Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Phúc Liên - Bác sĩ Ngoại tiết niệu - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ đã có hơn 12 năm kinh nghiệm trong trong lĩnh vực tiết niệu và tiết niệu chuyên sâu.
Bí tiểu sau khi sinh có nguy hiểm không?
Bí tiểu sau sinh không gây nguy hiểm nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến bà mẹ. Có khoảng 13,5% phụ nữ sau sinh mắc phải tình trạng này.
Những sản phụ mắc chứng bí tiểu sau sinh thường có cảm giác căng tức khi ấn bụng. Sau khi hướng dẫn sản phụ tập đi tiểu như ngồi theo tư thế tự nhiên, hay chườm ấm lên bụng vùng dưới rốn nhưng sản phụ vẫn không tự đi tiểu được, và cảm giác căng tức và khó chịu ngày càng tăng.
Điều trị bí tiểu ở phụ nữ sau khi sinh
Nguyên tắc điều trị
Có 4 nguyên tắc điều trị bí tiểu sau khi sinh:
- Tập đi tiểu để tạo lại phản xạ đi tiểu.
- Dùng kháng sinh chống nhiễm trùng.
- Dùng kháng viêm chống phù nề chèn ép cổ bàng quang.
- Hỗ trợ tăng trương lực bàng quang giúp khả năng co bóp bàng quang trở lại bình thường.
Thứ tự xử trí khi bí tiểu
Tập đi tiểu
- Chườm ấm bụng, ngâm hoặc rửa vùng âm hộ bằng nước ấm.
- Uống nhiều nước, chế độ dinh dưỡng đầy đủ
- Vận động sớm
- Tập đi tiểu theo tư thế ngồi tự nhiên, tránh nhịn tiểu do đau
- Tránh nhiễm trùng vùng âm hộ
Thông tiểu
Đặt sonde tiểu và lưu trong 24 giờ nếu tập đi tiểu mà sản phụ vẫn không tiểu được
Tập bàng quang:
- Đặt sonde tiểu giữ lại và tháo kẹp mỗi 3 - 4 giờ/lần, tạo lại phản xạ đi tiểu (lưu ý: khi tháo kẹp, người mẹ phải tập rặn tiểu qua sonde).
- Trước khi rút sonde tiểu, kẹp sonde tiểu 4 giờ, chờ cảm giác mót tiểu, cho người mẹ rặn tiểu qua sonde, nếu tiểu được qua sonde thì mới rút sonde.
Các điểm cần lưu ý khi thông tiểu:
- Dụng cụ (nhất là sonde tiểu) phải tuyệt đối vô khuẩn để tránh nhiễm khuẩn ngược dòng.
- Kỹ thuật thực hiện phải đúng quy trình và tuyệt đối vô khuẩn.
- Không được dùng sonde tiểu có kích cỡ quá lớn gây tổn thương, hay phù nề.
- Động tác phải nhẹ nhàng, tránh thô bạo gây xây xước đường tiết niệu, nếu vướng phải làm lại hoặc bảo bệnh nhân há miệng thở đều để giảm co thắt niệu đạo.
- Nếu cần lấy nước tiểu thử vi khuẩn phải lấy nước tiểu giữa giữa dòng, nên lấy trực tiếp vào ống nghiệm vô khuẩn.
- Không để lưu sonde tiểu quá 48 giờ (trừ trường hợp có chỉ định của bác sĩ).
- Không thông tiểu nhiều lần trong ngày.
- Nếu bệnh nhân bí tiểu có bàng quang quá căng, phải rút nước tiểu chậm và không rút hết nước tiểu trong bàng quang, vì sẽ làm giảm áp lực đột ngột trong bàng quang và gây chảy máu (cách dự phòng chảy máu là đặt sonde tiểu cỡ nhỏ cho chảy chậm, hoặc đặt sonde tiểu cỡ bình thường và kẹp rồi tháo rồi kẹp để làm giảm áp lực từ từ).
- Theo dõi bàng quang trong và sau khi thông tiểu để phát hiện những dấu hiệu bất thường và có xử trí kịp thời.
Có thể điều trị bằng Đông y, châm cứu, nếu sử dụng thuốc không hiệu quả thì tiến hành đặt sonde tiểu.
Sử dụng thuốc
- Dùng thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng: Thuốc dùng kháng sinh phổ rộng như cephalexin, doncef, augmentin, dùng bằng đường uống, dùng thuốc liên tục trung bình trong 7 ngày.
- Dùng thuốc kháng viêm:sử dụng thuốc kháng viêm để chống phù nề chèn ép vào cổ bàng quang. Thuốc chống phù nề ví dụ như: alphachymotrypsin.
- Hỗ trợ tăng cường trương lực bàng quang:giúp khả năng co bóp bàng quang trở lại bình thường bằng cách dùng thuốc dùng hỗ trợ tăng cường trương lực và co bóp bàng quang bằng thuốc prostigmin hay xatral dùng 4 - 5 ngày. Ngoài ra kết hợp các thuốc vitamin B1, vitamin B6 và vitamin B12 nhằm tăng sức khỏe.
Nguồn: vinmec.com
---
Mamibabi là app Giáo dục sớm với hàng trăm bài chơi đơn giản chỉ từ 5 phút/ngày giúp bé phát triển trí thông minh vượt trội và tăng cường khả năng vận động. Tải Mamibabi miễn phí tại đây: https://mamibabi.com.vn/app