Trẻ 16 tháng tuổi: Mốc phát triển và nhu cầu dinh dưỡng


Bài học theo tháng tuổi

Chăm sóc bé


Sữa mẹ và sữa công thức


Ăn dặm


Sự phát triển tháng này

Trẻ 16 tháng tuổi là những thiên thần nhỏ đáng yêu. Bé ở độ tuổi này dần tập đi, bập bẹ và nhún nhảy theo điệu nhạc, hứng thú với màu sắc.

Bé 16 tháng tuổi biết làm gì?

Khi được 16 tháng tuổi, trẻ sẽ thích nghe bạn hát những vần điệu và bài hát dành cho trẻ ở tuổi mẫu giáo hoặc cố gắng hát theo bố mẹ bằng vốn từ ngữ ít ỏi của mình. Bé 16 tháng sẽ nói được khoảng 3 từ, nhiều bé thậm chí nói được đến 15-20 từ.

Bạn sẽ rất dễ đoán được sở thích của bé yêu vì trẻ nhỏ có xu hướng thích lặp đi lặp lại một vài hành động.

Mặc dù bố mẹ có thể ngạc nhiên về những điều bé 16 tháng tuổi làm được trong quãng thời gian này nhưng bé yêu sẽ không kiên nhẫn lắm đâu. Đôi khi, thiên thần nhỏ dễ dàng khóc quấy nếu chẳng hài lòng về vấn đề nào đó.

Cột mốc phát triển của bé 16 tháng tuổi

Một số đặc điểm đáng chú ý về sự phát triển ở trẻ 16 tháng tuổi:

  • Chập chững: Hầu hết trẻ 16 tháng tuổi đều tập đi khá thành thạo. Đây sẽ là tiền đề cho những cột mốc quan trọng tiếp thep như leo trèo, chạy, đi lùi, nhảy giậm chân theo nhạc.
  • Mọc răng: Ngay từ 16 tháng tuổi, răng nanh của bé có thể bắt đầu mọc ra rồi đấy.
  • Luyện con sử dụng bô: Mặc dù lúc này con vẫn sẽ chủ yếu cần đến tã nhưng bố mẹ vẫn có thể luyện cho bé sử dụng bô ngay từ sớm để con làm quen với việc ra hiệu cho người lớn biết mình cần đi vệ sinh hoặc biết ngồi trên bô, bồn cầu đúng cách.

Giấc ngủ của bé 16 tháng tuổi

Trẻ từ 1-2 tuổi cần ngủ từ 11-14 giờ mỗi ngày. Thông thường, các bé sẽ luôn ngủ trưa và đi ngủ sớm vào buổi tối để có thể phát triển một cách tốt nhất.

Dinh dưỡng cho trẻ 16 tháng tuổi

Trẻ 16 tuổi có thể được bố mẹ tập cho ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau, chẳng hạn như:

  • Trái cây: Trái cây không chỉ giúp cung cấp chất xơ mà còn mang đến lượng vitamin thiết yếu mà cơ thể bé yêu cần. Bạn hãy cho bé 16 tháng tuổi thử nhấm nháp một khẩu phần nhỏ các loại hoa quả như chuối, kiwi, xoài, dưa hấu… mỗi ngày nhằm xây dựng thói quen ăn trái cây của trẻ từ tấm bé nhé.
  • Ngũ cốc nguyên cám: Ngũ cốc nguyên cám vẫn là một thành phần thiết yếu trong việc xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh cho trẻ. Bạn có thể chế biến các món ăn thơm ngon như cháo, cơm nát, bánh mì, súp từ yến mạch, gạo, lúa mạch đen… và cho trẻ thưởng thức mỗi ngày.
  • Chất béo: Ngoài việc dự trữ năng lượng để phục vụ cho quá trình hoạt động của cơ thể, chất béo là yếu tố giúp trẻ 16 tháng tuổi khỏe mạnh và lớn hơn trong những tháng tới. Do đó, bạn cho bé hấp thụ những chất béo tốt như dầu ô liu, dầu dừa, quả bơ…
  • Rau củ quả: Để tăng thêm khẩu vị cho bé yêu cũng như tìm hiểu con thích ăn loại rau củ quả nào, bạn hãy thử cho con những món rau luộc hay hấp như khoai tây, súp lơ, cà rốt, bông cải xanh… đi kèm cùng nước sốt nhằm giúp con yêu cảm thấy ngon miệng hơn.
  • Trứng và thịt: Trứng và thịt đều là những thực phẩm giàu dưỡng chất và tốt nhất cho trẻ 16 tháng tuổi. Một quả trứng luộc kèm theo thịt băm, rau và cơm đã được tán mềm sẽ trở thành gợi ý khá thú vị cho bữa ăn của bé yêu đấy.
  • Sắt: Cơ thể bé yêu cần đến sắt để hỗ trợ tạo máu. Bạn hãy bổ sung sắt cho trẻ 16 tháng tuổi bằng các thực phẩm giàu chất sắt như gan, đậu gà, cà chua, thịt bò. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần phải kết hợp những món ăn trên với các thực phẩm giàu vitamin C, vì vitamin C cho phép cơ thể hấp thụ chất sắt tốt hơn.
  • Thực phẩm từ sữa: Bên cạnh các sản phẩm sữa bột, bé yêu nên bổ sung dinh dưỡng từ những thực phẩm có nguồn gốc từ sữa như phô mai, sữa chua, váng sữa…
  • Các loại hạt và cây họ đậu: Khi nói đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ 16 tháng tuổi, bố mẹ cũng đừng bỏ qua hạt và hạt từ cây họ đậu nhé bởi chúng chứa rất nhiều khoáng chất tốt cho sự phát triển của con yêu đấy. Bạn có thể thử nấu những món ngon từ đậu xanh, đậu đen, đậu Hà Lan, hạt óc chó…

Cuối cùng bố mẹ cần lưu ý trong chế độ dinh dưỡng cho bé 16 tháng tuổi là hãy cho bé ăn nhiều bữa trong ngày. Tuy nhiên, bạn không nên ép con ăn quá nhiều để tránh việc thiên thần nhỏ bị nôn trớ do dạ dày còn khá nhỏ cũng như không kịp tiêu hóa thức ăn.