Hội chứng kém hấp thu ở trẻ là tình trạng không hiếm gặp ở trẻ em. Vậy điều gì tác động đến khả năng hấp thu thức ăn, dinh dưỡng của trẻ và có cách nào tăng khả năng hấp thu cho trẻ?
Nội dung bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trung tâm Nhi, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City
Tình trạng trẻ kém hấp thu khiến thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết để cơ thể phát triển như kẽm, vitamin nhóm B, lysin,... Từ đó sức đề kháng của trẻ bị suy giảm, khiến trẻ dễ bị mắc bệnh hơn, ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao và trí não của trẻ
Dưỡng chất (đạm, đường, chất béo, chất xơ,...) cung cấp năng lượng cho cơ thể. Các vi chất dinh dưỡng (kẽm, sắt, canxi, photpho, magie...) và các vitamin (A, B, C, D, E, K,...) tham gia vào các quá trình chuyển hóa trong cơ thể.
Chuyển hóa là một chuỗi các hoạt động/ phản ứng xảy ra bên trong cơ thể. Khi trẻ ăn, thức ăn vào cơ thể được tiêu hóa và hấp thu. Vì vậy, nếu thiếu các vi chất dinh dưỡng, thiếu vitamin hoặc các dưỡng chất thiết yếu, quá trình chuyển hóa trong cơ thể bị ảnh hưởng, trong đó có chuyển hóa thức ăn, gây nên tình trạng kém hấp thu, suy dinh dưỡng ở trẻ.
Hệ vi sinh vật trong đường tiêu hóa bắt đầu hình thành từ khi trẻ được sinh ra. Hệ vi sinh đường ruột phát triển dần trong vòng 2 năm đầu đời của trẻ và đến 2 tuổi thì dần đa dạng như người lớn.
Tổng lượng vi khuẩn trong đường tiêu hóa ước tính vào khoảng 100 nghìn tỷ, tương đương 1,5kg vi sinh vật. Ở trạng thái cơ thể khỏe mạnh, hệ vi sinh đường ruột có khoảng trên 500 loài khác nhau, bao gồm vi sinh vật có lợi (chiếm 85%) và vi sinh vật gây bệnh (chiếm 15%).
Hệ vi sinh đường ruột ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng tiêu hóa, hấp thu thức ăn và dinh dưỡng của trẻ nhỏ bởi nó giúp hỗ trợ chức năng tiêu hóa bằng cách nghiền nát và lên men thức ăn; tổng hợp các vitamin nhóm B, vitamin K, làm tăng tiêu hóa đạm, mỡ, đường; .. Vì vậy, khi hệ vi sinh đường ruột có vấn đề (mất cân bằng, rối loạn, nhiễm khuẩn....) sẽ ảnh hưởng tới khả năng hấp thu thức ăn, dinh dưỡng của trẻ.
Nếu trẻ bị mắc bệnh về tuyến tụy, gan, túi mật hay ống tiêu hóa như viêm ruột, viêm loét dạ dày, hội chứng ruột kích thích, hoặc trẻ đã từng phẫu thuật cắt đoạn ruột dẫn đến hội chứng ruột ngắn, điều trị bệnh bằng tia xạ... sẽ ảnh hưởng trực tiếp gây ra tình trạng hấp thu kém ở trẻ.
Kém hấp thu dinh dưỡng ở trẻ không phải là một bệnh lý nguy hiểm, nhưng cần phát hiện sớm và có biện pháp điều chỉnh kịp thời để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Một chế độ ăn lành mạnh để bảo vệ hệ vi sinh vật đường ruột cần giúp tăng cường lợi khuẩn và kiểm soát sự phát triển của vi khuẩn gây hại trong đường tiêu hóa. Các chuyên gia khuyến cáo:
Hạn chế tối đa dùng kháng sinh nếu không có chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó cha mẹ không ăn những loại thức ăn cay, nóng, ăn đồ sống/ tái để tránh đường ruột nhiễm khuẩn.
Tạo cho bé thói quen vệ sinh cá nhân và vệ sinh thân thể sạch sẽ: Trẻ cần được vệ sinh, rửa tay chân sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, đồng thời có thói quen vệ sinh thân thể, đánh răng hằng ngày. Với trẻ đang bú, người mẹ cần vệ sinh tay chân và bầu vú sạch sẽ trước khi cho con bú. Giữ cho môi trường sống của trẻ luôn được sạch sẽ thoáng mát
Tăng cường vận động cho bé để tăng sự co bóp của ruột, có ích trong việc tăng khả năng tiêu hóa ở trẻ và tẩy giun định kỳ với những trẻ trên 24 tháng tuổi.
Khi đã hiểu rõ được những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến việc hấp thu dinh dưỡng ở trẻ, cha mẹ nên điều chỉnh để con có một chế độ ăn uống, sinh hoạt tốt giúp cơ thể phát triển toàn diện.
Nếu cần thiết có thể tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa và lựa chọn thêm các thực phẩm chức năng, vi chất giúp kích thích trẻ ăn ngon miệng, tiêu hóa tốt và hạn chế tình trạng ốm vặt.
Nguồn: vinmec.com
---
Mamibabi là app Giáo dục sớm với hàng trăm bài chơi đơn giản chỉ từ 5 phút/ngày giúp bé phát triển trí thông minh vượt trội và tăng cường khả năng vận động. Tải Mamibabi miễn phí tại đây: https://mamibabi.com.vn/app