Mamibabi chia sẻ kinh nghiệm thai giáo từ năm 1943 của GS.TS Trần Văn Khê, một phương pháp thai giáo đơn giản mà siêu hiệu quả dù thời gian đó chưa hề có sách vở hay tài liệu gì về thai giáo
GS.TS Trần Văn Khê là một nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền nổi tiếng ở Việt Nam. Ông là tiến sĩ ngành âm nhạc học người Việt Nam đầu tiên tại Pháp và từng là giáo sư tại Đại học Sorbonne, Pháp, thành viên danh dự Hội đồng Âm nhạc Quốc tế, UNESCO.
Khi có đứa con đầu lòng, tôi quyết định Thai giáo cho con (năm 1943). Lúc đó tôi đang thích Tân nhạc và những bài hát của Lưu Hữu Phước, tôi lại mới biết đàn Piano, nên thay vì đàn Tranh, đờn Kìm cho con tôi nghe, tôi lại thường đờn Piano những bài hát của Lưu Hữu Phước, tôi dạy cho mẹ cháu rất nhiều bài rút trong ca kịch "Tục lụy" của ông nữa. Chiều nào mẹ cháu cũng thường hát những bài "Hỡi áng mây hồng", "Buổi chiều đông", và một vài bài bằng tiếng Pháp như "Le Petit Mousse, mẹ cháu lại thích nhất bài "Ru con" mới của Lưu Hữu Phước, nên trong thời gian mang thai và khi con ra đời luôn luôn hát bài đó.
Lúc con tôi chào đời tại nhà Bảo sanh Thủ Đức, vì hôm đó sanh khó, nên tôi phải lo cứu con khỏi bị ngộp, và như thế không có bản nhạc nào mừng con. Nhưng vài bữa sau, Lưu Hữu Phước gửi một bài ca "Mừng cháu Trần Quang Hải ra đời":
"Xinh thay, buổi hôm nay chúng ta mừng em Quang Hải.
Xinh thay, giọt sương mai gặp con khe hóa ra biển tràn
Trần Quang Hải bao nỗi mừng .."
Tuy không được hoàn hảo, nhưng chúng tôi đều có ý thức cho bào thai nghe những tiếng nhạc êm do người bạn rất thân của tôi sáng tác. Do đó, khi cháu Hải vừa lớn lên chỉ thích nghe tiếng đàn Piano và múa theo bài hát "Khúc khải hoàn" của Lưu Hữu Phước đến mệt lả.
Tôi sang Pháp lúc cháu được 5 tuổi, dặn mẹ cháu ở nhà tìm Thầy dạy đờn Tài tử cho cháu, nhưng cháu không thích, cháu chỉ tìm học nhạc theo phương Tây. Khi học Trường Trung học Trương Vĩnh Ký đã thích đờn Violon và có may mắn được vào Trường nhạc Sài-Gòn, học luôn mấy năm với Nhạc sĩ Đỗ Thế Phiệt.
Khi cháu sang Pháp cũng xin tôi tìm Trường cho cháu tiếp tục học Violon. Tôi đã ghi tên cho cháu học Trường Quốc tế Âm nhạc (Conservatoire International), đến khi cháu gặp thần tượng của cháu là Nhạc sư Yehudi Menuhin, sau khi nghe cháu đờn, kết luận rằng đến tuổi của cháu (20 tuổi) mà đàn được như cháu thì sau này giỏi lắm chỉ là người thầy dạy nhạc Violon, chứ không thể trở nên một Nhạc sĩ biểu diễn độc tấu.
Nhạc sư hỏi cháu tại sao có một người cha am hiểu nhạc Dân tộc như tôi, mà lại không học nhạc Dân tộc. Cháu buồn, bỏ đàn trong một tuần lễ, sau đó đến xin tôi dạy cho cháu đàn Tranh. Nhờ sống gần tôi hơn mười mấy năm, được học nhạc Việt Nam với tôi và nhạc châu Á với nhiều Nhạc sư danh tiếng Ấn Độ, Ba Tư... cháu thấm nhuần âm nhạc châu Á truyền thống và nhất là biết âm nhạc Việt Nam một cách đầy đủ và sâu sắc hơn, nên từ đó cháu đã để hết tâm trí vào việc học tập, trau dồi, biểu diễn âm nhạc Việt Nam.
Như vậy, loại nhạc dùng trong thời gian Thai giáo có ảnh hưởng rất lớn đến sự ưa thích của đứa trẻ sau này. Ngày nay, trong những bạn bè của tôi Nhiều người thích cho con mình nghe nhạc cổ điển phương Tây và nghĩ làm như vậy để tạo cho con có tính nết tốt hơn là cho nghe nhạc kích động.
Việc đó đúng một phần nào, vì theo tôi, đã là người Việt thì phải được tiếp cận với Âm nhạc truyền thống Dân tộc trước khi nghe những loại nhạc của các nước khác. Tuy nhiên, nên chọn lọc trong Âm nhạc Dân tộc những loại nhạc êm đềm, du dương như tiếng hát Ru, những bài Lý, những bài Quan họ, một tiếng đàn Bầu uyển chuyến, một điệu đàn Tranh lả lướt vẫn tốt hơn những bản dùng trong hát Bội, kèn trống inh ỏi hay những bài hát Chầu văn đầy tiết tấu rộn rã.
---
Trên đây là chia sẻ của GS.TS Trần Văn Khê về việc áp dụng thai giáo cho con từ năm 43 của thế kỷ trước, hy vọng những kinh nghiệm này sẽ hữu ích cho mẹ trong quá trình thai giáo. Hãy cùng thai giáo với Mamibabi theo các cách sau nhé:
- Tải App Mamibabi thai giáo mỗi ngày đơn giản nhất tại đây
- Tham gia cộng đồng Thai giáo gần 1 triệu mẹ trên Mamibabi tại đây
- Tìm hiểu chi tiết 280 ngày thai giáo