Biên dịch: Nguyễn Hoàng Anh
Hiệu đính: BS Phạm Thanh Hoàng, Đại học Y Dược TPHCM, chuyên ngành Sản phụ khoa
Đau chân trong thai kỳ có phải là một tình trạng phổ biến?
Nhức mỏi chân khá thường gặp trong thai kỳ. Một người phụ nữ mang thai có thể trải qua việc đau nhức chân kèm theo những triệu chứng khó chịu khác từ lúc kết thúc tam cá nguyệt thứ hai (gây ra bởi tình trạng phù chân hay chân sưng nề) cho đến khi bắt đầu tam cá nguyệt thứ ba.
Theo nghiên cứu, trong ba tháng cuối thai kỳ, đôi chân chịu áp lực tăng dần đồng nghĩa với việc tăng nguy cơ đau nhức.
Nguyên nhân gây đau nhức chân ở phụ nữ mang thai
Nguyên nhân chủ yếu là do việc tăng cân trong suốt thời gian mang thai. Các nguyên nhân khác có thể gây ra tình trạng này bao gồm:
- Việc tăng cân có xu hướng đặt một áp lực quá lớn lên các dây chằng của chân. Tình trạng bị kéo căng trong một khoảng thời gian dài khiến cho chúng đau nhức.
- Càng về các giai đoạn sau của thai kỳ, cử động đạp của em bé làm cho trọng tâm cơ thể người mẹ bị lệch. Trong trường hợp này, thai phụ cần phải điều chỉnh tư thế, đặc biệt là lúc đi lại và đứng để tránh mất thăng bằng dẫn tới té ngã. Tình trạng tư thế bị lệch cộng với tăng áp lực lên đôi chân dẫn tới đau nhức chân.
- Trong tam cá nguyệt thứ ba, cơ thể tăng sản sinh một loại nội tiết tố tên là relaxin. Đây là một chất có vai trò thiết yếu trong việc chuẩn bị cho người phụ nữ ở thời điểm lâm bồn bằng cách làm giãn các cơ và dây chằng vùng chậu. Đồng thời, nội tiết tố này cũng gây giãn cơ và dây chằng vùng chân, khiến chân viêm và đau nhức.
- Mang thai khiến cho tuần hoàn máu đến chân bị thay đổi, gây ứ dịch ở chân và xung quanh mắt cá. Tình trạng này gọi là phù chân và đặc trưng bởi sự sưng nề của một hoặc cả hai chân . Phù chân là do tử cung to ra chèn ép các mạch máu khiến máu bị giữ lại ở bàn chân, mắt cá và toàn bộ chân.
- Ảnh hưởng của nội tiết tố relaxin và quá tải cân nặng có thể gây ra hiện tượng vòm chân thấp hay bàn chân phẳng. Đây là điều xảy ra khi gan bàn chân không cong thành vòm mà bị dàn phẳng. Tình trạng này có thể kéo căng cân gan chân, hệ thống dây chằng có nhiệm vụ giữ vòm chân hình cung, khiến cho bàn chân đau nhức.
Đau chân có thể gây ra những khó chịu dai dẳng và bạn có xu hướng tìm hiểu nhiều phương pháp để làm dịu cơn đau.
Làm cách nào để giảm đau và phòng ngừa đau chân trong thai kỳ?
Yoga và luyện tập thể dục thể thao là một phương pháp lâu dài để giảm những đau chân. Một số phương pháp khác bao gồm:
- Lót giày chỉnh hình châncó thể làm giảm các tình trạng đau chân, phù nề, vòm chân thấp, viêm cân gan bàn chân cũng như giải quyết các vấn đề liên quan đến chân tương tự. Việc chèn một miếng lót mềm vào giày thể thao hay sandal giúp hỗ trợ cho vòm bàn chân cũng như toàn bộ bàn chân. Những miếng lót này có thể được mua ở các cửa hàng bán giày hoặc đặt hàng riêng sau khi tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên về chỉnh hình chân.
- Giày cao gót cũng như những loại giày bó sát bàn chân có thể tăng thêm tình trạng đau nhức nên cần hạn chế mang. Thay vào đó, nên mang giày đế thấp và thoải máiđể hỗ trợ tốt nhất cho vòm bàn chân, gót chân cũng như mắt cá chân.
- Chườm nóng hoặc lạnhcũng có thể giảm phù nề và đau nhức chân.
- Tránh đi bộ đường dàihoặc đứng quá lâu. Khi đứng, nên đổi điểm dồn trọng lực lên bàn chân từ chân này qua chân kia bằng cách thường xuyên đổi chân trụ.
- Co và duỗi bàn chântrong khi ngồi. Điều này có thể giúp giảm bớt sự kéo căng các dây chằng ở chân, đặc biệt là khi bạn có vòm bàn chân thấp.
- Bạn có thể đi bộ chậm trên một đoạn đường ngắn để cải thiện tuần hoàn chân cũng như tập luyện cho hệ thống dây chằng.
- Ban đêm khi ngủ, nâng chân caobằng cách lót gối. Nó giúp tuần hoàn chân được thông suốt, giảm phù nề, và giữ chân ở tư thế thư giãn.
- Xoa bóp bàn chân nhẹ nhàng bằng tay khiến làm dịu cơn đau và các cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, không nên xoa bóp tác động lên bất cứ mô sâu dưới da nào mà không hỏi ý kiến bác sĩ.
Không được sử dụng thuốc giảm đau, thực phẩm chức năng, châm cứu, bấm huyệt mà không tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn. Nếu cơn đau trầm trọng, hãy đến khám bác sĩ.
Có phải đau chân là một dấu hiệu sớm thông báo về việc có thai?
Không có bằng chứng nào cho thấy đau chân là dấu hiệu của việc mang thai. Đau nhức chân có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân. Đau chân cũng như chuột rút chân có thể hoặc không phải là dấu hiệu của mang thai sớm. Do đó, nó không phải là một cách đáng tin để xác nhận rằng phụ nữ đang có thai hay không. Vì vậy, nếu bạn đau nhức chân và bạn nghĩ rằng mình có thai, hãy đến bác sĩ để khám và xác nhận.
Đau nhức chân, phù nề, và bàn chân phẳng là các vấn đề thường gặp trong quá trình mang thai. Dù vậy, việc để tâm đến và có một số biện pháp phòng ngừa có thể giúp bạn dễ chịu và không phải chịu bất cứ cơn đau, phù nề hay chuột rút nào.
Nguồn: yhocongdong.com
---
Mamibabi là app Thai giáo phong phú hàng đầu tại Việt Nam với hơn 3000 hoạt động Thai giáo và 1 triệu mẹ tin dùng. Mamibabi được xây dựng, kế thừa và phát huy những kinh nghiệm thai giáo từ nhiều nền văn hóa phát triển trên thế giới như Nhật, Hàn Quốc, Anh, Mỹ... Các bài thai giáo trên Mamibabi đã được thiết kế chi tiết cho từng ngày mang thai, rất tiện lợi và không mất thời gian tìm hiểu. Tải Mamibabi miễn phí tại đây: https://mamibabi.com.vn/app