Phòng tránh và xử lý tai nạn thương tích ở trẻ

5/5 (463 đánh giá)

Cách tốt hơn hết để “chữa” tai nạn là tránh nó đi. Nhưng ở trẻ con ta khó lòng tránh được tai nạn cho bé lắm! Vì thế ta phải làm cách nào giảm thiểu tai nạn cho bé, càng ít càng tốt, càng nhẹ càng tốt. 

Phòng tránh và xử lý tai nạn thương tích ở trẻ

Nếu ta không thể tránh cho bé khỏi té, khỏi trầy da, ít ra ta cũng có thể cố gắng tránh những tai nạn nguy hiểm chết người nếu ta thận trọng một chút. Nhưng đừng thận trọng quá đáng, mỗi chút mỗi báo động “coi chừng té” lại càng làm cho bé trở thành vụng về, lệ thuộc, nhút nhát. Và như vậy, khi bị té bé sẽ té đau hơn vì thiếu kinh nghiệm... té! Nhiều khi, tiếng “coi chừng té” của ta làm bé giựt mình, mất bình tĩnh và té rất đúng lúc.

Tai nạn của bé thì nhiều lắm, có thể do bé, do anh chị bé hay do chính ta vì sơ ý, vì bất cẩn gây ra. Thỉnh thoảng ta nghe chuyện một bà mẹ ngủ quên làm đổ đèn cháy mùng, cháy luôn cả mẹ lẫn con; hay một bà mẹ khác cũng ngủ quên để con chết ngột vì “cả vú lấp miệng em”! Tôi biết chuyện một đứa bé được nuôi trong một nhà nuôi trẻ, té lọt vào thùng đựng quần áo, chết ngộp luôn trong đó mà không ai hay! Các bé lớn thường cho em ăn bậy, thường nhét giấy, nhét hột me vào tai vào mũi em. Một nhà văn kể chuyện có người anh đâm mù mắt đứa em mình (trong tuổi ấu thơ) chỉ vì thấy đôi mắt em lóng lánh, rồi bị ám ảnh suốt đời.

Phòng tránh và xử lý tai nạn thương tích ở trẻ

Câu chuyện có thực sau đây xảy ra ở quê tôi: một người cha giỡn với con bằng cách tung bé lên rồi hứng lấy, bé bị thốn ruột cười như nắc nẻ và người cha rất cao hứng cũng cười rộn rã, chẳng may ông bị đứt dây lưng quần, phản xạ tự nhiên khiến ông chụp lấy quần kéo lên và bé rơi thẳng xuống sàn gạch! Những tai nạn chết người đó, dĩ nhiên rất hi hữa và cũng dĩ nhiên là những tai nạn có thể tránh được nếu ta cẩn thận một chút và đừng có chơi dại! Những tai nạn khác thông thường hơn cũng do ta gây ra cho bé như lúc người mẹ nấu ăn mà cho bé lẩn quẩn chơi một bên, rất dễ vấp té đổ cả soong canh lên đầu, dễ bị phỏng vì lò dầu phực, chảo mỡ nóng, có khi bé bưng chai dầu hôi uống ngon lành! Những bất cẩn khác như: cầu tháng không có cửa khóa; như cho bé chơi viên bi, hạt mẹ, ta không thể ngăn bé nuốt hay nhét một hột vào mũi. Cũng vậy, khi bà mẹ may vá mà có bé gần bên chụp kéo, níu kim. Chắc ai trong chúng ta cũng chưa quên những câu này của Nguyễn Trãi trong Gia huấn ca:

Ngày con đã biết chơi biết chạy
Đừng cho chơi cầm gậy trèo cao
Đừng cho chơi búa chơi dao
Chơi vôi chơi lửa chơi ao có ngày...

Ngay từ lúc 3 tháng, vừa biết lật, bé có thể lật liên tiếp mấy vòng để lọt xuống giường, mau đến nỗi ta không ngờ tới. Khi biết đi lẫm chẫm là lúc bé té thường xuyên, và vào khoảng 15 – 18 tháng, bé thích leo cầu thang, hở là bé leo tuốt mấy bực liền. Từ một tuổi trở đi, bé tò mò lắm, cái gì bé cũng thử, cũng sờ mó, xê dịch. Bé leo ghế, đẩy xe, cho tay vào bàn ủi, rút đuôi đèn, và cái gì cũng cho vào miệng thử từ cắc bạc, viên bi, hột me, viên thuốc ký ninh...

Ta không thể ngăn chặn tánh tò mò đó của bé bởi đó là sự phát triển tự nhiên: Bé khám phá ngoại giới và tập sử dụng các giác quan cho thuần thục. Ta cũng khó lòng theo sát bé, canh chừng bé từng giây từng phút để kịp thời ngăn cấm bé, vả lại như vậy ta sẽ vô tình khiến bé thành nhút nhát, lệ thuộc như đã nói. Ta cũng không thể dùng lý lẽ với bé được. Một bé 2 tuổi không bao giờ dừng tay khi nghe ta bảo “đừng, đừng”, “chớ, chớ”, “không được”... đâu! Khi ta bảo bé đừng rờ bàn ủi nóng là bé sẽ rờ đó! Có khi bé vô tình mà chính ta gây cho bé có ý đó, chẳng hạn khi bé đến gần bình bông, ta kêu to: “Đừng con, đừng đụng, bể bình bông” thì bé sẽ chạy chụp lấy bình bông dù trước đó bé không có ý đó.

Tóm lại, ta phải tổ chức nhà cửa, phòng ốc thế nào để bé không té cầu thang được (có cửa khóa cẩn thận), không dập tay vì đóng và mở cửa – không có những chỗ lấy điện, đuôi đèn gần tầm tay bé – không cho bé đến gần bếp ga, lò dầu lúc đang nấu nướng – không cho chơi kéo, chơi dao, kim chỉ – không để gần bé những thứ thuốc uống, xà bông, thuốc giết chuột, lưỡi dao cạo, dầu lửa, dầu xăng, lọ, ve, hột nút, hột me, bạc cắc. Giếng phải đậy, lu nước phải đậy cẩn thận... Rất nhiều trường hợp bé nuốt bạc cắc, hột mãng cầu, lưỡi câu, kim tây vào bụng.. và đã có những trường hợp bé chết vì viên ký ninh mà bé tưởng là kẹo!

Phòng tránh và xử lý tai nạn thương tích ở trẻ

Khi đã cố gắng thận trọng làm đủ mọi cách để giảm thiểu tối đa những tai nạn nguy hiểm cho bé, không quên theo dõi để có thể can thiệp kịp lúc những tai nạn nguy hiểm đó, thì những tai nạn “lặt vặt” không thể tránh được ta cứ mặc kệ bé.

Trong mọi trường hợp, dù nặng dù nhẹ, ta cần phải bình tĩnh. Bình tĩnh để cấp cứu tạm thời và bình tĩnh để kể cho bác sĩ những chi tiết cần thiết giúp cho việc chuẩn bệnh và điều trị mau lẹ và chính xác.

Bé bị té

Sớm muộn gì thì có lúc bé cũng u đầu sứt trán. Bé đi, bé chạy, bé leo trèo nhiều chừng nào thì té nhiều chừng đó, và các ông bà thường nói “té cho mau lớn” là trong cái nghĩa này. Nếu bé chỉ bị trầy da, chảy máu chút đỉnh thì chẳng có gì đáng lo lắng cả, dĩ nhiên là nếu ta đã chích ngừa phong đòn gánh (uốn ván) cho bé rồi. Trong trường hợp bé chưa được chích ngừa, ta không nên coi thường! Một vết thương nhỏ có thể gây ra bệnh phong đòn gánh dễ dàng vì sự lơ đễnh của ta. Nếu vết thương có điều đáng nghi ngờ: dơ bẩn, dính đất cát, làm độc thì phải mang đến bác sĩ ngay. Tạm thời ta rửa sạch vết thương với bông gòn và nước chín là đủ, không cần dùng các loại thuốc sát trùng. Các loại này không giết được vi trùng mấy tí, trái lại còn giết dễ dàng các tế bào lành mạnh chung quanh vết thương. Rửa sạch bằng nước chín, băng lại, thế thôi. Trường hợp mà thịt bị tét, chảy máu nhiều, phải băng chặt để cầm máu sau khi rửa và mang đến bác sĩ khâu lại, tránh vết thẹo xấu và lâu lành vì miệng vết thương lớn.

Nếu bé té trúng đầu thì vấn đề nghiêm trọng hơn. Ngoài vết trầy, vết rách, nổi cục bướu mà ta gọi là u đầu (Cục u này có màu tím vì mạch máu bể đọng dưới da. Nếu cục u nhỏ sẽ tan đi vài ngày sau, còn cục u lớn sẽ mềm trở lại ấn tay như thấy có chất lỏng phập phều). Còn có thể bị nứt xương sọ, chảy máu trong não cần phải phẫu thuật khẩn cấp. Điều quan trong là khi bé bị té động đầu ta phải để ý xem bé có còn bị chảy máu hay nước ở mũi, ở tai gì nữa không. Nếu có là vết thương nặng phải đưa đến bệnh viên chuyên khoa ngay. Ta cũng theo dõi xem sau khi té bé có bị nhức đầu, nôn mửa, làm kinh, hôn mê không? Nếu có, đó cũng là triệu chứng tổn thương não bộ. Nhiều khi một vết thương sơ sài ở đầu ta xem thường, một vài ngày sau biến chứng nặng bất ngờ không kịp chữa.

Té trặc gân, gãy xương

Bé rất dễ bị gãy xương đòn gánh, xương khuỷu tay, xương ống chân. Tất cả các trường hợp trật khớp, gãy xương đều phải mang đến bệnh viên. Trong lúc cấp cứu, cần bình tĩnh làm bó im cho bé: gãy xương vai, buộc tay bé co lại trước ngực; gãy xương ống chân, bó im từ bàn chân đến quá đầu gối, rồi đưa bé về bệnh viện càng sớm càng tốt. Ở trẻ em, xương còn mềm, ít khi bị gãy lọi mà chỉ gãy dập, vỏ xương còn nguyên nên ít nguy hiểm như người lớn. Mặt khác cần biết xương của bé còn đang thời kỳ tăng trưởng, chỗ gãy sẽ mau lành, ít sinh biến chứng và không bị lệch lạc nhiều như người lớn.

Phòng tránh và xử lý tai nạn thương tích ở trẻ

Xuất huyết

Trong mọi trường hợp tai nạn có sự xuất huyết, điều quan trọng nhất là cầm máu. Khi bé rủi ro vì té hay vì chơi nghịch làm chảy máu mũi (máu cam) ta bình tĩnh cho bé cúi đầu thấp xuống rồi lấy ngón tay ấn bên phía mũi chảy máu chừng 10 – 15 phút, máu sẽ hết chảy. Nếu bé thường bị chảy máu cam mỗi khi ra nắng hay bị đụng chạm nhẹ thì có thể do mạch máu ở vách mũi bé quá giòn, cần đưa bé đến bác sĩ khám và điều trị.

Nếu bé bị đứt tay chân, không cần rửa vôi vết thương, chỉ cần băng chặt để cầm máu sau đó mới rửa và khử trùng. Nếu không biết cách băng bó, ta cứ đặt một miếng gạc sạch lên vết thương rồi dùng băng ép, quấn chặt, cốt để cầm máu tạm rồi mang bé đến bác sĩ hay bệnh viện. Không có băng, ta cứ dùng khăn tay hay bất cứ một thứ nào khác kể cả mảnh vải xé ở áo quần ra.

Điều quan trọng là cầm máu chớ không phải khử trùng. Nếu là một vết thương khó băng bó, chảy máu ở ngực, ở trán, ở cằm, ta ấn tay lên chỗ chảy máu nhiều nhất để bịt kín lại rồi mang bé đến bệnh viện. Nhiều người mất bình tĩnh, cứ để bé chảy máu như vậy trong lúc di chuyển khiến bé bị mất máu nhiều thật là tai hại. Trường hợp nguy hiểm là nội xuất huyết (xuất huyết bên trong cơ thể không nhìn thấy được).

Một bé bị té hay bị xe đụng nhẹ ở bụng, ta thấy trầy sơ, không có gì quan trọng nhưng một lúc sau từ từ thấy mệt, xanh mét, khát nước, mạch nhảy mau, đó là những dấu hiệu chứng tỏ bé đã bị nội xuất huyết (chẳng hạn bị bể lá lách) phải phẫu thuật tức khắc mới hy vọng sống. Khi thấy bé bị đụng chạm ở bụng có những triệu chứng trên là ta phải đến bệnh viện ngay.

Dập móng tay

Ham đóng cửa mở cửa (hộc tủ, hộc bàn, cửa cánh, cửa sổ) bé rất dễ bị dập móng tay. Nếu bị dập nhẹ, ta thấy bầm tím, ít ngày sẽ khỏi. Có thể đắp nước muối cho mau tan. Trường hợp bị làm độc phải mang đến bác sĩ rạch lấy mủ và dùng kháng sinh cần thiết. Có những trường hợp đứt một phần hay gần hết móng, không sao, vì một thời gian sau, nếu phao móng tay vẫn còn, móng mới sẽ mọc lại.

Bé nuốt ngoại vật

Ngoại vật ở đây có thể là một đồng bạc cắc, một viên bi, một cái kim băng, một hột nút áo, một cây kim gút hay một mảnh chai bể... Và bởi vì bé không phải là nhà ảo thuật cho nên rất mệt cho ta!

Trước hết cần bình tĩnh để đối phó tùy trường hợp. Nếu ngoại vật đó mắc nghẽn ở cổ họng bé và nếu bé dưới 1 tuổi ta xốc ngược bé dậy, đầu chúi thấp, và vỗ mạnh ở giữa hai xương bả vai, có thể vật đó bắn ra.

Gần đây, thủ thuật Heimlich có hiệu quả hơn: cấp cứu viên đứng sau lưng em bé, 2 tay vòng qua phía trước, nắm chặt, đặt trên rún, giật mạnh 5 – 6 lần về phía sau. Vật lạ sẽ bắn ra.

Nếu bé đã lỡ nuốt xuống bao tử rồi thì ta chớ nên lo lắng quá. Vì nếu ngoại vật đó có dạng tròn, không có mũi nhọn hay quá dài để có thể mắc kẹt ở đâu đó, thì một vài ngày sau ngoại vật “yêu quí” đó sẽ theo phân ra ngoài. Như vậy, nếu biết chắc là bé nuốt một vật tròn (viên bi, đồng xu), ta không có gì phải lo ngại cả. Cho bé nuốt thêm chút bánh mì, chút bông gòn sạch hay măng trẻ.

Bông gòn, măng tre có sợi, sơ, bao bọc ngoại vật nọ, và làm cho nó được mau tống ra. Nếu là một cây kim tây đã gài lại thì cũng chữa như trên. Trong mọi trường hợp tuyệt đối không được cho uống thuốc xổ để hy vọng bé tống ra cho mau. Trường hợp kim nhọn đầu hay kim tây đã mở, phải mang bé gấp đến y tế. Đừng cho tay vào họng móc vì không hy vọng gì móc ra được mà làm cho bé bị viêm thanh quản nghẹt thở, nguy hiểm hơn.

Ngoại vật lọt vào phổi

Thỉnh thoảng bị sặc, một hột cơm nhảy lọt vào hốc mũi, ta đã thấy khó chịu lắm rồi, vậy mà tưởng tượng một bé bị một ngoại vật nào đó “lạc đường vào”... thanh quản sẽ rất nguy hiểm! Bé sặc sụa dữ dội, bứt rứt lăn lộn, ngộp thở, ho từng cơn, toát mồ hôi.

Lúc đó ta tức khắc xốc bé lên, trút đầu xuống thấp và vỗ mạnh ở lưng hoặc tốt hơn là làm thủ thuật Heimlich (như trên), có thể ngoại vật đó sẽ bắn vọt ra. Nếu không, sau một cơn làm mệt, bé yên tĩnh lại rồi mệt nữa, phải mang bé vào khoa Tai – Mũi – Họng gấp vì ngoại vật đã lọt vào cuống phổi.

Ngoại vật ở mũi, tai

Thỉnh thoảng bé chơi nghịch nhét cuộn giấy hay hột me, hột đậu vào lỗ mũi hay lỗ tai. Nếu là một vật tròn, trơn láng và cứng thì nên đưa bé đến bác sĩ ngay, vì không biết cách lấy và không có dụng cụ để lấy, ta còn làm cho vật đó chui vào sâu thêm.

Nếu là một mảnh giấy cuốn tròn, ta có thể dùng cái kẹp nhỏ gắp ra được dễ dàng. Trường hợp ở mũi, ta thử cho bé hỉ mạnh xem sao? Nếu là một hột lúa, hột đậu trong lỗ tai, ta bơm nước vào tai, hột lúa, hột đậu đó sẽ nổi lên. Nếu là con kiến... ta nhỏ cồn hay nước vôi cho nó chết trước.

Ngoại vật lọt vào thanh quản cuống phổi: đây là trường hợp khẩn cấp, có hội chứng xâm nhập gồm: Ho sặc sụa; Khó thở; Tím tái. Nếu ngoại vật kẹt ở thanh quản, bé bị tắt tiếng, không thở được, không nói, không khóc được và rơi vào hôn mê nhanh chóng. Ngoại vật lọt vào cuống phổi, trẻ khó thở, khò khè từng cơn, làm mệt, yên tĩnh một lúc rồi lại mệt nữa, phải mang bé vào bệnh viện càng sớm càng tốt.

Ngay khi phát hiện trẻ bị sặc ngoại vật vào thanh quản, nên làm động tác sau đây, có thể cứu sống trẻ (thủ thuật Heimlich) vì để chờ đến được bệnh viện thì thường đã quá muộn.

Cách đó là: Đột ngột ấn mạnh vào vùng dưới cơ hoành để đẩy mạnh không khí từ phổi ra, như vậy sẽ tống được ngoại vật ra ngoài. Nắm 2 tay đột ngột ấn mạnh trên rún trẻ, giật mạnh theo hướng từ dưới lên trên và từ trước ra sau – ấn khoảng 5 – 6 lần, đủ mạnh.

Phỏng (bỏng)

Điều đáng ghi nhớ trước tiên là bé càng nhỏ thì vết phỏng càng nặng. Một người lớn bị phỏng khoảng 10% có thể không nguy hiểm lắm trong khi đứa bé phỏng 5% đã nguy rồi. Vì thế, cố tránh cho bé đừng bao giờ bị phỏng. Nếu rủi bé bị phỏng rồi thì tốt hơn nên mang bé đến bác sĩ hay bệnh viện sớm.

Bởi vì bé phải được truyền dịch nếu cần, chích ngừa phong đòn gánh, dùng kháng sinh ngừa nhiễm trùng... Và quan trọng hơn cả là giữ cho vết phỏng không gây những di chứng tai hại về sau (nhất là phỏng ở bàn tay, mặt, mũi). Không nên thoa một thứ thuốc sát trùng nào như thuốc đỏ, cồn... lên vết phỏng.

Cũng không nên băng bó kín hơi. Tạm thời chỉ cần dội nước lạnh rồi đắp lên một lớp gạc sạch tránh bụi hay ruồi bu, rồi đưa bé đến bệnh viện. Trường hợp chỗ phỏng bị phồng lên thì không bao giờ nên tự ý chích, có thể bị nhiễm trùng nguy hiểm hơn.

Chú ý:

Không làm bể các vết phỏng bọng nước vì như vậy có thể gây nhiễm trùng thêm vết phỏng.

Không dùng đá lạnh hoặc bôi bất cứ loại pommade nào (ngoại trừ pommade Silver sulfadiazine), không bôi hóa chất hoặc bất kỳ chất nào khác như nước mắm, giấm, mỡ, kem đánh răng, bùn non... lên vết phỏng.

Không nên bôi các thuốc chống sẹo vì thường không hiệu quả và sẹo thường là do hậu quả của việc chăm sóc vết phỏng không đúng cách làm nhiễm trùng vết phỏng.

Không cần thiết phải cữ ăn các loại thực phẩm như tôm, cua, bò, gà, rau muống, cam... vì ăn những thực phẩm này không hề gây sẹo. Trái lại, nếu kiêng cữ quá mức sẽ gây thiếu chất dinh dưỡng (đặc biệt là chất đạm) khiến cho vết phỏng lâu lành hơn.

Không dùng các loại băng bằng bông có lông tơ mịn hoặc các băng dính dán lên vùng bị phỏng.

Trong trường hợp phỏng điện, không được chạm vào hoặc tới gần người bị nạn nếu dòng điện chưa được ngắt.

Trúng độc (ngộ độc)

Từ 1 đến 2 tuổi, bé rất tò mò, cái gì cũng nếm thử, ăn thử, hửi thử. Tốt hơn hết đừng để trong nhà những chất độc, hay nếu có thì cũng phải để ở một nơi trẻ không với tới hay không làm sao lấy được. Tất cả các thứ thuốc trị bệnh, viên hoặc nước, tất cả các loại thuốc giặt, thuốc tẩy, thuốc giệt chuột thuốc chí rận, các loại dầu lửa, dầu xăng, pin đèn, hộp quẹt... đều để ở một nơi cao hay cất trong tủ khóa kỹ lại. Ở ta, còn phải kể một thứ trúng độc “tình nguyện” khác nữa là trung độc vì thuốc.

Một bà mẹ có đứa con làm kinh vì nóng – đáng lẽ không có gì quan trọng – lại hốt hoảng cho uống mật gấu hay mật rắn (tam xà đởm chẳng hạn), để đứa bé rốt cuộc chết vì trúng độc. Bà mẹ khác có con ỉa chảy, nóng lòng muốn cầm ngay, cho uống một viên sái phiện! Và còn biết bao thứ trúng độc “tình nguyện” khác chỉ vì người mẹ không hiểu hết, tự ý mua thuốc cho bé uống (thuốc cầm ho, cầm ói, thuốc nhỏ mũi...) không kể những thứ trúng độc lâu dài như uống Tifo thường xuyên làm bé bị bệnh thiếu máu do suy tủy (tủy xương hư hỏng, máu không sinh ra được nữa) hoặc uống corticoides bừa bãi đến nỗi bé sưng mình, bệnh hoài không chữa khỏi.

Có người cạo gió cho con đến trầy da chảy máu. Có người đem con đi thầy đốt đến cháy phỏng da. Làm thế nào để trừ được những thứ trúng độc “tình nguyện” đáng thương đó là một vấn đề khác. Ở đây ta chỉ nói đến những trường hợp rủi ro, tai nạn thôi.

Lập tức ngay khi biết bé bị trúng độc, ta bình tĩnh để làm một vài biện pháp cấp cứu và sau đó mang bé đến bệnh viện ngay. Cần biết rõ bé trúng độc thứ gì, nhiều hay ít, lúc nào? Bé nuốt nhằm thuốc ngủ của mẹ chẳng hạn, phải nói rõ tên thuốc đó là thuốc gì (mang theo chai thuốc, ống thuốc hay nhãn hiệu, toa thuốc), uống mấy viên, uống lúc mấy giờ?...) Những điều này rất quan trọng vì bác sĩ tùy theo đó mà cho thuốc giải hay rửa ruột nếu cần.

Các biện pháp cấp cứu tạm thời như sau

Nếu uống hay ăn phải một chất độc: làm cho bé mửa ra, càng nhiều càng tốt. Cho que quấn bông vào cổ họng bé và ngoáy cho bé ọc ra ngay. Có thể cho bé uống chút sữa hay chút nước rồi mới ngoáy. Nếu bé đã lớn, ta cho bé uống một dung dịch làm ói như nước muối mặn, nước xà bông... Ở nhà quê, người ta lấy mùn thớt (rất tanh) cho uống cũng có hiệu quả. Nếu cần, phải mang vào bệnh viện rửa ruột; mang càng sớm càng tốt, vì trễ sau 4 giờ nhiều khi không còn rửa ruột được nữa. Nhớ ghi rõ giờ giất bị trúng độc để khai với bác sĩ.

Nếu hít phải hơi độc: lập tức mang bé ra khỏi vùng có hơi độc, làm hô hấp nhân tạo ngay và đưa bé đến bệnh viên.

Nếu bị dính chất độc ở ngoài da: ta xối (dội) nơi đó bằng một vòi nước mạnh. Nên nhớ, chỉ cần dội mạnh bằng nước thường thôi cho trôi bớt chất độc. Rồi đưa bé vào bệnh viện.

Chất độc vào mắt: xịt nước rửa mắt lâu khoảng 10 phút, rồi mang bé đến bác sĩ nhãn khoa càng sớm càng tốt.

Tóm lại, tốt hơn hết là các loại thuốc men và chất độc phải được cất kỹ và xa tầm tay trẻ. Các loại thuốc cũ không dùng nên hủy bỏ đi. Thuốc uống phải có nhãn hiệu rõ ràng và chỉ dùng khi biết liều lượng chính xác.

Cả gia đình đều tham dự vào bữa cháo cóc, nhưng, trong khi những người lớn không sao cả thì ba cháu nhỏ bị ngộ độc phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Hỏi ra mới biết người lớn ăn các phần... xương xẩu, còn trẻ con thì được dành cho các món ngon là gan và trứng cóc, không biết rằng chính gan và trứng cóc mới chứa chất độc, đáng lẽ phải liệng bỏ đi lúc làm thịt cóc. Cá nóc cũng vậy, chất độc chứa ở gan. Cá bị đập chết, xẻ phơi khô, mật ngấm vào thịt gây ngộ độc cho người ăn.

Thú vật cắn

Không nên cho bé chơi với chó mèo, nhất là chó mèo lạ. Nếu bé rủi bị chó cắn, một mặt ta bắt giữ con chó lại (nhớ đừng giết chế) và nhờ Trạm thú ý khám nghiệm, quan sát trong 10 hôm – mặt khác, ta đưa bé đến khám và chích ngừa bệnh dại nếu cần. Nếu chó đã được chích ngừa đàng hoàng hoặc trong 10 ngày theo dõi quan sát, không thấy có triệu chứng của bệnh dại thì không có gì đáng lo. Bé sẽ được chích ngừa phong đòn gánh, uống thuốc ngừa nhiễm trùng và săn sóc như bị vết thương thường. Nếu không bắt được chó hoặc chó bị đập chết, hoặc cho có triệu chứng bệnh dại thì bé sẽ phải được chích ngừa bệnh này.

Nếu bé rủi ro bị rắn cắn phải làm ngày một đai chỉ huyết (ga-rô) ở vùng trên chỗ bị cắn (không xa quá), một mặt ngoặm lấy vết thương bé mà hút máu và chất độc ra bớt (dĩ nhiên là người hút vết thương không bị chảy máu nướu răng hay lở loét ở miệng). Đưa bé đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Chết đuối

Rất dễ xảy ra ở các bé sống trên nhà sàn dọc sông hồ, các bé tắm biển, tắm hồ... cũng có khi bé rủi té vào lu nước không đậy kín. Khi bé được vớt lên, thường đã bị ngộp thở. Phải làm hô hấp nhân tạo càng sớm càng tốt, có thể làm ngay trong lúc đang vớt lên mới hy vọng cứu sống.

Phương pháp hô hấp nhân tạo tốt nhất là miệng qua miệng. Sau đó, cởi bỏ quần áo của bé, ủ ấm rồi mang đến bệnh viện. Trên đường đi vẫn tiếp tục làm hô hấp nhân tạo nếu cần. Nên nhớ là không cần tìm cách xốc nước, không được hơ lửa, “lăn lu” mất thì giờ vô ích mà phải làm hô hấp nhân tạo ngay. Càng sớm càng tốt: hà hơi thổi ngạt, ấn tim đúng phương pháp.

Điện giựt

Không nên đặt những chỗ lấy điện vừa tầm tay bé. Bàn ủi, lò điện, quạt máy, và các đồ dùng điện để ở những nơi nào bé không với tới hoặc phải được che đậy kín. Nếu bé rủi bị điện giựt, ta phải cắt đứt ngay dòng điện (gỡ cầu chì, cúp công tơ), hút nhớt ở miệng bé (làm trống khí đạo) rồi làm hô hấp nhân tạo ngay, sau đó, mang đến nhà thương chữa phỏng sau.

** *

Phương pháp làm hô hấp nhân tạo miệng qua miệng hay miệng qua mũi

Trong trường hợp cấp cứu (chết đuối, điện giựt, nhiễm khí độc...) làm hô hấp nhân tạo càng sớm chừng nào hy vọng cứu sống bé bị nạn càng nhiều chừng đó. Một phút chậm trễ là đẩy bé lại gần tử thần. Đợi đưa được bé đến bác sĩ hay bệnh viện đôi khi quá trễ. Vì thế, biết cách làm hô hấp nhân tạo tưởng không phải là vô ích. Nhiều khi bé đã nín thở năm ba phút nhưng tim còn đập, bé sẽ thở lại nếu được làm hô hấp nhân tạo. Phải bình tĩnh và kiên nhẫn.

  • Thời gian làm hô hấp nhân tạo có thể kéo dài 1⁄2 giờ, 1 giờ đồng hồ, cho đến khi gọi được bác sĩ hay đưa được bé đến bệnh viện.
  • Trước hết phải móc hết đàm nhớt, ngoại vật... ở miệng bé ra để làm trống khí đạo (cho dễ thở).
  • Đặt bé nằm ngửa, nâng cổ lên, ấn đầu ngả ra sau đẩy cằm về phía trước sao cho khí đạo được thẳng
  • Ngoặm lấy miệng bé, đồng thời dùng má đè chặn mũi bé kín lại, thổi hơi dài và sâu. Có thể ngoặm lấy mũi bé mà thổi cũng được (bịt chặt miệng bé lại), hoặc ngoặm cả mũi lần miệng nếu là bé sơ sinh.
  • Thổi trung bình 20–30 lần mỗi phút và không nên thổi hết hơi trong phổi của ta.
  • Nếu thấy da bé hồng lên, con ngươi teo nhỏ lại là có kết quả tốt.

Những lỗi lầm thường mắc phải là đầu bé còn gập lại, miệng ngậm không kín, thổi nhẹ quá, thổi xong không bỏ ra ngay cho bé thở ra, mất bình tĩnh, ngưng sớm quá!

Nếu tim bé ngưng đập phải đồng thời xoa bóp tim bằng cách dùng cườm tay ấn mạnh trên xương ức bé (2/3 xương ức kể từ trên xuống) với tốc độ 80 – 100 lần mỗi phút (bé 3 – 4 tuổi) ấn sâu 3 – 4 phân. Phải đặt bé nằm trên nền cứng mới có hiệu quả.

  • Kêu cứu để có người đến giúp.
  • Trong trường hợp có một mình thì cứ mỗi 4 hay 5 lần ấn tim lại thổi một hơi vào phổi bé.
  • Ráng kiên nhẫn, nhiều khi làm thêm 5 phút nữa mà cứu được bé.

BS. Đỗ Hồng Ngọc

---

Mamibabi là app Giáo dục sớm với hàng trăm bài chơi đơn giản chỉ từ 5 phút/ngày giúp bé phát triển trí thông minh vượt trội và tăng cường khả năng vận động. Tải Mamibabi miễn phí tại đây: https://mamibabi.com.vn/app

ĐÁNH GIÁ
5 / 5

Bài hay? Đánh giá ngay!
Chọn số sao
           
Gửi thành công! Cảm ơn bạn đã đánh giá!
Tư vấn 1:1 qua chat và video Zalo
Chat ngay!
- Chuyên gia hàng đầu về THAI GIÁO và GIÁO DỤC SỚM (không phải bác sĩ)
- Trực tiếp nghiên cứu và ứng dụng thai giáo, giáo dục sớm cho con trai nên các bài học có tính ứng dụng RẤT CAO, không lý thuyết hàn lâm
- CEO App Mamibabi
- Tác giả TOP sách thai giáo bán chạy tại TIKI: Rủ chồng thai giáo
- Chuyên gia Phát triển Ứng dụng cho Mẹ và bé được sử dụng bởi hàng triệu người
Nhận ngay 5,000+ hoạt động Thai giáo, Giáo dục sớm, Tập nói sớm, Ăn dặm VIP
Thai giáo
Giáo dục sớm
EASY, Luyện ngủ
Tập nói sớm
Ăn dặm VIP
Tư vấn 1:1
Bé 13 - 24 tháng
BÀI MỚI ĐĂNG