Cùng tìm hiểu về sự tăng trưởng và phát triển của trẻ 4 tháng tuổi

Trẻ 4 tháng tuổi sẽ phát triển nhanh chóng, tăng cân nhanh, nhận thức cũng có sự phát triển vượt bậc. Do đó, ngoài việc đáp ứng tốt nhu cầu dinh dưỡng của trẻ, mẹ nên có những biện pháp nhằm kích thích sự phát triển của con về mọi mặt. 

Sự tăng trưởng và phát triển của trẻ 4 tháng tuổi

Năm đầu đời của bé là quãng thời gian mà não bộ và cơ thể trẻ phát triển nhanh chóng. Điều này mang lại cho bạn cảm giác con khôn hơn và dường như lớn phổng mỗi ngày. Các bé trong độ tuổi này thường có xu hướng cố bắt chước những lời bạn nói.

4 tháng sau khi chào đời, cân nặng của trẻ đạt gấp đôi so với lúc lọt lòng. Việc bé tăng cân đều chỉ là một trong các chỉ số đánh giá sự tăng trưởng của trẻ. Hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa hay chuyên gia dinh dưỡng nếu bạn thấy má, đùi, cánh tay và mông của bé không được đầy đặn. Đây là những dấu hiệu cảnh báo con có thể bị suy dinh dưỡng.

Lúc mới ra đời, trẻ sơ sinh nhìn rất kém nhưng khi được 4 tháng tuổi, thị lực của con được cải thiện, có thể nhìn được màu sắc. Lúc này, bạn hãy giới thiệu các món đồ chơi có màu sắc tươi sáng để kích thích thị giác của con.

16 tuần tuổi

Giai đoạn này, bé có thể phát ra những từ có âm điệu như mama hoặc papa dù không hiểu nghĩa. Khả năng bắt chước của bé sẽ không ngừng tăng lên và con sẽ phản ứng rõ rệt với lời nói hay hành động của bạn. Đây là điều mang lại cho bạn rất nhiều niềm vui phải không?

17 tuần tuổi

Ở thời điểm này, cân nặng của bé thường gấp đôi so với khi lọt lòng. Các bé được nuôi bằng sữa mẹ thường sẽ bú từ 6 đến 8 cữ trong ngày. Lượng cữ bú sẽ ít hơn với các bé được nuôi bằng sữa công thức.

Đôi khi ở thời điểm này, một số mẹ đã bắt đầu tập cho bé ăn dặm. Bạn nên lưu ý lượng thức ăn mà bé ăn chỉ nên khoảng 2 – 3 thìa cà phê mà thôi.

Thời điểm này, bé tỏ ra cảnh giác với âm thanh bên ngoài và các kích thích khác. Bé biết lấy đồ vật, có thể tự chơi với tay và chân một mình lâu hơn trước. Thế nên, bạn đừng quá ngạc nhiên nếu thấy con đang nằm mút… ngón chân.

18 tuần tuổi

Các bé 18 tuần tuổi đã biết cười khúc khích nhưng khóc vẫn là phương thức chính khi bé muốn biểu thị nhu cầu.

Bé sẽ cười nếu bạn làm gương mặt ngộ nghĩnh, âm thanh vui tai hay chơi trò ú òa… khi chơi với con. Bé sẽ thích khám phá và chơi với những đồ vật đơn giản như quả bóng, lục lạc… có màu sắc thu hút.

Bé đã có thể phân biệt giữa màu sắc và sắc thái nên con thường chú ý đến các vật dụng, đồ chơi… có màu sắc sặc sỡ.

19 tuần tuổi

Cột sống và các cơ xung quanh cột sống đã phát triển hơn trước giúp con giữ đầu được thẳng và có thể nâng vai lên khi bạn đón bé. Vốn từ của bé cũng đang tăng lên, bạn có thể thấy bé không ngừng bi bô liên tục.

Luôn duy trì các thói quen ngủ của bé như cho bé bú, tắm mát, đọc một câu chuyện cho bé nghe hoặc hát một bài hát ru hay mở bản nhạc nhẹ nhàng… Điều này giúp con dễ đi vào giấc ngủ và ngủ ngon hơn.

Những lưu ý khi chăm sóc sức khỏe cho trẻ 4 tháng

Đây là giai đoạn mà mẹ nên cho bé đi chủng ngừa bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib. Khi đưa bé đi tiêm chủng, bạn nên cho bác sĩ biết nếu bé từng có các phản ứng với những lần chủng ngừa trước.

Nếu có ý định bắt đầu cho con ăn dặm, mẹ hãy cẩn trọng trong việc giới thiệu thực phẩm cho bé trong giai đoạn này vì trẻ nhỏ rất dễ bị dị ứng. Hãy đảm bảo sữa mẹ hoặc sữa công thức là nguồn thực phẩm chính của bé và chỉ nên cho con làm quen với thức ăn dặm một cách từ từ theo tiêu chí ăn để làm quen.

Nếu bé bị hăm tã, hăm kẽ, hãy giữ cho vùng da bị ảnh hưởng luôn khô thoáng. Bên cạnh đó, mỗi ngày, bạn nên cho bé “ở không” trong một khoảng thời gian nhất định để vùng mặc tã bớt hầm bí.

Bạn nên sử dụng khăn sạch và nước ấm để vệ sinh cho bé mỗi khi thay tã, tránh dùng giấy ướt vì đa phần các loại giấy ướt trên thị trường thường có chứa cồn không tốt cho da bé.

Những mốc phát triển của trẻ 4 tháng tuổi

Sau đây là những cột mốc quan trọng mà bé cưng của bạn sẽ đạt được trong tháng thứ tư:

Phản ứng với sự quan tâm và tình yêu

Khi thấy bạn thể hiện sự yêu thương, bé sẽ đáp lại bằng những nụ cười hoặc những cử chỉ cho biết con đang rất hạnh phúc. Tuy chỉ mới 4 tháng nhưng đa phần các bé đều hiểu rằng những nụ hôn, hành động nựng nịu, vuốt ve, những câu nói ngọt ngào… của cha mẹ là thể hiện sự yêu thương và con sẽ có những phản ứng tích cực lại mỗi khi được cưng nựng.

Trí nhớ được cải thiện

Khả năng ghi nhớ và nhận biết của bé sẽ tốt hơn khi con được 4 tháng tuổi và con cũng sẽ phản ứng rõ rệt với đồ chơi yêu thích hay những người thân quen. Bé sẽ có những phản ứng cho biết con thích hay không thích một người nào đó, nhất là những người mà bé ít gặp. Nếu bạn đưa cho con nhiều món đồ chơi khác nhau, bé có thể chọn ra món đồ chơi yêu thích.

Biết thể hiện cảm xúc

Bé sẽ khóc, la khi không thấy bạn ở gần hoặc “biến mất” khỏi tầm nhìn của bé và ngừng khóc khi bạn xuất hiện. Ở thời điểm này, là một người mẹ, bạn có thể phân biệt được tiếng khóc đòi mẹ với tiếng khóc vì đói hay khó chịu.

Giữ vững đầu

Khi bạn bế bé, bé sẽ có thể giữ được đầu mà không cần bất kỳ sự hỗ trợ nào. Cơ cổ của trẻ 4 tháng đã khỏe hơn trước rất nhiều nhưng bạn vẫn phải chú ý đỡ đầu bé nếu bạn bế con lên khi bé đang ở tư thế nằm ngửa.

Sức mạnh cơ bắp phát triển hơn

Nếu được đặt nằm úp, bé sẽ cố gắng ngẩng đầu lên đồng thời chống tay xuống để đẩy phần thân trên lên. Phần cơ bắp phía trên cánh tay, cơ lưng và vai đang phát triển khỏe hơn giúp bé làm được điều này.

Có thể tự trở mình nằm ngửa khi được đặt nằm úp

Ở thời điểm hiện tại, bé đã có thể thực hiện một loạt các chuyển động theo ý thích như xoay ngang hoặc tự nằm ngửa nếu đang lật úp. Đây là một bước tiến lớn trong sự phát triển thể chất của trẻ. Con làm được điều này là do sức mạnh cơ bắp ở vùng vai và lưng ngày càng phát triển hơn trước.

Cười thành tiếng và biết mỉm cười

Khi được 4 tháng tuổi, con đã biết cười đáp lại và có một loạt động tác tay chân rất đáng yêu.

Hành vi của trẻ nhỏ 4 tháng tuổi

Trẻ 4 tháng có thể kết nối, tương tác với cha mẹ và những người thân trong gia đình. Bé đang dần học cách tin tưởng một người nào đó và hướng về người ấy khi cần.

Trong giai đoạn này, tốt nhất, bạn không nên cho bé tiếp xúc với ti vi, máy tính, iPad… vì những thiết bị này không có tính tương tác với trẻ. Thay vào đó, hãy khuyến khích mọi người trong gia đình tiếp xúc, trò chuyện với bé để kích thích sự phát triển của não bộ của con.

Các hoạt động giúp kích thích sự phát triển của trẻ

Để kích thích sự phát triển của bé, đồng thời tập cho con biết cách chơi một mình, bạn nên:

  1. Khi con nằm ngửa, hãy đặt một món đồ chơi mềm nhỏ lên ngực bé chẳng hạn như chú vịt nhựa hay quả bóng vải. Món đồ chơi này sẽ thu hút sự chú ý của bé trong một thời gian nhất định. Bạn nên ở gần quan sát xem phản ứng của bé ra sao và đặt đồ chơi trở lại ngực bé nếu nó bị rơi xuống.
  2. Khi để bé nằm chơi, bạn hãy cho bé đi những đôi vớ nhiều màu sắc hoặc đeo lục lạc vào chân con. Hãy gấp một chiếc khăn bông lại, kê dưới mông bé nhằm nâng cao mông và chân để con có thể nhìn thấy chân của mình và tóm lấy chúng một cách dễ dàng.
  3. Đọc sách cho bé nghe là cách đã được chứng minh giúp phát triển các kỹ năng nhận thức của trẻ. Hãy ưu tiên những cuốn sách dày, cứng, khó bị hư hỏng và có nhiều hình ảnh minh họa sinh động, màu sắc bắt mắt. Trong khi nghe đọc sách, bé có thể muốn chạm, cảm nhận hình ảnh trong sách, thậm chí nếm thử. Do đó, bạn nên để bé chạm vào sách và chỉ cho con các nhân vật.
  4. Khi thức, bé sẽ cử động tay chân liên tục. Do đó, hãy đặt đồ chơi xung quanh nhằm khuyến khích bé xoay mình theo các hướng khác nhau, kích thích kỹ năng vận động.
  5. Bóng là món đồ chơi mê hoặc với hầu hết các bé. Hãy làm cho bóng nảy, lăn tròn và nhẹ nhàng thảy bóng đập vào tường để giúp bé hiểu những gì mà con có thể làm khi chơi với một quả bóng.

Mách mẹ bí quyết chăm sóc bé 4 tháng tuổi

Hiện tại, em bé của bạn đã được 4 tháng tuổi và sẽ bắt đầu quơ tay, đá chân ra xung quanh. Do đó, bạn nên xem xét các yếu tố an toàn xung quanh con. Hãy loại bỏ bất kỳ món đồ sắc nhọn, đồ có thể rơi, vỡ ra xa nơi bé nằm, vệ sinh sạch sẽ không gian sinh hoạt cũng như đồ chơi của bé.

Cho ăn

Ở độ tuổi này, kỹ năng ngậm, mút của bé đã phát triển hoàn thiện, do đó, bất kỳ khó khăn liên quan đến việc bú mớm sẽ không còn.

Với trẻ 4 tháng tuổi thì nguồn dinh dưỡng thiết yếu đáp ứng sự phát triển của con vẫn là sữa mẹ hoặc sữa công thức. Bạn chỉ nên tập cho bé ăn dặm khi con đã được 6 tháng tuổi. Lúc này, hệ thống tiêu hóa của con đã hoạt động tốt hơn và nguy cơ dị ứng thực phẩm cũng giảm đi.

Ngoài ra, mẹ cũng không nên cho bé uống nước, trừ khi có sự chỉ định của bác sĩ. Việc cho trẻ nhỏ uống nước có thể gây hại cho con như: tăng nguy cơ nhiễm trùng, gây nhiễm độc nước…

Ngủ

Nếu thời gian ngủ của bé có chút thay đổi, hãy để con dần học cách thư giãn và tự ngủ một mình.  Giấc ngủ ban ngày của con sẽ ngắn lại, giấc ngủ ban đêm dài hơn, nhiều bé đã có thể ngủ xuyên đêm. Nếu đến cữ bú mà bé vẫn ngủ, bạn đừng đánh thức con dậy để cho ăn.

Ở giai đoạn này, một số bé có thể có những hành động phản đối khi đến giờ phải đi ngủ. Đây là một điều mới mẻ, đánh dấu sự phát triển nhận thức của trẻ nhưng bạn đừng đầu hàng trẻ và tiếp tục làm tất cả những gì bạn đã làm để trẻ ngủ. Bạn có thể nhờ chồng hoặc người thân trong gia đình cho bé đi ngủ nếu con vẫn tiếp tục “chống đối”.

Lời khuyên trong việc chăm sóc trẻ

Dưới đây là một vài lời khuyên cho các bậc cha mẹ sẽ giúp nâng cao kinh nghiệm nuôi dưỡng trẻ 4 tháng tuổi:

  • Cho bé ngồi trong lòng bạn và đặt cuốn sách bạn muốn đọc trước mặt con. Một cuốn sách có hình ảnh sinh động, màu sắc tươi sáng sẽ thu hút bé và kích thích tầm nhìn của trẻ.
  • Gọi tên cho mỗi món đồ chơi, đồ vật hay người mà bé nhìn thấy. Khi ai đó đến gần bé, hãy gọi tên người ấy hoặc khi cầm món đồ chơi đưa cho trẻ, hãy giới thiệu tên gọi của món đồ chơi. Đây là một cách tuyệt vời để dạy bé về tên gọi của một đối tượng cụ thể và từ mới.
  • Hãy nói chuyện với bé càng nhiều càng tốt. Theo cách này, bé sẽ học được một vài từ mặc dù có thể con không hiểu chúng. Những từ đơn giản như papa, mama rất dễ bắt chước nếu bạn sử dụng chúng thường xuyên trong cuộc trò chuyện hàng ngày với bé.
  • Khuyến khích bé lật và để con tiếp cận với các món đồ chơi. Điều này giúp con vận động, phát triển cơ vùng cổ và lưng. Đặt đồ chơi trong tầm nhìn của bé để con có thể theo dõi chúng bằng cách xoay cổ và đầu.
  • Để giúp bé kiểm soát tốt hơn các cử động, hãy cho bé thực hiện các hoạt động tự do di chuyển cánh tay và khớp khuỷu tay. Bạn nắm tay bé trong khi đọc một bài thơ hoặc hát một bài hát và lắc lư chúng theo nhịp điệu. Bạn cũng có thể làm điều này bằng cách cầm một đầu của món đồ chơi và để bé nắm lấy đầu kia.

Mỗi em bé là một cá thể duy nhất, có cấu trúc cơ thể và mức độ tăng trưởng khác nhau. Do đó, bạn đừng quá lo lắng nếu bé cưng đạt được các mốc quan trọng của trẻ tại thời điểm nhất định. Đặc biệt là với trẻ sinh non, con cần nhiều thời gian hơn để có thể phát triển đúng mốc. Hãy trao đổi với bác sĩ nhi khoa và hiểu về những gì mà bạn cần theo dõi thêm ở trẻ.