Cai ti đêm cho bé bú mẹ và bú bình chỉ trong 3 bước (chi tiết nhất 2024)

5/5 (455 đánh giá)

Cai ti đêm cho bé như thế nào? Có nên cai ti đêm cho bé không? Khi nào nên cai?... Rất nhiều câu hỏi liên quan đến cai ti đêm cho con đã được các mẹ gửi đến Mamibabi trong thời gian vừa qua. Trong bài viết dưới đây, Mamibabi sẽ hướng dẫn mẹ cách cai ti đêm cho bé với 3 bước cơ bản, và những điều cần lưu ý khi cai. Nội dung bài viết áp dụng được với cả bé bú mẹ trực tiếp và bé bú bình. 

Cai ti đêm cho bé bú mẹ và bú bình chỉ trong 3 bước (chi tiết nhất 2024)

Cai ti đêm là gì? 

Cai ti đêm được hiểu là giúp bé bỏ dần các bữa ăn đêm nhằm mục đích tập trung ăn ban ngày tốt hơn và có giấc ngủ đêm liền mạch. Đối với mỗi bé và mỗi mẹ, khái niệm “đêm” lại có những độ dài khác nhau, nhưng thường dao động trong khoảng 8 - 12 tiếng, tương ứng với thời gian ngủ giấc đêm của bé. 

Đối với những bé ti đêm nhiều lần, việc cai ti đêm nên được bắt đầu với việc bỏ bớt từng bữa ăn đêm, không nên cai tất cả các bữa đêm cùng một lúc. 

Vì sao bé vẫn ti đêm? 

4 lý do chính khiến bé thường thức dậy và ti đêm: 

  1. Bé đói: Điều này thấy rõ nhất ở các bé sơ sinh 0 - 3 tháng tuổi. Lúc này dạ dày của bé rất nhỏ, chưa chứa được nhiều sữa. Vì vậy, bé nhanh đói và cần được bú sữa nhiều lần, thường là khoảng 3 giờ/lần vào ban đêm
  2. Bé bú theo thói quen: Với các bé lớn hơn, dù đã tích trữ được nhiều năng lượng và không bị đói ban đêm, nhưng bé vẫn sẽ dậy đêm đòi bú do thói quen từ nhiều ngày trước đó. 
  3. Bé bú để trấn an mình: Ti sữa là một trong những cách tốt nhất để bé tự trấn an và xoa dịu mình. Với các bé 0 - 3 tháng, bé thường giật mình trong giấc ngủ, chưa có khả năng kiểm soát tay chân tốt. Và ti sữa chính là cách để “làm dịu” lại sự bối rối của bé trong giấc ngủ đêm.
  4. Bé bú để nối giấc, chuyển giấc: Một giấc ngủ đêm của trẻ sơ sinh gồm nhiều chu kỳ ngủ nối tiếp nhau, mỗi chu kỳ dài 45 - 50 phút. Sau khi ngủ hết một chu kỳ, nhiều bé chưa có khả năng tự nối sang chu kỳ tiếp theo. Vì vậy các bé thường trở mình, lục đục, và khóc. Ti sữa chính là cách hữu hiệu giúp bé ngủ tiếp. 

Có nên cai ti đêm cho bé? 

Cai ti đêm vào thời điểm phù hợp đem lại nhiều lợi ích cho mẹ và bé: 

  • Bé tập trung bú vào ban ngày tốt hơn
  • Bé ngủ đêm liền mạch, không bị gián đoạn bởi ti đêm
  • Bé không bị đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu vì ti đêm nhiều 
  • Buổi đêm khi bé ngủ say chính là lúc hoóc-môn tăng trưởng tiết ra mạnh mẽ, giúp bé phát triển tốt về thể chất và cả trí tuệ. Giấc ngủ đêm ngon cũng giúp tinh thần của bé sảng khoái, năng lượng được phục hồi để ngày hôm sau bé tỉnh táo và ăn ngon. 
  • Mẹ được nghỉ ngơi nhiều hơn vào ban đêm. 

Cai ti đêm cho bé bú mẹ và bú bình chỉ trong 3 bước (chi tiết nhất 2024)

Khi nào mẹ nên cai ti đêm cho bé? 

Việc cai ti đêm nên thực hiện khi bé được khoảng 4 - 6 tháng tuổi, nhất là với các bé từ 6 tháng tuổi, đã bắt đầu ăn dặm. Mẹ nên cai ti đêm để bé có thể bú sữa và ăn dặm tốt hơn vào ban ngày. 

Trên thực tế, sẽ có những bé tự cai ti đêm sớm hơn ở mốc 2 hoặc 3 tháng, cũng có những bé cai ti đêm muộn hơn, khoảng 7 - 9 tháng. 

Mẹ nên cai ti đêm cho bé khi đảm bảo các điều kiện sau: 

  • Bé có khả năng bú tốt, đặc biệt cần bú đúng khớp, nhằm đảm bảo bé bú hiệu quả và đủ no
  • Bé bú đủ cữ và đủ no vào ban ngày 
  • Bé có thể tích trữ năng lượng tốt và ngủ trong nhiều giờ liền mà không bị đói 
  • Bé nặng ít nhất 6kg 
  • Bé khỏe mạnh, không ốm bệnh

Cách cai ti đêm cho bé 

Nếu mẹ đang tìm kiếm các mẹo cai ti đêm cho bé thì những thông tin sau đây chắc chắn sẽ giúp ích cho mẹ. Có 2 nguyên tắc rất dễ nhớ:

  • Với bé bú mẹ: Giảm thời gian bú mẹ 
  • Với bé bú bình: Giảm lượng sữa trong bình 

3 bước cai ti đêm cho bé

Bước 1: Xác định “lộ trình” cai sữa, cữ nào trước, cữ nào sau

Trước tiên, mẹ nên cắt các cữ đêm từ 4 giờ sáng trở đi, bởi các cữ này sẽ khiến bé no và bú cữ sáng hôm sau kém. Sau đó, mẹ xem các cữ bú nào sát nhau nhất thì bỏ tiếp để giãn các cữ xa nhau hơn.

Dưới đây là một câu ví dụ cụ thể từ một mẹ tại Mamibabi: 

“Bé nhà em 5 tháng tuổi, bé bú và ngủ đêm lúc 8h, dậy sáng lúc 7h. Đêm bé bú 3 cữ là 22h30, 1h30 và 5h. Em nên cai ti đêm như thế nào ạ?”

Lộ trình cai ti đêm cho bé như sau: 

Trước tiên, mom hãy bỏ cữ 5h sáng cho bé bởi nếu bé bú 5h sáng thì 7h sáng sẽ bú kém vì bé vẫn còn no. Tiếp đó, mom tính khoảng cách giữa các cữ bú còn lại:

  • 20h - 22h30 là 2,5 tiếng
  • 22h30 - 1h30 là 3 tiếng
  • 1h30 đến 7h là 5,5 tiếng

Như vậy cữ 20h - 22h30 đang là cữ sát nhất, vì vậy mom cần bỏ cữ 22h30 đi và chỉ giữ lại cữ 1h30. Sau một thời gian bé ổn định với 1 cữ đêm lúc 1h30 mới cần cắt nốt cữ này để bé ngủ xuyên đêm. 

Cai ti đêm cho bé bú mẹ và bú bình chỉ trong 3 bước (chi tiết nhất 2024)

Bước 2: Giảm lượng sữa hoặc thời gian bé bú

Cách cai ti đêm cho bé bú mẹ trực tiếp 

Nếu bé đói, mẹ cần cho bé bú. Nhưng nếu bé không đói mà vẫn bú, điều này do thói quen, và do bé cần ti mẹ để “mút mát” trấn an và ngủ tiếp.

Cách thực hiện cai ti đêm: Mẹ giảm thời gian cho bé bú xuống mỗi ngày một ít tới khi cắt hẳn. Nếu các cữ đêm trước đây mẹ thường cho bé bú 15 phút thì giảm dần xuống 10 phút, 5 phút sau mỗi ngày. Hoặc nếu mẹ thường cho bé bú đêm 2 bên vú thì giảm xuống chỉ cho bú 1 bên. Mẹ lưu ý bên còn lại mẹ cần dùng máy hút ra để tránh tắc tia sữa và giúp duy trì sữa mẹ cho bé. 

Cách cai ti đêm cho bé bú bình

Qua mỗi đêm, mẹ giảm bớt lượng sữa trong bình đi 20 - 30ml. Ví dụ: Nếu bé đang bú đêm 120ml, đêm hôm sau mẹ giảm xuống còn 90ml, rồi 60ml, 30ml, và bỏ hẳn. 

Một số mẹ có thể giảm “nhẹ tay” hơn theo lộ trình 120ml - 100ml - 80ml - 60ml - 40ml - 20ml - bỏ hẳn.

Ngoài ra, với bé từ 6 tháng tuổi trở lên, đã đến tuổi ăn dặm, mẹ có thể cai ti đêm cho bé bằng cách cho bé bú nước thay vì bú sữa. Khi đó, đa số các bé sẽ chỉ bú một ít, trong một vài lần và bỏ cữ đêm. 

Bước 3: Trấn an và dỗ bé ngủ mà không cần ti sữa

Cai sữa đêm có nghĩa không cho bé ti sữa ban đêm. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa bé sẽ ngủ liền mạch mà không thức dậy. Đa số các bé sau khi cai ti đêm vẫn sẽ dậy vì nhiều lý do như bỉm bẩn, đầy hơi, khó chịu, không chuyển giấc được, REM sáng… 

Khi đó, mẹ không dỗ bé bằng cách cho ti sữa, mà trấn an bé bằng các cách sau đây: 

  • Vỗ ợ hơi nếu bé bị đầy hơi
  • Cho bé dùng ti giả trấn an. Nếu bé không dùng ti giả mẹ có thể cho bé mút ngón tay đã được vệ sinh sạch thay cho ti giả.
  • Cho bé nằm nghiêng và vỗ bé tại cũi, khi bé ngủ mẹ cho bé nằm ngửa trở lại. Lưu ý: Không bao giờ cho bé nằm nghiêng ngủ mà không có sự theo dõi của mẹ để tránh nguy cơ bé bị ngạt. 
  • Bật tiếng ồn trắng
  • Mẹ vỗ bé đồng thời tạo tiếng shùù shùù 
  • Mẹ bế bé và đung đưa nhẹ nhàng, mẹ có thể ngồi một chỗ hoặc đi lại chầm chậm trong phòng
  • Mẹ có thể xem thêm các cách dỗ bé ngủ tiếp mà không cần ti sữa tại bài viết “8 kỹ thuật giúp bé ngủ tiếp”. 

Trên đây là những hướng dẫn cai ti đêm cho bé với các bước cơ bản. Cai ti đêm có thể rất dễ với bé này nhưng rất khó với bé khác. Mẹ nên kiên trì cùng bé và theo dõi các biểu hiện của bé, chỉ nên cai ti đêm khi bé thật sự sẵn sàng và có khả năng bú ngày tốt. 

Cai ti đêm cho bé bú mẹ và bú bình chỉ trong 3 bước (chi tiết nhất 2024)

Lưu ý khi cai ti đêm cho bé

- Để cai ti đêm thành công, mẹ cần cho bé bú no trước giấc ngủ đêm. Bú no là một bước quan trọng trong trình tự ngủ đêm. Sau khi bú no, bé cần được vỗ ợ hơi kỹ để ngủ đêm ngon giấc. 

- Bé cần được bú đủ vào ban ngày để có năng lượng tích lũy, đây là nền tảng cần thiết để bé ngủ đêm dài mà không cần ăn đêm. Với các cữ ngày, mẹ giãn cữ theo độ tuổi cho bé như sau: 

  • Bé 0 - 1 tháng: Bú 2,5 - 3 giờ/lần
  • Bé 2 tháng: Bú 3,5 giờ/lần
  • Bé 3 - 4 tháng: Bú 4 giờ/lần
  • Bé 5 tháng: Bú 4 - 5 giờ/lần 
  • Bé 6 tháng: Bú 4 - 5 giờ/lần và ăn dặm 1 bữa
  • Bé 7 - 8 tháng: Bú 4 - 5 giờ/lần và ăn dặm 2 bữa
  • Bé 9 tháng trở lên: Bú 5 - 6 giờ/lần và ăn dặm 3 bữa trở lên 

- Mẹ nắm vững các cách luyện tự ngủ, luyện nối giấc nhằm giúp bé có thể ngủ đêm trở lại mà không cần ti sữa. 

- Khi bé thức dậy vào ban đêm, thay vì cho bé bú ngay, mẹ nên chờ một vài phút để quan sát xem vì sao bé khóc và có cách xử lý phù hợp: Nếu bé đói, cần cho bé bú; nếu bỉm bẩn, thay bỉm cho bé. Nếu bé khóc vì không tự ngủ tiếp được, mẹ nên trấn an và dỗ bé ngủ lại mà không dùng ti sữa.

- Nếu bé dậy đêm nhiều lần khiến mẹ mệt mỏi và kiệt sức, mẹ có thể nhờ những người khác trong gia đình trông bé buổi đêm giúp mình để có thêm thời gian nghỉ ngơi. Mẹ nên nói trước với các thành viên trong gia đình về việc sẽ cai ti đêm cho bé và cách thức cai để nhận được sự giúp đỡ tốt nhất. 

- Nếu cai ti đêm khiến bé quấy khóc, khó chịu, thức dậy nhiều lần trong đêm, ban ngày khó ngủ… thì đó là dấu hiệu bé chưa thật sự sẵn sàng. Mẹ nên tạm dừng cai ti đêm và tập cai trở lại cho bé sau khoảng 1 - 2 tuần

- Mẹ không nên cai ti đêm cho bé vào giai đoạn tuần khủng hoảng bởi đây là lúc bé thường “khó ở” và khó ngủ hơn bình thường. Mẹ cũng không nên cai ti đêm khi sinh hoạt gia đình có xáo trộn như đi du lịch, về quê, bé đi học… 

Hiểu lầm khi cai ti đêm 

  • Cai ti đêm là để bé đói buổi đêm: Thực tế, cai ti đêm luôn cần đảm bảo bé đã được bú no trước khi ngủ, và bé có khả năng tích trữ năng lượng trong nhiều giờ liền. Mẹ cần căn cứ vào tháng tuổi, khả năng bú của bé và chất lượng giấc ngủ để biết bé đã thật sự sẵn sàng cai ti đêm hay chưa. 
  • Cai ti đêm khiến bé bú ít đi: Cai ti đêm có nghĩa bé không bú nhiều vào ban đêm, và điều này giúp bé bú vào ban ngày tốt hơn. Nhờ đó, tổng lượng sữa của bé trong 24 giờ sẽ không thay đổi, thậm chí có thể nhiều hơn. Cai ti đêm giúp bé đảm bảo “ngày ăn đêm ngủ” và không bị lẫn lộn ngày đêm. 
  • Cai ti đêm làm bé “còi”: Điều này không chính xác bởi chỉ cần lượng sữa bé bú trong 24 giờ đủ theo nhu cầu của bé, bé vẫn sẽ phát triển tốt và không bị còi. Hệ tiêu hóa của bé vào ban đêm cũng được nghỉ ngơi thay vì phải làm việc vất vả, nhờ đó bé tiêu hóa tốt hơn, hạn chế bị đầy hơi, khó chịu, chướng bụng ban đêm. 

Cai ti đêm cho bé bú mẹ và bú bình chỉ trong 3 bước (chi tiết nhất 2024)

Các yếu tố giúp bé ngủ đêm ngon

Song song với việc cai ti đêm, mẹ nên áp dụng các cách dưới đây nhằm giúp bé ngủ đêm ngon giấc và hạn chế việc tỉnh dậy giữa đêm: 

- Vào mùa hè, hoặc tại các địa phương có khí hậu nóng, mẹ nên cho bé tắm trước cữ ngủ đêm nhằm giúp bé ngủ đêm tốt hơn. Với những nơi có khí hậu lạnh, mẹ nên tắm sớm hơn cho bé, tốt nhất vào buổi trưa hoặc chiều, thời điểm ấm áp nhất trong ngày. 

- Bé nên được thực hiện trình tự ngủ đêm trước khi ngủ

- Bé nên có một lịch sinh hoạt giống nhau giữa các ngày để biết trước bây giờ mình sẽ đi ngủ

- Ngay khi thấy bé có dấu hiệu buồn ngủ như lờ đờ, dụi mắt, ngáp, giảm hoạt động… mẹ nên cho bé vào phòng ngủ luôn 

- Bé thức vừa đủ, không thức quá dài trước giấc ngủ đêm để tránh bị quá mệt và gắt ngủ. Dưới đây là bảng thời gian thức tối đa của bé trước giấc ngủ đêm. 

  • Bé 0 tháng: Thức tối đa 60 phút
  • Bé 1 tháng: Thức tối đa 90 phút
  • Bé 2 và 3 tháng: Thức tối đa 120 phút 
  • Bé 4 tháng: Thức tối đa 2,5 giờ
  • Bé 5 tháng: Thức tối đa 3,5 giờ
  • Bé 6 - 8 tháng: Thức tối đa 4 giờ
  • Bé 9 - 10 tháng: Thức tối đa 4,5 giờ
  • Bé 11 tháng: Thức tối đa 5 giờ
  • Bé 12 tháng: Thức tối đa 5,5 giờ
  • Bé 13 - 24 tháng: Thức tối đa 6 giờ

- Bé được quấn kén, quấn nhộng hoặc mặc túi ngủ. Mẹ có thể xem thêm video “Chiếc quấn thần thánh giúp bé ngủ ngon” 

- Ngoài ra, để đảm bảo bé có môi trường ngủ lý tưởng, mẹ có thể đọc bài viết “14 yếu tố giúp bé ngủ ngon”. 

Trên đây là những chia sẻ của Mamibabi về cách cai ti đêm cho bé bú bình và bú mẹ. Hy vọng bài viết sẽ giúp các mẹ cai ti đêm thành công cho bé.

Mọi câu hỏi về cai ti đêm cũng như chăm sóc bé mẹ vui lòng gửi đến mục Tư vấn để được giải đáp.                                                              

---

Mamibabi là app EASY & Luyện ngủ toàn diện hàng đầu, cung cấp mọi thứ mẹ cần để luyện EASY cho bé một cách bài bản, khoa học và tiết kiệm thời gian nhất. Tải Mamibabi miễn phí tại đây: https://mamibabi.com.vn/app

Cai ti đêm cho bé bú mẹ và bú bình chỉ trong 3 bước (chi tiết nhất 2024)

ĐÁNH GIÁ
5 / 5

Bài hay? Đánh giá ngay!
Chọn số sao
           
Gửi thành công! Cảm ơn bạn đã đánh giá!
Tư vấn 1:1 qua chat và video Zalo
Chat ngay!
- Chuyên gia hàng đầu về THAI GIÁO và GIÁO DỤC SỚM (không phải bác sĩ)
- Trực tiếp nghiên cứu và ứng dụng thai giáo, giáo dục sớm cho con trai nên các bài học có tính ứng dụng RẤT CAO, không lý thuyết hàn lâm
- CEO App Mamibabi
- Tác giả TOP sách thai giáo bán chạy tại TIKI: Rủ chồng thai giáo
- Chuyên gia Phát triển Ứng dụng cho Mẹ và bé được sử dụng bởi hàng triệu người
Nhận ngay 5,000+ hoạt động Thai giáo, Giáo dục sớm, Tập nói sớm, Ăn dặm VIP
Thai giáo
Giáo dục sớm
EASY, Luyện ngủ
Tập nói sớm
Ăn dặm VIP
Tư vấn 1:1
Dinh dưỡng
BÀI MỚI ĐĂNG