Người lính già đã phụng sự trung thành cho nhà vua mà nhà vua lại tống ông đi, bỏ ông chết đói. Sau khi đi thang lang gặp mụ phù thủy nhưng may mắn là ông nhặt được ngọn đèn xanh. Ngọn đèn xanh giúp ông làm rất nhiều việc, giúp ông thoát chết, giúp trả thù nhà vua,....
Ngày xưa, có một người lính tận tụy với nhà vua bao nhiêu năm trời ròng rã. Hết thời chinh chiến, người ấy bị thương nhiều, không phụng sự được nữa, vua phán rằng:
– Bây giờ ta không cần đến ngươi nữa, cho ngươi về. Mà ta cũng không thể cho ngươi tiền của gì vì ta chỉ trả công cho kẻ nào phụng sự ta thôi. Người lính già chẳng biết làm gì để sinh nhai, buồn bã, đi thơ thẩn suốt ngày, buổi chiều đến một khu rừng. Trời tối, bác thấy ở đằng xa có ánh đèn , bác lại gần thì ra là nhà một mụ phù thủy. Bác nói với mụ:
– Xin bà làm ơn cho tôi ngủ nhờ đêm nay và cho tôi ăn uống một chút vì tôi đói quá.
Mụ già đáp:
– Chao ôi! Có ai hơi đâu mà chứa một tên lính lạc đường như mày. Nhưng thôi, ta làm phúc cho, miễn là ngươi giúp ta một việc.
– Việc gì hở bà?
– Mai xới vườn cho ta.
Người lính bằng lòng và hôm sau làm cật lực, mà đến chiều tối vẫn không xong. Mụ già nói:
– Ta biết hôm nay mày làm được đến thế là cùng. Ta muốn để ngươi ở đây đêm nay nữa, nếu mai ngươi chịu chẻ củi cho ta.
Người lính ra công làm suốt ngày. Tối đến mụ già lại bảo bác ở lại đêm nữa. Mụ nói:
– Ta chỉ nhờ mày tí việc: lấy ở dưới giếng cạn sau nhà lên cho ta ngọn đèn ta đã đánh rơi xuống đấy. Ngọn đèn đó sáng xanh le lói, không bao giờ tắt.
Hôm sau, mụ già đưa người lính ra giếng, bảo ngồi vào thúng, rồi ròng dây xuống. Lấy được ngọn đèn sáng xanh rồi, bác ra hiệu cho mụ già kéo lên. Khi mụ kéo bác đến miệng giếng, mụ giơ tay đỡ lấy ngọn đèn. Nhưng bác nhận thấy mụ có tà ý, bèn bảo:
– Không, không, để ra khỏi giếng tôi mới đưa đèn cho bà.
Mụ già nổi giận, buông dây ra, để cho người lính rơi xuống giếng, rồi bỏ đi. Người lính rơi xuống đất ẩm nên không việc gì. Ngọn đèn vẫn cháy, nhưng biết làm thế nào cho thoát. Bác chắc mình thế nào cũng chết.
Bác ngồi một lúc lâu, trong lòng buồn bã. Tình cờ thò tay vào túi, bác thấy cái điếu đã nhồi một nửa thuốc. Bác nghĩ bụng: “Đây là cái thú cuối cùng của ta đây”, rồi rút điếu châm vào ngọn đèn xanh, và hít vài hơi. Khi khói thuốc tỏa ra khắp giếng, một người bé nhỏ, đen xì bỗng hiện ra hỏi bác:
– Thưa thầy, thầy sai gì con ạ?
Người lính ngạc nhiên hỏi:
– Ta có điều gì sai anh đâu?
– Thầy muốn gì, con phải làm nấy.
– Nếu vậy thì trước hết giúp ta ra khỏi giếng.
Người bé nhỏ đen xì bèn dắt người lính, đưa qua một con đường hầm, không quên cầm theo ngọn đèn xanh le lói. Đi đường người ấy trỏ cho bác biết kho vàng mà mụ phù thủy giấu ở đấy. Bác lính tha hồ mà lấy của. Lên đến mặt đất, bác lính bảo người kia rằng:
– Bây giờ anh đi trói con mụ già lại và dẫn nó đến tòa án cho ta.
Chỉ lát sau, bác thấy mụ cưỡi mèo rừng phóng qua, miệng thét kinh hồn. Người bé nhỏ lại hiện ngay đến, nói rằng:
– Thưa thầy, mọi việc đã xong cả rồi, mụ phù thủy bị tống giam. Thầy còn sai gì con nữa không?
– Bây giờ thì thôi, anh cứ về nhà, nhưng hễ ta gọi thì đến ngay nhé.
– Thầy không cần gọi, thầy chỉ việc châm điếu vào ngọn đèn xanh là con đến ngay tức khắc.
Nói xong người ấy biến mất. Còn bác lính lại quay về kinh. Bác sắm quần áo đẹp, vào nhà trọ sang trọng nhất. Xong xuôi, bác gọi người bé nhỏ đen thui tới bảo:
– Ta đã phụng sự nhà vua trung thành mà nhà vua nỡ tống ta đi, bỏ ta chết đói, ta phải trả thù mới được.
Người bé nhỏ hỏi:
– Thầy sai gì con?
– Đêm khuya, khi công chúa ngủ say, anh đem công chúa về cho ta để ta bắt nó hầu ta như đầy tớ vậy.
Người bé nhỏ đáp:
– Việc đó đối với con thì dễ thôi, nhưng nếu chuyện vỡ lở ra thì rất nguy hiểm cho thầy.
Đúng nửa đêm, cửa mở, người bé nhỏ mang công chúa vào. Người lính quát:
– Hừ! Cô đã đến đấy à? Đi làm việc ngay đi. Lấy chổi quét buồng ngay.
Công chúa quét xong, bác lính gọi lại, giơ chân ra, bắt công chúa tháo giầy ủng, ném giầy và bắt nhặt đem lau bùn và đánh bóng. Nàng im lặng làm tất không cưỡng lại, hai mắt lim dim. Khi gà gáy lần thứ nhất, người bé nhỏ lại đem nàng về cung và đặt nàng vào giường.
Sáng dậy, công chúa vào tâu với vua rằng đêm qua nàng nằm mơ rất lạ:
– Con bị mang đi qua các phố nhanh như chớp, đến buồng một người lính. Con đã phải hầu hắn như đấy tớ. Con đã phải làm những việc nặng như quét buồng, đánh giầy. Tuy đó chỉ là một giấc mơ, nhưng con cũng thấy nhọc mệt như làm công việc ấy thật.
Vua nói:
– Chiêm bao có thể là sự thật. Cha khuyên con lấy đỗ nhỏ bỏ đầy túi áo. Nếu con lại bị mang đi thì đỗ sẽ vãi suốt dọc các thành phố mà con qua, và sẽ có dấu vết trên mặt đường.
Người bé nhỏ đứng nấp ở chỗ gần vua nghe trộm được những lời vua dặn con gái. Đến đêm khi người ấy lại mang công chúa đi thì đỗ rơi ở túi áo công chúa ra đường thật, nhưng đỗ đó không thể làm dấu được vì người bé nhỏ đa mưu đã rắc đỗ trước ở khắp các phố. Công chúa lại phải làm công việc con đòi cho đến khi nghe tiếng gà gáy thứ nhất.
Hôm sau, vua sai bộ hạ lần theo hạt đỗ đi tìm nhưng chỉ uổng công, trẻ con ở khắp các phố đang ngồi nhặt đỗ, phao đồn rằng đêm qua mưa ra đỗ.
Vua nói:
– Con ơi, phải tìm kế khác. Con sẽ đi ngủ cả giầy, rồi khi họ đem con đến đâu, con sẽ dấu một chiếc ở đấy, nhất định cha sẽ tìm được.
Người bé nhỏ đem thui lại nghe trộm được. Ngay tối hôm ấy, người lính lại sai đi bắt công chúa về cho mình. Nhưng tớ can thầy, bảo thầy là không nghĩ ra được mưu gì và e rằng người ta sẽ tìm thấy chiếc giầy ở nhà thầy thì thầy sẽ nguy hiểm đến tính mệnh. Nhưng bác lính không chịu:
– Tôi đã sai thì anh cứ làm đi.
Đến đêm thứ ba, công chúa lại phải làm người hầu. Nhưng trước khi bị đem trả về cung, nàng giấu một chiếc giầy xuống gầm giường.
Hôm sau, nhà vua cho tìm chiếc giầy của con gái khắp tỉnh, thì thấy ở nhà người lính . Người bé nhỏ khuyên thầy trốn khỏi tỉnh, nhưng chưa kịp trốn đã bị bắt bỏ tù. Khi chạy đi, người lính bỏ quên ngọn đèn xanh và mất hết của, trong túi chỉ còn một đồng vàng.
Bác bị xích, đang đứng bên cửa sổ ngục, bỗng thấy người bạn cũ đi qua, liền đập vào cửa kính. Khi bạn đến gần thì bác nói:
– Anh làm ơn đến nhà trọ tìm hộ tôi một cái gói nhỏ, tôi sẽ biếu anh một đồng vàng.
Người bạn đi ngay và mang cái gói lại cho bác. Bác đợi cho bạn đi khuất, châm điếu. Người bé nhỏ đen thui hiện ra, thưa với thầy:
– Thầy đừng lo, cứ để chúng muốn điệu đi đâu thì điệu, làm gì thì làm, nhưng thầy chớ quên mang theo cây đèn xanh.
Hôm sau người lính bị đưa ra xử trước tòa án. Dù bác không phạm tội ác gì, quan tòa vẫn kết án tử hình. Khi đi ra pháp trường, bác xin vua một điều cuối cùng.
Vua hỏi:
– Ngươi muốn điều gì?
– Thần xin được hút thuốc ở dọc đường.
– Muốn hút ba điếu cũng được, nhưng ngươi chớ tưởng rằng ta sẽ ân xá cho ngươi đâu.
Người lính bèn rút ngay điếu ra và ghé điếu vào ngọn đèn xanh để châm lửa. Khói thuốc vừa tỏa lên thì người bé nhỏ, tay cầm gậy, đã đứng đó rồi, và hỏi:
– Thưa thầy bảo gì con ạ?
– Anh hãy nện thẳng tay vào bọn quan tòa giả dối kia và cả môn hạ của chúng, nện cả tên vua đã bạc đãi ta.
Nhanh như chớp, người nhỏ bé xông vào bọn chúng, đánh lia lịa, đứa nào mới bị gậy đụng phải cũng ngã lăn ra đất, không còn cựa quậy được nữa. Tên vua hoảng hồn, xin tha tội và dâng bác lính ngôi báu.
Đọc truyện và thơ thai giáo như thế nào?
Mẹ bầu nằm thư giãn, tâm trạng lạc quan, đọc truyện và thơ thai giáo theo nội dung được Mamibabi cung cấp với giọng tươi vui, hân hoan.
Mẹ hãy đọc thành tiếng để con có thể nghe được. Khi đọc, mẹ có thể vuốt ve, massage bụng bầu nhẹ nhàng. Bé sẽ có phản ứng tích cực với động tác và lời nói của mẹ đấy.