Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trương Nghĩa Bình - Bác sĩ chuyên khoa Sản - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Bệnh sa tử cung khi mang thai là gì?
Đây là hiện tượng tử cung tụt xuống âm đạo, đôi khi là ngoài âm đạo do cơ dây chằng bị kéo căng dẫn đến không thể nâng đỡ tử cung.
Các giai đoạn của bệnh sa tử cung
- Giai đoạn 1: Tử cung bị sa xuống nhưng vẫn nằm trong ống âm đạo.
- Giai đoạn 2: Tử cung bị tụt xuống ngoài âm đạo và khó quan sát thấy bằng mắt.
- Giai đoạn 3: Tử cung lúc này tụt hoàn toàn ra ngoài âm đạo có thể nhìn thấy bằng mắt.
Đây là tình trạng vô cùng nguy hiểm với phụ nữ, vì rất có khả năng tử cung đã bị viêm nhiễm và có thể phải cắt bỏ tử cung do không có khả năng tự co lên.
Nguyên nhân của sa tử cung khi mang thai
- Nguyên nhân từ thai nhi: Thai lớn hoặc có thể bà mẹ mang đa thai khiến tử cung bị sa xuống.
- Nguyên nhân từ bà mẹ: Mang thai ở tuổi đã cao, sinh nhiều lần trước đó.
- Hoặc do quá trình nạo phá thai nhiều lần làm cho tử cung bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
- Do khoảng cách vùng xương chậu lớn hơn so với người bình thường.
- Nguyên nhân từ bên ngoài như: Chế độ dinh dưỡng cho các bà bầu không hợp lý dẫn đến thừa cân tạo áp lực lên vùng xương chậu. Ngoài ra có thể do các bệnh như: ho, táo bón kéo dài do không điều trị kịp thời.
Dấu hiệu bệnh sa tử cung khi mang thai
Các bà bầu khi mang thai mắc sa tử cung thường cảm thấy nặng bụng dưới, âm đạo và âm hộ nặng, đau lưng. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu các dấu hiệu này vẫn chưa cụ thể làm quá trình chuẩn đoán gặp một số khó khăn do có thể giống với tình trạng đau nhức bình thường trong quá trình mang thai.
Quá trình bài tiết gặp khó khăn như đi đại tiện và tiểu tiện đau rát. Đôi khi có cảm giác buồn đi tiểu nhưng lại không đi được.
Có cảm giác như đang ngồi trên một quả bóng hoặc có cảm giác như có cái gì sắp rơi ra khỏi âm đạo.
Xuất hiện triệu chứng như chảy máu âm đạo, mất cảm giác với thai nhi trong bụng. Lúc này cần đến bác sĩ ngay lập tức để có những biện pháp điều trị kịp thời.
Hậu quả của sa tử cung khi mang thai
Sảy thai, thai chết lưu
Tử cung bị tụt xuống dưới âm đạo làm cho thai nhi không có không gian để phát triển làm thai chết lưu gây ảnh hưởng đến tính mạng người mẹ.
Sinh non, băng huyết
Thai nhi có thể trôi ra khi chưa phát triển hoàn thiện. Tình trạng này rất nguy hiểm vì không chỉ làm em bé chết yểu, dị tật mà còn nguy cơ dẫn đến băng huyết cho người mẹ.
Ngoài ra còn có một số ảnh hưởng khác như:
- Mất khả năng làm mẹ do tử cung bị viêm nhiễm cần phải cắt bỏ.
- Gây tử vong cho mẹ và bé do vỡ tử cung.
- Ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong cơ thể như: trực tràng, ruột, bàng quang.
Cách phòng tránh, chữa trị bệnh sa tử cung cho bà bầu
Điều trị bệnh
- Tuân thủ đúng theo phác đồ của bác sĩ, không bỏ bất cứ buổi điều trị nào.
- Chăm chỉ luyện tập những bài tập nhẹ nhàng mà bác sĩ hướng dẫn, sau khi sinh con xong vẫn cần luyện tập để chức năng vùng chậu mau hồi phục.
- Tránh vận động mạnh, ngồi xổm lâu để áp lực không dồn lên vùng bụng.
- Thực hiện ăn uống lành mạnh nghỉ ngơi hợp lý.
- Vệ sinh vùng kín để phần tử cung bị sa ra ngoài không bị viêm.
- Việc sử dụng các loại thảo dược cũng được các mẹ bầu lựa chọn nhờ việc sử dụng đơn giản giúp hồi phục chức năng sinh lí, tạo độ co giãn âm đạo, thuận lợi cho quá trình sinh nở.
Cách phòng tránh sa tử cung
- Cần theo dõi sức khỏe thường xuyên để sớm phát hiện bệnh và có biện pháp điều trị kịp thời. Tốt nhất là trước khi có ý định làm mẹ bạn nên khám tổng quan sức khỏe, đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
- Nếu các bà bầu bị ho, viêm phế quản hãy điều trị càng sớm càng tốt.
- Cần tránh làm các công việc nặng nhọc, không nên mang thai nhiều lần, tránh lạm dụng các loại thuốc, không nạo phá thai ở những cơ sở không an toàn.
- Theo dõi cân nặng, tránh việc tăng cân quá mức.
- Thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như Kegel để tăng sức mạnh vùng cơ chậu.
- Uống nhiều nước, ăn các loại rau xanh, ăn loại hoa quả tươi mát, tránh ăn đồ khô, đồ ăn nhanh để hạn chế táo bón.
Khi nhận thấy mình thuộc một trong số những đối tượng có yếu tố nguy cơ bị sa tử cung cao, phụ nữ cần hết sức chú ý theo dõi các biểu hiện của cơ thể, đặc biệt là ở vùng kín và báo ngay cho bác sĩ khi thấy có bất thường để được can thiệp kịp thời.
Để chuẩn bị một thai kỳ khỏe mạnh, cần điều trị bệnh sa tử cung, cả vợ và chồng nên kiểm tra sức khỏe sinh sản từ 3-5 tháng trước khi mang thai.
Người vợ nên:
- Tiêm chủng trước khi mang thai (đặc biệt là ngừa rubella vì rubella trong thai kỳ cực kỳ nguy hiểm)
- Xét nghiệm gen để sàng lọc các bệnh lý di truyền trước khi mang thai
- Kiểm tra tình trạng viêm nhiễm phụ khoa tránh gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi
- Đặc biệt là phụ nữ trên 35 tuổi nếu muốn mang thai (nhất là chưa mang thai lần nào) sẽ phải kiểm tra sức khỏe rất chi tiết do mang thai ở tuổi này thường gặp các vấn đề: suy buồng trứng, sinh non, nguy cơ dị tật thai nhi, rau tiền đạo, tiền sản giật cao hơn.
Người chồng nên:
- Kiểm tra sức khỏe sinh sản, phát hiện các bệnh lý teo tinh hoàn, yếu sinh lý, tinh trùng yếu...
- Các bệnh lây qua đường tình dục nhất là những bệnh không thể chữa khỏi vô cùng nguy hiểm
Nguồn: vinmec.com
---
Mamibabi là app Thai giáo phong phú hàng đầu tại Việt Nam với hơn 3000 hoạt động Thai giáo và 1 triệu mẹ tin dùng. Mamibabi được xây dựng, kế thừa và phát huy những kinh nghiệm thai giáo từ nhiều nền văn hóa phát triển trên thế giới như Nhật, Hàn Quốc, Anh, Mỹ... Các bài thai giáo trên Mamibabi đã được thiết kế chi tiết cho từng ngày mang thai, rất tiện lợi và không mất thời gian tìm hiểu. Tải Mamibabi miễn phí tại đây: https://mamibabi.com.vn/app