Trạng thái thai nghén gây nhiều biến đổi về thể chất và tâm lý ở phụ nữ nhưng không phải giống nhau ở mọi phụ nữ và có những khó chịu không được nói ra, ví dụ có phụ nữ bị buồn nôn về buổi sáng nhưng một số khác lại cảm thấy buồn nôn suốt ngày hoặc có người chẳng thấy làm sao cả.
Cũng có những thay đổi mà phụ nữ coi là nhỏ nhặt: đôi giầy đang đi bỗng cảm thấy chật và phải thay giầy có số đo lớn hơn, áo ngực cũng vậy hoặc trĩ hậu môn... có gì mà phải khai với thầy thuốc. Thật ra mọi thay đổi dù nhỏ hay tưởng như không liên quan đều nên báo cho thầy thuốc biết và người thầy thuốc có kinh nghiệm bao giờ cũng là người biết lắng nghe.
Thai nghén không chỉ thay đổi thể chất mà cả tâm lý của người mẹ tương lai. Người phụ nữ có thai thường đã lo chuẩn bị nơi ở của đứa con sắp ra đời (dọn dẹp, trang hoàng, nôi trẻ..), lo trước những việc sẽ giúp mình mau hồi phục sau đẻ để chăm sóc con. Tuy nhiên, quá lo lắng lại không tốt cho sức khoẻ bản thân cũng như cho thai.
Trong 3 tháng đầu, trạng thái nghén (mỏi mệt và buồn nôn) có thể làm cho phụ nữ uể oải, kém linh lợi, kể cả những phụ nữ không phải làm việc gì nhiều cũng cảm thấy khó tập trung chú ý và hay quên, có lẽ vì quá quan tâm đến thai và vì những thay đổi về hooc-môn. Hình như mọi việc đều trở nên ít quan trọng, trừ đứa con trong bụng và ngày sắp sinh đẻ. Để khắc phục trạng thái tâm trí không tập trung này, nên ghi lại những việc cần nhớ.
Hội chứng tiền kinh nguyệt và trạng thái thai nghén có nhiều điểm giống nhau. Ngực to ra và dễ đau. Tính khí thay đổi phút trước phút sau còn nặng nề hơn cả tiền kinh nguyệt, đang vui vẻ đấy nhưng cũng có thể khóc ngay sau đó, nổi nóng vô cớ.
Thay đổi khí chất rất hay gặp khi có thai, nhất là trong 3 tháng đầu và vào những ngày cuối của 3 tháng cuối. Khoảng 10% phụ nữ rơi vào trạng thái trầm cảm khi có thai. Nếu có dấu hiệu rối loạn về giấc ngủ, thay đổi thói quen ăn uống (chán ăn hoặc ăn luôn miệng) và thay đổi tính khí nặng kéo dài quá 2 tuần thì cần gặp thầy thuốc.
Là một trong những dấu hiệu sớm nhất của thai nghén. Vú thường to ra trong 3 tháng đầu do tăng nồng độ hóc-môn estrogen và progesterone và vẫn có thể còn to ra nữa suốt thời gian mang thai. Ngoài ra, khả năng hô hấp của phổi cũng tăng để cung cấp ôxy cho thai khiến lồng ngực phải lớn hơn, vì thế nhiều phụ nữ phải thay đổi áo nâng ngực nhiều lần trong cả kỳ thai nghén.
Do những thay đổi về hóc-môn khi có thai (làm cho sắc tố đen bài tiết nhiều hơn) và do sự dãn da để thích ứng với cơ thể to ra khi mang thai cho nên da mặt một số phụ nữ xuất hiện vết xạm đen hay vàng, đường dọc đen thẫm ở giữa bụng dưới, 2 đầu vú, quầng vú và cả cơ quan sinh dục ngoài, hậu môn cũng xẫm màu hơn.
Sắc tố không phân bố đều trên cơ thể cho nên trông loang lỗ. Tuy không thể ngăn cản được các vết sắc tố trên mặt nhưng để hạn chế nên dùng kem chống nắng và mang nón mũ khi ra nắng (tránh tia cực tím).
Khi có thai cũng hay nổi trứng cá vì các tuyến bã tăng bài tiết chất nhờn, các mụn trứng cá cũ trở nên đen và to ra. Ngứa và bong da vì những lí do nói trên (rãn da bụng, trứng cá) cho nên bôi kem ngoài da chuyên dụng cho phụ nữ có thai hoặc tắm nước lá có thể có tác dụng tốt.
Những thay đổi về hóc-môn khi có thai làm cho tốc độ rụng tóc giảm đi đồng thời tóc lại mọc nhanh hơn, nhưng nhiều phụ nữ bị rụng tóc ở giai đoạn sau đẻ hoặc sau khi cho con cai sữa mẹ. Một số phụ nữ thấy mọc lông ở mặt hay bụng hay quanh núm vú. Cũng có người thấy tóc khô hơn hoặc bóng mượt hơn (tóc có dầu) hoặc thay đổi màu sắc. Móng cũng thay đổi như tóc khi có thai nghĩa là mọc nhanh hơn và khoẻ hơn. Một số lại thấy móng dễ đứt dễ gẫy và trong trường hợp này nên cắt móng và tránh dùng hoá chất để nhuộm hay để tẩy móng.
Mặc dầu quần áo không còn bộ nào mặc vừa nhưng giầy đôi khi vẫn còn xỏ được. Do tăng lượng dịch gian bào cho nên nhiều phụ nữ thấy nề ở bàn chân và phải thay cỡ giầy, tốt nhất là đi dép để hạn chế phù nề chân.
Khi có thai hóc-môn relaxin được bài tiết ra để chuẩn bị cho vùng xương vệ và cổ tử cung rãn mở tốt khi sinh đẻ. Relaxin làm cho các giây chằng mềm mại hơn, do đó cơ thể phụ nữ trở nên kém vững chắc và dễ bị sang chấn nhưng lại có thể uốn vặn mình dễ dàng hơn nhất là các khớp nối ở tiểu khung, thắt lưng và đầu gối. Khi vận động hay nhấc vật nặng, cần từ tốn không nên có động tác mạnh bạo, dứt khoát.
Giãn tĩnh mạch ở cẳng chân và vùng sinh dục, thường hết sau khi sinh đẻ nhưng có thể hạn chế rãn tĩnh mạch bằng cách: không nên đứng hoặc ngồi lâu - nên mặc áo quần rộng rãi - khi ngồi để chân cao.
Giãn tĩnh mạch ở trực tràng thì gọi là trĩ, có khi thành chùm giống như chùm nho do tăng thể tích máu và tử cung đè ép ở vùng tiểu khung làm cho các tĩnh mạch ở trực tràng rãn ra. Trĩ có thể gây đau nhiều, chảy máu, ngứa. Kèm theo là táo bón làm cho phụ nữ có thai rất khó chịu mỗi khi đi vệ sinh.
Nhu động ruột chậm gây táo bón và trĩ nặng thêm. Cách phòng tốt nhất đối với trĩ và táo bón là chế độ ăn nhiều rau quả, tập thể dục. Cũng có nhiều loại thuốc bôi làm cho các đám trĩ co lại.
Lượng nước ối dao động từ 500 - 1400ml, nếu có bị ra nước khoảng một chén cũng đừng hốt hoảng vì sau 3 tiếng thì nước ối lại tự bổ sung. Chỉ có khoảng 1 phần 10 phụ nữ bị vỡ ối sớm trước khi chuyển dạ, phần lớn do nữ hộ sinh bấm ối. Cũng có thể ra ít máu, buồn nôn hoặc nôn.
Vào giai đoạn xổ thai có thể không kiểm soát được nước tiểu và phân do đó nên được thụt tháo trước khi vào viện đẻ. Thầy thuốc sản khoa nên hướng dẫn phụ nữ mang thai lần đầu những hiểu biết cơ bản của chuyển dạ cũng như cách thở cách rặn ngay từ những buổi quản lý thai nghén.