Tiểu đường thai kỳ (đái tháo đường thai kỳ) “là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất cứ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai” – định nghĩa này được đưa ra bởi Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Bệnh tiểu đường thường xuất hiện khi mẹ mang thai ở giai đoạn giữa của thai kỳ, thường từ tuần 24 trở đi. Tiểu đường không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ mà còn gây nguy hiểm cho sự phát triển của thai nhi.
Theo thống kê, có khoảng 3-7% bà bầu bị đái tháo đường trong thai kỳ. Bệnh thường không xuất hiện triệu chứng nào đặc biệt nên rất khó phát hiện. Xét nghiệm tiểu đường là phương pháp hữu hiệu nhất để xác định chính xác mức độ của tình trạng này.
Đối tượng nào có nguy cơ cao bị tiểu đường trong thai kỳ?
Bất cứ ai cũng đều có nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ, nhưng một số đối tượng dưới đây sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những nhóm người khác.
- Bản thân có tiền sử bị đái tháo đường, hoặc trong gia đình có người bị bệnh, nhất là những người mắc tiểu đường thuộc thế hệ thứ nhất.
- Người thừa cân, béo phì
- Mẹ có tiền sử sinh con trước đó trên 4kg
- Người có tiền sử bất thường về dung nạp glucose như tình trạng glucose niệu dương tính, bị tiểu đường ở lần mang thai trước đó.
- Có tiền sử sinh non, dị tật thai nhi, thai chết lưu không rõ nguyên nhân, sảy thai nhiều lần liên tiếp không có nguyên nhân
- Phụ nữ mang thai lần đầu trên 35 tuổi
- Mắc hội chứng buồng trứng đa nang
- So với người ở các châu lục khác, người châu Á có tỷ lệ bị đái tháo đường cao hơn
Làm thế nào để biết mẹ bầu có bị tiểu đường trong thai kỳ hay không?
Thông thường thì bác sỹ sẽ chỉ định bà bầu làm các xét nghiệm tiểu đường khi mang thai trong thời gian từ 24-28 tuần. Qua việc thăm khám định kỳ, bác sĩ sẽ đưa ra chuẩn đoán xét nghiệm sớm hơn nếu nhận thấy nguy cơ mẹ bị tiểu đường thai kỳ cao hơn trung bình.
Có 2 cách để kiểm tra chỉ số tiểu đường trong thai kỳ của mẹ bầu là:
- Phương pháp tiếp cận 1 bước: hay còn được biết đến nghiệm pháp dung nạp glucose qua đường uống. Phương pháp này yêu cầu mẹ nhịn đói trong vòng 4-8 tiếng để đo đường huyết lúc đói. Tiếp sau đó, mẹ uống 1 cốc nước đường và tiến hành đo lại sau đó 2 tiếng.
- Phương pháp tiếp cận 2 bước: mẹ bầu được uống 1 cốc nước đường và được đo đường huyết sau đó 1 giờ. Nếu chỉ số đường huyết bình thường chứng tỏ mẹ bầu không bị đái tháo đường. Với những trường hợp chỉ số đường huyết cao thì bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose qua đường uống. Nghiệm pháp dung nạp glucose này sẽ đưa ra kết quả chính xác là mẹ có bị tiểu đường thai kỳ hay không.
Tiểu đường thai kỳ nguy hiểm như thế nào?
Đái tháo đường thai kỳ là triệu chứng bệnh phổ biến ở bà bầu. Tuy nhiên, bệnh cần phải được phát hiện và điều trị sớm để hạn chế những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ bầu và em bé.
Đối với mẹ bầu
Mẹ bầu bị tiểu đường có thể dẫn đến những biến chứng như:
- Cao huyết áp: những bà bầu bị tiểu đường có nguy cơ bị tăng huyết áp cao hơn so với người phụ nữ bình thường. Trong đó, tăng huyết áp là nguyên nhân chính gây ra bệnh lý tiền sản giật, sản giật của thai phụ.
- Sảy thai, thai chết lưu, sinh non là biến chứng thường gặp ở thai phụ bị đái tháo đường. Theo thống kê, có tới 26% trường hợp sinh non do mẹ bị tiểu đường thai kỳ. Trong khi tỷ lệ sinh non với bà bầu bình thường chỉ là 9,7%.
- Đa ối: lượng đường trong máu khi không được kiểm soát tốt, em bé sinh ra nhiều nước tiểu hơn bình thường, dẫn đến tình trạng đa ối. Đa ối làm tăng nguy cơ sinh non của thai phụ.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: đây là tình trạng biến chứng nếu bà bầu bị tiểu đường mà không biết cách kiểm soát đường huyết.
- Trường hợp không được phát hiện và điều trị sớm sẽ dẫn đến nguy cơ viêm đài bể thận cấp tính, nhiễm trùng ối, sinh non.
- Bệnh tiểu đường thậm chí còn kéo dài ngay cả khi mẹ đã sinh em bé hay có nguy cơ tiếp diễn ở những lần mang thai sau này.
Đối với thai nhi
Không chỉ với sức khỏe của chính bản thân mình mà bà bầu bị tiểu đường còn ảnh hưởng xấu đến thai nhi, nhất là khi mẹ đang mang thai 3 tháng đầu và 3 tháng cuối. Ở giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên, tiểu đường thai kỳ có thể khiến thai nhi chậm phát triển, không phát triển, dị tật bẩm sinh hoặc sảy thai tự nhiên. Nếu mẹ đang ở giai đoạn cuối thai kỳ, triệu chứng tiểu đường làm tăng tiết insulin của thai nhi, khởi phát của nhiều biến chứng nguy hiểm.
- Thai nhi thừa cân: hàm lượng glucose trong máu của mẹ truyền đến thai nhi, kích thích tuyến tụy của bé hoạt động sản xuất thêm insulin. Điều này khiến cho thai nhi hấp thụ năng lượng nhiều hơn dẫn đến việc phát triển nhanh hơn so với tuổi thai. Thai nhi phát triển quá to gây chèn ép âm đạo, dẫn đến gãy xương vai hoặc ảnh hưởng đến hệ thần kinh.
- Hạ đường huyết thai nhi: tình trạng này có thể gây ra hiện tượng co giật ở trẻ sơ sinh
- Trẻ sau khi sinh dễ gặp hội chứng suy hô hấp hay các bệnh lý sơ sinh như đa hồng cầu, giảm canxi và các vấn đề về tim mạch.
- Bên cạnh đó, mẹ bị tiểu đường còn làm gia tăng khả năng nhiễm bệnh lên con của mình. Em bé sau khi sinh có nguy cơ bị tiểu đường và tiền tiểu đường tăng gấp 8 lần so với những đứa trẻ mà mẹ không bị tiểu đường. Tiểu đường trong thai kỳ cũng làm gia tăng tỷ lệ trẻ béo phì hay gặp chứng rối loạn tâm thần – vận động.
Điều trị tiểu đường thai kỳ thế nào?
Bệnh tiểu đường khi mang thai mặc dù rất nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được. Điều quan trọng nhất mà mẹ bầu cần chú ý đó là cân bằng dinh dưỡng nạp vào cơ thể, hạn chế thức ăn chứa nhiều đường và tinh bột. Kết hợp cùng với việc luyện tập, vận động thường xuyên sẽ giúp mẹ kiểm soát tốt lượng đường trong máu.
- Ăn những thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như gạo lứt, gạo nâu, yến mạch, ngũ cốc nguyên hạt, ngũ cốc nguyên cám
- Ăn hoa quả ít đường như ổi, bưởi, cam
- Tăng cường rau xanh trong thực đơn hàng ngày
- Thay vì các loại nước ngọt nhiều đường, mẹ bầu nên uống nhiều nước lọc mỗi ngày hoặc dùng nước hoa quả tươi ít đường hoặc không đường.
- Hạn chế thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, cholesterol cao mà thay vào đó mẹ nên ăn thịt nạc, cá, tôm…
- Chia làm nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, tuyệt đối không được bỏ bữa
- Kiểm tra tiểu đường định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe cho cả 2 mẹ con.
- Nếu mẹ vẫn còn băn khoăn về thực đơn ăn uống khi bị tiểu đường thai kỳ thì hãy tham khảo ngay gợi ý của Mamibabi tại đây.
Mẹ cũng đừng quên kết hợp việc ăn uống với những bài tập vận động thai giáo hàng ngày của Mamibabi nữa nha. Điều này giúp mẹ bầu kiểm soát tốt lượng đường huyết, duy trì cân nặng phù hợp mà vẫn đảm bảo thai nhi được phát triển toàn diện, khỏe mạnh.