vùng lưng và cổ còn non nớt của bé. Khi ở tư thế này, bạn hãy thu hút sự chú ý của bé bằng cách nói chuyện với bé, gọi tên bé và nhìn bé với ánh mắt vui tươi.
- Cho bé nằm sấp: Hãy đặt bé nằm sấp và để một vài món đồ chơi hoặc đồ vật có màu sắc rực rỡ trước mặt bé. Khuyến khích bé đưa tay ra nắm bắt lấy chúng. Bạn có thể nằm trước mặt con để khuyến khích bé đưa tay ra chạm lấy bạn. Việc này không chỉ giúp tăng thêm mối quan hệ giữa bạn và bé mà còn giúp tăng cường sức mạnh cho phần trên cơ thể của bé.
- Theo dõi đồ chơi: Đặt bé xuống sàn, lăn một quả bóng hoặc một chiếc ô tô đồ chơi hay một món đồ chơi bắt mắt trước mặt bé. Điều này sẽ khuyến khích bé quan sát món đồ chơi và theo dõi chuyển động của nó. Nếu con bạn không mấy quan tâm đến các món đồ chơi kể trên, bạn hãy dùng đồ chơi có phát ra âm thanh.
- Sử dụng tên gọi của bé: Hãy gọi tên của bé càng thường xuyên càng tốt vì tên của bé sẽ là từ đầu tiên bé sẽ kết nối. Bạn hãy gọi tên con trong khi hát những bài hát, khi đọc chuyện hay khi nói chuyện với bé. Trong khi làm những việc này, bạn hãy thay đổi giọng nói và cao độ để làm cho bé thích thú.
Mách mẹ bí quyết chăm sóc bé 3 tháng tuổi
Trong giai đoạn này, bạn hãy tham khảo các gợi ý dưới đây trong việc chăm sóc bé để giữ cho bé cưng khỏe mạnh và an toàn:
- Ưu tiên nuôi con bằng sữa mẹ: Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, do đó hãy đảm bảo bạn vẫn đang tiếp tục cho con bú. Tránh cho bé tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm rắn nào, thậm chí là cả sữa bò hay nước trái cây…
- Kích thích kỹ năng giao tiếp tốt cho trẻ: 3 tháng sau sinh, khả năng phản ứng với âm thanh và cử chỉ của bé đã rất phát triển và con cũng sẽ có nhiều biểu cảm hơn. Hãy chơi các trò chơi ú òa, nói chuyện với con, làm các cử chỉ hay biểu cảm thú vị để làm cho bé cười. Đặt các món đồ chơi gần bé nhằm khuyến khích bé lấy và chơi với chúng.
- Áp dụng các biện pháp an toàn: Thời điểm này, bạn sẽ phải hết sức cẩn thận về sự an toàn của em bé, vì các cử động và hoạt động của trẻ đã tăng lên. Bé có thể cho tất cả những gì mà con nắm được vào miệng nên rất nguy hiểm. Chỗ nằm của bé nên cách xa cửa sổ. Thuốc, các vật nhọn, nước nóng, các vật có kích thước nhỏ… nên đặt nằm ngoài tầm với của bé.
- Thúc đẩy sự phát triển: Trong giai đoạn này, bạn sẽ nhận thấy bé có nhiều thay đổi phát triển quan trọng như chảy nước dãi, hành động nhai và mút sẽ diễn ra. Bạn có thể cho bé dùng vòng nhai vì em bé thích nhai mọi thứ mà con cầm được và đây cũng có thể là một trò giải trí thú vị cho trẻ. Hãy thường xuyên cho bé ra ngoài chơi để con có cơ hội tiếp xúc với môi trường xung quanh.
- Cho bé bú: Là một người mẹ, bây giờ bạn đã có thể phân biệt được tiếng khóc đòi bú của bé với tiếng khóc buồn chán, khóc đòi ẵm bế hay khóc vì khó chịu hay đau bệnh của con. Thời gian trong mỗi giấc ngủ của bé cũng dài hơn nên bạn cũng có những giấc ngủ tương đối dài. Nếu cho bé bú bình, giấc ngủ của bé có thể sẽ dài hơn một chút.
- Giấc ngủ của trẻ: Thông thường, trẻ 3 tháng tuổi sẽ ngủ khoảng 14 – 15 giờ mỗi ngày, bao gồm cả những giấc ngủ ngắn vào ban ngày và ban đêm. Mỗi giấc ngủ của bé có thể kéo dài từ 4 đến 5 giờ nên bạn đừng đánh thức bé dậy để cho bú hay thay tã nếu bé đang ngủ ngon. Ban đêm, bé có thể thức dậy 1 – 2 lần để bú rồi sẽ ngủ lại. Do đó, khi bé thức giấc, bạn tránh mở đèn quá sáng hay tạo ra những âm thanh sôi động để bé dễ ngủ lại. Việc bé có các giấc ngủ dài hơn so với trước là do hệ thống thần kinh của con đang trưởng thành, dạ dày phát triển hơn nên có thể chứa một lượng lớn sữa. Tuy nhiên, bé chưa thể ngủ xuyên đêm, nên bạn vẫn cần có mặt bên cạnh để cho bé bú khi con thức giấc.
Lời khuyên cho cha mẹ khi chăm sóc trẻ 3 tháng
Dưới đây là một vài bí quyết giúp bạn có thể vượt qua giai đoạn này một cách dễ dàng:
- Ở giai đoạn này, sữa mẹ là thực phẩm lý tưởng dành cho bé vì cung cấp được tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Bạn không nên cho trẻ ăn dặm khi con ở giai đoạn này, bạn chỉ nên cho bé tập ăn dặm ít nhất khi con được 4 – 6 tháng.
- Hãy tạo thói quen cho ăn, ngủ, tắm và chơi đúng giờ với bé. Điều này đảm bảo rằng bé cưng của bạn sẽ quen với một lịch sinh hoạt nhất định và ngủ ngoan vào ban đêm. Từ 19 – 21 giờ là thời gian lý tưởng để bé ngủ và điều này sẽ khuyến khích thời gian ngủ dài hơn trong đêm.
- Đừng quên đưa bé đi khám sức khỏe định kỳ và chủng ngừa đúng lịch.
- Đừng quá lo lắng về cân nặng hay chiều cao của bé. Trong giai đoạn này, các bé trai sẽ nặng 6 – 6,5 kg và 5,5 – 5,8 kg là chỉ số cân nặng trung bình của các bé gái.
Điều quan trọng là bạn nên nhớ rằng mỗi bé sẽ có tốc độ phát triển của riêng mình và con có thể đạt được các cột mốc sớm hoặc muộn. Là cha mẹ, bạn nên theo dõi sự phát triển của con, đưa bé đến gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường.