Chín tháng đợi chờ, đứa con trong bụng liệu có khoẻ mạnh hay không..., người mẹ muốn giải đáp mọi nghi ngờ sẽ phải đi kiểm tra bằng siêu âm. Nhưng liệu siêu âm có hại cho sức khỏe của thai nhi và người mẹ?
Thai nhi trong 3 tháng đầu được kiểm tra bằng siêu âm sẽ giúp chẩn đoán tình trạng thai đôi, tuổi của thai nhi một cách chính xác, đồng thời chẩn đoán những sự bất thường của thai nhi.
Thai nhi giai đoạn 5-6 tháng, tiến hành kiểm tra bằng siêu âm để phát hiện sự bất thường về cấu tạo các bộ phận cơ thể quan trọng của thai, như hộp sọ, não, xương, chân tay, ngực, phổi, tim, da bụng, gan, thận, ruột, bàng quang...
Siêu âm thông thường theo hai chiều (rộng và dài) cho hình ảnh mặt cắt của thai nhi. Nhưng máy siêu âm hiện đại cho phép tiến hành kiểm tra theo ba chiều, cho hình ảnh có độ nét sâu hơn, giống với hình ảnh thực của thai nhi.
Siêu âm 4 chiều tạo ra hình ảnh động, trung thực của thai nhi, cho phép thấy được thai nhi chuyển động trong bụng mẹ, các cử động của thai nhi quay mặt, nhấc tay, nắm tay, há mồm, nuốt...
Siêu âm hiện đại theo 3, 4 chiều giúp tập hợp được nhiều thông tin phong phú và chi tiết, chính xác hơn về tình trạng của thai nhi, đặc biệt là sự bất thường trên bề mặt cơ thể thai nhi.
Các công trình nghiên cứu của chuyên gia Mỹ, Anh về siêu âm khẳng định việc kiểm tra bằng siêu âm không hề gây ra khuyết tật hay làm chậm sự phát triển của thai nhi và không để lại di chứng ảnh hưởng tới sự phát triển của cơ thể, tinh thần hay bộ não của trẻ sau này.
Tuy nhiên về mặt y học, việc chẩn đoán sự bất thường của các bộ phận cơ thể thai nhi chủ yếu vẫn phải dựa vào siêu âm 2 chiều, vì siêu âm 3 hay 4 chiều tuy có thể nhìn thai nhi rõ hơn nhưng không chẩn đoán được sự khác thường như hình ảnh mặt cắt của siêu âm 2 chiều.