A-Z luyện ngủ cho bé
Hãy hình dung như chúng ta hiện tại khi trưởng thành, chúng ta có thể nằm lên giường và chờ cho giấc ngủ ập tới, ru chúng ta vào giấc ngủ. Nửa đêm chúng ta có thể thức giấc bởi cơn ác mộng, hay dậy đi toilet… rồi chúng ta quay trở lại giường, nằm xuống và dần dần tự chúng ta quay lại giấc ngủ của mình.
Nhưng đối với trẻ nhỏ, chúng chưa có kỹ năng này nên chúng cần đến sự hỗ trợ của mẹ và bố để chìm vào giấc ngủ.
Càng để lâu thì luyện cho bé càng khó hơn bởi bé đã biết đứng lên bé nhận thức rõ ràng hơn, nên không dễ dàng như việc bé chưa chủ động di chuyển, bé nằm đó sẽ thư giãn hơn, có khóc đòi có lẽ cũng sẽ ít hơn rồi có thể tự chìm vào giấc ngủ.
Hãy cùng Mamibabi tìm hiểu 6 phương pháp luyện ngủ phổ biến nhất, giúp bé có được giấc ngủ dài, sâu hơn và vui vẻ, mẹ ngủ ngon cũng khoẻ mạnh, da dẻ đẹp hẳn lên và tươi trẻ trở lại.
Phương pháp TỰ TRẤN AN 4S | |
Phương pháp TỰ TRẤN AN 5S | |
Phương pháp KHÔNG NƯỚC MẮT | |
Phương pháp BẾ LÊN - ĐẶT XUỐNG | |
Phương pháp CRY IT OUT WITH CHECK - ĐỂ BÉ KHÓC CÓ KIỂM SOÁT | |
Phương pháp CRY IT OUT WITHOUT CHECK - ĐỂ BÉ KHÓC KHÔNG KIỂM SOÁT |
Bài học rất hay và hữu ích, cách trình bày sinh động, mới lạ giúp mẹ nắm bắt thông tin nhanh, không mất thời gian tìm hiểu.
Rất tỉ mỉ và chi tiết, không chung chung như các khóa học trên thị trường. Mình sẽ giới thiệu cho bạn bè khi mang bầu!
Phương pháp
TỰ TRẤN AN 4S
4S nghĩa là gì?
Phương pháp ngủ “Tự trấn an 4S” gồm 4 chữ S trong tiếng Anh:
- Sleep routine: Thói quen trước khi ngủ. Thói quen này gồm 1 chuỗi các hoạt động diễn ra trước giờ ngủ của bé như đọc truyện, tạm biệt, chúc ngủ ngon…
- Swaddle: Quấn bé. Đây là hoạt động báo hiệu cho bé biết đã đến giờ đi ngủ. Quấn bé đồng thời giúp “ôm" bé để bé không giật mình và cảm thấy an tâm khi ngủ
- Sitting: Ngồi yên. Mẹ bế bé và ngồi yên một chỗ trong phòng. Tuyệt đối không đung đưa hoặc đứng lên đi lại
- Shhh: Mẹ thổi âm thanh Shhù bên tai bé, nên kèm theo ti giả
Lợi ích của phương pháp Tự trấn an 4S
- Giúp mẹ tạo môi trường ngủ cho bé giống như khi bé đang ở trong bụng mẹ. Nhờ đó, bé không bị “sốc" khi thay đổi “chỗ ngủ"
- Giúp bé dễ đi vào giấc ngủ, ngủ ngon hơn, ngủ dài hơn
- Đây là 1 trong những phương pháp luyện ngủ nhẹ nhàng nhất, hạn chế việc xảy ra xung đột giữa các thế hệ trong gia đình
Nên áp dụng Tự trấn an 4S với bé nào?
- Các bé chưa có nếp sinh hoạt ổn định, ăn ngủ tùy ý
- Các bé khó ngủ; trằn trọc, loay hoay nhiều trước khi ngủ
- Bé “ngủ vặt" ban ngày, có khi chỉ ngủ 10 - 20 phút rồi tỉnh dậy
- Bé dậy đêm nhiều lần để chơi hoặc khóc và không có nhu cầu ăn
Khi nào mẹ nên áp dụng 4S cho bé?
- Mẹ có thể áp dụng ngay khi bé vừa sinh ra, cho cả giấc ngày và giấc đêm
- Phương pháp 4S có hiệu quả nhất cho bé từ 0 - 4 tháng tuổi
- Sau 4 tháng, 4S vẫn có hiệu quả với bé nhưng có thể sẽ khó khăn hơn. Lúc này, mẹ cũng có thể bỏ qua bước Swaddle - Quấn bé
4 bước thực hiện 4S cho bé
- Bước 1: Chuẩn bị chỗ ngủ cho bé. Mẹ hãy kéo rèm, tắt đèn, bật tiếng ồn trắng hoặc nhạc nhẹ nhàng. Phòng ngủ của bé phải là nơi yên tĩnh và dễ chịu
- Bước 2: Quấn bé. Mẹ có thể quấn toàn thân, cũng có thể chỉ quấn tay và vai của bé. Mẹ nên theo dõi bé nhiều ngày liên tiếp để xem bé “hợp tác" với kiểu quấn nào hơn
4 bước thực hiện 4S cho bé (tiếp)
- Bước 3: Ngồi yên. Mẹ bế vác bé lên, để mặt bé úp vào cổ hoặc vai mình, và ngồi yên trong khoảng 5 phút. Khi thấy bé hoàn toàn thả lỏng, đã buồn ngủ nhưng chưa ngủ, mẹ nhẹ nhàng đặt bé vào cũi và chúc bé ngủ ngon, hẹn gặp lại bé. Sau đó, mẹ ra khỏi phòng luôn và để bé tự chìm vào giấc ngủ.
- Bước 4: Vỗ lưng và nói Shhù nếu bé khóc
Kỹ thuật vỗ lưng và nói Shhù
- Mẹ đặt bé nằm nghiêng trong cũi
- Dùng 1 chiếc gối hình trụ (hoặc chăn, khăn, vải dày cuộn tròn) đặt sau lưng bé để bé dựa vào
- Đặt nhẹ 1 tay lên người bé
- Tay còn lại vỗ vào giữa lưng bé (không được vỗ thấp xuống thắt lưng) với nhịp độ ổn định, đều đặn như tiếng kim đồng hồ
Kỹ thuật vỗ lưng và nói Shhù (tiếp)
- Mẹ vừa vỗ vừa cúi xuống, ghé miệng vào phía sau tai bé và thì thầm “Shhù Shhù” một cách chậm rãi. Nếu bé khóc, mẹ hãy bế bé lên, để bé dựa đầu vào hõm vai mình, vỗ và nói Shhù Shhù. Khi bé dễ chịu hơn, mẹ lại đặt bé nằm nghiêng trong cũi, dựa vào gối, tiếp tục vỗ và nói Shhù Shhù
- Khi thấy con dần chìm vào giấc ngủ, mẹ vỗ chậm lại (khoảng 10 - 15 phút) rồi dừng hẳn. Sau khi bé ngủ, mẹ chờ 20 phút để xem bé đã thực sự ngủ say chưa. Nếu bé đã ngủ say, mẹ đặt bé nằm ngửa trở lại.
Nếu bé chưa ngủ say và khóc?
- Nếu mẹ vừa ngừng vỗ mà bé khóc hoặc ọ ẹ, mẹ đừng bế bé vội. Mẹ hãy dùng “nút chờ" để xem bé có thể tự trấn an và đi vào giấc ngủ không.
- “Nút chờ" là thời gian mẹ chờ bé khóc và tự ngủ. Với bé dưới 4 tháng, thời gian chờ này trong khoảng 3 - 10 phút. Hết thời gian này, nếu bé vẫn khóc và khó chịu, mẹ hãy bế bé lên, vỗ và nói Shhù Shhù
- Nếu bé ngủ được một lúc rồi giật mình thức dậy, mẹ cần vỗ và nói Shhù Shhù lâu hơn nữa, đến khi bé ngủ sâu mới dừng lại
Phương pháp
TỰ TRẤN AN 5S
5S nghĩa là gì?
Nếu đã tìm hiểu phương pháp ngủ tự trấn an 4S, mẹ sẽ thấy phương pháp 5S có nhiều điểm tương đồng với 4S.
Phương pháp 5S gồm 5 chữ S trong tiếng Anh:
- Swaddle: Quấn bé
- Side: Đặt bé nằm nghiêng
- Shhù Shhù: Mẹ thổi tiếng Shhù Shhù để bé dần chìm vào giấc ngủ
- Swing: Đung đưa bé
- Suck: Cho bé mút ti giả hoặc ngón tay
Sự khác biệt giữa 4S và 5S
Ti giả/ ngón tay
- 4S: Mẹ có thể cho bé dùng ti giả hoặc không. Ti giả không đóng vai trò quan trọng trong 4S
- 5S: Ti giả là chữ S thứ 5 (Suck) được tác giả nhắc đến. Ti giả đóng vai trò quan trọng trong 5S. Với nhiều bà mẹ, ti giả được coi là “cứu cánh" hữu hiệu với giấc ngủ của bé. Mẹ cũng có thể dùng ngón tay thay cho ti giả
Sự khác biệt giữa 4S và 5S (tiếp)
Đung đưa
- 4S: Đung đưa không được khuyến khích trong phương pháp 4S. Nếu cần, mẹ chỉ đung đưa thật nhẹ 1 - 2 phút để bé chìm vào giấc ngủ. 4S chú trọng việc mẹ bế bé và ngồi yên lặng
- 5S: Đung đưa là chữ S thứ 4 (Swing) được tác giả nhắc đến. Mẹ sẽ đung đưa bé theo nhịp tiếng khóc
Nên áp dụng Tự trấn an 5S với bé nào?
- Các bé khó ngủ; trằn trọc, loay hoay nhiều trước khi ngủ
- Bé “ngủ vặt" ban ngày, có khi chỉ ngủ 10 - 20 phút rồi tỉnh dậy
- Bé dậy đêm nhiều lần để chơi hoặc khóc và không có nhu cầu ăn
Khi nào mẹ nên áp dụng 5S cho bé?
- Mẹ có thể áp dụng ngay khi bé vừa sinh ra, cho cả giấc ngày và giấc đêm
- Phương pháp 5S có hiệu quả nhất cho bé từ 0 - 3 tháng tuổi
- Sau 3 tháng, 5S vẫn có hiệu quả với bé nhưng có thể sẽ khó khăn hơn. Lúc này, mẹ cũng có thể bỏ qua bước Swaddle - Quấn bé
5 bước thực hiện 5S cho bé
Bước 1: Quấn bé (Swaddle)
Mẹ quấn chặt và đặt bé vào cũi. Nếu bé có thể tự ngủ, điều này thật tuyệt vời. Nếu bé khóc, mẹ hãy thực hiện bước 2 nhé!
Bước 2: Cho bé nằm nghiêng hoặc nằm sấp (nằm trong cũi hoặc mẹ bế)
- Cách 1: Mẹ cho bé nằm nghiêng trong cũi. Mẹ dùng 1 chiếc gối hình trụ (hoặc chăn, khăn, vải dày cuộn tròn) đặt sau lưng bé để bé dựa vào
- Cách 2: Mẹ bế bé nằm nghiêng như khi cho bé bú nhưng ở phía ngược lại, mặt bé hướng ra ngoài chứ không hướng về ngực mẹ. Bụng và người bé nằm thẳng trên cánh tay mẹ. Mẹ áp lưng bé vào ngực mình, tay đỡ đầu bé sao cho ngón tay cái gần với miệng bé
- Cách 3: Đặt bé nằm sấp dọc theo cánh tay mẹ sao cho bụng bé nằm trên cánh tay mẹ, đầu bé nằm trong lòng bàn tay mẹ và chân bé chạm vào khuỷu tay mẹ
- Cách 4: Mẹ bế đứng bé gần như tư thế bế vỗ ợ hơi, bé úp mặt vào hõm vai mẹ. Một tay mẹ đỡ đầu bé, tay còn lại đỡ mông bé
Bước 3: Shhù Shhù
- Mẹ ghé miệng cách tai bé 5 - 10cm và tạo ra những tiếng Shhù Shhù
- Mẹ tăng âm lượng tiếng Shhù Shhù cho khớp với tiếng khóc của bé
- Khi thấy bé bình tĩnh hơn và giảm khóc, mẹ giảm âm lượng tiếng Shhù Shhù rồi đặt bé vào cũi
- Nếu bé lại khóc, mẹ hãy bế bé lên và bắt đầu lại từ đầu với những tiếng Shhù Shhù
Lưu ý: Nếu không tạo tiếng Shhù Shhù, mẹ có thể dùng tiếng ồn trắng. Mẹ nhớ đặt máy phát tiếng ồn trắng cách bé 30 - 150cm và bật cả đêm nhé
- Mẹ vừa vỗ vừa cúi xuống, ghé miệng vào phía sau tai bé và thì thầm “Shhù Shhù” một cách chậm rãi. Nếu bé khóc, mẹ hãy bế bé lên, để bé dựa đầu vào hõm vai mình, vỗ và nói Shhù Shhù. Khi bé dễ chịu hơn, mẹ lại đặt bé nằm nghiêng trong cũi, dựa vào gối, tiếp tục vỗ và nói Shhù Shhù
- Khi thấy con dần chìm vào giấc ngủ, mẹ vỗ chậm lại (khoảng 10 - 15 phút) rồi dừng hẳn. Sau khi bé ngủ, mẹ chờ 20 phút để xem bé đã thực sự ngủ say chưa. Nếu bé đã ngủ say, mẹ đặt bé nằm ngửa trở lại.
Bước 4: Đung đưa (Swing)
- Mẹ có thể đứng hoặc ngồi, sau đó đặt bé nằm nghiêng hoặc sấp trên đùi mình sao cho bàn tay mẹ đỡ đầu và cổ bé, cẳng tay mẹ ôm lấy chân bé, chân bé chạm vào lườn của mẹ
- Mẹ vừa tạo tiếng Shhù Shhù vừa đung đưa bé qua lại 2 bên
- Bé khóc càng to, mẹ càng đung đưa nhanh hơn nhưng khoảng cách ngắn lại, từ bên này sang bên kia chỉ 2 - 3cm. Khi bé bình tĩnh hơn, mẹ làm chậm lại và đặt bé xuống với tư thế nằm ngửa
Bước 5: Cho bé mút ti giả hoặc ngón tay (Suck)
- Mẹ hãy đưa ti giả gần miệng bé, chạm vào môi bé và để bé tự mút vào
- Nếu cho bé mút ngón tay, mẹ hãy đảm bảo tay mình được rửa thật sạch nhé!
Có bắt buộc phải thực hiện cả 5 bước không?
- Không. Nếu ngay từ bước 1 bé đã có thể tự ngủ, mẹ không cần làm các bước sau. Mẹ cũng có thể chỉ làm 3 hoặc 4 bước nếu bé đã ngủ
- Mẹ lưu ý làm tuần tự từng bước như hướng dẫn, không bỏ bước hoặc đảo lộn thứ tự các bước
Phương pháp
KHÔNG NƯỚC MẮT
Phương pháp này có đúng là không nước mắt?
Tất nhiên là… không. Chắc hẳn mẹ cũng biết, với trẻ sơ sinh, không nước mắt là điều bất khả thi.
Sở dĩ phương pháp này được đặt tên là “No cry - Không nước mắt" vì KHÔNG có sự xuất hiện của “nút chờ". “Nút chờ” là khoảng thời gian bố mẹ chờ bé khóc trước khi can thiệp; có thể dài 3 phút, 5 phút hoặc cả tiếng.
(Bố mẹ sẽ thấy “nút chờ" xuất hiện nhiều trong phương pháp CIO - Cry it out - Để bé khóc)
Với phương pháp “Không nước mắt", ngay khi bé khóc, mẹ sẽ bế bé lên ngay. Việc này hạn chế phần nào nước mắt của bé. Tuy vậy, bố mẹ hãy chuẩn bị tinh thần rằng có những bé sẽ… khóc rất nhiều nhé!
Ưu và nhược điểm của phương pháp Không nước mắt
Ưu điểm:
Bất cứ khi nào bé khóc khó chịu, mẹ sẽ can thiệp ngay chứ không chờ. Điều này hạn chế nước mắt của bé và hạn chế xung đột gia đình. Ông bà sẽ không trách bố mẹ “Sao để đứa bé khóc mà không dỗ?”
Nhược điểm:
- Mẹ sẽ cảm thấy dụng cụ hỗ trợ trong phương pháp này có phần lích kích hơn bởi cần chăn có mùi hương của mẹ hoặc thú bông dou dou. Tuy nhiên, những vật dụng ấy không bắt buộc mẹ nhé!
- Mẹ có thể sẽ phải bế bé nhiều. Điều này thật không dễ dàng với các mẹ mới sinh còn đau lưng và chưa hồi phục hẳn
Nên áp dụng Phương pháp Không nước mắt với bé nào?
- Các bé khó ngủ; trằn trọc, loay hoay nhiều trước khi ngủ
- Bé “ngủ vặt" ban ngày, có khi chỉ ngủ 10 - 20 phút rồi tỉnh dậy
- Bé dậy đêm nhiều lần để chơi hoặc khóc và không có nhu cầu ăn
Khi nào mẹ nên áp dụng cho bé?
- Mẹ có thể áp dụng ngay khi bé mới sinh hoặc 1 tuần sau sinh, cho cả giấc ngày cả giấc đêm
- Mẹ nên luyện cho bé với giấc ngủ ngày trước, khi bé đã quen mới chuyển sang luyện giấc đêm
9 bước thực hiện phương pháp Không nước mắt
Bước 1: Chuẩn bị điều kiện ngủ lý tưởng nhất cho bé
- Giảm các hoạt động mạnh dễ gây kích thích cho bé trước khi ngủ
- Mẹ hãy cho bé ăn no mẹ nhé
- Thay bỉm sạch cho bé
- Kéo rèm, tắt đèn, giữ phòng tối và yên tĩnh
- Chuẩn bị nôi cũi sạch và phẳng phiu
Bước 2: Quấn bé
Giống như các phương pháp luyện ngủ khác, mẹ hãy quấn chặt bé để giảm cảm giác “rơi tự do" của bé trong khi ngủ nhé!
Bước 3: Tiếng ồn trắng/tiếng nhạc
Mẹ hãy bật tiếng ồn trắng là tiếng tim đập cho bé nhé. Đây là âm thanh quen thuộc nhất với bé vì bé luôn được nghe từ khi còn trong bụng mẹ. Hoặc mẹ cũng có thể cho bé nghe tiếng nhạc du dương, êm dịu để bé dễ đi vào giấc ngủ
Bước 4: Mùi của mẹ và vật trấn an (không bắt buộc)
Một số bé sẽ dễ đi vào giấc ngủ hơn nếu được “hít hà" mùi hương của mẹ. Vì thế, mẹ có thể đắp chăn hoặc quấn khăn có mùi của mẹ cho bé nhé!
Với bé trên 6 tháng tuổi, mẹ có thể cho bé ôm một “người bạn" mềm mại đi ngủ. Lý tưởng nhất là thú bông dou dou - loại thú bông nổi tiếng chuyên dành cho trẻ sơ sinh. Mẹ lưu ý các bạn thú ấy cần được giặt sạch sẽ trước khi cho bé ôm mẹ nhé!
Bước 5: Đọc “thần chú" đi ngủ
Mẹ hãy đọc tín hiệu buồn ngủ của bé. Khi thấy bé buồn ngủ nhưng chưa ngủ hẳn, mẹ đặt bé vào cũi và nói “thần chú" với bé. Ví dụ: “Đến giờ ngủ rồi, chúc con ngủ ngon, shhù shhù”
Mẹ cũng có thể hát ru bé nhé. Mẹ lưu ý cần hát hoặc nói những lời giống hệt nhau vào tất cả các tối để “báo hiệu" cho bé biết đã đến giờ ngủ
Bước 6: Nếu bé khóc khó chịu, hãy bế bé ngay
Khi bé khóc, mẹ cần nhận biết tiếng khóc:
- Tiếng khóc buồn ngủ: đều đều, giảm dần, bé từ từ đi vào giấc ngủ
- Tiếng khóc khó chịu: gắt gỏng, không giảm, thậm chí tăng dần
Nếu bé khóc khó chịu, mẹ hãy thực hiện trình tự: bế bé - đung đưa nhẹ nhàng - đợi bé nín khóc rồi đặt bé xuống - vòng tay quanh người bé. Khi thấy bé nằm yên, mẹ từ từ trượt tay khỏi lưng bé để bé ngủ.
Nếu bé lại khóc, mẹ không bế bé vội, nhưng hãy thực hiện trình tự 3 bước: vòng tay quanh người bé - vỗ nhẹ bé - đọc câu “thần chú" (giống như ở bước 6)
Nếu bé khóc gắt hơn, mẹ hãy bế bé - đung đưa nhẹ nhàng - đợi bé nín khóc rồi đặt bé xuống - vòng tay quanh người bé - vỗ nhẹ bé - đọc câu “thần chú"
Mẹ hãy lặp đi lặp lại trình tự đó nhiều lần (nếu bé khóc) để bé hiểu rằng đã đến giờ đi ngủ.
Lưu ý: Nếu bé khóc quá nhiều và quá giờ ngủ khá lâu, mẹ hãy dừng luyện, cho bé ngủ theo cách thông thường và luyện lại cho bé vào một ngày khác.
Bước 7: Giảm sự trợ giúp - Không bế bé
Sau vài ngày, bé sẽ dần quen với trình tự mẹ làm (bế bé - đung đưa - đặt xuống - vòng tay quanh người bé - vỗ nhẹ - đọc “thần chú").
Lúc này, mẹ hãy giảm dần sự trợ giúp bằng cách không bế bé lên khi bé khóc. Mẹ hãy để bé nằm im trong cũi và chỉ thực hiện 3 bước: vòng tay quanh người bé - vỗ nhẹ - đọc “thần chú".
Nếu bé tỉnh dậy, mẹ lại lặp lại 3 bước đó và không bế bé lên. Dần dần, bé sẽ “dứt" cảm giác có mẹ bế và tự mình ngủ trong cũi tốt hơn.
Bước 8: Giảm sự trợ giúp - Không vòng tay quanh người bé
Sau vài ngày, khi bé đã quen với việc mẹ không bế, mẹ hãy giảm tiếp sự trợ giúp bằng cách: Nếu bé khóc, mẹ không bế, cũng không vòng tay quanh người bé. Mẹ chỉ thực hiện 2 bước: Vỗ nhẹ - đọc “thần chú". Mẹ hãy kiên trì làm như vậy nhiều lần đến khi bé chìm vào giấc ngủ.
Bước 9: Giảm sự trợ giúp - Không vỗ bé
Sau vài ngày, khi bé đã quen với trình tự 2 bước vỗ nhẹ - đọc “thần chú", mẹ hãy tiếp tục giảm sự trợ giúp.
Khi bé khóc, mẹ không vỗ bé mà đứng cách cũi của bé một khoảng và đọc “thần chú" tới khi bé ngủ. Dần dần, mẹ hãy đứng xa cũi của bé hơn, ra tới cửa phòng.
Nếu bé tỉnh dậy giữa chừng, mẹ có thể vào phòng trấn an bé để bé ngủ lại nhưng phải thật nhanh mẹ nhé!
Phương pháp
BẾ LÊN - ĐẶT XUỐNG
Phương pháp này có thể áp dụng cho những bé nào?
- Những bé chưa thể tự ngủ
- Những bé đã từng trải qua phương pháp 4S, 5S, Không nước mắt nhưng chưa thành công
- Những bé khó ngủ, mất nhiều thời gian để đi vào giấc ngủ
- Những bé không theo một nếp sinh hoạt nào, ăn ngủ tùy hứng và khác nhau giữa các ngày
- Những bé thức dậy quá sớm vào buổi sáng hoặc ngủ giấc đêm quá muộn
- Những bé thường “ngủ vặt” vào ban ngày, giấc ngủ chỉ dài 10 - 30 phút
- Những bé thường dậy chơi đêm, chưa phân biệt được chính xác ngày và đêm
Khi nào nên áp dụng cho bé?
- Tốt nhất, mẹ nên áp dụng cho bé trong khoảng 4 tháng tới 1 tuổi. Đây là điều khác biệt cơ bản của Bế lên - đặt xuống so với các phương pháp khác (thường áp dụng từ khi mới sinh)
- Với bé dưới 4 tháng tuổi, phương pháp này sẽ không hiệu quả hoặc kém hiệu quả. Vì vậy, mẹ nên ưu tiên các phương pháp khác như 4S, 5S, Không nước mắt hoặc CIO - Để bé khóc
- Với bé trên 1 tuổi, áp dụng phương pháp này sẽ khiến mẹ vất vả hơn bởi khi đó bé nặng hơn, việc bế lên - đặt xuống nhiều sẽ tốn nhiều công sức. Hơn nữa, bé trên 1 tuổi đã “tinh” hơn và dễ bị kích thích bởi những tác động bế và đặt liên tục
Ưu và nhược điểm
Ưu điểm:
- Đây là phương pháp tương đối dễ chịu và nhẹ nhàng so với CIO - Để bé khóc. Bé sẽ không phải trải qua nhiều nước mắt
- Nhờ yếu tố “bế lên" xuất hiện nhiều lần, phương pháp này hiếm khi gây xung đột thế hệ trong gia đình bởi ông bà thường quen với việc bế lên mỗi khi bé khóc
Nhược điểm:
- Đúng như tên gọi, phương pháp này đòi hỏi mẹ “bế lên" nhiều lần khi luyện ngủ cho bé, điều này cần nhiều sức lực và dễ gây mệt mỏi. Mẹ nên chia sẻ và nhờ sự trợ giúp của các thành viên khác trong gia đình. Mỗi người có thể trông bé 1 đêm và đêm hôm sau tới “phiên" người khác
4 bước thực hiện
Bước 1: Chuẩn bị một giấc ngủ lý tưởng cho bé
Giống như nhiều phương pháp khác, mẹ hãy “báo hiệu" cho bé biết đã đến giờ đi ngủ bằng cách giảm các hoạt động dễ gây kích thích. Kéo rèm, tắt đèn phòng bé. Đảm bảo nôi cũi, chăn ga của bé thật sạch sẽ và nhiệt độ phòng thoáng mát
Bước 2: Mẹ đặt bé xuống giường và ra ngoài
- Nếu thấy bé khóc nhỏ, ư ử, nỉ non như tiếng khóc trấn an để tự đưa mình vào giấc ngủ, mẹ hãy để bé khóc và áp dụng “nút chờ" nhé. Mẹ đứng ngoài và chờ trong một khoảng thời gian (3, 5, 7 phút…) tới khi bé đi vào giấc ngủ
- Nếu bé khóc to, mẹ hãy vào với bé
Bước 3: Nếu bé khóc, mẹ hãy can thiệp
- Khi bé khóc, mẹ hãy vào phòng bé:
- Với bé dưới 6 tháng tuổi: mẹ vỗ nhẹ và thổi tiếng shhù shhù tới khi bé hết khóc
- Với bé trên 6 tháng tuổi: mẹ chỉ cần đặt tay lên lưng bé, không shhù shhù hay vỗ vì có thể khiến bé chú ý hoặc bị kích động hơn
- Nếu bé không ngừng khóc, thậm chí khóc to hơn => mẹ hãy bế bé lên => khi thấy bé bắt đầu thư giãn và thả lỏng, mẹ đặt bé xuống ngay
- Với bé dưới 6 tháng: mẹ bế bé 2 - 3 phút rồi đặt xuống kể cả khi bé vẫn khóc
- Với bé trên 6 tháng: mẹ rút ngắn dần thời gian bế bé sau mỗi lần, từ 3 phút xuống 2 phút rồi 1 phút
- Nếu bé ưỡn lưng hoặc đẩy mẹ ra => mẹ cần đặt bé xuống ngay để bé tự trấn an và đi vào giấc ngủ => mẹ có thể đặt tay lên lưng bé và đọc “thần chú" như: “Đến giờ đi ngủ rồi, con hãy ngủ thật ngon nhé"
Bước 4: Đặt xuống rồi mới bế lên
Nếu bé vẫn khóc => mẹ đặt bé vào cũi rồi mới bế lên 1 - 3 phút => đặt bé xuống và đặt tay lên người bé, để yên
Nếu bé lại khóc => lại bế bé lên và đọc “thần chú" chúc bé ngủ ngon như trước
Mẹ hãy lặp đi lặp lại nhiều lần hành động bế lên - đặt xuống tới khi bé thư giãn hơn và tự đi vào giấc ngủ. Khi đó, bé có thể khóc ư ử để tự trấn an và “ru ngủ" mình. Mẹ ở lại phòng chờ tới khi bé ngủ say mới rời khỏi phòng.
Lưu ý:
- Mỗi khi bế bé lên, mẹ không đung đưa, không vỗ bé, không shhù shhù, chỉ đọc “thần chú" chúc ngủ ngon
- Trong những đêm đầu tiên, mẹ có thể phải bế lên - đặt xuống nhiều lần. Nhưng khi thấy bé đã có thể tự ngủ tốt hơn, mẹ nên giảm dần sự trợ giúp bằng cách bế lên ít hơn vào những đêm sau, và cuối cùng là không bế nữa, chỉ đặt bé vào cũi, đọc “thần chú" chúc ngủ ngon và đi ra ngoài. Đó là khi mẹ đã luyện ngủ cho bé thành công.
Mẹ cần bế lên đặt xuống bao nhiêu lần mỗi đêm?
Không có câu trả lời chính xác cho tất cả các mẹ và bé bởi mỗi bé sẽ có sự thích nghi khác nhau, và kỹ năng thực hiện của mẹ cũng khác nhau. Tuy vậy, trong những ngày đầu luyện ngủ, mẹ hãy chuẩn bị tinh thần mình phải bế lên - đặt xuống vài chục tới cả trăm lần mỗi đêm.
Với một số bé có sự hợp tác tốt, mẹ chỉ cần bế lên - đặt xuống khoảng 20 - 30 phút, nhưng sẽ có những bé khiến mẹ phải tốn vài giờ đồng hồ. Tuy vậy, nếu thành công với phương pháp này, cả mẹ và bé sẽ có những đêm ngon giấc. Bé sẽ tự ngủ dễ dàng và mẹ có nhiều thời gian nghỉ ngơi.
Phương pháp
CRY IT OUT WITH CHECK - ĐỂ BÉ KHÓC CÓ KIỂM SOÁT
Các tên gọi của phương pháp này
Tên tiếng Anh của phương pháp “Để bé khóc có kiểm soát":
- Cry it out with check (CIO with check)
- Controlled Crying
Trong tài liệu này, Mamibabi sẽ nhắc đến phương pháp này với tên gọi tắt là “CIO có kiểm soát”
Đặc điểm nổi bật
- Khi bé khóc, mẹ không dỗ ngay mà chờ đợi một khoảng thời gian ngắn (ít nhất 3 phút) rồi mới vỗ về bé
- Lặp lại nhiều lần chu trình chờ bé khóc - vỗ về bé - chờ bé khóc - vỗ về bé… cho tới khi bé có thể tự đưa mình vào giấc ngủ
- Mẹ cần phân biệt tiếng khóc của bé:
- Khóc khó chịu (gào thét, gắt gỏng, dữ dội) => vỗ về bé
- Khóc trấn an/khóc ru ngủ (đều đều, giảm dần, thưa dần) => để bé tự ngủ
Mẹ cần chuẩn bị gì?
- Với bé dưới 4 tháng tuổi, mẹ cần kết hợp CIO có kiểm soát với nếp sinh hoạt EASY và bộ công cụ 5S.
- Mẹ nên thống nhất với các thành viên trong gia đình, đặc biệt là bố về phương pháp này
- Mẹ cần chuẩn bị cho mình một tâm thế thật vững vàng mẹ nhé!
Vì sao mẹ cần có tâm thế vững vàng?
- Đúng như tên gọi “Cry it out - Để bé khóc", phương pháp này sẽ tốn nhiều nước mắt của bé, và có thể cả của bố mẹ nữa đó ạ
- Bé có thể nôn trớ và tăng nhiệt, nóng nực, ra mồ hôi vì khóc quá nhiều
- Mẹ có thể gặp phải cản trở từ phía gia đình, nhất là ông bà vì “sao lại để đứa bé khóc nhiều thế”
Mẹ hãy nghiên cứu và cân nhắc kỹ về phương pháp này mẹ nhé!
Nên áp dụng cho những em bé nào?
- Những bé vẫn không thể tự ngủ sau khi đã áp dụng mọi phương pháp luyện ngủ khác.
- Những bé ngủ kém, “ngủ vặt", dễ tỉnh giấc, ngủ đêm quá muộn, thức dậy quá sớm…
Đọc đến đây, hẳn mẹ cũng đã trả lời được câu hỏi: Liệu CIO có kiểm soát có phù hợp với bé yêu của mình?
Khi nào nên áp dụng?
- Mỗi chuyên gia về giấc ngủ lại có một quan điểm khác nhau về thời gian bắt đầu CIO có kiểm soát: 2 tháng, 4 tháng, 6 tháng
- Tuy vậy, thời gian sớm nhất mẹ có thể áp dụng cho bé là khi bé được 6 tuần tuổi
Mẹ nên bắt đầu như thế nào?
Mẹ cần thiết lập môi trường ngủ thật lý tưởng cho bé:
- Nôi cũi cho bé nằm riêng, hạn chế quây cũi
- Đệm sạch và ga chun vừa vặn
- Quấn bé, túi ngủ hoặc chăn lưới chống ngạt được dắt chặt dưới đệm của bé
- Không đồ chơi; không treo đồ vật trên cao đề phòng rơi xuống cũi gây nguy hiểm cho bé
- Nhiệt độ phòng mát mẻ
- Kéo rèm để phòng tối
Mẹ cho bé ăn no và mặc bỉm sạch. Mẹ nên chuẩn bị sẵn khăn khô, khăn ướt, ga chống thấm, nước ấm… đề phòng bé bị nôn trớ cần được vệ sinh
Mẹ nên bắt đầu luyện với giấc ngủ đêm của bé. Khi bé đã quen mới áp dụng với giấc ngủ ngày
7 bước thực hiện
Bước 1: Mẹ cho bé vào giường sớm 15 phút trước khi bé đến ngưỡng buồn ngủ.
Bước 2: Mẹ bật tiếng ồn trắng => quấn bé => cài đặt nhiệt độ phòng mát mẻ. Lưu ý: Mẹ cho bé mặc thoáng mát rồi mới quấn bé. Nếu bé trên 4 tháng, mẹ không cần quấn
Bước 3: Mẹ đặt bé xuống cũi và thì thầm vào tai bé “Chúc con ngủ ngon” hoặc một lời nói yêu thương rồi ra khỏi phòng. Lưu ý: Lời nói này nên giống nhau trong tất cả các ngày.
Nếu bé khóc, mẹ KHÔNG vào phòng ngay mà đợi 3 phút rồi mới vào (3 phút tính từ khi bé bắt đầu khóc)
Bước 4: Sau 3 phút chờ, mẹ vào phòng => cho bé nằm nghiêng => vỗ lưng bé.
Nếu bé khóc dữ dội => mẹ bế bé lên và đung đưa nhẹ. Lưu ý: Mẹ không giao tiếp bằng mắt và không trò chuyện với bé. Mẹ chỉ dỗ bé tối đa 4 phút
Bước 5: Sau 4 phút (hoặc sớm hơn), mẹ đặt bé xuống cũi và rời khỏi phòng. Lần này, mẹ đợi 5 phút rồi mới vào phòng.
Nếu mẹ thấy bé khóc tự trấn an (tiếng khóc đều đều, khóc rồi ngừng, nhỏ và thưa dần), mẹ hãy chờ xem bé có thể tự đi vào giấc ngủ không, đừng vào phòng vội
Bước 6: Sau 5 phút chờ, nếu bé vẫn khóc, mẹ vào phòng và lại vỗ về bé, cho bé nằm nghiêng và vỗ lưng đến khi bé thả lỏng, bớt khóc
Nếu bé khóc dữ dội => mẹ bế bé lên và đung đưa nhẹ. Mẹ chỉ dỗ bé tối đa 4 phút
Bước 7: Sau 4 phút (hoặc sớm hơn), mẹ đặt bé xuống cũi và rời khỏi phòng. Lần này, mẹ đợi 7 phút rồi mới vào phòng.
Mẹ sẽ thấy bé khóc dữ dội nhất sau khoảng 15 phút. Dù vậy, mẹ hãy kiên nhẫn chờ đợi và làm đúng kỹ thuật: Cho bé nằm nghiêng - vỗ lưng bé. Chỉ bế khi bé khóc dữ dội.
Thực hiện 7 bước CIO có kiểm soát trong bao lâu?
1 tiếng: Đó là thời gian tối đa mẹ lặp lại việc chờ đợi - vỗ về bé nhiều lần trong đêm đầu tiên. (Nếu áp dụng với giấc ngày, thời gian tối đa là 30 phút)
Sau 1 tiếng đêm, nếu bé vẫn khóc, mẹ hãy ngừng lại, cho bé ngủ theo cách thức thông thường và tập lại CIO có kiểm soát vào đêm sau.
Qua mỗi đêm, mẹ hãy tăng thời gian tập thêm 15 phút cho bé:
- Đêm 1: 1 tiếng
- Đêm 2: 1 tiếng 15 phút
- Đêm 3: 1,5 tiếng
Hãy chắc chắn mẹ có đủ sức khỏe để đồng hành cùng bé, và nên nhờ tới sự giúp đỡ của người thân mẹ nhé!
Nên chờ bao lâu mỗi khi bé khóc?
Sau mỗi đêm, mẹ nên tăng dần thời gian chờ đợi rồi mới vào vỗ về bé.
Đêm 1:
- Lần 1 chờ 3 phút
- Lần 2 chờ 5 phút
- Lần 3 chờ 7 phút
- Các lần sau chờ tối đa 10 phút
Đêm 2:
- Lần 1 chờ 5 phút
- Lần 2 chờ 7 phút
- Lần 3 chờ 10 phút
- Các lần sau chờ tối đa 12 phút
Lưu ý: Trên đây chỉ là thời gian gợi ý, mẹ có thể điều chỉnh dựa trên thực tế, miễn sao ngày sau chờ lâu hơn ngày trước
Nguyên tắc an toàn
- CIO không phải là để bé vào cũi, tắt đèn, đi ra rồi mặc kệ bé khóc đến lúc nào cũng được. Mẹ luôn cần vỗ về bé sau mỗi khoảng thời gian chờ nếu bé vẫn khóc. Nếu bé nằm sấp và khóc dữ dội, mẹ cần chỉnh bé nằm nghiêng và vỗ về hoặc bế bé lên
- Nếu bé khóc nhiều và quá nóng, hãy bỏ quấn và lau mồ hôi cho bé rồi tiếp tục như 7 bước đã nêu
- Nếu bé khóc và nôn trớ, mẹ hãy lau mặt, hút mũi, vỗ ợ hơi cho bé. Mẹ nên nhờ người thân lau dọn giường cũi sạch sẽ hoặc thay chăn mới cho bé nếu cần
- Nếu bé khóc và lả dần đi, mẹ hãy ngừng ngay và tập lại CIO cho bé vào ngày khác
Sau bao lâu mẹ và bé sẽ thành công?
Các nghiên cứu về CIO cho thấy bố mẹ có thể hoàn thành việc luyện ngủ cho bé sau khoảng 1 tháng. Tuy vậy, thời gian thực tế không giống nhau giữa các gia đình.
Nếu quyết định áp dụng CIO có kiểm soát cho bé, mẹ hãy kiên nhẫn trong ít nhất 10 ngày mẹ nhé.
Nếu thấy bé phản ứng quá dữ dội và chưa thật sự sẵn sàng, mẹ hãy dừng lại và thử lại vào ngày khác.
Phương pháp
CRY IT OUT WITHOUT CHECK - ĐỂ BÉ KHÓC KHÔNG KIỂM SOÁT
Các tên gọi của phương pháp này
Tên tiếng Anh của phương pháp “Để bé khóc không kiểm soát":
- Cry it out without check (CIO)
- Cry it out extinction
Trong tài liệu này, Mamibabi sẽ nhắc đến phương pháp này với tên gọi tắt là “CIO không kiểm soát"
Khác biệt giữa CIO Có kiểm soát và Không kiểm soát
Camera:
- CIO có kiểm soát không cần có camera. Bố mẹ sẽ trực tiếp theo dõi tiếng khóc của bé bằng cách đứng ngoài cửa phòng
- CIO không kiểm soát cần có camera để bố mẹ dõi theo bé
Số lần chờ mỗi đêm:
- CIO có kiểm soát: Mẹ chờ bé khóc nhiều lần trong đêm. Mẹ lặp lại việc ra khỏi phòng - vào dỗ bé nhiều lần
- CIO không kiểm soát: Mẹ chờ bé khóc chỉ 1 lần trong đêm nhưng thời gian chờ dài hơn
Thời gian chờ:
- CIO có kiểm soát: Thời gian chờ ngắn hơn. Trong đêm đầu tiên, thời gian chờ lần đầu của bố mẹ khoảng 3 phút, các lần sau tăng lên thành 5 phút, 10 phút…
- CIO không kiểm soát: Thời gian chờ thường dài hơn. Trong đêm đầu tiên, thời gian chờ của bố mẹ khoảng 30 phút. Tuy nhiên, bố mẹ có thể điều chỉnh con số này tăng giảm theo sự kiên nhẫn của mình
CIO Không kiểm soát có an toàn không?
- CIO không kiểm soát là phương pháp luyện ngủ có tính khoa học đã được nhiều chuyên gia giấc ngủ công nhận. Bé sẽ luôn được an toàn nếu bố mẹ tuân thủ ĐÚNG các chỉ dẫn kỹ thuật của phương pháp này
- Phương pháp “Để bé khóc không kiểm soát" từng gây nhiều tranh cãi vì nghe có vẻ... lạnh lùng. Nhiều người nghĩ rằng phương pháp này khuyến khích… bỏ mặc bé khóc. Thực tế, bố mẹ sẽ luôn dõi theo bé khóc qua camera và can thiệp ngay khi cần thiết.
Phù hợp với những bé nào?
- Phương pháp này phù hợp với các bé đã từng trải qua nhiều phương pháp luyện ngủ khác (kể cả CIO có kiểm soát) nhưng đều không thành công. Đây là phương pháp khá… khắc nghiệt nên thường là sự lựa chọn cuối cùng
- Một số bé hiếu động và dễ bị kích thích có thể sẽ phù hợp với phương pháp này
- Những bé thường “ngủ vặt”, ngủ lắt nhắt, ngủ đêm quá muộn hoặc thức dậy quá sớm
Khi nào có thể áp dụng?
4 - 6 tháng là thời gian phù hợp bố mẹ có thể bắt đầu áp dụng cho bé. Với những bé lớn hơn, bố mẹ cũng có thể áp dụng phương pháp này.
Nếu áp dụng sớm hơn thời điểm bé 4 tháng, phương pháp này khó thành công và có phần khắc nghiệt đối với bé
Điều kiện để thành công
- Bé đã có trình tự sinh hoạt cố định cho mình, lý tưởng nhất là theo trình tự EASY
- Mẹ áp dụng CIO không kiểm soát với giấc đêm của bé trước, khi bé có thể tự ngủ mới áp dụng cho giấc ngày
- Bố mẹ và các thành viên trong gia đình đã thống nhất với nhau về việc áp dụng phương pháp này cho bé. Điều này rất quan trọng bởi quá trình thực hiện có thể bị gián đoạn nếu ông bà không “chịu" để cháu khóc
- Bố mẹ thống nhất thời gian tối thiểu sẽ áp dụng phương pháp này cho bé: 7 ngày, 10 ngày, 14 ngày…
- Bố mẹ thống nhất thời gian chờ bé khóc mỗi đêm (đêm sau dài hơn đêm trước): 10 phút, 20 phút, 30 phút…
Cần chuẩn bị những gì?
- Lắp camera/ máy báo khóc trong phòng bé để bố mẹ có thể theo dõi cả hình và tiếng của bé
- Mẹ cần thiết lập môi trường ngủ lý tưởng cho bé:
- Nôi cũi cho bé nằm riêng, hạn chế quây cũi
- Đệm sạch và ga chun vừa vặn
- Không đồ chơi; không treo đồ vật trên cao đề phòng rơi xuống cũi gây nguy hiểm cho bé
- Nhiệt độ phòng mát mẻ
- Tắt đèn, kéo rèm để phòng tối
- Mẹ cho bé ăn no và mặc bỉm sạch
- Mẹ nên chuẩn bị sẵn khăn khô, khăn ướt, ga chống thấm, nước ấm… đề phòng bé bị nôn trớ cần được vệ sinh
4 bước thực hiện
Bước 1: Mẹ cho bé vào giường sớm 20 phút (hoặc hơn) so với ngưỡng buồn ngủ của bé. Mẹ thì thầm để bé biết hôm nay bé sẽ tự ngủ, mẹ sẽ không bế bé nữa nhưng sẽ vào với bé khi cần thiết
Bước 2: Mẹ bật tiếng ồn trắng, để nhiệt độ phòng mát mẻ, cho bé mặc thoáng để khi khóc bé không bị quá nóng. Mẹ không cần quấn bé mẹ nhé
4 bước thực hiện
Bước 3: Mẹ đặt bé xuống cũi và chúc bé ngủ ngon (mẹ nên chúc 1 câu giống nhau vào tất cả các ngày). Sau đó, mẹ ra khỏi phòng để bé tự ngủ. Nếu bé khóc, mẹ đừng can thiệp ngay nhé
Bước 4: Mẹ theo dõi bé khóc qua camera. Khi hết thời gian chờ (do bố mẹ tự thống nhất), nếu bé vẫn chưa ngủ, mẹ vào phòng và cho bé ngủ theo cách thông thường.
Thời gian chờ mỗi đêm
Phương pháp này không quy định cụ thể thời gian chờ bé khóc. Tùy thuộc vào sự cứng rắn và kiên nhẫn của mình, bố mẹ có thể tự thống nhất thời gian chờ mỗi đêm, miễn sao đêm sau chờ lâu hơn đêm trước.
Ví dụ:
- Đêm 1: 10 phút
- Đêm 2: 20 phút
- Đêm 3: 30 phút
- …
Nguyên tắc an toàn
- Bố mẹ phải luôn theo dõi bé qua camera/ máy báo khóc để đảm bảo bé được an toàn.
- Nếu bé khóc dữ dội, giãy giụa trong thời gian dài, hãy can thiệp ngay và luyện ngủ lại vào một đêm khác
- Nếu bé nôn trớ, bố mẹ nhanh chóng vệ sinh cho bé rồi ra ngoài và tiếp tục chờ đến hết thời gian đã đặt ra
- Theo dõi sát sao biểu hiện của bé mỗi đêm để chắc chắn bé sẵn sàng cho việc luyện ngủ