Bộ phận sinh dục của bé

4.7/5 (378 đánh giá)

Có lúc ta tưởng như bé sinh ra mà là gái (hay ngược lại, là trai) thì ta sẽ không thương được vì không đúng với ước muốn sẵn có của ta. Tuy vậy, tôi đã thấy nhiều người có đến chín cậu trai mà vẫn còn thương và có bà mẹ có đến ngũ... long công chúa rồi mà vẫn chưa thấy ghét!

Bộ phận sinh dục của bé

Khi mang thai bé ta thường có ý muốn sinh trai hay gái sẵn trong lòng nhưng khi bé sinh ra dù trai hay gái thì ta cũng sẽ thương, nhất là khi bé là con đầu lòng.

Bé trai mới sinh có thể có bìu dái và tinh hoàn hơi sưng, mọng nước. Vào ngày thứ tư hay thứ năm hiện tượng này rõ nhất. Ở bé gái, có thể có chút máu chảy ở âm hộ, “chim” bé hơi sưng và cả hai – trai và gái – đều có thể bị sưng vú, có khi chảy một chút sữa nữa. Hiện tượng này rất thông thường, không có gì đáng ngại, trong vài ba hôm rồi hết, không cần chữa trị gì cả.

Một số bệnh thỉnh thoảng gặp ở bé trai

Thiếu tinh hoàn

bé sinh ra đôi khi chỉ có một tinh hoàn làm ba má lo lắng không ít. Thực ra thì một tinh hoàn khác còn trên đường di chuyển và có thể đã như chú thỏ say mê phong cảnh, dừng lại đâu đó, chưa về đúng vị trí. Hai tinh hoàn được tạo ra ở vùng bụng, mãi đến lúc bé gần sinh mới di chuyển xuống bìu dài, mang theo cả các phụ tùng lỉnh kỉnh của chúng (ống dẫn tinh, huyết quản...) Trên quãng đường “chông gai” này một chú tinh hoàn có thể dừng lại tạm cư đâu đó, nên bé sinh ra ta chỉ thấy có một tinh hoàn. Nhưng nhiều khi bé có đủ cả hai tinh hoàn mà vì lạnh hay vì có tay ta sờ vào, chúng biến đâu mất! À không, chúng chỉ tụt lên trốn ở tầng trên ấm cúng hơn đó thôi! Bình thường trước tuổi dậy thì, chú tinh hoàn lang thang kia cũng sẽ về đúng vị trí. Dù sao, tốt hơn hết trong trường hợp này nên khám để nếu cần nhờ bác sĩ phẫu thuật khéo nó xuống. Nếu thiếu cả hai tinh hoàn cần mổ sớm (có thể 9 – 12 tháng) để tránh vô sinh.

Bộ phận sinh dục của bé

Dái nước

Gọi là dái nước không đúng, thực ra là cái túi bọc dái bị ngập nước. Ta thấy bìu dái sưng to một bên, bóng lên, mọng nước. Khi khám, bác sĩ thường rọi đèn để xem có đúng là dái nước bẩm sinh để phân biệt chứng sa ruột cũng làm sưng bìu dái – dưới ánh đèn, dái nước trong bóng, đỏ ửng. Nếu đúng là bẩm sinh, tự nhiên cũng khỏi, nhưng lớn rồi bé mới bị chứng này thì phải khám bác sĩ cẩn thận, nếu cần, phải phẩu thuật.

Sa ruột bẹn

Khi tinh hoàn xuống đến bìu dái rồi thì đường đi của chúng tự động teo lại, nếu vì lý do gì chúng không teo hoặc teo không hoàn toàn, có một lỗ trống, ruột có thể sa xuống đó gọi là sa ruột bẹn. Ta cũng thấy một bên dái bé sưng lên, nhưng chỉ sưng lúc bé khóc, ho, hay cử động còn lúc nằm yên không thấy. Rọi đèn thấy đục chứ không trong bóng như trường hợp dái nước. Chứng sa ruột này thỉnh thoảng cũng thấy ở bé gái, nhưng rất hiếm và ít nguy hiểm như ở bé trai.

Ở trẻ sơ sinh chứng sa ruột này chỉ cần băng chặt lại một thời gian sẽ khỏi, nhưng nếu có biến chứng ruột bị thắt nghẽn thì phải cấp cứu ngay. Bé đau đớn, chỗ ruột sa không tụt lên được nữa, ói mửa... là những triệu chứng của ruột bị thắt nghẽn.

Da bao qui đầu hẹp

Bình thường ở bé, da bao qui đầu trùm hết phần qui đầu và còn thừa khá nhiều. Nếu ta dùng tay tuột lớp da và trong, ta thấy qui đầu chim bé ló ra. Nếu da bao bị hẹp, không tuột vào trong được, bé bị chứng “phimosis”, khá phiền phức về sau. Những bé bị phimosis thường mỗi lần đái thấy kho khăn, nước tiểu không vọt ra hết được mà đọng lại ở da bao làm phồng lên, rồi lai rai chảy hoài. Nước tiểu đọng lại đó có khi làm độc và thường thì đóng bợn trắng dơ dáy.

Nếu vì một lý do gì da bao bị tuột vào trong rồi không trở lại được vị trí cũ làm thắt nghẽn qui đầu thì phải đưa đến bệnh viện gấp. Bé nào chỉ có triệu chứng bị phimosis và bác sĩ khám xác nhận như vậy, khuyên cắt mới nên cắt. Nhiều khi chỉ cần làm một thủ thuật nhỏ như nong (một cách nhẹ nhàng) da bao mỗi lần tắm cho bé cũng đủ làm nới rộng da bao. Trường hợp cần thiết mới phải cắt. Cắt da bao quy đầu là một phẫu thuật đơn giản nhưng phải do bác sĩ thực hiện.

Bộ phận sinh dục của bé

Huyết trắng ở bé gái

Ở bé gái thỉnh thoảng ta thấy có huyết trắng như người lớn vậy. Thường thường là do thiếu vệ sinh hoặc do mẹ, chị hay người vú nuôi bị huyết trắng rồi lây cho bé trong lúc gần gũi bế bồng. Bác sĩ phải khám nghiệm và nếu cần cho thử tìm vi trùng, chữa đúng bệnh. Cũng nên để ý trường hợp bé bị lãi kim. Lãi kim ở hậu môn chui qua âm hộ cũng làm bé bị “huyết trắng”!

Bé tự sờ mó bộ phận sinh dục

Từ sáu tháng trở đi, bé thường sờ mó bộ phận sinh dục của mình. Lúc đó là lúc bé khám phá ra bàn tay, các ngón tay, các ngón chân – và sung sướng kéo ngón chân nhét vào miệng! Bé không hề có ý xấu nào về bột phần sinh dục. Nếu ta ngăn cấm và có thái độ lo lắng, sợ bé thủ dâm, có thể làm cho bé sờ mó nhiều hơn, hay tạo cho bé ý tưởng khinh ghét bộ phận sinh dục.

Tốt hơn hết là ta thản nhiên như không và nếu cần gợi cho bé chú ý việc khác, trò chơi khác để “đánh trống lảng”. Dĩ nhiên phải giữ vệ sinh đúng mức cho bé khỏi bị hăm rát, ngứa ngáy.

Từ ba tuổi trở đi, bé biết quan sát và phân biệt sẽ ngạc nhiên, lo lắng thấy bé không giống anh chị em mình. Bé trai thấy em gái không có chim như mình bất giác giữ chặt bộ phận sinh dục vì sợ bị “cắt” mất, bé gái ngược lại có mặc cảm thua kém. Có thể bé đặt câu hỏi về sự khác biệt giữa trai gái này, và ta sẽ phải giảng giải. Lúc đó bé chưa biết lý luận, chỉ biết so sánh vì thế thái độ ta là thản nhiên, không trịnh trọng, không quan trọng hóa vấn đề, nói rằng, trái khác gái.

Trai có “chim” gái có “bi”, trai tóc ngắn gái tóc dài, trai mặc áo sơ mi, gái mặc áo bông, áo đầm... bé sẽ thấy thỏa mãn. Cần nhớ là khi bé đặt những câu hỏi vè bộ phận sinh dục như vậy, bé không hề có một ý xấu nào (Nhân chi sơ tánh bản thiện mà!) Vậy ta không phải đỏ mặt bắt bé câm miệng, rầy mắng bé hoặc không trả lời để gieo ý xấu và gây tò mò thêm.

T, cháu tôi, một lần nói với má nó: em Q có con chim đẹp quá, con không có, má mua cho con một con đi! Những bé hay sờ mó bộ phận sinh dục mình ở chỗ đông người thường là có điều gì đó làm bé sợ hay bực dọc – Các bé này có xu hướng thủ dâm về sau. Phải tìm hiểu nguyên nhân và giúp bé tìm lại sự yên tĩnh, nếu cần phải dùng thuốc.

Trả lời khi được hỏi: em bé sinh ra ở đâu?

Một bé phát triển bình thường, khoảng ba tuổi hay hỏi mẹ sinh em bé ở đâu. Những câu hỏi loại này luôn luôn làm cho bà mẹ khó trả lời, có khi rầy mắng oan cho bé vì thế càng làm cho bé tò mò thêm. Thái độ tốt nhất cũng vẫn là thản nhiên trả lời thực giản dị, rõ ràng, tự tin không nói dối cũng không giảng giải trịnh trọng dài dòng vì bé chẳng hiểu gì cả, cũng không nói rằng để lớn rồi sẽ biết, hoặc đánh trống lảng nhiều lần cũng không xong.

Có thể nói má sinh em ở bụng, giản dị hơn, má sinh em ở đít hay khoa học hơn: chừng nào em bé lớn sẽ có một cửa mở cho bé sinh ra! Bé sẽ thỏa mãn. Câu trả lời không quan trọng bằng cách trả lời. Nếu ta lúng túng, ngượng ngùng, bé sẽ thắc mắc. Dĩ nhiên bé càng lớn, câu trả lời sẽ khác hơn.

Một chương trình giáo dục sinh lý học đường có thể giúp cho cha mẹ đỡ lúng túng trong vấn đề này và hy vọng sẽ làm cho trẻ em có một quan niệm đúng đắn và lành mạnh về vấn đề tình dục vốn từ lâu theo lối giáo dục cổ truyền của chúng ta đã tạo nên những thành kiến sai lầm đáng tiếc! Hiện nay chương trình “Giáo dục giới tính” đã được dần dần đưa vào trường học phổ thông.

BS. Đỗ Hồng Ngọc

---

Mamibabi là app Giáo dục sớm với hàng trăm bài chơi đơn giản chỉ từ 5 phút/ngày giúp bé phát triển trí thông minh vượt trội và tăng cường khả năng vận động. Tải Mamibabi miễn phí tại đây: https://mamibabi.com.vn/app

BÀI LIÊN QUAN
ĐÁNH GIÁ
4.7 / 5

Bài hay? Đánh giá ngay!
Chọn số sao
           
Gửi thành công! Cảm ơn bạn đã đánh giá!
Tư vấn 1:1 qua chat và video Zalo
Chat ngay!
- Chuyên gia hàng đầu về THAI GIÁO và GIÁO DỤC SỚM (không phải bác sĩ)
- Trực tiếp nghiên cứu và ứng dụng thai giáo, giáo dục sớm cho con trai nên các bài học có tính ứng dụng RẤT CAO, không lý thuyết hàn lâm
- CEO App Mamibabi
- Tác giả TOP sách thai giáo bán chạy tại TIKI: Rủ chồng thai giáo
- Chuyên gia Phát triển Ứng dụng cho Mẹ và bé được sử dụng bởi hàng triệu người
Nhận ngay 5,000+ hoạt động Thai giáo, Giáo dục sớm, Tập nói sớm, Ăn dặm VIP
Thai giáo
Giáo dục sớm
EASY, Luyện ngủ
Tập nói sớm
Ăn dặm VIP
Tư vấn 1:1
Bé 0 - 12 tháng
BÀI MỚI ĐĂNG