Đã hoàn thành

Sự phát triển ngôn ngữ ở bé 2 – 3 tuổi

Giới thiệu

Mục tiêu bài học

Ở giai đoạn này, con của chúng ta có thể làm được nhiều điều hơn, bé giao tiếp tốt hơn và có thể chơi được nhiều trò hơn. Bố mẹ hãy cùng tìm hiểu nhé.

Độ tuổi thích hợp 2 - 3 tuổi
Dụng cụ / Chuẩn bị

Không yêu cầu

Phương pháp / Các bước thực hiện

MẸO
  • Xem video kết hợp các bước thực hiện dưới đây
  • Video ngắn, tiết kiệm thời gian, xem xong có thể thực hành được ngay
1
2 – 3 tuổi là giai đoạn nhiều bé đã đi học mẫu giáo. Đây cũng là lúc bé có nhiều sự phát triển về mặt ngôn ngữ.

2
Đầu tiên là khả năng hiểu. Bé hiểu được nhiều từ mới hơn, bao gồm cả động từ, tính từ, danh từ. Bé cũng hiểu được các câu hỏi cơ bản như tại sao, vì sao, bằng cách nào, như thế nào, hoặc để làm gì. Ví dụ khi được hỏi cái lược dùng để làm gì, bé có thể trả lời là để chải đầu. Bé cũng có thể hiểu được các từ trừu tượng. Ví dụ khi bạn nói là con ăn thêm một chút thì bé có thể hiểu được từ “một chút” ở đây nghĩa là chỉ một ít thôi chứ không nhiều.

3
Bé cũng sẽ biết nhiều hơn về các đồ vật, con vật, về những người xung quanh mình, các màu sắc, hình khối.

4
Bé ở độ tuổi này đặc biệt hứng thú với các câu chuyện đơn giản gắn liền với đời sống hàng ngày. Bé có khả năng nhớ và thích được nghe bố mẹ kể lại những câu chuyện đó. Ví dụ, buổi tối, bạn có thể kể lại với bé là sáng nay mẹ đã đưa con tới nhà cô Nga chơi, cô Nga đã cho con một miếng bánh socola rất ngon, hoặc là lúc con lên cầu thang, bạn Mít đã nắm tay con để con không bị ngã. Những câu chuyện như vậy đối với chúng ta có thể là những điều nhỏ bé, đôi khi có thể trôi qua, nhưng đối với con trẻ lại là những câu chuyện thú vị mà qua đó bé có thể học được những bài học ý nghĩa, hoặc là nhớ lại những người tốt bụng mà mình đã gặp.

5
Bé ở độ tuổi này còn có một khả năng tốt hơn so với giai đoạn trước, đó là khả năng lắng nghe với độ tập trung cao hơn. Đặc biệt khi bé hỏi người lớn một câu gì đó, bé sẽ rất mong ngóng được nghe câu trả lời. Ví dụ: bé hỏi mẹ đang làm gì đấy. Mẹ có thể trả lời là: À mẹ đang nhặt rau con ạ. Đây là rau muống. Con nhìn mẹ ngắt này. Cái lá này bị vàng rồi, phải bỏ đi thôi. Cứ như vậy bạn nói với bé những câu đơn giản, mô tả việc bạn làm, bạn sẽ thấy rằng bé có thể tập trung lắng nghe tốt hơn so với những giai đoạn trước.

6
Bé cũng có thể hỏi về các sự vật, hiện tượng, âm thanh mà bé thấy. Ví dụ: “Con gì kia” hay “tiếng gì đấy”.

7
Và vì vậy, bé rất thích đặt câu hỏi, hết câu này tới câu khác, những câu hỏi có thể nối dài và cuộc trò chuyện giữa bạn và bé cũng sẽ được mở rộng ra nhiều ý hơn.

8
Thêm một khả năng nữa, đó là ở giai đoạn này bé có thể hiểu được và nói được các câu dài, chứa khoảng 3 đến 4 từ quan trọng. Ví dụ khi được 27 tháng, câu dài nhất mà bé Heo nhà mình nói là: “Con không ăn mứt dừa đâu, con ngồi chơi một tí rồi con ăn dâu tây”. Như vậy tức là bé sẽ chú ý tới 3 vấn đề trong câu này, đó là mứt dừa, ngồi chơi và dâu tây. Hoặc như những em bé khác thì có thể nói các câu dài như là bố lái ô tô đi siêu thị rồi, hoặc là mẹ đi chợ mua rau để nấu canh. Khả năng của mỗi bé mỗi khác, nhưng nhìn chung ở giai đoạn này, bé đã có thể nói được các câu dài với nhiều chủ thể hoặc nhiều hành động nối tiếp nhau.

9
Bé ở giai đoạn này cũng đã hiểu được mối quan hệ nguyên nhân – kết quả, tức là bé hiểu các câu như: cái áo bị ướt vì con làm đổ nước, hoặc con bị ọe vì con ăn miếng to quá.

10
Vì khả năng hiểu của con ở giai đoạn này phát triển tốt nên khả năng nói cũng tốt hơn. Các câu con nói ra không còn bị thiếu nhiều từ như trước nữa, mà đủ để không chỉ các thành viên trong gia đình, mà cả người ngoài cũng có thể hiểu được ý con.

11
Con cũng đã biết hỏi các câu như có phải không, có đúng không. Ví dụ: mẹ mua đồ chơi này cho con đúng không?

12
Bé tiếp tục hứng thú và biết miêu tả những gì bé nhìn thấy trong tranh ảnh. Ví dụ: bố dắt bạn chó Milu trong bức ảnh, hoặc là bạn thỏ ôm củ cà rốt trong truyện.

13
Bé có thể tự mình kể cho bố mẹ nghe những câu chuyện bé đọc được trong sách truyện hoặc là những sự việc bé chứng kiến trong đời sống hàng ngày. Ví dụ: anh ở ngoài sân đi xe đạp, anh làm đổ xe đạp, anh bị đau, anh khóc.

14
Bé cũng thích chủ động bắt chuyện với người lớn bằng cách gọi to để gây sự chú ý.

15
Bé biết miêu tả việc mình đang làm như con đang uống nước, con đang đọc truyện, con đang chơi ô tô…

16
Bé có thể giúp bố mẹ một số việc nhà như bày biện bàn ăn, chuẩn bị bát đĩa, bạn chỉ nên cho bé xếp bát đĩa nhựa thôi để tránh bị vỡ nhé. Đôi khi bé sẽ chủ động đòi bố mẹ để mình làm, ví dụ bé sẽ nói “để con để con” hoặc “con cầm con cầm”

17
Bé cũng đã biết cầm cốc uống nước khéo hơn, không bị đổ nước ra ngoài, biết đánh răng khéo hơn, biết rửa tay, lau khô tay, biết cầm khăn tắm lau khô người sau khi tắm, biết mặc quần áo và đi giày dép tốt hơn. Có nhiều việc hàng ngày bé đã thành thạo hơn ở giai đoạn này và bé biết nói về các hành động đó nữa.

18
Bé có khả năng chơi một mình tốt và tự lẩm bẩm nói chuyện một mình trong lúc chơi. Thời gian bé chơi một mình cũng dài hơn so với các giai đoạn trước, sự tập trung cũng tốt hơn, đôi khi bé chơi mà không để ý tới những người xung quanh đang đi lại hoặc đang làm gì quanh mình.

19
Bé biết dùng lời nói một cách rõ ràng để bộc lộ cảm xúc nhu cầu của mình. Ví dụ: “Con sợ con chó” hay là “con không tìm thấy bóng, bố tìm cho con”.

20
Đặc biệt ở giai đoạn này bố mẹ sẽ thấy bé rất hay nói từ “không”, đôi lúc bé nói từ không với ý là không thích, không muốn, không phải; nhưng đôi khi bé nói không như một sự phản kháng, thậm chí thách thức bố mẹ, muốn xem bố mẹ phản ứng thế nào, cũng có lúc bé nói không là để trêu đùa.

21
Những câu nói của bé ở giai đoạn này sẽ rất thú vị và đôi khi khiến người lớn phải bật cười.

22
Bé đang trong giai đoạn thích khám phá mọi thứ xung quanh mình, và ngôn ngữ chính là phương tiện giúp bé khám phá được nhiều thứ hơn, nhận được nhiều thông tin thú vị và bổ ích từ người lớn, vì vậy, bạn hãy trò chuyện với bé nhiều nhất có thể nhé, hãy trả lời nhiều câu hỏi của bé nhất dù đôi khi bé hỏi nhiều khiến bạn mệt mỏi, hoặc bé hỏi những câu mà bạn cũng không biết phải trả lời thế nào. Nhưng đó chính là những trải nghiệm và cũng sẽ là những kỷ niệm thú vị nhất mà cả bạn và bé sẽ cùng trải qua.

Đã hoàn thành
ĐÁNH GIÁ BÀI HỌC
Cảm ơn bạn đã đánh giá!

Được tin tưởng bởi

Tư vấn 1:1 qua chat và video Zalo
Chat ngay!
- Chuyên gia hàng đầu về THAI GIÁO và GIÁO DỤC SỚM (không phải bác sĩ)
- Trực tiếp nghiên cứu và ứng dụng thai giáo, giáo dục sớm cho con trai nên các bài học có tính ứng dụng RẤT CAO, không lý thuyết hàn lâm
- CEO App Mamibabi
- Tác giả TOP sách thai giáo bán chạy tại TIKI: Rủ chồng thai giáo
- Chuyên gia Phát triển Ứng dụng cho Mẹ và bé được sử dụng bởi hàng triệu người

Các bài học thử miễn phí


Giới thiệu Khóa học Dạy bé tập nói phòng ngừa chậm nói cho trẻ từ 0 - 6 tuổi

Khóa học Dạy bé tập nói phòng ngừa chậm nói cho trẻ từ 0 - 6 tuổi

Khóa học cung cấp cho bố mẹ những phương pháp, hoạt động, trò chơi để giúp bé tập nói theo từng giai đoạn phát triển, phòng ngừa chứng chậm nói ở trẻ.

Khóa học “Dạy bé tập nói, phòng ngừa chậm nói cho trẻ 0 - 6 tuổi” sẽ cung cấp cho cha mẹ:

  • Sự phát triển ngôn ngữ theo từng giai đoạn của bé: 0 – 3 tháng, 3 – 6 tháng, 6 – 12 tháng, 1 – 2 tuổi, 2 – 3 tuổi, 3 – 6 tuổi
  • Cách trò chuyện cùng bé theo từng giai đoạn.
  • Ví dụ cụ thể những câu bố mẹ nên nói với bé
  • Các trò chơi/ đồ chơi bố mẹ nên chơi cùng bé theo từng giai đoạn.
  • Các dấu hiệu cho thấy bố mẹ nên đưa bé đi khám.

Lợi ích của khóa học đối với bé:

  • Phòng ngừa chứng chậm nói: Chứng chậm nói khiến bé dễ cáu gắt vì muốn nhưng không nói ra được nhu cầu của mình; khiến bé giảm khả năng giao tiếp, hòa nhập; khiến việc học tập của bé sau này trở nên khó khăn hơn.
  • Bé không còn chỉ dựa vào tiếng khóc, mà biết dùng ngôn ngữ để bày tỏ suy nghĩ, mong muốn của mình.
  • Bé học được nhiều từ vựng hơn, vốn từ phong phú hơn, biết diễn đạt, mô tả mọi thứ một cách chính xác hơn.
  • Bé biết cách đặt câu hỏi, từ đó có cơ hội khám phá thế giới, tăng khả năng học hỏi.
  • Bé giao tiếp xã hội tốt hơn, đặt nền tảng vững chắc cho việc đi học sau này.
  • Bé dễ dàng làm quen, kết bạn thông qua ngôn ngữ, từ đó hòa nhập với môi trường xung quanh.  
  • Giúp bé cải thiện trí thông minh, óc tưởng tượng, sự sáng tạo và năng lực học tập. Chỉ số thông minh IQ không cố định mà có thể được tạo ra nhờ những kích thích từ môi trường xung quanh, trong đó có ngôn ngữ.

Lợi ích của khóa học đối với cha mẹ:

  • Giúp cha mẹ và con cái có nhiều thời gian bên nhau, có nhiều trải nghiệm và kỷ niệm, đó là nền tảng cho các cuộc trò chuyện sau này, đồng thời giúp tình cảm gắn bó hơn.
  • Thông qua giao tiếp, cha mẹ hiểu con mình hơn về nhiều mặt như sở thích, tính cách, năng lực… của con. Từ đó có định hướng giúp con phát triển tốt hơn.
  • Cha mẹ học cách lắng nghe con nhiều hơn.
  • Bằng những lời nói tích cực, cha mẹ truyền tới con cái những năng lượng tốt, sự động viên, khích lệ; giúp con tự tin và hạnh phúc hơn.

Các bài học khác
2 - 3 tuổi