15 trò chơi cho bé 6 tháng tuổi
Mỗi hoạt động này sẽ góp phần kích thích năng lực thể chất, tinh thần, giao tiếp xã hội của bé. Từ khả năng của con, mẹ hãy chọn ra những trò chơi phù hợp nhất trong 15 lựa chọn dưới đây.
- Tập ngồi dậy: Để bé nằm ngửa sau đó dùng 2 tay mẹ kéo 2 tay bé ngồi dậy như động tác gập bụng, chú ý nắm sâu vào phần cánh tay bé, không nắm lỏng lẻo bởi có thể gây sái tay. Trước khi kéo hãy thông báo cho bé biết hoặc đếm “1 2 3 con ngồi dậy nha”.
- Nhún nhảy: Mẹ cho bé ngồi lên đùi, làm động tác nhún nhảy như nhong nhong cưỡi ngựa, đỡ người hoặc giữ 2 tay bé do bé chưa ngồi vững và hát cho bé nghe.
- Cầm bánh và nhai: tương tự như cách ăn dặm tự chỉ huy. Mẹ cho bé ngồi vào ghế ăn dặm và đặt bánh trên bàn để bé cầm và đưa vào mồm. Nếu bé không tự làm, mẹ hãy giúp bé bằng cách đưa bánh vào tay bé rồi cầm tay bé đưa lên miệng để bé dần quen. Mẹ cần luôn ở bên cạnh để đảm bảo an toàn cho bé, tránh bé bị nghẹn.
- Nhận biết đồ vật: đưa vài món đồ đến trước mặt bé để bé tự chọn món mình thích rồi giới thiệu món đó với bé, ví dụ: “Đây là quả cam con nhé”.
- Cảm thụ âm nhạc: bật nhạc, bế bé nhún nhảy theo nhịp nhạc hoặc cho bé ngồi nhong nhong trên đùi mẹ, có thể chơi đàn hoặc đánh trống rồi cho bé nhún nhảy hoặc vỗ tay theo nhịp nhạc. Đây cũng là một trong những cách dạy trẻ 6 tháng tuổi thông minh.
- Giấu đồ chơi: để đồ chơi ở sau lưng, dưới tấm khăn hoặc vị trí ngoài tầm nhìn của bé để kích thích bé đi tìm.
- Giới thiệu người thân: chỉ vào từng người trong nhà và nói với bé: bố, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại… để bé nhận biết những người gần gũi nhất. Mẹ chỉ nên nói từ có 1 – 2 âm tiết để bé dễ nắm bắt.
- Hát ru: hát là việc nên làm mỗi ngày nhưng hát ru đặc biệt hơn do bài hát ru thường êm dịu, tình cảm. Qua đó, bé có thể cảm nhận đc tình yêu của mẹ sâu sắc hơn.
- Nhặt đồ chơi: mẹ thả đồ chơi cách bé 1 khoảng và giả vờ nói “Ôi mẹ đánh rơi rồi, con nhặt giúp mẹ nào” để khuyến khích bé trườn tới nhặt.
- Với đồ chơi khi ngồi: Cho bé ngồi với sự hỗ trợ của mẹ và đặt đồ chơi cách bé 1 đoạn nhưng đủ để bé vươn người chạm tới được. Sau đó, khuyến khích bé với lấy đồ chơi khi ngồi để luyện ngồi vững và phát triển các cơ.
- Với đồ trên gương: Đính vài món đồ chơi an toàn lên gương như bóng, vải màu sắc để khuyến khích bé với lấy và học giữ thăng bằng. Sự phản chiếu đồ chơi trong gương cũng tăng sự hứng thú cho bé.
- Đuổi theo: bế bé và đuổi theo 1 ai đó trong nhà với tốc độ chậm, hơi nhún nhảy như thể đang bước đi, vừa đuổi vừa nói “đuổi theo bố nào, bố chạy nhanh quá…”. Hoạt động này giúp bé vui vẻ, nâng cao tinh thần và cảm nhận được sự xê dịch vị trí ở tư thế đứng.
- Bỏ đồ vào hộp: Mẹ chuẩn bị 1 chiếc hộp cho bé và dạy bé thả đồ chơi vào hộp, đồng thời nói với bé. Ví dụ, “Bạn Su cho quả bóng vào hộp nào, bạn Min cho búp bê vào hộp nhé” sau đó dạy trẻ lấy đồ chơi từ trong hộp ra ngoài hoặc lật úp hộp cho đồ chơi đổ ra. Mẹ có thể làm mẫu cho trẻ thấy và bắt chước làm theo.
- Vượt chướng ngại vật: Nếu bé đang tập trườn, bò, mẹ hãy tạo chướng ngại vật nhỏ bằng các loại khăn, gối, đồ chơi… an toàn để bé học cách vượt qua hoặc gạt chướng ngại vật ra khỏi đường đi của mình.
- Chơi Bowling: Mẹ mua hoặc tự làm đồ chơi Bowling cho bé bằng các vật dụng có sẵn. Sau đó, mẹ cho bé ngồi phía trước mình và cầm bóng lăn để làm đổ các khối đã dựng sẵn. Từ đó, bé sẽ thấy thích và muốn bắt chước làm theo.
Lưu ý khi chọn đồ chơi cho bé
Đồ chơi cần đảm bảo các yếu tố an toàn và phù hợp với bé. Nếu không tự làm đồ chơi cho bé 6 tháng tuổi, trước khi quyết định lựa chọn một món đồ chơi cho con, mẹ nên để tâm đến những lưu ý sau.
- Chọn loại đồ chơi mà bé có thể chơi được cùng bố mẹ.
- Chọn đồ có kích thước lớn, không nên chọn đồ quá nhỏ đề phòng trường hợp bé đưa vào mồm và nuốt đồ chơi.
- Chọn món đồ có thiết kế các cạnh bo tròn, không sắc nhọn.
- Đồ chơi không bị bong màu gây hại sức khỏe bé, không có âm thanh quá lớn hại thính giác.
- Tránh dùng đồ chơi có các chi tiết nhỏ có thể rơi ra như có thú bông có sợi rơi ra hoặc bé dứt ra được.
- Chọn các loại đồ chơi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và luôn đọc hướng dẫn sử dụng xem món đó đã phù hợp với trẻ 6 tháng tuổi chưa.
- Kiểm tra đồ chơi thường xuyên để tránh tình trạng bị hư hỏng, không an toàn.
Gợi ý đồ chơi cho bé 6 tháng tuổi
Dù những đồ chơi dưới đây khá an toàn với trẻ, bố mẹ vẫn cần có mặt bên cạnh khi con chơi với những món đồ này.
- Tất cả những đồ vật có kích thước vừa phải, an toàn trong nhà bằng vải, giấy, gỗ, len như khăn, mũ, bát, đĩa,... đều có thể trở thành đồ chơi cho con.
- Đồ có màu đen, trắng, đỏ hoặc những tổ hợp màu tạo độ tương phản cao.
- Sách, truyện bằng vải - một trong những đồ chơi cho bé 4 - 6 tháng tuổi phổ biến hiện nay.
- Các loại bóng sắc màu.
- Đồ chơi xếp hình xây dựng, đồ chơi siêu thị, đồ hàng, nấu ăn.
- Búp bê mềm, thú nhồi bông.
- Bảng đồ chơi với các mảnh ghép in hình chữ cái, con vật, hoa quả… để đính lên bảng trắng.
- Khối gỗ để rèn luyện khả năng tập trung và xếp chồng.
- Đồ chơi bộ gõ phát ra âm thanh như đàn, trống, kèn.
- Hộp thả đồ: là các hộp hoặc xe có các khối vuông tròn, tam giác… để bé thả các khối hình vào đúng chỗ trống tương ứng.
Mặc dù việc hoạt động thường xuyên quan trọng nhưng nghỉ ngơi đúng cách và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cũng cần thiết để bé khỏe mạnh, năng động. Mẹ hãy chọn một vài ý tưởng trong những trò chơi cho bé 6 tháng tuổi phù hợp nhất và nhớ thực hiện với tần suất điều độ, vừa phải, không ép bé vận động quá sức mẹ nhé!
---
Mamibabi là app Giáo dục sớm với hàng trăm bài chơi đơn giản chỉ từ 5 phút/ngày giúp bé phát triển trí thông minh vượt trội và tăng cường khả năng vận động. Tải Mamibabi miễn phí tại đây: https://mamibabi.com.vn/app