Thuật ngữ “em bé cầu vồng” được sử dụng lần đầu tiên trong blog của số mẹ và các nhóm chat. Dần dần, thuật ngữ này trở nên phổ biến và xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông xã hội. Ngày nay, nhiều người thường liên tưởng đến việc mang thai khi thấy một phụ nữ đăng ảnh cầu vồng và bụng bầu, hoặc em bé.
Thuật ngữ "em bé cầu vồng" dùng để chỉ một em bé khỏe mạnh được sinh ra từ những bậc cha mẹ đã trải qua một lần mất mát trước đó do sảy thai, thai chết lưu (em bé chết trong tử cung sau 20 tuần) hoặc chết sơ sinh (em bé qua đời ngay sau khi sinh).
Tính biểu tượng của thuật ngữ này xuất phát từ ý tưởng cầu vồng chỉ xuất hiện sau những cơn mưa, giống như những đứa trẻ cầu vồng được sinh ra sau nỗi đau mất mát.
Cha mẹ có thể đánh dấu ngày biết tin vui của mình bằng một tấm ảnh cầu vồng tươi vui. Các bậc cha mẹ thường có những cảm xúc lẫn lộn khi mang thai và sau sinh. Họ vừa tưởng nhớ đứa con đã mất, vừa cảm thấy may mắn vì con đã được sinh ra một lần nữa.
Khi mang thai một “em bé cầu vồng”, mẹ sẽ có rất nhiều cảm xúc trong 9 tháng đó (và hơn thế nữa).
Khi mang thai một “em bé cầu vồng”, mẹ sẽ có đa dạng cảm xúc: hạnh phúc, lo lắng, bồi hồi… Thông thường, mẹ sẽ cảm thấy hy vọng, vui vẻ và phấn khích trong giây lát; sau đó là lo lắng, hồi hộp kéo dài. Mẹ thậm chí có thể trải qua hầu hết các cung bậc cảm xúc này cùng một lúc.
Trải nghiệm có vẻ trái ngược này một phần là do mẹ có thể vẫn đang đau buồn về việc mất con trước đó. Trên thực tế, nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cả cha và mẹ đều có thể đau buồn về sự mất mát trong một thời gian khá dài. Họ thường nhớ về đứa trẻ không may mắn và nói “giá như” ngay cả sau khi đã sinh “em bé cầu vồng” của mình.
Trong quá trình mang thai "em bé cầu vồng", những cột mốc quan trọng có thể gợi lại những kỉ niệm khó khăn mà mẹ đã từng trải qua. Đôi khi, mẹ có thể vô tình thấy một người bạn cũng gặp phải trường hợp tương tự như mình trước đây.
Một số cha mẹ cũng phải “vật lộn” với cảm giác tội lỗi khi mang thai “em bé cầu vồng”; tuy vậy, cũng có những người có cảm xúc tích cực như phấn khích hoặc vui vẻ. Nhiều bậc cha mẹ từng bị sảy thai hoặc thai chết lưu thường có những suy nghĩ tiêu cực. Họ cho rằng có thể có điều gì đó không ổn xảy ra với con của mình, ngay cả khi mọi thứ đều đang rất ổn.
Cha mẹ nên chọn một bác sĩ hoặc nữ hộ sinh biết rõ tiền sử bệnh của mẹ, nhờ đó, họ có thể hiểu rõ hơn những nỗi sợ hãi và nguyên nhân gây bệnh trong thai kỳ. Mẹ cũng có thể tìm một kỹ thuật viên siêu âm có trình độ cao để giúp mẹ siêu âm chi tiết và giúp giảm đi nỗi lo lắng.
Nhiều bác sĩ, bệnh viện và các chương trình đào tạo đang nỗ lực hơn nữa để giúp mẹ bầu từng mất con xoá bỏ đi cảm giác mặc cảm, tự ti, lo lắng.
Việc nói chuyện với bác sĩ tâm lý cũng giúp mẹ kiểm soát sự lo lắng và căng thẳng trong suốt quá trình mang thai. Bên cạnh đó, mẹ nên nói chuyện với các bác sĩ sản khoa về những triệu chứng tâm lý mình gặp phải. Họ sẽ giới thiệu cho mẹ những bác sĩ tâm lý phù hợp để giúp mẹ kiểm soát cảm xúc của mình tốt hơn khi mang thai.
Bên cạnh đó, một số hội nhóm, cả trực tuyến và ngoại tuyến, đã có những chương trình hỗ trợ các mẹ ổn định tinh thần sau khi bị sảy thai như trang web của Tiến sĩ Jessica Zucker tại địa chỉ http://shop.drjessicazucker.com. Một số bậc cha mẹ chia sẻ rằng họ thấy ổn định tâm lý hơn khi tham gia các khóa học này.
Mẹ cũng nên có bạn bè bên cạnh để hỗ trợ, bảo vệ mẹ khỏi những người hay nói lời tiêu cực. Một số bậc cha mẹ không tiết lộ việc mang thai của mình với bạn bè và đồng nghiệp nhằm tránh những đàm tiếu khó nghe hoặc những bình luận vô tình gây tổn thương họ.
Bên cạnh đó, một số bậc cha mẹ muốn cho gia đình và bạn bè biết sớm về việc mình mang thai để được hỗ trợ thêm về mặt tinh thần trong suốt hành trình 9 tháng 10 ngày. Mỗi người sẽ có một lựa chọn riêng cho mình: Nói hoặc không nói ra, tùy thuộc vào quyết định của người mẹ.
Theo nghiên cứu, từ 15 - 20% những người bị sảy thai có xu hướng trầm cảm hoặc lo lắng. Tình trạng này có thể kéo dài 3 - 5 năm. Bên cạnh đó, một số mẹ bầu cũng gặp phải tình trạng sang chấn tâm lý sau khi sảy thai.
Nhiều mẹ bầu sau khi có “em bé cầu vồng" vẫn sẽ lo lắng điều không hay xảy ra với con của mình. Nếu những cảm giác này xuất hiện thường xuyên và cản trở cuộc sống hàng ngày, mẹ hãy cân nhắc đến việc liên hệ với chuyên gia tư vấn tâm lý để được hỗ trợ mẹ nhé!
Nếu mẹ có một người bạn đang mong đợi “em bé cầu vồng”, mẹ hãy đưa ra lời khuyên và giúp đỡ họ tốt nhất trong suốt thai kỳ. Có nhiều cách để mẹ có thể thể hiện sự ủng hộ và quan tâm của mình. Một số người cho rằng rằng nếu mẹ đã từng bị sảy thai thì nên tránh liên hệ, giúp đỡ những bà mẹ đang mong chờ “em bé cầu vồng”. Nhưng thực tế không phải vậy.
Mẹ đừng lo lắng về việc cảm thấy khó xử hoặc không thoải mái khi nói chuyện với bạn bè của mình về việc mang thai. Thay vào đó, mẹ hãy hỏi xem người bạn đó đang cảm thấy như thế nào và mẹ có thể làm gì để hỗ trợ họ. Đôi khi, mẹ chỉ cần lắng nghe thôi cũng là một cách giúp họ rồi đó.
Bên cạnh đó, mẹ bầu nên tránh nói bất cứ điều gì khơi gợi nỗi đau buồn hoặc lo lắng của bạn mình. Tương tự, đừng để ai xúc phạm người bạn đó. Điều quan trọng là mẹ hãy cho họ thấy rằng, mẹ luôn bên cạnh, lắng nghe và bảo vệ họ cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra.
Nếu muốn, mẹ có thể chọn một món quà đặc biệt tôn vinh “em bé cầu vồng” như khăn quấn cầu vồng hoặc trang phục theo chủ đề cầu vồng. Hoặc mẹ có thể tặng bạn mình một món quà đặc biệt như massage trước khi sinh hoặc chăm sóc móng chân. Mẹ cũng có thể giúp bạn mình tìm một nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh em bé để tạo bất ngờ đặc biệt sau khi “em bé cầu vồng" chào đời.
Hãy nhớ rằng: Quà tặng không thể thay thế cho việc mẹ luôn ở bên, đồng hành cùng bạn của mình cả trước và sau khi đứa trẻ được sinh ra. Đừng ngại động viên, ghé thăm, gọi điện hoặc nhắn tin và cho họ biết rằng mẹ luôn ở đây ủng hộ họ.
Nếu vợ của bạn đang mang thai “em bé cầu vồng”, điều quan trọng nhất là duy trì sự cởi mở, hỗ trợ tinh thần cho cô ấy. Cả bạn và vợ đều đã trải qua mất mát, nhưng vợ bạn - người trực tiếp mang thai, có thể sẽ đau buồn lâu hơn. Bạn nên chia sẻ cảm xúc với vợ và lắng nghe nhu cầu, mong mỏi của vợ mình. Bạn có thể cùng vợ thảo luận thẳng thắn về việc mất con đã ảnh hưởng đến gia đình mình trước đây và bây giờ, khi đang mong đợi một “em bé cầu vồng” như thế nào.
Bạn nên hỏi xem vợ mình có cần giúp đỡ gì không. Hãy luôn giữ tinh thần lạc quan, động viên nhau mỗi ngày, chia sẻ với nhau những điều tích cực. Cứ như vậy, bạn và vợ sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn và sẽ có “em bé cầu vồng” sớm thôi!
Mang thai hoặc sảy thai là một trải nghiệm đau thương. Vì vậy, nếu mẹ đã trải qua việc mất con, và đang mong đợi một “em bé cầu vồng”, hãy nhớ rằng những cảm xúc của mẹ sẽ không biến mất trong một sớm một chiều, ngay cả khi mẹ sắp có em bé mới. Mẹ hãy cho bản thân những khoảng lặng để nhớ về đứa trẻ cũ, nhưng cũng đừng quá đau buồn, mà hãy luôn tự an ủi bản thân. Hãy tin rằng đứa trẻ cầu vồng sẽ sớm đến với mẹ! Hãy chia sẻ với mọi người để được ủng hộ và thấu hiểu, cho dù đó là chồng, bạn bè, người thân, nhà trị liệu, nhóm hỗ trợ, những người đã trải qua mất mát…
Nếu mẹ đang hỗ trợ một người bạn của mình trong quá trình mang thai “em bé cầu vồng”, hãy nhớ rằng điều tốt nhất mẹ có thể làm là lắng nghe. Đừng phán xét hoặc gạt bỏ cảm xúc của họ. Mẹ hãy đưa ra những lời khuyên và tìm cách giúp họ có thể kỷ niệm "em bé cầu vồng” trong khi vẫn tôn vinh em bé mà họ đã mất. Đó là cách tốt nhất mẹ có thể làm để giúp họ có những cảm xúc tích cực hơn trong thời gian này.
---
Mamibabi là app Thai giáo phong phú hàng đầu tại Việt Nam với hơn 3000 hoạt động Thai giáo và 1 triệu mẹ tin dùng. Mamibabi được xây dựng, kế thừa và phát huy những kinh nghiệm thai giáo từ nhiều nền văn hóa phát triển trên thế giới như Nhật, Hàn Quốc, Anh, Mỹ... Các bài thai giáo trên Mamibabi đã được thiết kế chi tiết cho từng ngày mang thai, rất tiện lợi và không mất thời gian tìm hiểu. Tải Mamibabi miễn phí tại đây: https://mamibabi.com.vn/app