Đọc truyện thai giáo tháng thứ 9 là hình thức thai giáo ngôn ngữ, thai giáo cảm xúc, thai giáo tưởng tượng. Kể chuyện thai giáo tháng thứ 9 là cách rất hiệu quả để giúp bé làm quen với ngôn ngữ từ sớm, kích thích trí não phát triển.
Nhiều người coi trọng và kính nể vẻ đẹp thể chất. Tuy nhiên, hình thể bề ngoài không phải là vẻ đẹp thực sự!
Một ngày nọ, tại một nơi rất đông người, có một thanh niên đứng hét to trước đám đông.
“Mọi người hãy xem này. Tôi có trái tim đẹp nhất thế giới”.
Đám đông quay nhìn chàng thanh niên và rất ngạc nhiên khi thấy trái tim của anh thật đẹp với hình dạng hoàn hảo, không một chút tỳ vết, trông thật tuyệt vời. Hầu hết những người nhìn thấy trái tim của chàng thanh niên đều mê mệt với vẻ đẹp của trái tim và khen ngợi anh ta.
Bỗng nhiên, có một ông lão tiến lên và thách thức chàng thanh niên, “Không phải vậy cậu nhỏ, ta mới có trái tim đẹp nhất thế giới!”
Chàng thanh niên hỏi, “Vậy ông cho con xem trái tim của ông!”
Ông lão cho anh ta xem trái tim của ông. Trái tim rất thô, bề mặt lồi lõm, và có những vết thẹo cùng khắp. Ngoài ra, trái tim cũng không mang hình dạng một trái tim lành lạnh, như vẻ có nhiều mảnh khác màu ghép lại với nhau. Có những góc cạnh thô kệch và một phần của trái tim được lắp vá bằng những miếng nhỏ.
Trái tim của ông lão đơn giản chỉ là nhiều mảng tim ghép lại để tạo thành trái tim.
Chàng thanh niên bật cười trước trái tim của ông lão, “Cụ ơi, cụ có khùng không? Cụ hãy xem trái tim của con này! Thật là xinh đẹp và hoàn hảo. Cụ không thể tìm thấy ngay cả một chút tỳ vết nào. Cụ hãy xem trái tim của cụ kìa. Nó có đầy các vết thẹo, vết thương và lỗ hổng. Làm sao cụ có thể nói trái tim của cụ đẹp được?”
“Cậu trẻ à, trái tim của tôi cũng đẹp như trái tim của cậu. Cậu có nhìn thấy những vết thẹo không? Mỗi vết tượng trưng cho tình yêu mà tôi đã chia sẻ với người khác. Tôi chia một phần trái tim cho người khác khi tôi chia sẻ tình yêu và ngược lại tôi nhận lại được một phần trái tim, mà tôi dùng để vá lại những nơi bị trống!” Ông lão nói.
Chàng thanh niên nghe thế liền giật mình.
Ông lão tiếp tục nói, “Bởi vì các mảng tim mà tôi cho đi và nhận được không đồng đều, cũng như không có cùng hình dạng hoặc kích thước, nên trái tim của tôi đầy góc cạnh lồi lõm và các mảng vá lỗ chỗ”.
“Trái tim của tôi không cân đối bởi vì đôi khi tình yêu tôi cho đi không được trả lại. Như vậy, cậu thấy vẻ đẹp thực sự ở đâu? Trái tim của cậu trông như mới và căng tròn với không một vết thẹo là điều cho thấy cậu chưa bao giờ chia sẻ tình yêu với ai. Phải không?”
Chàng thanh niên đứng lặng người và không nói được lời nào. Nước mắt lăn dài trên má. Anh bước đến gần ông lão, xé một mẩu tim của mình và đưa cho ông lão.
Bài học luân lý: Nhiều người coi trọng và kính nể vẻ đẹp thể chất. Tuy nhiên, hình thể bề ngoài không phải là vẻ đẹp thực sự!
Nếu chúng ta không muốn trải qua bất kỳ khó khăn nào, chúng ta sẽ không thể bay được!
Một ngày nọ, một người đàn ông tìm thấy một cái kén bướm. Ông là người yêu thích và mê say màu sắc rực rỡ của bướm. Ông thường dành ra nhiều giờ để quan sát bướm. Ông hiểu bướm phải vật lộn khó khăn thế nào để biến đổi từ con sâu xấu xí thành con bướm đẹp.
Ông thấy một cái lỗ nhỏ trong cái kén. Dấu hiệu này có nghĩa là con bướm đang cố gắng chui ra khỏi kén để ra ngoài. Ông quyết định ngồi chờ xem con bướm chui ra khỏi kén như thế nào. Ông thấy bướm đang gắng sức phá vỡ lớp vỏ. Sau hơn 10 tiếng đồng hồ ngồi xem, ông thấy bướm có vẻ như đã tận lực nhưng vẫn không chui qua được lỗ nhỏ.
Người đàn ông đam mê và yêu thích bướm đành quyết định giúp con bướm. Ông lấy một cái kéo và cắt lỗ nhỏ của kén lớn hơn để bướm có thể chui ra dễ dàng.
Rủi thay, con bướm hiện ra không còn đẹp nữa. Thân hình nó phồng lên với đôi cánh nhỏ xíu và khô héo.
Người đàn ông cảm thấy hài lòng vì đã giúp cho con bướm chui ra khỏi kén để nó khỏi phải khổ công tự làm. Ông tiếp tục ngồi nhìn con bướm và háo hức chờ xem con bướm bay lên với đôi cánh đẹp.
Ông nghĩ rằng trong chốc lát con bướm sẽ mở rộng cánh, thu gọn thân hình lại và đôi cánh đủ sức nhấc bổng cơ thể. Thật không may, cánh của bướm không mở hoặc lớn hơn và thân thể cũng không nhỏ đi.
Thay vào đó, con bướm chỉ bò vòng quanh với đôi cánh héo hắt và thân thể to lớn. Nó không bao giờ có thể bay được.
Mặc dù người đàn ông làm việc này với ý tốt, nhưng con bướm chỉ trở nên xinh đẹp khi nó phải trải qua những nỗi khó nhọc! Những cố gắng liên tục của bướm để chui ra khỏi kén sẽ làm cho các chất lỏng chứa trong cơ thể chuyển đổi thành đôi cánh. Vì thế, thân thể sẽ trở nên càng lúc càng nhỏ và đôi cánh trở nên càng lúc càng đẹp và lớn hơn.
Nếu chúng ta không muốn trải qua bất kỳ khó khăn nào, chúng ta sẽ không thể bay được!
Hãy bắt đầu thay đổi chính mình nếu bạn muốn thay đổi thế giới chung quanh bạn.
Ngày xưa, có một vương quốc mà người dân sống hạnh phúc dưới sự cai quản của một ông vua. Người dân của vương quốc rất mãn nguyện vì họ có cuộc sống sung túc và không có điều gì bất hạnh xảy ra.
Một hôm, nhà vua quyết định làm một chuyến du hành thăm những trung tâm hành hương mang tính lịch sử quan trọng. Ông muốn cuốc bộ để có thể tiếp xúc và đi cùng với người dân. Người dân ở những nơi xa xôi rất vui được có dịp trò chuyện với nhà vua và họ cảm thấy hãnh diện khi biết được vua của họ là một người rất tốt bụng và tử tế!
Sau vài tuần, nhà vua trở về cung điện. Ông khá hài lòng sau khi đã đến thăm nhiều trung tâm hành hương và có thể nhìn thấy thần dân của ông có một cuộc sống thoải mái. Tuy nhiên, ông vẫn có một điều không vừa ý.
Chân của ông đã bị sưng lên và đau nhói do đây là chuyến đi bộ đường xa đầu tiên của ông. Ông than phiền với các vị quan trong triều rằng đường xá không bằng phẳng và có nhiều đá sỏi. Ông đã không thể chịu nổi cơn đau nhức khi bước đi trên những con đường gập ghềnh đó.
Ông lo lắng cho người dân phải lội bộ hằng ngày trên những con đường này vì họ cũng đau đớn như ông!
Ông liền ra lệnh, ngay lập tức, dùng da bò phủ hết các con đường trên khắp nước để người dân đi bộ được êm chân.
Nhà vua nghĩ rằng ông làm điều này cho hạnh phúc của người dân.
Các quan trong triều rất ngạc nhiên khi nghe được lệnh này vì nó sẽ hủy hoại hàng ngàn con bò mới có đủ số lượng da và sẽ phải trả một số tiền rất lớn.
Lúc đó có một ông quan khôn ngoan tới trình với nhà vua rằng ông có một ý kiến khác.
Nhà vua hỏi ý kiến khác của ông quan là gì. Vị quan trả lời, “Tại sao nhà vua muốn giết những con bò linh thiêng để lấy da phủ các con đường? Thay vì như vậy, nhà vua chỉ cần một mảnh da bò được may để bọc bàn chân của nhà vua”.
Nhà vua chợt hiểu ra và hoan nghênh đề nghị của vị quan. Nhà vua liền ra lệnh làm một đôi giày da cho ông và yêu cầu thần dân của ông mang giày.
Nhiều người trong chúng ta chỉ biết chê trách thế giới này. Chúng ta nguyền rủa và đổ lỗi cho mọi thứ xung quanh chúng ta và không bao giờ hiểu được rằng chính chúng ta mới cần phải thay đổi. Thay đổi là chuyện không thể tránh khỏi trên đời này, và thay đổi nên bắt nguồn từ chính chúng ta. Chúng ta không thể hoặc không nên ép buộc người khác thay đổi.
Chúng ta có thể có hàng tấn của cải, nhưng điều đó không làm cho chúng ta trở nên rộng lượng. Cho đi khi chúng ta không có gì hoặc có rất ít của cải sẽ đáng quý hơn.
Mahatma Gandhi làm một cuộc hành trình đến nhiều thành phố và làng mạc để quyên góp tiền bạc cho chiến dịch dệt vải. Ông đi qua nhiều cung điện và sau đó tới vùng Orissa. Tại đây, ông tổ chức một buổi tập họp.
Ông diễn thuyết và kêu gọi đóng góp cho quỹ dệt vải. Sau bài phát biểu, một người đàn bà lớn tuổi lưng còng, quần áo tơi tả, tóc bạc, da khô và nhăn nheo, đứng dậy. Bà tìm cách bước lên khán đài và yêu cầu các tình nguyện viên cho phép bà đến gần ông Gandhi. Các tình nguyện viên chặn bà lại, nhưng bà đẩy họ ra và tiến tới gần ông Gandhi.
Bà chạm tay vào bàn chân của ông Gandhi. Sau đó, bà lấy ra một đồng bạc được cất giữ cẩn thận trong túi áo trong và đặt đồng bạc dưới chân ông. Sau đó bà lão rời sân khấu.
Ông Gandhi cẩn thận cầm lấy đồng bạc và cất đi. Người thủ quỹ hỏi ông Gandhi về đồng bạc, nhưng ông từ chối đưa ra.
Người thủ quỹ nói: “Tôi đang giữ nhiều ngân phiếu trị giá hàng ngàn đồng cho quỹ dệt vải, nhưng ông lại không tin tưởng tôi với một đồng tiền xu”.
Ông Gandhi trả lời: “Đồng tiền này có giá trị hơn nhiều so với tiền ngàn đó. Nếu một người có tiền vạn và ông ta chỉ cho đi một hoặc hai ngàn, điều đó không có ý nghĩa nhiều”.
Đúng vậy, đồng tiền này là thứ duy nhất mà người đàn bà lớn tuổi có được. Bà ta ngay cả còn không có quần áo lành lăn và dường như bà cũng không đủ ăn, nhưng bà ta đã cho đi tất cả mọi thứ bà có. Đồng bạc là món đóng góp lớn chưa từng thấy. Đó là lý do tại sao ông Gandhi cất giữ đồng bạc như vật báu.
Chúng ta có thể có hàng tấn của cải, nhưng điều đó không làm cho chúng ta trở nên rộng lượng. Cho đi khi chúng ta không có gì hoặc có rất ít của cải sẽ đáng quý hơn.
Tiền bạc không thể mua được mọi thứ!
Rama có một gia đình lớn. Anh là một công nhân chăm chỉ và trụ cột duy nhất của gia đình. Anh có ba người con, hai con trai và một con gái. Anh có cha mẹ ở chung nhà. Rama làm việc rất cực nhọc để nuôi sống gia đình.
Anh làm việc hơn 16 tiếng một ngày. Các con của anh không thấy mặt anh vì anh rời nhà vào sáng sớm trước khi chúng ngủ dậy và về nhà vào khoảng nửa đêm khi chúng đã đi ngủ. Cả gia đình trông đợi có thời gian với anh và những đứa bé nhớ anh rất nhiều.
Chúng mong muốn ba của chúng ở nhà với chúng vào ngày Chủ nhật. Nhưng rủi thay, để có đủ cho chi tiêu ngày càng tăng của gia đình và chi phí giáo dục cho các con, Rama đã phải làm việc thêm cả hai ngày cuối tuần. Các con rất thất vọng và ngay cả vợ và cha mẹ của anh cũng vậy!
Thói quen làm việc không nghỉ tiếp tục kéo dài và lại một năm trôi qua. Công sức khó nhọc của Rama đã mang lại cho anh rất nhiều lợi ích và anh được thăng chức cùng với đồng lương tăng theo.
Gia đình anh đổi sang nhà mới, có quần áo tốt hơn và ăn uống ngon lành hơn. Tuy nhiên, như thường lệ, Rama vẫn tiếp tục kiếm được nhiều và nhiều tiền hơn nữa. Đến một ngày, vợ anh hỏi, “Tại sao anh chạy theo tiền bạc? Chúng ta có thể sống hạnh phúc với những gì chúng ta hiện có”.
Rama trả lời, “Anh muốn chu cấp cho em và các con những thứ tốt nhất trên đời và muốn mọi người được hạnh phúc”.
Hai năm trôi qua và Rama hầu như không có thời gian với gia đình của anh. Các con anh khao khát có cha ở nhà. Trong khi đó, công sức của Rama đã mang về cho anh ta một tài sản lớn. Anh được có phần hùn và chia sẻ lợi nhuận. Anh tiếp tục kiếm được nhiều tiền hơn nữa.
Giờ đây, gia đình Rama là một trong những gia đình giàu có nhất trong thành phố, với tất cả các tiện nghi và sư xa hoa. Tuy nhiên, các con của Rama vẫn mong mỏi được gặp cha của chúng vì cha chúng hầu như không thấy ở nhà.
Các con của anh tới tuổi thiếu niên. Bây giờ chúng không còn là trẻ nít nữa. Rama cũng giàu có thêm. Anh đã kiếm đủ tiền để trợ cấp một cuộc sống sang trọng cho năm thế hệ tiếp theo của anh.
Một hôm, gia đình Rama đi nghỉ hè ở một căn nhà bờ biển của họ. Con gái anh hỏi, “Xin ba vui lòng dành một ngày với chúng con ở đây.”
Rama trả lời, “Được, con yêu, nhưng để ngày mai, ba sẽ cùng các con ăn trưa và sẽ ở lại với tất cả mọi người trong vài ngày tới. Ba đã chán công việc và cần phải nghỉ ngơi”.
Cả gia đình rất vui.
Thật không may, ngày hôm sau, không ai trong gia đình của Rama sống sót vì họ bị cơn sóng thần bất ngờ cuốn đi!
Rama quá bận rộn đến nỗi không nghe tin tức về sóng thần. Khi anh tìm cách đi đến căn nhà bãi biển, anh chỉ thấy biển và nước mênh mông. Anh la lên gọi tên mọi người trong gia đình. Anh đã không thể tìm thấy thi thể của một người nào trong gia đình anh.
Anh sẽ không bao giờ kiếm lại họ được, không thể nhìn thấy họ và thậm chí tốn hàng triệu bạc, anh cũng không thể mang họ trở lại với cuộc sống!
Anh bỗng nhớ lại những lời nói của vợ, “Tại sao anh chạy theo đồng tiền? Chúng ta có thể hạnh phúc với những gì chúng ta hiện có”.
Tiền bạc không thể mua được mọi thứ!
Rất cám ơn những gì ba bạn đã dạy chúng tôi. Chúng tôi sẽ không bao giờ bị đói, bây giờ chúng tôi đã biết làm thế nào để nấu món súp từ đá
Có ba người lính lê bước trên đường ở một vùng đất xa lạ. Họ trên đường trở về từ cuộc chiến. Bên cạnh sự mệt mỏi, họ còn đói bụng. Họ chưa ăn gì trong hai ngày qua.
Người lính thứ nhất nói, “Ước gì có một bữa ăn tối ngon lành”.
Người lính thứ hai nói, “Và một cái giường để ngủ”.
Người thứ ba nói, “Tất cả đều không thể có. Chúng ta phải tiếp tục bước đi”.
Họ tiếp tục bước đi. Đột nhiên ở phía trước, họ thấy ánh sáng phát ra từ một ngôi làng.
Người lính thứ nhất nói, “Có thể chúng ta sẽ kiếm được một ít thức ăn ở đó”.
Người lính thứ hai nói, “Và một căn gác để ngủ”.
Người lính thứ ba nói, “Vậy thử hỏi xem cũng không mất mát gì”.
Trong khi đó, người dân làng ở đây có tật sợ kẻ lạ. Khi biết được ba người lính đang trên đường tới làng, họ nói với nhau.
“Có ba người lính sắp đến đây. Lính thì lúc nào cũng đói bụng mà chúng ta chỉ có đủ cho chính mình”. Rồi họ vội vã giấu thức ăn đi.
Họ giấu những bao lúa mạch dưới đống rơm trong nhà kho. Họ thả những xô sữa xuống giếng khô.
Họ trải những cái mền cũ lên trên thùng cà rốt. Họ giấu bắp cải và khoai tây dưới gầm giường. Họ treo thịt xuống dưới hầm.
Họ giấu đi tất cả mọi thứ có thể ăn được. Sau đó, họ chờ.
Đầu tiên, mấy người lính dừng lại trước nhà của Paul và Francoise.
Họ nói: “Chào ông bà, ông bà có thể chia sẻ một chút thức ăn cho ba người lính đói bụng này không?”
Paul trả lời: “Chúng tôi đã không có thức ăn cho chính mình ba ngày rồi”. Francoise làm ra vẻ buồn khổ nói: “Mùa gặt vừa qua thật là tệ!”
Ba người lính đi qua nhà của Albert và Louise.
“Ông bà có thể giúp cho chúng tôi một ít thức ăn và một góc nhà nào đó để ngủ qua đêm được không?”
Albert nói: “Ồ tiếc quá! Chúng tôi đã đưa tất cả thức ăn cho những người lính tới đây trước các ông rồi”.
Louise nói: “Chúng tôi không còn giường trống”.
Tới nhà của Vincent và Marie cũng có câu trả lời tương tự. Mùa gặt hái kém và mọi hột thóc còn lại phải để dành làm giống cho mùa sang năm.
Cứ như thế, ba người lính đi tới từng nhà trong làng. Không nhà nào có thức ăn dư. Họ đều có lý do chính đáng. Gia đình này đông người không có đủ thức ăn. Gia đình kia có cha mẹ già phải chăm sóc. Tất cả đều có quá nhiều miệng để nuôi.
Dân làng ra đứng trước cửa nhà thở dài. Họ làm ra vẻ rất đói bụng.
Ba người lính bàn tính với nhau.
Sau đó, người lính đầu tiên nói lớn, “Hỡi những người tốt lành!” Những người nông dân nghe gọi bèn kéo đến xem chuyện gì sẽ xảy ra.
“Chúng tôi là ba người lính đói bụng trên một vùng đất xa lạ. Chúng tôi đã đi xin thức ăn nhưng các người không có thức ăn. Vậy thì, chúng tôi sẽ phải nấu món súp đá”.
Những người nông dân trố mắt nhìn.
Súp đá? Thật là điều nên biết.
Những người lính nói: “Trước hết, chúng tôi cần một cái nồi lớn”.
Dân làng mang tới một cái nồi lớn nhất họ có. Làm cách nào để nấu cho đầy nồi này?
Mấy người lính nói: “Không lớn quá đâu! Vừa đủ. Bây giờ xin cho chúng tôi nước và ít củi để đun sôi”.
Dân làng lập tức dựng một cái bếp lớn trên khoảng đất rộng rãi giữa làng. Họ cùng nhau múc nước đổ đầy nồi, nhóm lửa và chờ nồi nước sôi lên.
“Và bây giờ, nếu có thể, các bạn vui lòng cho chúng tôi xin ba viên đá tròn và nhẵn nhụi”.
Cũng dễ tìm thôi!
Dân làng trố mắt nhìn xem các ông lính thả ba viên đá vào nồi.
Các ông lính chậm rãi khuấy nồi súp nói: “Súp nào cũng cần phải có muối và tiêu”.
Mấy đứa trẻ chạy đi lấy muối và tiêu.
“Những hòn đá như thế này thường nấu súp rất ngon. Nhưng mà, nếu có thêm cà rốt thì sẽ ngon hơn nhiều”.
Francoise nói, “Thế sao? Tôi nghĩ tôi có một hoặc hai củ cà rốt”. Và cô liền chạy đi.
Cô trở lại với một ôm tay cà rốt lấy từ cái thùng bên dưới tấm mền đỏ.
“Một món súp đá ngon nên có bắp cải,” các ông lính nói trong lúc cắt cà rốt bỏ vào nồi.
“Nhưng thôi, các bạn có đâu mà hỏi”.
“Tôi nghĩ tôi có thể tìm được bắp cải ở đâu đó,” Marie nói và vội vã chạy về nhà. Sau đó cô trở lại với ba cây bắp cải lấy từ gầm giường.
“Nếu chúng ta có một chút thịt bò và vài củ khoai tây thì súp này sẽ không thua những món súp ngon của người giàu có”.
Mấy người nông dân suy nghĩ một lát. Họ nhớ có khoai tây và thịt bò treo trong hầm. Họ liền chạy đi lấy.
Súp của người giàu – và tất cả chỉ từ vài viên đá. Thật là kỳ diệu!
“À”, mấy ông lính thở dài trong lúc bỏ thịt bò và khoai tây vào nồi, “nếu chúng ta có một ít lúa mạch và một ly sữa! Súp này sẽ tương xứng với súp của nhà vua. Thật vậy, nhà vua đã yêu cầu một món súp như thế trong lần cuối cùng chúng tôi ăn tối với ông”.
Các người nông dân nhìn nhau. Có thật mấy ông lính này đã được nhà vua tiếp đãi!
Các ông lính thở dài: “Có muốn cũng không được vì các ông không có”.
Những người nông dân đi lấy lúa mạch giấu trên gác xép và kéo sữa dưới giếng lên. Họ mang tới cho các ông lính.
Các ông lính bỏ lúa mạch và sữa vào nồi nước đang sôi trong khi những người nông dân chăm chú nhìn.
Cuối cùng súp đã chín.
Các ông lính nói: “Tất cả mọi người hãy nếm thử. Nhưng trước hết, hãy dọn bàn ra”.
Những cái bàn lớn được dọn ra sân làng và có đuốc thắp sáng chung quanh.
Súp thật thơm! Rất đáng được xếp hạng súp của vua.
Sau đó các người nông dân tự hỏi, “Súp hấp dẫn thế này chắc cần có bánh mì và một chút giấm táo?” Chẳng bao lâu tin tức về bữa tiệc được truyền đi và tất cả mọi người ngồi vào ăn.
Chưa bao giờ có được một bữa tiệc như thế này. Chưa bao giờ người dân làng được nếm thử món súp ngon như vậy. Và thật kỳ diệu, được nấu từ đá!
Họ ăn và uống rượu. Sau đó, họ nhảy múa và ca hát tới khuya.
Cuối cùng, tất cả đều mệt mỏi. Sau đó, ba người lính hỏi: “Có căn gác nào cho chúng tôi ngủ qua đêm không?”
“Để cho ba vị khôn ngoan và tuyệt vời này ngủ trong căn gác nhỏ hẹp à? Đúng ra, họ phải có giường tốt nhất trong làng”.
Sau đó, người lính đầu tiên ngủ trong nhà một ông cha.
Ông thứ hai ngủ trong nhà chủ tiệm bánh mì.
Và ông thứ ba ngủ trong nhà ông thị trưởng.
Sáng ra, cả làng tụ tập ở sân làng để từ biệt ba ông lính.
Các người nông dân nói với ba ông lính, “Rất cám ơn những gì ba bạn đã dạy chúng tôi.
Chúng tôi sẽ không bao giờ bị đói, bây giờ chúng tôi đã biết làm thế nào để nấu món súp từ đá”.
“Ừ, tất cả chỉ là biết làm thế nào”, những người lính nói và cất bước lên đường.
Cá sấu đã hiểu ra lỗi lầm của mình và mất đi một người bạn tốt.
Có một cái hồ rất lớn và xinh đẹp với cây cỏ tươi mát bao quanh. Bên bờ hồ có những hàng cây mận ngọt ngào cao vút. Trên những cây mận này là nhà của một con khỉ.
Dưới hồ cũng có một vài con cá sấu. Có một con cá sấu thường đi nhặt những trái mận chín rơi xuống hồ.
Do cá sấu ghé thăm các cây mận mỗi ngày, nó trở thành bạn với khỉ. Cá sấu và khỉ gặp nhau mỗi ngày. Khỉ giúp cá sấu bằng cách hái mận chín thả xuống hồ. Tình bạn giữa khỉ và cá sấu ngày càng trở nên thân thiết hơn.
Một ngày nọ, khỉ bảo cá sấu mang những trái mận chín ngọt về cho vợ và gia đình. Cá sấu nghe lời và mang về cho vợ rất nhiều mận ngọt.
Vợ cá sấu rất vui mừng và ngạc nhiên vì chưa bao giờ được ăn thứ trái cây ngon như vậy. Vợ cá sấu hỏi chồng đã tìm được những trái cây này ở đâu. Con cá sấu nói do một người bạn, là con khỉ sống trên cây mận, tặng cho.
Vợ cá sấu liền nảy ra một mưu kế trong đầu. Bà hỏi chồng: “Có phải bạn của ông ăn trái cây này mỗi ngày không?” Cá sấu trả lời: “Đúng thế”. Bà nói thêm, “Ôi trời! Đây là trái cây ngọt nhất trong những trái cây mà chúng ta từng ăn. Hãy thử nghĩ trái tim của con khỉ sẽ ngon thế nào khi nó ăn trái cây này mỗi ngày! Tôi muốn trái tim người bạn của ông. Ông có thể mang về cho tôi được không?”
Cá sấu bị bất ngờ khi nghe vợ nói thế. Ông trả lời, “Nhưng khỉ là bạn thân của tôi. Tôi không thể làm điều này với anh ấy”.
Vợ cá sấu nói với ông, “Đừng lo. Ông chỉ cần đưa khỉ về đây. Sau đó tôi sẽ lo mọi chuyện! Hoặc ông có thể tìm cách đẩy khỉ xuống nước!”
Sau một hồi nói chuyện qua lại, cá sấu đồng ý mang khỉ về cho vợ.
Ngay ngày hôm sau, cá sấu mời khỉ đến ăn trưa với gia đình và hỏi món ăn khỉ ưa thích. Khỉ vui vẻ nhận lời nhưng lo lắng vì không biết bơi.
Cá sấu suy nghĩ về nỗi lo lắng của khỉ một lúc rồi nói với anh ta: “Đừng lo. Tôi sẽ cõng bạn trên lưng và sẽ đưa bạn trở về an toàn!”
Khỉ chấp nhận. Cá sấu liền cõng khỉ trên lưng đi về nhà. Khi họ đi được nửa đường, cá sấu cố gắng đẩy khỉ xuống nước. Tuy nhiên, khỉ đã ôm chặt cá sấu. Khỉ trở nên nghi ngờ hành động của cá sấu và bắt cá sấu nói ra sự thật.
Bởi vì cá sấu tin khỉ là bạn tốt, nó liền kể hết về cuộc nói chuyện với vợ và muốn mang khỉ về để lấy trái tim của khỉ.
Con khỉ thông minh nói: “Ồ bạn thân của tôi, đáng lẽ bạn nên nói với tôi sớm hơn. Tôi đã để quên trái tim ở trên cành cây vì tôi không muốn đem nó đi đường xa. Nếu bạn đưa tôi trở lại, tôi sẽ lấy trái tim đưa cho bạn”.
Cá sấu bằng lòng và cõng khỉ trở lại hồ. Khi cả hai tới cái cây là nơi khỉ sống, khỉ liền nhanh chóng leo lên cây và thoát khỏi cá sấu.
Khỉ ở trên cây hét lớn xuống cá sấu dưới hồ, “Tôi nghĩ anh là một người bạn tốt, nhưng anh đã lừa dối tôi. Tôi sẽ không bao giờ trở lại và không bao giờ làm bạn với anh”.
Cá sấu liền hiểu ra lỗi lầm của mình và mất đi một người bạn tốt.
Gieo nhân nào gặt quả nấy. Bất kể tình cảnh giữa bạn và cha mẹ thế nào, bạn sẽ buồn nhớ khi họ lìa khỏi cõi đời. Vậy hãy luôn kính trọng, quan tâm và yêu mến cha mẹ bạn.
Một ông già ốm yếu phải dọn đến ở với con trai, con dâu, và cháu trai bốn tuổi. Ông đã yếu: hai tay run rẩy, mắt mờ và chân bước không vững. Cả gia đình thường ăn cơm chung với nhau mỗi ngày. Nhưng đôi tay run rẩy và mắt kém của ông làm cho việc ăn uống khó khăn. Những hạt cơm thường văng vãi rơi xuống sàn nhà. Khi ông với tay lấy ly sữa thì sữa đổ tung tóe ra bàn.
Người con trai và con dâu rất bực mình với cảnh tượng này. Người con trai nói với vợ, “Chúng ta phải làm một cái gì đó với ba. Anh không thể chịu nổi việc đổ sữa, ăn uống ngồm ngoàm, và thức ăn rơi ra nhà như vậy”. Sau đó, cặp vợ chồng đặt một cái bàn nhỏ khác trong góc phòng. Tại đây, ông nội ngồi ăn một mình, tách biệt với phần còn lại của gia đình trong các bữa cơm tối. Ông nội vẫn tiếp tục làm bể chén dĩa nên sau đó chén dĩa dành cho ông được thay thế bằng chén gỗ! Khi ngồi ăn một mình, thỉnh thoảng ông tủi thân nhỏ những giọt nước mắt. Tuy nhiên, hai vợ chồng người con trai chẳng để tâm mà vẫn la rầy khi ông đánh rơi đũa hay làm đổ thức ăn.
Thằng bé bốn tuổi luôn quan sát mọi sự trong im lặng.
Vào một buổi tối nọ trước bữa ăn, người cha thấy đứa con đang chơi với mấy miếng gỗ vụn trên sàn nhà. Anh ta dịu dàng hỏi đứa bé, “Con đang làm gì đấy?” Cậu bé cũng nhẹ nhàng trả lời: “Ồ, con đang làm một cái chén nhỏ cho ba và mẹ để ba mẹ ăn khi về già.” Rồi cậu bé vui cười tiếp tục công việc.
Những lời nói đó làm cho cặp vợ chồng ngỡ ngàng không nói nên lời. Họ liền cảm thấy hối hận vì những hành động họ đã làm đối với ông nội.
Ngay buổi tối hôm đó, người chồng cầm lấy tay ông nội và cẩn thận đưa ông trở lại bàn ăn chung. Từ đó, ông không còn phải ngồi ăn riêng nữa, và vợ chồng người con trai dường như không còn quan tâm đến chuyện đũa rơi, sữa đổ hay cơm rớt ra nhà nữa.
Bài học luân lý: Gieo nhân nào gặt quả nấy. Bất kể tình cảnh giữa bạn và cha mẹ thế nào, bạn sẽ buồn nhớ khi họ lìa khỏi cõi đời. Vậy hãy luôn kính trọng, quan tâm và yêu mến cha mẹ bạn.