Vì sao mẹ bầu cần ghi nhớ những mốc siêu âm quan trọng
Các mốc siêu âm thai ảnh hưởng lớn tới độ chính xác của kết quả siêu âm. Ở mỗi giai đoạn, thai nhi sẽ phát triển theo một tiêu chuẩn nhất định. Mẹ cần đi khám vào các mốc siêu âm thai để kiểm tra xem chỉ số của thai nhi có đang “đúng chuẩn” hay không. Nếu lỡ mất “thời điểm vàng”, kết quả siêu âm sẽ không còn chính xác. Đó là lý do các bác sĩ sản khoa luôn dặn mẹ hãy tái khám vào đúng khoảng thời gian đã hẹn.
Những điều cần lưu ý
Các mốc khám thai quan trọng cho mẹ bầu được Mamibabi giới thiệu trong bài viết này chỉ là 6 mốc quan trọng nhất không thể bỏ qua. Ngoài những mốc này, mẹ bầu cần đi khám ngay nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào xảy ra.
Sức khỏe của mỗi mẹ bầu khác nhau, sự phát triển của mỗi thai nhi cũng khác nhau. Vì vậy, các mốc khám thai và xét nghiệm quan trọng của mỗi mẹ cũng khác nhau. Mẹ cần nghe theo sự chỉ dẫn của bác sĩ để khám thai đầy đủ và phù hợp nhất với tình trạng của mình.
Những mốc thời gian khám thai quan trọng nhất và những việc cần làm sẽ được Mamibabi chia sẻ ở phần tiếp theo.
6 mốc siêu âm thai quan trọng nhất mẹ không thể bỏ qua
Dưới đây là những mốc khám thai quan trọng nhất mẹ bầu cần tới gặp bác sĩ
Mốc khám thai đầu tiên: 5 – 8 tuần tuổi
Trong số các mốc siêu âm thai quan trọng, đây là mốc quan trọng nhất để đảm bảo rằng thai nhi đã “làm tổ” trong tử cung một cách ổn định. Và hành trình thai nghén của mẹ chính thức bắt đầu.
Mẹ cần khám những gì?
- Siêu âm: Kiểm tra vị trí, tuổi thai để phát hiện các bất thường
- Tính ngày dự sinh dựa vào ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng
- Tính chỉ số BMI dựa vào chiều cao và cân nặng để xem mẹ có bị thừa cân hay thiếu cân không. Từ đó xác định số cân mẹ nên tăng thêm trong thai kỳ
- Đo huyết áp: Xác định mẹ có bị huyết áp cao và nguy cơ tiền sản giật không
- Xét nghiệm nước tiểu: Kiểm tra nồng độ hoocmon thai kỳ (hCG) để xác định sự phát triển của thai nhi
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra kháng thể bệnh sởi, thủy đậu, viêm gan B...
Thai giáo giai đoạn 5 – 8 tuần
Khi mang thai, ngoài việc ghi nhớ các mốc khám thai và siêu âm quan trọng, mẹ bầu rất nên dành thời gian thai giáo để thai nhi phát triển tốt nhất về cả thể chất lẫn tinh thần.
5 – 8 tuần là giai đoạn nhạy cảm, phôi thai đang dần hoàn thiện và làm tổ, khi thai giáo, mẹ nên chọn các hình thức nhẹ nhàng như:
- Nói lời cảm ơn và nguyện cầu: Đây là điểm đặc trưng trong cách thai giáo của người Do Thái. Mẹ hãy nói lời cảm ơn vì bé yêu đã đến bên mình, và nguyện cầu những điều tốt nhất cho cả mẹ và bé.
- Nghe nhạc: Âm nhạc là điều không thể thiếu trong thai giáo. Mẹ hãy nghe những bản nhạc êm dịu mình thích nhất. Mẹ không nên dùng tai nghe áp vào bụng bầu mà nên bật loa ngoài để bé và các thành viên trong gia đình cùng nghe
- Ăn món ngon tốt cho bà bầu: Thai giáo dinh dưỡng rất quan trọng cho sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Mẹ hãy lên sẵn thực đơn cho bà bầu, các món bà bầu nên ăn và nên tránh để có một thai kỳ thật khỏe mạnh nhé!
Mốc khám thai thứ 2: 10 – 13 tuần tuổi
Trong số các mốc siêu âm thai định kỳ quan trọng nhất, đây là mốc mẹ cần thực hiện để kiểm tra dị tật thai nhi. Thời điểm lý tưởng nhất để đi khám ở mốc này là khi thai nhi được 12 tuần tuổi.
Mẹ cần khám những gì?
- Xét nghiệm Thalassemia: Xác định có nguy cơ bị bệnh thiếu máu di truyền, hồng cầu bị vỡ sớm dẫn đến thiếu oxy hay không
- Xét nghiệm Double test: Phát hiện nguy cơ thai nhi mắc hội chứng Down (thừa NST 21) và hội chứng Trisomy 13 (thừa NST 13)
- Siêu âm kiểm tra dị dạng chi ở thai nhi
- Siêu âm kiểm tra thoát vị cơ hoành
- Siêu âm đo độ mờ da gáy: Đánh giá nguy cơ bị bệnh Down của thai nhi
Thai giáo giai đoạn 10 – 13 tuần
Đây vẫn là khoảng thời gian nhạy cảm, nguy cơ sảy thai cao trong 3 tháng đầu. Mẹ vẫn nên lựa chọn các hình thức thai giáo nhẹ nhàng và an toàn nhất như:
- Thiền: Thiền không đơn giản là ngồi khoanh chân, nhắm mắt như nhiều người vẫn nghĩ. Mẹ có thể thực hành thiền ở cả 4 tư thế đi đứng nằm ngồi như: đi nơi bằng phẳng, đứng chân vững vàng, nằm thật thoải mái, ngồi không xiêu vẹo. Những điều này sẽ tốt cho sức khỏe cả mẹ và bé, giúp mẹ hạn chế những trường hợp không may bị ngã hoặc vận động sai tư thế gây nguy hiểm.
- Tưởng tượng: Nếu đã từng đọc cuốn “Mẹ Nhật thai giáo”, mẹ sẽ thấy người Nhật rất chú trọng kỹ năng tưởng tượng trong thời kỳ mang thai. Mẹ hãy tưởng tượng những điều tốt đẹp nhất và truyền tới thai nhi nhé!
- Đọc sách: Trong thời gian này, mẹ nên dành thời gian đọc sách về nhiều chủ đề như mang thai, nuôi dạy con. Những điều này sẽ giúp mẹ có thêm kiến thức và tự tin hơn trên hành trình sắp tới của mình
Mốc khám thai thứ 3: 16 - 20 tuần tuổi
Đây là một trong số các mốc khám thai định kỳ quan trọng mẹ cần thực hiện để tiếp tục kiểm tra dị tật thai nhi bằng các xét nghiệm phức tạp và chính xác hơn.
Mẹ cần khám những gì?
- Kiểm tra huyết áp
- Kiểm tra nhịp tim và đo tử cung tính bằng tuổi thai
- Xét nghiệm nước tiểu: Tầm soát dấu hiệu của đái tháo đường thai kỳ và nguy cơ tiền sản giật
- Siêu âm: Kiểm tra sự phát triển của thai nhi và phát hiện các bất thường về nước ối
- Xét nghiệm Triple test: Phát hiện các dị tật ống thần kinh, các rối loạn về gen
Thai giáo giai đoạn 16 – 20 tuần
- Thai giáo vận động: 3 tháng giữa là quãng thời gian lý tưởng để thai giáo vận động. Mẹ có thể cùng bé chơi trò ấn đẩy, kiến bò, Haptonomy, massage bụng bầu, chơi cùng đèn pin…
- Đi du lịch: “Honeymoon” sẽ tạo nên những kỷ niệm tuyệt vời cho mẹ và bé trong thai kỳ. Du lịch cũng giúp mẹ được vận động và có tâm trạng vui vẻ hơn. Nếu có thể, mẹ và gia đình hãy dành thời gian đi du lịch nhé!
- Tập yoga: Yoga được coi là “bộ môn vàng” đối với các bà bầu. Mẹ hãy dành thời gian tập yoga tại nhà hoặc trung tâm uy tín. Mẹ lưu ý tập các động tác phù hợp với sức khỏe và tuổi thai.
Mốc khám thai thứ 4: 24 – 27 tuần tuổi
Đây là một trong số các mốc khám thai quan trọng nhất mẹ cần thực hiện ở 3 tháng giữa. Mục đích của lần khám này nhằm kiểm tra sự bất đồng nhóm máu và những bất thường trên cơ thể mẹ có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
Mẹ cần khám những gì?
- Kiểm tra chỉ số BMI
- Kiểm tra huyết áp
- Tính tuổi thai và kiểm tra tim thai
- Xét nghiệm nước tiểu
- Siêu âm kiểm tra sự phát triển của thai nhi và kiểm tra lượng nước ối
- Xét nghiệm máu nhằm tầm soát đái tháo đường thai kỳ
- Xét nghiệm máu để xác định sự bất đồng nhóm máu giữa mẹ và thai nhi
Thai giáo giai đoạn 24 - 27 tuần
- Gặp gỡ bạn bè: Trong giai đoạn chưa quá… nặng nề, mẹ hãy “tranh thủ” gặp gỡ những người mình yêu mến nhé. Hãy cùng trò chuyện về những chủ đề tích cực, tốt đẹp để mẹ có tâm trạng vui vẻ nhất!
- Chơi game thai giáo: Game thai giáo không chỉ giúp mẹ giải trí, thư giãn, mà còn nâng cao kỹ năng phán đoán, óc tư duy, nhanh tay nhanh mắt… Mẹ hãy dành thời gian chơi các game thai giáo trí tuệ.
- Đọc truyện thai giáo: Giống như nhạc thai giáo, truyện thai giáo là yếu tố rất cần thiết trong quá trình mang thai. Mẹ có thể đọc truyện cho bé hoặc cùng bé nghe truyện audio mỗi ngày.
Mốc khám thai thứ 5: 28 – 36 tuần tuổi
Trong số các mốc khám thai quan trọng 3 tháng cuối, mẹ không thể bỏ qua mốc này. Đây là lúc mẹ cần kiểm tra sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là ngôi thai.
Mẹ cần khám những gì?
- Xét nghiệm máu
- Xét nghiệm nước tiểu
- Siêu âm thai: Xác định ngôi thai và hướng dẫn xoay ngôi thai, kiểm tra cổ tử cung xem có dấu hiệu sắp sinh hay chưa
- Tiêm phòng uốn ván cuống rốn: Tiêm phòng 2 mũi, mỗi mũi cách nhau 1 tháng để phòng bệnh uốn ván cho bé
- Xét nghiệm Non - stress (NST): Kiểm tra sức khỏe và xem thai nhi có nhận đủ oxy hay không
Thai giáo giai đoạn 28 - 36 tuần
- Vẽ tranh: Vẽ tranh là hình thức thai giáo mỹ thuật tốt cho cả mẹ và bé. Hoạt động này không chỉ giúp mẹ được thư giãn mà còn giúp bé đến gần hơn với hội họa, có xu hướng yêu thích mỹ thuật khi trưởng thành.
- Hát ru: Ngoài việc cùng bé nghe nhạc, mẹ hãy hát ru cho bé nghe và đừng ngại việc mình hát không hay nhé. Theo Giáo sư Trần Văn Khê, hát ru là cách thai giáo rất hiệu quả, giúp thai nhi thông minh và cảm thụ âm nhạc tốt.
- Đi dạo: Mỗi ngày, mẹ hãy đi dạo khoảng 30 phút ở những nơi sạch sẽ, bằng phẳng, không khí trong lành. Điều này giúp mẹ cải thiện sức khỏe, hạn chế béo phì và được tương tác cùng thai nhi.
Mốc khám thai thứ 6: 36 – 40 tuần tuổi
Đây là một trong số các mốc khám thai quan trọng của bà bầu vào thời điểm trước khi sinh. Mục đích của lần khám này là kiểm tra tử cung và các dấu hiệu sắp sinh, hạn chế các nguy cơ có thể xảy ra.
Mẹ cần khám những gì?
- Kiểm tra cổ tử cung
- Siêu âm theo dõi thai nhi
- Kiểm tra khung chậu để xác định có khả năng sinh thường hay không
- Xét nghiệm Non - stress (NST): Kiểm tra sức khỏe và xem thai nhi có nhận đủ oxy hay không
Thai giáo giai đoạn 36 - 40 tuần
- Trò chuyện: Ngày mẹ và bé được gặp nhau đã đến rất gần rồi. Mẹ hãy trò chuyện với bé mỗi ngày nhé. Thai giáo ngôn ngữ giúp bé yêu làm quen với giọng nói của bố mẹ và phát triển ngôn ngữ tốt hơn khi ra đời.
- Ôm ấp thai nhi: Mẹ hãy vòng tay ôm lấy bụng mình như thể đang ôm ấp, nâng đỡ một em bé vậy. Sau đó, mẹ nói những lời cưng nựng, yêu thương, động viên để bé cảm nhận được tình yêu của mẹ nhé.
- Chuẩn bị đi sinh: Mẹ hãy chuẩn bị thật tốt cho việc “vượt cạn” của mình: Đảm bảo mang đủ đồ đi sinh, chuẩn bị giấy tờ, tiền bạc; học cách rặn đẻ nhanh và không đau…
Trên đây là các mốc khám thai kỳ quan trọng nhất mẹ bầu cần thực hiện và cách thai giáo tương ứng mỗi thời kỳ. Mamibabi hy vọng những chia sẻ của mình sẽ giúp mẹ và bé có một hành trình an toàn, khỏe mạnh và hạnh phúc cùng nhau trong suốt 9 tháng 10 ngày mang thai.
---
Mamibabi là app Thai giáo phong phú nhất trên thị trường với hơn 3000 hoạt động Thai giáo. Mamibabi được xây dựng, kế thừa và phát huy những kinh nghiệm thai giáo từ nhiều nền văn hóa phát triển trên thế giới như Nhật, Hàn Quốc, Anh, Mỹ... Các bài thai giáo trên Mamibabi đã được thiết kế chi tiết cho từng ngày mang thai, rất tiện lợi và không mất thời gian tìm hiểu. Tải Mamibabi miễn phí tại đây: http://onelink.to/jfhnzv