Nhau bám thấp là hiện tượng bất thường về vị trí bám của nhau thai. Tùy thuộc vào vị trí bám của bánh nhau mà có thể gây ra nhiều nguy hiểm đối với sản phụ và thai nhi.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Chuyên khoa sản - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Nhau thai hay còn gọi là bánh nhau là một cơ quan nối bào thai đang phát triển với thành tử cung có chức năng cung cấp chất các chất dinh dưỡng cần thiết cho thai nhi qua máu của người mẹ. Bánh nhau khi đủ ngày tháng nặng khoảng 500 g, thường bám ở mặt trước hoặc mặt sau hoặc đáy tử cung.
Nhau bám thấp là vị trí bánh nhau không bám ở đáy tử cung, mà một phần bánh nhau bám ở đoạn dưới của tử cung- nơi gần cổ tử cung. Nhau bám thấp có thể hết bám thấp khi tuổi thai lớn dần lên và tử cung phát triển về phía đáy, kéo theo bánh nhau lên cao. Vị trí bánh nhau bám có thể được cải thiện tốt hơn khi tuổi thai càng lớn và tử cung phát triển lớn lên kéo theo vị trí nhau về phía đáy tử cung. Do bánh nhau nằm trước đường đi của thai nhi khi sinh ngã âm đạo, nên đa số trường hợp nhau bám thấp phải mổ lấy thai.
Về dấu hiệu để nhận biết nhau bám thấp là trong quá trình mang thai, đặc biệt là 3 tháng cuối thai kỳ, đột ngột sản phụ bị ra huyết không rõ nguyên nhân, không kèm theo đau bụng, máu ra đỏ tươi sau khi ra ngoài đông lại thành cục. Lượng máu ra thường ít trong những lần đầu, sau đó tình trạng ra huyết âm đạo có thể lặp lại nhiều lần và lần sau thường ra máu nhiều hơn lần trước. Trong trường hợp thai phụ đi lại nhiều, làm việc nặng, giao hợp... thì dễ bị ra máu hơn.
Hiện nay qua siêu âm, ngoài việc khảo sát hình thái thai nhi, ước tính trọng lượng qua các số đo..., bác sĩ có thể xác định vị trí bánh nhau bám vào tử cung, ở đáy, thân, mặt trước, mặt sau, bám thấp, nhau tiền đạo trung tâm hay bán trung tâm.
Vì vậy, khi thấy hiện tượng kể trên bà mẹ nên đi khám để phát hiện sớm nhau tiền đạo và có biện pháp xử trí an toàn và giảm những nguy cơ cho cả mẹ và con.
Nhau bám thấp có thể dẫn đến nguy cơ băng huyết trong thai kỳ và khi sinh, gây nguy hiểm đến tính mạng của sản phụ và thai nhi.
Đối với bà mẹ: do tình trạng chảy máu lặp đi lặp lại trong suốt quá trình mang thai nên sản phụ thường bị thiếu máu, dễ bị sinh non. Vì đoạn dưới tử cung bị thiếu cơ thắt nên thường xảy ra hiện tượng xuất huyết sau sinh, sản phụ có thể bị sốc do mất máu quá nhiều. Trường hợp nhau tiền đạo bám gần cổ tử cung, sau khi sinh nhau bị bóc tách khiến cổ tử cung bị hở, vi khuẩn dễ xâm nhập gây nhiễm trùng. Trong trường hợp nặng, có thể cần phải cắt bỏ tử cung nếu bánh nhau cài chặt vào cơ tử cung không tách ra khỏi lớp niêm mạc tử cung được.
Đối với thai nhi: do người mẹ bị thiếu máu vì ra huyết nhiều nên thai nhi có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, suy thai. Hơn nữa do nguyên nhân người mẹ bị ra huyết quá nhiều, để đảm bảo an toàn cho người mẹ thì bắt buộc bác sĩ phải mổ lấy thai sớm mà không kể thai đã đủ tháng hay chưa. Khi đó khả năng trẻ sơ sinh có non tháng rất cao và bé rất dễ gặp nhiều vấn đề sức khỏe như bị suy hô hấp, thiếu cân. Ngoài ra, vì bánh nhau nằm ở phần dưới tử cung làm cho thai nhi khó xoay đầu xuống nên dễ dẫn đến tình trạng ngôi thai bất thường (ngôi mông hay ngôi ngang).
Khi sản phụ thấy ra huyết âm đạo, cần phải vào bệnh viện có khoa sản gần nhất để được khám xác định và điều trị. Tùy theo mức độ ra huyết âm đạo và sự trưởng thành của thai nhi mà bác sĩ sẽ quyết định chấm dứt thai kỳ hay dưỡng thai thêm.
Nếu được dưỡng thai thêm, thai phụ cần đảm bảo nằm nghỉ tuyệt đối tại giường, ăn uống bổ dưỡng. Đối với trường hợp thai nhi còn non tháng và nhau bám thấp không cản trở lối ra của thai nhi hoặc nếu bánh nhau bám bên, bám mép hoặc che một phần cổ tử cung thì thai phụ có thể nghỉ tại giường ở nhà, hạn chế vận động, không để bất kỳ một chấn động nhỏ nào ở vùng bụng để tránh kích thích tử cung gây chảy máu, tránh quan hệ tình dục, khám thai theo đúng lịch hẹn của bác sĩ. Tuy nhiên nếu không ra huyết âm đạo và thai lớn hơn hoặc bằng 37 tuần thì nhập bệnh viện có khoa sản để mẹ và thai nhi được theo dõi sát.
Chỉ định mổ lấy thai không phải là bắt buộc cho tất cả các trường hợp, chỉ mổ lấy thai cho những trường hợp như nhau tiền đạo ra huyết nhiều bất kể tuổi thai nào, nhau tiền đạo trung tâm và thai đủ trưởng thành, lúc trẻ có khả năng sống được khi ra khỏi buồng tử cung, nhau tiền đạo bám trung tâm; còn những trường hợp nhau bám thấp hay bám mép có thể sinh ngả âm đạo được nếu không kèm một bất thường nào khác.
Về dự phòng bệnh nhau bám thấp, nên kế hoạch hóa gia đình, hạn chế sinh đẻ nhiều, không nạo phá thai nhiều lần.
Giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ, sức khỏe của cả mẹ và bé cần được theo dõi, kiểm tra chặt chẽ. Thai phụ cần:
Nguồn: vinmec.com
---
Mamibabi là app Thai giáo phong phú hàng đầu tại Việt Nam với hơn 3000 hoạt động Thai giáo và 1 triệu mẹ tin dùng. Mamibabi được xây dựng, kế thừa và phát huy những kinh nghiệm thai giáo từ nhiều nền văn hóa phát triển trên thế giới như Nhật, Hàn Quốc, Anh, Mỹ... Các bài thai giáo trên Mamibabi đã được thiết kế chi tiết cho từng ngày mang thai, rất tiện lợi và không mất thời gian tìm hiểu. Tải Mamibabi miễn phí tại đây: https://mamibabi.com.vn/app