Việc bồi bổ cho bà mẹ mang thai phải đáp ứng cả 2 điều kiện: thực dưỡng và dược dưỡng. Đây là một vấn đề không đơn giản vì vừa phải đạt hiệu quả cao nhất về dược lý vừa tránh được những tác dụng không mong muốn.
Trong y học cổ truyền, lý luận và kinh nghiệm về dưỡng thai, an thai rất phong phú và độc đáo. Người xưa đã khéo lựa chọn và phối hợp một số thực phẩm, dược phẩm để chế biến thành những món ăn bài thuốc (dược thiện) vừa thúc đẩy quá trình sinh trưởng của thai, lại nâng cao được sức đề kháng, phòng chống bệnh tật của người mẹ. Những món dược thiện "dục thai bảo sản" này mang đậm tính tự nhiên, dễ dùng, an toàn và được thai phụ rất dễ chấp nhận.
Bài 1: Thịt gà 250g, cao gạc hươu 15g, sâm Cao Ly 8g. Chọn thịt gà mái tơ (nếu có thịt gà ác thì tốt nhất) rửa sạch, lọc bỏ da và mỡ rồi chặt miếng; sâm Cao Ly thái phiến; cao gạc hươu cắt vụn. Tất cả đem hầm cách thủy chừng 3-4 giờ là được, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần.
Dùng thích hợp cho thai phụ hình thể gầy yếu, tinh thần mệt mỏi, lưng đau gối mỏi, động thai ra huyết ít và loãng, thiếu máu, thai nhi chậm phát triển... Không dùng cho những trường hợp động thai thể huyết nhiệt, biểu hiện bằng các triệu chứng: tâm phiền bất an, lòng bàn tay và bàn chân nóng, miệng khô họng khát, mặt đỏ môi hồng, âm đạo ra huyết màu đỏ tươi hoặc đỏ tía, có thể có máu cục, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, chất lưỡi đỏ, ít rêu...
Bài 2: Trứng gà 2 quả, ngải cứu 20g. Lá ngải cứu rửa sạch, trứng gà luộc chín bóc bỏ vỏ, hai thứ cho vào nồi, chế đủ nước, đun to lửa cho sôi rồi dùng lửa nhỏ đun tiếp khoảng 1-2 giờ là được, cho thêm gia vị, ăn trong ngày, dùng liên tục 7-8 ngày.
Dùng thích hợp cho những thai phụ có các biểu hiện của chứng hư hàn như sắc mặt nhợt nhạt, sợ lạnh, chân tay lạnh, lưng đau gối mỏi, hay có cảm giác khó thở và hồi hộp trống ngực, miệng nhạt, chán ăn, đại tiện lỏng loãng, tiểu tiện trong dài, chất lưỡi nhợt, dễ sẩy thai, âm đạo ra huyết lượng ít sắc nhợt... Những trường hợp động thai thể huyết nhiệt thì không nên dùng bài này.
Bài 3: Thịt dê 250g, ba kích thiên 15g, đỗ trọng 12g, gừng tươi 5 lát. Thịt dê rửa sạch thái miếng, các vị thuốc rửa sạch, tất cả cho vào nồi hầm nhừ trong 2-3 giờ là được, cho thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.
Dùng thích hợp cho người tỳ và thận hư yếu, tinh huyết không đủ dẫn đến tình trạng thai nhi chậm phát triển, thai phụ hình thể gầy yếu, ăn kém, mệt như mất sức, lưng đau gối mỏi, tay chân lạnh, đại tiện lỏng nát, chất lưỡi nhợt...
Bài 4: Thịt bò 250g, đẳng sâm 30g, hoàng tinh 15g, gừng tươi 4 lát. Chọn loại thịt bò tươi mềm (nếu được thịt bê là tốt nhất) rửa sạch, thái miếng; các vị thuốc rửa sạch. Tất cả cho vào nồi, chế đủ nước, dùng lửa to đun sôi rồi tiếp tục hầm nhừ bằng lửa nhỏ khoảng 2-3 giờ là được, cho thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.
Dùng thích hợp cho thai phụ bị huyết hư biểu hiện bằng các triệu chứng như hay hoa mắt chóng mặt, hồi hộp trống ngực, mệt mỏi, ngủ kém hay mê, sắc mặt nhợt nhạt, chất lưỡi nhợt, thai nhi chậm phát triển... Những thai phụ đang bị sốt do ngoại cảm hoặc đi lỏng lỵ do thấp nhiệt thì không được dùng bài này.
Bài 5: Cá chép 1 con nặng khoảng 500g, lạc 30g, xích tiểu đậu 24g, gừng tươi 6 lát. Cá chép làm sạch, bỏ nội tạng, đem rán qua; lạc và xích tiểu đậu rửa sạch. Tất cả cho vào nồi, chế đủ nước, dùng lửa nhỏ hầm kỹ 2-3 giờ là được, thêm gia vị, ăn nóng.
Dùng thích hợp cho những thai phụ thể chất hư nhược, hay có cảm giác khó thở, ăn kém, đầu choáng mắt hoa, hồi hộp trống ngực, tiểu tiện bất lợi, phù nhẹ chi dưới... Những trường hợp rối loạn tiểu tiện, tiểu buốt, tiểu gắt, tiểu đục do thấp nhiệt không nên dùng bài này.
Bài 6: Cá diếc 2 con, lá tía tô 15g, sa nhân 6g, gừng tươi 6 lát. Lá tía tô, sa nhân và gừng tươi rửa sạch, cá diếc mổ bụng, bỏ hết nội tạng, rửa sạch. Tất cả cho vào nồi, chế đủ nước, dùng lửa nhỏ hầm thật kỹ khoảng 2-3 giờ là được, cho thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.
Dùng thích hợp cho thai phụ tỳ hư khí trệ mà nôn và buồn nôn nhiều, ăn kém, chậm tiêu, ngực bụng đầy chướng, mệt mỏi, đại tiện lỏng nát, tiểu tiện trong dài, chất lưỡi nhợt...
Bài 7: Thịt thỏ 250g, củ cải đỏ 250g, đẳng sâm 30g, hồng táo 6 quả. Chọn loại thịt thỏ non mềm, rửa sạch, thái miếng; củ cải đỏ gọt bỏ vỏ, rửa sạch, cắt đoạn; hồng táo bỏ hạt, đẳng sâm rửa sạch. Tất cả cho vào nồi, chế đủ nước, dùng lửa to đun sôi rồi hầm thật nhừ bằng lửa nhỏ khoảng 2-3 giờ là được, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.
Dùng thích hợp cho thai phụ thể chất hư nhược, chức năng tiêu hóa suy kém, sắc mặt nhợt nhạt, tinh thần mỏi mệt, ăn kém, thai nhi chậm phát triển... Những trường hợp tỳ vị hư hàn hoặc bị cảm sốt chưa khỏi thì không nên dùng bài này.
Bài 8: Thịt lợn nạc 100g, sâm Cao Ly 10g, a giao 12g. Sâm Cao Ly rửa sạch, thái phiến; a giao thái vụn; thịt lợn rửa sạch, thái miếng. Tất cả cho vào bát, chế đủ nước rồi đem hầm cách thủy khoảng 2-3 giờ là được, chế thêm gia vị, ăn nóng.
Dùng thích hợp cho thai phụ bị động thai thể khí huyết lưỡng hư, biểu hiện bằng các triệu chứng như: hình thể gầy yếu, sắc mặt nhợt nhạt, ngại hoạt động, hay có cảm giác hồi hộp trống ngực, âm đạo ra huyết lượng ít sắc nhợt, lưng đau gối mỏi... Những trường hợp đang sốt do cảm mạo hoặc có chứng huyết nhiệt thì không nên dùng bài này.