Vì sao cần chú ý chăm sóc dinh dưỡng cho mẹ sau sinh?
Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Theo Tổ chức Y tế thế giới, nên cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ sau sinh và nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, sau đó cho trẻ ăn bổ sung từ khi được tròn 6 tháng, kết hợp với bú sữa mẹ tới khi trẻ được 24 tháng tuổi.
Trong giai đoạn sau sinh - nuôi con bú, chế độ dinh dưỡng của người mẹ có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của trẻ. Cụ thể, chế độ dinh dưỡng tốt giúp bà mẹ có đủ sữa nuôi con. Vì vậy, bà mẹ sau sinh cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp với vận động, nghỉ ngơi khoa học và có tâm lý thoải mái.
Đặc biệt, nhiều nghiên cứu đã khẳng định dinh dưỡng của người mẹ có ảnh hưởng nhất định tới lượng sữa và thành phần vi chất có trong sữa mẹ. Cụ thể, nếu chế độ ăn uống của người mẹ thiếu vitamin, đặc biệt là vitamin A, D và B1 thì sữa mẹ cũng sẽ thiếu các vitamin này. Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu đời, lượng kháng thể của trẻ được cung cấp trực tiếp qua sữa mẹ. Vì vậy, việc đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết cho người mẹ sẽ giúp phòng ngừa bệnh tật tốt nhất cho bé. Những trẻ được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu sẽ phát triển toàn diện về trí tuệ và thể chất, có sức đề kháng tốt, ít mắc các bệnh nhiễm trùng và khi lớn lên ít mắc các bệnh mạn tính không lây.
Nhu cầu dinh dưỡng sau sinh của bà mẹ đang nuôi con bú
Nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng của người mẹ đang nuôi con bú khá cao, thậm chí cao hơn so với thời kỳ đang mang thai vì bà mẹ mất nhiều năng lượng và chất dinh dưỡng qua việc mất máu khi chuyển dạ, sản xuất sữa non và sữa nuôi con ngay sau khi sinh.
Nhu cầu năng lượng
Nhu cầu năng lượng của bà mẹ đang cho con bú sẽ cao hơn khoảng 500 kcal/ngày so với phụ nữ khi chưa mang thai. Ngoài ra, nhu cầu năng lượng của bà mẹ trong thời kỳ cho con bú còn phụ thuộc vào tình trạng hoạt động thể lực và mức tăng cân trong giai đoạn mang thai. Cụ thể là:
- Phụ nữ trước và trong thai kỳ có chế độ dinh dưỡng tốt, tăng 10 - 12kg: Cần đảm bảo nhu cầu năng lượng đạt 2.260 kcal/ngày đối với người lao động nhẹ, 2.550 kcal/ngày đối với người lao động trung bình;
- Phụ nữ trước và trong thai kỳ có chế độ dinh dưỡng không tốt, tăng dưới 10kg: Cần đa dạng thực phẩm và ăn nhiều hơn để đảm bảo nhu cầu năng lượng khi nuôi con bú.
Nhu cầu về các chất dinh dưỡng
- Chất đạm: Trong 6 tháng đầu sau sinh, tổng lượng đạm cần cung cấp cho phụ nữ đang cho con bú là 79g/ngày. Trong 6 tháng tiếp theo, tổng lượng chất đạm cần cung cấp là 73g/ngày. Về tỷ trọng, lượng đạm động vật nên chiếm trên 30% tổng protein tiêu thụ. Các bà mẹ sau sinh nên chọn thực phẩm có hàm lượng đạm cao như cá, thịt, trứng, sữa, đậu đỗ,...;
- Chất béo: Lượng chất béo cần cung cấp cho bà mẹ đang nuôi con bú nên chiếm 20 - 30% năng lượng khẩu phần. Các chất béo như EPD, DHA, n3, n6,... có nhiều trong dầu cá, một số loại cá mỡ, một số loại dầu thực vật,... được khuyến khích sử dụng vì chúng rất quan trọng đối với sự phát triển trí não và thị lực của bé;
- Vitamin và khoáng chất: Cần bổ sung đầy đủ cho người mẹ đang nuôi con bú. Theo đó, bà mẹ sau sinh nên ăn trên 400g trái cây, rau củ mỗi ngày và ăn đủ chất xơ để tránh táo bón;
- Nước: Để sản xuất đủ sữa cho nhu cầu của bé, bà mẹ đang cho con bú nên uống khoảng 2 - 2,5 lít nước/ngày.
Hướng dẫn chăm sóc dinh dưỡng sau sinh hợp lý
Tăng số bữa ăn trong ngày
Nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng của phụ nữ sau sinh và nuôi con bú tăng cao nên khẩu phần ăn cả ngày nên được chia thành nhiều bữa: 3 - 6 bữa/ngày để cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết.
Đa dạng các nhóm thực phẩm
Bữa ăn của bà mẹ đang nuôi con bú nên đa dạng các loại thực phẩm với đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng là: Đường bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất. Một chế độ ăn cân bằng, phối hợp nhiều loại thực phẩm lành mạnh khác nhau gồm:
- Tinh bột: Cơm, mì, phở, bánh mì, khoai tây,...;
- Chế phẩm từ sữa: Sữa tươi, sữa chua, phô mai,...;
- Chất béo: Dầu cá, các loại cá vùng biển lạnh, các loại hạt;
- Protein: Thịt, cá, trứng, sữa, đậu, mè, ngũ cốc,...;
- Vitamin và khoáng chất: Có trong các loại rau củ và trái cây;
- Nước: Nên uống 12 - 15 cốc nước mỗi ngày.
Hằng ngày, bà mẹ đang nuôi con bú cần lượng thực phẩm gồm: 450 - 500g ngũ cốc, 50 - 100g đậu và chế phẩm từ đậu, 80 - 100g cá và thịt, 40 - 50g trứng, 300 - 400g rau, 100 - 200g hoa quả, 20g dầu mỡ.
Các loại thực phẩm nên ăn
- Cá hồi: Giàu dưỡng chất cho các bà mẹ mới sinh. Cá hồi có nhiều DHA, giúp cải thiện tâm trạng của người mẹ và rất quan trọng đối với sự phát triển hệ thần kinh của bé. Theo khuyến nghị, mỗi tuần phụ nữ sau sinh nên ăn khoảng 336g cá hồi;
- Chế phẩm từ sữa ít béo: Sữa chua, sữa tươi, phô mai cung cấp một lượng lớn vitamin D giúp xương của mẹ và bé chắc khỏe. Ngoài ra, sữa còn giàu protein, vitamin B và canxi. Mỗi ngày, người mẹ nên uống khoảng 700ml sữa;
- Thịt bò: Giàu chất sắt, protein và vitamin B12, cung cấp đủ năng lượng cho người mẹ. Phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ nên ăn thịt bò nạc để hạn chế nạp chất béo vào cơ thể;
- Rau củ: Các loại rau xanh như cải bó xôi, súp lơ xanh rất giàu vitamin A, tốt cho sức khỏe của mẹ và bé. Ngoài ra, rau củ, đặc biệt là các loại đậu còn là nguồn vitamin C, sắt và canxi dồi dào, tốt cho sức khỏe;
- Trái cây: Phụ nữ sau sinh và đang cho con bú nên ăn ít nhất 150g trái cây mỗi ngày. Các loại trái cây họ cam quýt giàu vitamin C rất tốt cho người mẹ sau sinh;
- Ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt: Cung cấp đủ năng lượng cho người mẹ và tạo sữa chất lượng cho bé.
Các loại thực phẩm nên tránh
Khi cho con bú, các loại thực phẩm người mẹ ăn có thể truyền qua nguồn sữa cho bé. Vì vậy, phụ nữ đang nuôi con bú cần cẩn thận với các loại thực phẩm sau:
- Rượu, bia: Hệ thần kinh và hệ tiêu hóa của trẻ còn rất non nớt nên cần được bảo vệ bởi chất cồn dù là rất nhỏ. Hơn nữa, rượu bia còn có thể ảnh hưởng tới khả năng sản xuất sữa của người mẹ;
- Trà, cà phê: Bà mẹ đang nuôi con bú không nên uống quá nhiều các chất kích thích này vì chúng sẽ khiến bé bứt rứt, khó chịu, khó ngủ,...;
- Các loại cá có chứa thủy ngân: Cá kiếm, cá mập, cá ngừ,... có chứa nhiều thủy ngân, có thể truyền sang trẻ qua sữa mẹ, gây ảnh hưởng tới sự phát triển thần kinh của bé;
- Các loại gia vị nặng mùi: Hành, tỏi có thể gây ảnh hưởng tới mùi vị của sữa mẹ, khiến bé khó chịu khi bú;
- Đồ ăn cay: Có thể gây kích ứng hệ tiêu hóa của mẹ và tác động xấu tới đường ruột của bé;
- Thức ăn dễ ôi thiu hoặc nghi ngờ bị ôi thiu.
Đồng thời, người mẹ sau khi ăn một loại thực phẩm nào cũng nên theo dõi phản ứng của bé vì có thể chúng khiến bé dị ứng với các biểu hiện như bú kém, tiêu chảy, khó tiêu, nổi mẩn đỏ, sưng mắt, sưng môi, chảy nước mũi, nôn trớ,... Các loại thực phẩm dễ gây dị ứng gồm sữa bò, thịt bò, trứng, sò, tôm, cua,...
Một số lưu ý quan trọng khi chăm sóc dinh dưỡng sau sinh
- Không kiêng khem quá mức mà cần ăn uống đầy đủ và đa dạng để có đủ năng lượng chăm sóc bé;
- Chọn lựa thực phẩm tươi, đảm bảo vệ sinh;
- Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh lo lắng, buồn phiền, mất ngủ, giữ tinh thần lạc quan, thoải mái;
- Thận trọng khi sử dụng thuốc trong thời kỳ cho con bú, đặc biệt là thuốc kháng sinh, thuốc nội tiết tố hay các thuốc tác động lên hệ thần kinh
Thiết lập một chế độ dinh dưỡng sau sinh khoa học sẽ giúp người mẹ có đầy đủ sữa nuôi con, giúp mẹ có đủ năng lượng để chăm con và giúp bé có sự phát triển toàn diện cả về thể chất và trí não.
Nguồn: vinmec.com
---
Mamibabi hướng dẫn mẹ cách ăn đầy đủ trong 40 tuần mang thai để bé tăng cân, mẹ khỏe mạnh. Tải Mamibabi miễn phí tại đây: https://mamibabi.com.vn/app