Thai 23 tuần phát triển như thế nào? Thai 23 tuần nặng bao nhiêu? Một trong những niềm vui lớn nhất của mẹ bầu mang thai 23 tuần là cảm nhận rõ rệt những cú đá của thai nhi. Những cú đá ấy có an toàn không? Bé đã phát triển thêm những gì? Mẹ nên thai giáo thế nào để tốt nhất cho thai 23 tuần tuổi? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp tất cả.
Cân nặng thai nhi 23 tuần tuổi khoảng 565g và dài khoảng 30,6cm. Trong một vài tuần tới, thai nhi sẽ tăng cân đáng kể.
Thai 23 tuần là lúc mẹ và bé đang ở tháng thứ 6 của thai kỳ. Tháng thứ 6 chính là tháng cuối cùng của tam cá nguyệt thứ 2.
Tuy đã tăng cân khá nhiều nhưng thai nhi 23 tuần tuổi có làn da còn nhăn nheo. Nguyên nhân không chỉ do nước ối, mà còn do bé tăng cân chưa đủ và cần phải tiếp tục tăng cân ở các tuần tiếp theo cho đến khi chào đời.
Tuần này lỗ mũi của thai nhi đã thông. Đây là tiền đề giúp bé có thể thở ngay khi chào đời. Chất hoạt dịch đang bao phủ các túi phổi của thai, giúp chúng mở và giữ khí oxi sau khi sinh. Nhờ đó khi ra đời, bé có thể thở độc lập. Lúc này em bé trong bụng mẹ đã mọc lông tơ màu trắng, vàng nhạt trên lưng, vai, cánh tay, trán và má.
Ở tuần 23, những cú đạp của thai nhi chính là niềm vui cho mẹ. Ở tuần này, mẹ có thể cảm nhận được lực đá từ bé ngày càng mạnh mẽ và rõ rệt hơn. Điều này chính là dấu hiệu cho thấy bé đang phát triển khỏe mạnh và tương tác tốt với môi trường bên ngoài. Trong tuần này, những âm thanh đột ngột hoặc những buồn vui “lên xuống” của mẹ đều ảnh hưởng tới thai nhi. Và những cú đạp “thần sầu” chính là cách bé bộ lộ cảm xúc của mình.
Thai nhi tuần 23 có thể nằm theo tư thế ngồi mông, nghĩa là đầu bé hướng lên phía xương sườn của bạn và phần mông hướng xuống dưới. Hoặc em bé có thể nằm ngang, nằm một bên hoặc nằm nghiêng, nằm chéo trong tử cung của mẹ.
Thai 23 tuần tuổi đã gần như phát triển đầy đủ các chức năng để sống sót bên ngoài bụng mẹ. Nếu việc sinh non xảy ra trong tuần này, bé vẫn có thể sống sót nhờ sự chăm sóc của các chuyên gia y tế, nhưng có thể bị những khuyết tật với mức độ nhẹ đến nặng.
Thông thường con máy nhiều là an toàn và không đáng lo ngại như con máy ít các mẹ nhé. Đa số trường hợp con máy nhiều là do con nghịch, hoặc có thể do căng thẳng hoặc bị kích động. Mẹ có thể xoa dịu con bằng những bản nhạc dịu êm, cùng con tới nơi yên tĩnh, hoặc vuốt ve, trò chuyện với con một cách yêu thương.
Một số mẹ thắc mắc rằng con ít đạp có sao không. Con ít đạp có nhiều nguyên nhân như con ngủ, hoặc con đạp nhưng mẹ không để ý do đã quá quen với các cử động của con. Vì vậy nếu thấy con đạp ít thì mẹ nên theo dõi thêm, xem là con chỉ đạp ít lúc đó thôi hay cả buổi, cả ngày đều như vậy. Trong trường hợp thấy con đạp quá ít, hoặc đạp yếu đi, tốt nhất mẹ nên tới bác sĩ để kiểm tra cho an tâm nhé.
Khi mang thai 23 tuần, mẹ bầu cảm nhận rõ sự thay đổi xuất hiện trên khắp cơ thể như:
Một “biểu tượng” phổ biến của phụ nữ mang thai là sự xuất hiện của đường sọc nâu trên bụng chạy từ giữa gần dưới ngực đến phía trên vùng kín. Đường sọc nâu này có tên là “linea nigra”, do một loại hóoc-môn thai kỳ gây ra. Ở những sản phụ da sẫm màu, đường sọc nâu này thường rõ ràng hơn.
Ở tuần này, mẹ có thể thấy sự thay đổi sắc tố da xảy ra, đặc biệt quầng vú có màu nâu sậm, bên cạnh đó là sự xuất hiện của những vết tàn nhang và thậm chí là các vết nám trên mặt.
Trong khi đó, lòng bàn tay và chân của bà bầu tuần 23 có thể chuyển sang màu đỏ, da toàn thân dễ bị phát ban hơn và nhiều vết rạn trên khắp cơ thể có màu hồng hoặc tím. Tuy nhiên mẹ bầu có thể yên tâm vì tất cả những thay đổi này sẽ mờ dần trong vòng vài tháng sau sinh.
Thai nhi đang tăng trưởng nhanh chóng nên mẹ bầu thường xuyên cảm thấy đói. Mẹ nên dự trữ sẵn trái cây và một số thức ăn nhẹ lành mạnh để ăn khi đói, đồng thời nên uống nhiều nước hơn nhằm thúc đẩy hoạt động của các cơ quan trong cơ thể.
Ngáy là hiện tượng khá phổ biến ở mẹ bầu khi mang thai 23 tuần. Nguyên nhân là do việc tăng cân khi mang thai gây tắc nghẽn đường dẫn khí, nghẹt mũi, sưng niêm mạc mũi. Mẹ bầu có thể khắc phục bằng cách nằm nghiêng khi ngủ, nhỏ nước muối sinh lý, chèn gối ở lưng và bụng khi ngủ, kiểm soát cân nặng tốt hơn…
Do tác động của sự thay đổi hóoc-môn nên ở tuần 23, nướu của thai phụ có thể bị sưng. Mẹ bầu đôi khi sẽ thấy một chút máu trên bàn chải đánh răng hoặc cảm giác đau nhẹ răng lợi. Để giảm kích ứng cho nướu, mẹ cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ, súc miệng với nước muối và dùng chỉ nha khoa khi cần. Nếu hiện tượng chảy máu lợi trở nên trầm trọng, mẹ hãy tới gặp nha sĩ.
Tình trạng tăng cân khi mang thai có thể gây áp lực lên các dây thần kinh ở cổ tay, gây ra cảm giác đau và ngứa râm ran tương tự như ống cổ tay. Nếu bà bầu tuần 23 phải làm việc thường xuyên với máy tính, nên nghỉ ngơi thường xuyên và đảm bảo ngồi làm việc đúng tư thế: Cổ tay thẳng, cánh tay vuông góc, khuỷu tay cao hơn bàn tay.
Càng gần ngày sinh, mẹ bầu càng khó ngủ. Khi thai nhi đạt mốc 23 tuần, chứng đi tiểu thường xuyên, ợ nóng, đau mỏi lưng có thể là nguyên nhân gây gián đoạn giấc ngủ ban đêm. Mẹ bầu nên tắm nước ấm, thư giãn với một cuốn sách hoặc một bản nhạc nhẹ không lời để dễ đi vào giấc ngủ hơn.
Mẹ Phương Hằng Trần, mẹ của bé Cún Bông ở Hải Phòng hỏi là đến tuần 23 thì mẹ nên tăng bao nhiêu cân. Điều này sẽ phụ thuộc vào thể trạng và số cân từ trước khi mang thai mẹ nhé.
Với 1 mẹ có cân nặng bình thường, trong 9 tháng thai kỳ, mẹ nên tăng khoảng 10 - 12kg là tốt nhất. Ở tuần 23, tức là tháng thứ 6, mẹ có thể tăng 5 đến 6 cân. Nếu mẹ nào đang tăng ít quá hay nhiều quá thì các mẹ hãy điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện của mình; và khi đi khám thai hãy hỏi bác sĩ xem mình tăng cân như vậy đã hợp lý chưa và cần chú ý điều gì.
Thai 23 tuần đạp bụng dưới
Nhiều mẹ thắc mắc thai nhi tuần thứ 23 máy như thế nào. Con máy theo nhiều cách khác nhau, rất đa dạng mẹ nhé. Con có thể đá chân, huých vào thành bụng, cuộn tròn, nấc cụt, xoay người... Một số mẹ sẽ có cảm giác con hay đạp vào phần bụng dưới của mình. Tuy nhiên, tất cả đều là các cử động bình thường của con mẹ nhé.
Bà bầu tuần 23 cần nhận được 30mg sắt/ngày để sản xuất hồng cầu và giảm nguy cơ thiếu máu. Nếu mẹ bầu bổ sung thiếu sắt sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, yếu ớt, khó thở và chóng mặt. Bên cạnh đó bổ sung thiếu sắt còn làm tăng nguy cơ sinh non ở bà bầu. Do đó ở giai đoạn nửa sau thai kỳ, ngoài vitamin tổng hợp, bác sĩ sản khoa có thể kê thêm viên sắt bổ sung cho bà bầu.
Mẹ bầu nên tập thói quen nằm nghiêng bên trái, thay vì nằm ngửa. Ở tuần 23, bụng của bà bầu đã to và tử cung trĩu nặng có thể chèn ép các mạch máu quan trọng cung cấp oxi cho em bé. Nếu cảm thấy không thoải mái, mẹ bầu có thể dùng gối ôm được thiết kế dành riêng cho bà bầu.
Hãy tránh xa những món ăn không lành mạnh. Vi khuẩn hình que hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm có thể tìm thấy trong một số món ăn như phomai mềm, thịt đông lạnh, sữa chua tiệt trùng, pate, sushi và thịt sống. Mẹ bầu nên vệ sinh bếp và rửa tay sạch sau khi chế biến thịt sống.
Uống nước thường xuyên giúp máu lưu thông dễ dàng, “làm sạch” nước ối và thúc đẩy tiêu hóa ở bà bầu. Khi có thai 23 tuần, mẹ bầu nên bổ sung 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày. Ngoài nước lọc, mẹ cũng có thể bổ sung nước từ hoa quả, nước ép trái cây tươi, nước canh…
Từ khi khi mang thai tuần 23 trở đi, mẹ bầu cần chú trọng tới các biện pháp thư giãn phù hợp với cơ thể ở từng giai đoạn. Đó có thể là những bài tập thở hay những bộ môn thể dục dành cho bà bầu như đi bộ, yoga... Điều này sẽ giúp thai phụ có đầy đủ sức khỏe để chuẩn bị cho việc chuyển dạ sắp tới.
Năng lượng trung bình cần cho một phụ nữ là 2200kcal/ngày. Khi mang thai 23 tuần, năng lượng mẹ bầu cần tăng thêm mỗi ngày khoảng 300 – 350kcl. Điều đó có nghĩa tổng lượng calo mẹ cần khoảng 2500kcal/ngày.
Các chất dinh dưỡng chính cần được bổ sung thông qua thực phẩm là chất đạm giúp thai nhi xây dựng các cơ quan và phát triển toàn diện . Mẹ bầu nên ăn các thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, trứng, các loại đậu. Ngoài ra, chất béo, chất xơ… cũng rất cần thiết cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé trong giai đoạn này.
Canxi: Canxi giúp hình thành xương và răng cho thai nhi. Mẹ bầu cần bổ sung các thực phẩm chứa nhiều canxi như sữa, cua, cá, đậu... Khi mang thai 23 tuần, lượng canxi mẹ cần bổ sung là 1000mg/ngày
Axit folic: Phụ nữ có bầu cần lượng axit folic là 600 microgam/ngày. Axit folic có nhiều trong các loại rau có màu xanh đậm như: bắp cải, bông cải xanh và các thực phẩm khác như cam, chuối, trứng..
Vitamin A: Vitamin A giúp cho sự phát triển mắt, xương và nhiều cơ quan khác của thai nhi, đồng thời tăng sức đề kháng cho mẹ. Vitamin A có nhiều trong thực phẩm có nguồn gốc động vật như gan, lòng đỏ trứng gà, bơ, sữa, thịt, rau quả có màu vàng, đỏ...
Vitamin D: Vitamin D cần cho sự hấp thụ canxi của thai nhi. Việc không cung cấp đủ vitamin D khiến trẻ khi ra đời dễ bị loãng xương, co giật... Mẹ bầu có thể hấp thu vitamin D bằng cách tắm nắng vào buổi sáng hoặc ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin D như cá, thịt, bơ, bông cải…
Vitamin B1: Bổ sung Vitamin B1 trong quá trình mang bầu giúp mẹ phòng ngừa bệnh tê phù trong và sau quá trình mang thai. Vitamin B1 có trong gạo, hạt đậu, thịt heo…
I-ốt: I-ốt có vai trò quan trọng đối với phụ nữ mang bầu. Mẹ bầu thiếu I ốt có khả năng sinh non hoặc trẻ sinh ra bị chậm phát triển trí tuệ do tổn thương não, dễ bị khuyết tật bẩm sinh như liệt tay chân, điếc, nói ngọng... Thậm chí thiếu I-ốt trong thai kỳ còn làm tăng tăng nguy cơ tử vong chu sinh. Lượng I ốt cần ở bà bầu là 200 microgam/ngày. Một số thực phẩm giàu I ốt là cá biển, rong biển, muối ăn...
Thai 23 tuần là thời điểm tất cả các mẹ đều đã cảm nhận được rõ những cú đạp của thai nhi. Đây tiếp tục là thời điểm lý tưởng để mẹ thực hành thai giáo vận động cho bé yêu.
Thai 23 tuần tuổi đánh dấu một bước ngoặt đáng nhớ trong hành trình mang thai của mẹ. Điều tuyệt vời nhất là giờ đây bạn có thể cảm nhận được những chuyển động của em bé thật rõ ràng. Hy vọng những chia sẻ từ Mamibabi sẽ hữu ích cho mẹ bầu mang thai 23 tuần. Để tìm hiểu thêm những kiến thức mang thai và chăm sóc con tốt từ chuyên gia, mẹ hãy theo dõi Mamibabi thường xuyên nhé.
---
Mamibabi là app Thai giáo phong phú nhất trên thị trường với hơn 3000 hoạt động Thai giáo. Mamibabi được xây dựng, kế thừa và phát huy những kinh nghiệm thai giáo từ nhiều nền văn hóa phát triển trên thế giới như Nhật, Hàn Quốc, Anh, Mỹ... Các bài thai giáo trên Mamibabi đã được thiết kế chi tiết cho từng ngày mang thai, rất tiện lợi và không mất thời gian tìm hiểu. Tải Mamibabi miễn phí tại đây: http://onelink.to/jfhnzv