Có bao giờ quí vị quan sát một đứa bé đang bú mẹ chưa? Không phải nó im lìm nút sữa cho đầy bụng đâu nhé! Nó lạ lắm. Nó hí hửng, hai mắt sáng rỡ lên từng chập, thỉnh thoảng nhìn má nó mà cười cười. Chút chút lại ngưng lại, không nút nữa mà nhơi nhơi cái chơi, chờ cho sữa ra thêm, rồi lại vùi đầu nút mạnh, rồi lại nhơi nhơi chờ nữa... nó nhởn nhơ như bướm lượn. Không vội vàng, không hấp tấp. Nó tin rằng món sữa mẹ nó chỉ dành cho riêng nó. Rõ ràng là nó không phải chỉ lo nút sữa cho no bụng mà còn đang uống vào lòng tình thương của mẹ nó.
Làm sao có thể nói hết được những lợi ích vô cùng lớn lao của sữa mẹ? Lợi ích không phải chỉ cho bé mà con cho mẹ bé nữa? Người khó tính đến đâu cũng phải nhận rằng sữa mẹ là một thức ăn thiên nhiên và lý tưởng nhất của trẻ. Một cách đại khái, ta biết sữa mẹ có nhiều chất bổ dưỡng nhất cho trẻ, cần thiết cho sự phát triển tâm hồn cũng như thể xác trẻ: những acid amin thiết yếu để tạo dựng tế bào, những men đặc biệt giúp cho sự tiêu hóa mau chóng, chất sắt để tạo huyết cầu tố, những kháng thể để chống bệnh tật và các sinh tố (vitamin) vừa nhiều vừa tươi, không bị huỷ hoại vì pha chế.
Bé nuôi bằng sữa mẹ ít bệnh tật, ít đau ốm, số tử vong thấp chính là nhờ các kháng thể quí báu đó. Các kháng thể này không tìm thấy trong sữa bò. Ta lại không chút âu lo về việc pha chế phiền phức. Không sợ sữa nguội, sữa hôi ê, sữa nhiễm trùng. Lúc nào sữa cũng tươi, vô trùng và luôn luôn ở nhiệt độ thích hợp.
Sữa mẹ sẵn sàng bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu và tùy nhu cầu của trẻ mà lên xuống nhiều hay ít. Không có nước sôi, không có bình thủy, không có núm lỗ to lỗ nhỏ nào cả. Và bé lớn lên, bụ bẫm thông minh, không đau yếu... sẽ là một phần thưởng lớn lao cho người mẹ. Nhưng ngay với người mẹ, sự cho bú cũng giúp ích rất nhiều.
Nhờ cho bú mẹ, tử cung co thắt và trở về vị trí cũ mau lẹ (do đó, người mẹ mới sinh trong lúc cho con bú thường thấy đau nơi bụng dưới), các kích thích tố được điều hòa khiến cho đời sống tâm sinh lý của người mẹ phất triển tốt hơn bao giờ hết. Nhưng điều quan trọng hơn cả là trong lúc cho con bú, người mẹ khám phá ra chính mình – người mẹ thực sự làm mẹ. Hãnh diện tự tin.
Và tình mẫu tử thiêng liêng nảy nở ràng buộc mẹ con. Tình mẫu tử không chỉ có ở loài người mà còn phát triển mạnh ở các loài có vú khác. Ta biết chuyện con khỉ mẹ liều chết cứu con. Ta biết chuyện người ta bắt voi: chỉ cần lừa bắt chú voi con là voi mẹ riu ríu theo về sở thú! Chưa có một con cọp, con voi, con khỉ... khỏe mạnh nào nhờ con thú khác cho con mình bú.
Cho bú sữa mẹ còn là một lối tiết kiệm thì giờ và tiết kiệm tiền bạc cho ngân quỹ gia đình. Còn nhớ khi thi ra trường, một vị giáo sư già vui tánh của chúng tôi bảo một sinh viên so sách sữa mẹ với sữa bò. Anh sinh viên kể không sót một yếu tố nào nhưng vị giáo sư cứ lắc đầu cho là còn thiếu. Sau cùng ông ta cười, nói anh quên so sách cái bình bú! Không có cái bình bù nào dù là thủy tinh hay cao su, đẹp và tiện lợi hơn cái bình bú thiên nhiên!
Xin đừng hiểu lầm tôi quảng cáo cho sữa mẹ và khuyến khích việc cho bú sữa mẹ. Không! Tôi không có ý làm việc đó bởi vì cho con bú sữa mẹ là một việc hiển nhiên, dĩ nhiên, tự nhiên... Nó là một thiên chức của người mẹ, một bản năng.
Không cần ai khuyến khích, không cần ai quảng cáo cho nó cả.
Nhưng chắc có những trường hợp không thể cho bú sữa mẹ vì cớ này hay cớ khác chứ? Có. Nhưng phải nói là rất hiếm. Ngay cả những bé sinh non, chưa đủ sức nút sữa hay những trẻ sinh ra mang tật bẩm sinh như sứt môi, nứt vòm hầu... không thể nút được thì người ta vẫn nặn sữa mẹ ra đổ cho bé uống.
Một vài trường hợp tạm thời ngưng sữa mẹ như ví vú bị nứt nẻ, vú sưng, làm mủ... phải đi khám bác sĩ, uống thuốc cho lành bệnh rồi cho bé bú tiếp. Chỉ những trường hợp mẹ bị bệnh nặng như đau tim, kinh phong, tâm thần hay các bệnh nhiễm trùng nặng khác, bác sĩ bắt buộc phải ngưng cho bú vĩnh viễn hay không được cho bú một thời gian.
Dĩ nhiên phải chấp nhận một vài phiền phức nho nhỏ khác khi cho bú mẹ như bé đeo dính mẹ quá, quyến luyến mẹ quá khiến
mẹ khó rời xa lâu được. Đi lâu một chút sẽ bị căng sữa... Trong vài tuần lễ đầu, hiện tượng căng sữa thường làm người mẹ bị đau nhức chút đỉnh ở ngực và có thể bị đau bụng dưới vì sự co thắt của tử cung.
Nếu sữa căng quá, có thể nặn bỏ bớt một ít là xong, còn sự co thắt của tử cung lại giúp cho bà mẹ rất nhiều vì sớm đưa tử cung về vị trí cũ. Thỉnh thoảng bà mẹ sẽ nhảy nhổm vì bị bé cắn, nhất là những tháng bé bị ngứa nướu, lại sắp mọc răng. Chỉ cần cho ngón tay vào miệng bé ngăn không cho bé cắn nữa và bảo cho bé biết là “không được cắn”, bé sẽ hiểu.
Những trở ngại “lớn” cho việc bé bú sữa mẹ lại là “những thành kiến sai lầm” của chính người mẹ hay những người xung quanh. Có bà lo ngại không đủ sữa cho con bú vì có bộ ngực nhỏ. Sữa mẹ vốn là những tế bào tuyến vú vỡ ra mà thành. Các tuyến vú chỉ phát triển mạnh trong thời kỳ mang thai nhất là vào giai đoạn cuối của thai kỳ, từ tháng thứ 7 trở đi, và suốt thời kỳ cho con bú.
Một bộ ngực nhỏ trong thời con gái có thể trở thành bộ ngực lớn lúc con đang bú, không lo. Một người có bộ ngực “đồ sộ” nhưng chứa toàn các tế bào mỡ lại chỉ có giá trị... trình diễn, không chắc sẽ có nhiều sữa. Thứ hai, nhiều bà than phiền mình ít sữa quá, sợ con bú không đủ. Ta đã biết sữa mẹ tăng theo nhu cầu trẻ. Trẻ càng bú nhiều, sữa càng lên nhiều. Trong lúc trẻ bú, có sự kích thích ở các tuyến nội tiết là điều kiện để tăng sữa.
Những ngày đầu, có khi những tuần đầu sau khi sinh sữa chưa lên đều lên đủ. Hãy kiên nhẫn. Sữa chỉ bắt đầu lên từ ngày thứ ba, thứ tư sau khi sinh và lên từ từ cho đến lúc trẻ bú không hết! Cứ cho bú đi, sữ sẽ có đủ. Thứ ba, có bà mẹ lo lắng cho vóc dáng họ. Cho con bú sẽ bị “xệ”, béo mập, ngực chảy...
Trên thức tế, những người có tuổi nào cũng thường bị các “tật” này, nhưng không chắc là các bà mẹ cho con bú sẽ bị. Nhất là ở đứa con đầu lòng, người mẹ nhờ sinh con, nhờ cho con bú mà phát triển trọn vẹn hết dáng nữ của họ. Họ dễ làm “mòn con mắt” thiên hạ như tục ngữ đã nói.
Tóm lại, cho bú hay không cho bú, nếu không biết giữ gìn, khi lớn tuổi cũng bị các “tật” này như thường. Các nhà chuyên môn nhận thấy các bà mẹ cho con bú không bao giờ bị mập nếu đừng hiểu lầm là phải ăn thêm ngoài nhu cầu đích thực của mình để có nhiều sữa.
Trong lúc cho con bú không cần phải ăn một thực đơn đặc biệt hoặc ăn nhiều các chất đường, bột, có quá nhiều nặng lượng. Họ cũng khuyên nên dùng một chiếc nịt vú thích hợp, nên tập thể dục bằng các động tác nhẹ, nên đi bộ nhiều và nếu có thể nên bơi lội. Trở ngại lớn cuối cùng là đức phu quân và bè bạn của bà mẹ. Có đức phu quân vì... ích kỷ, vì thành kiến không muốn cho vợ nuôi con bằng sữa mẹ, mất mát nhiều cho đời sống riêng tư. Những người cha yêu con, biết rõ sự ích lợi của sữa mẹ sẽ khuyến khích cho bú sữa mẹ.
Dĩ nhiên bà mẹ phải tổ chức công việc cho bú mớm thế nào để không quá lệ thuộc vào đứa con... bỏ quên cha nó! Người ta nhận thấy là các ông cha ngày xưa được bú mẹ cũng dễ chấp nhận cho con mình bú mẹ. Riêng bạn bè thì đôi khi có những lời nói ra nói vào, người mẹ chỉ cần cương quyết một chút, thẳng thắn cho biết là mình muốn nuôi con theo ý mình.
Chính những người không biết đến nơi đến chốn, đua đòi văn minh vật chất hão huyền là mối trở ngại cho các bà mẹ trẻ. Các bác sĩ nhi khoa danh tiếng nhất của Âu Mỹ ngày nay đều khuyên các bà mẹ xứ họ làm giống như các “bà mẹ quê” nước ta. Sinh con tự nhiên không cần đánh thuốc mê, không cần “mổ đẻ” nữa.
Sinh xong cho con gần mẹ ngay, giao con cho mẹ nuôi và cho con bú sữa mẹ... Chỉ còn thiếu điều khuyên nằm lửa nữa thôi. Dĩ nhiên các trẻ sinh non tháng, thiếu ký, cũng được nằm trong lồng ấm áp, một hình thức nằm lửa vậy.
Mới sinh, người mẹ chưa có sữa ngay đâu, chỉ có một thứ sữa non (colostrum) nhiều chất đạm, sinh tố A, và những kháng thể. Sữa non bú rất tốt. Sữa thực sự sẽ lên ba bốn ngày sau đó, nhiều khi phải kiên nhẫn cho bú vài tuần sữa mới lên nhiều lên đủ. Bé sinh ra tự nhiên biết bú rồi, không cần ai dạy cả. Không có một giờ giấc nhất định, một cân lượng nhất định nào cho việc bú sữa mẹ. Bé muốn bú bao nhiêu thì bú, bé muốn bú lúc nào cũng được.
Sữa mẹ dễ tiêu nên chừng 2 giờ, 2 giờ rưỡi đồng hồ là bé đã đói. Mỗi ngày bé có thể bú từ 8 đến 12 lần. Khi quen rồi thì cứ tới giời bé đòi bú và bú no là ngủ. Những tuần lễ đầu, hình như bé chưa phân biết được ngày và đêm. Bé thường ngủ vùi suốt ngày rồi đêm thức bú mãi. Ráng chịu đựng một thời gian ngắn rồi đâu vào đó. Mỗi cữ bú chỉ nên cho bé bú một bên vú. Như vậy vú bên kia có thì giờ “chế tạo” ra sữa.
Trừ phi bé bú nhiều quá mà một bên vú không đủ sữa thì đành cho bú hai bên. Mỗi cữ cũng không nên kéo dài quá 20 phút. Ngay trong 5 phút đầu, số sữa đã cạn rồi và bé cũng đã no, 15 phút còn lại bé bú để... giải trí đó thôi, bú cho đỡ ghiền đó thôi. Tuy vậy, nếu ta bắt bé ngưng ngay sau 5 phút bú, bé bú chưa đã, sẽ bú tay đó!
Các bé bú sữa mẹ, nhờ được thỏa thích nên ít bị tật bú tay như các bé bú sữa bò.
Trong lúc cho bú, người mẹ nên tìm một thế ngồi tiện nghi để đỡ mệt mỏi. Lúc bé bú cần để ý giữ đừng để “cả vú lấp miệng em”, bé sẽ bị ngạt thở. Đã có trường hợp bé chết ngột vì mẹ ngủ quên rồi đó. Khi bé bú xong, nên nâng bé dậy vuốt hay vỗ lưng giúp bé ợ hơi dễ dàng.
Trên thực tế, khi bú no, ta thấy bé có vẻ thỏa mãn, không khóc nhè đòi bú thêm và thường ngủ ngay. Mỗi tháng cân bé một lần. Nếu bé lên cân đều thế là tốt.
Người mẹ cho con bú không cần phải ăn một thực đơn đặc biệt, nhiều năng lượng quá nhu cầu cần thiết. Nói cách khác là không cần ráng ăn thêm nếu không thích ăn.
Trong thời gian cho bú không nên uống rượu – dù là rượu con mèo hay rượu thuốc – cà phê và trà đậm, hút thuốc lá... Những thức ăn như tỏi, trái su, măng có thể làm cho sữa đổi mùi. Các thứ thuốc uống cần thận trọng, chỉ uống theo toa bác sĩ. (Trong lúc mang thai, nếu người mẹ ghiền ma túy thì con thường bị sinh non và vừa mới sinh ra đã có những triệu chứng của một cơn ghiền nặng: lừ đừ, không bú, ngáp dài, con ngươi nở lớn...).
Trái lại nên dùng nhiều rau cải, trái cây, uống nhiều nước – sữa càng tốt – giò heo hầm đu đủ cũng được. Vài loại thuốc có nhiều sinh tố, khoáng chất dành cho người mẹ trong thời kỳ cho con bú uống cũng tốt. Ăn toàn nước mắm kho tiêu, rất mặn, rất cay, lại uống ít nước như các cụ xưa không có lợi cho sự lên sữa.
Vì kiêng cữ quá đáng, người mẹ có thể bị thiếu sinh tố, nhất là loại B1, đứa bé có thể mặc bệnh suy tim cấp do thiếu B1 – béri béri cardiaque – rất dễ chết nếu không định bệnh đúng và điều trị kịp thời.
Một bé bú sữa mẹ, khoảng từ 3 đến 6 tháng khỏe mạnh, bụ bẫm, đột nhiên làm mệt, khó thở, tím da và rên rỉ không ngớt; khám thấy phổi tốt, nhiệt độ không cao, tim đập nhanh nhẹ, mạch yếu, gan sưng lớn là phải nghĩ ngay đến bệnh này. Hỏi kỹ, nếu người mẹ thường bị nhức mỏi, tê chân, có cảm giác kiến bò, phản xạ yếu, càng dễ định bệnh hơn. Chữa đúng thuốc và đúng lúc, chỉ vài tiếng đồng hồ là khỏi bệnh. Không chữa đúng bé chết. Dĩ nhiên những bệnh như thế sẽ không bao giờ xảy ra nếu người mẹ ăn uống đầy đủ đừng kiêng khem!
Vệ sinh tinh thần trong thời kỳ cho bú còn cần thiết hơn: Người mẹ cần có một đời sống yên tĩnh, điều độ, vui tươi. Lo lắng, sỡ hãi, giận dữ, có thể làm mất sữa, cạn sữa mau lẹ. Đang cho bé bú mà nổi cơn... hoạn thư là sữa cạn liền! - Người mẹ cho con bú thường có kinh trể và có không đều. Trong những ngày hành kinh vẫn có thể cho bé bú như thường.
Trường hợp đang cho bé bú mà có mang trở lại thì hơi phiền phức một chút. Bé sẽ phải ngưng sữa nhưng không nên ngưng một cách đột ngột mà phải cho bé bú dặm từ từ. (Nhưng nên có kế hoạch sinh đẻ chứ!).
Bé bú sữa mẹ đi tiêu trung bình 3–4 lần mỗi ngày. Có khi đi 5–7 lần cũng không phải là tiêu chảy. Ngược lại, năm ba hôm mới đi cầu một lần cũng được coi là bình thường. Phân bé hơi loãng, lợn cợn màu vàng, ra ngoài không khí một lúc hóa xanh, có mùi chua, không sao cả!
Vào lúc nào thì nên bỏ bú (cai sữa, dứt sữa)? Cái đó tùy, nhưng càng tranh thủ cho bé bú mẹ được càng lâu, càng nhiều càng tốt! Nếu bà mẹ kẹt đi làm, bé sẽ phải dứt sữa sớm, ngày từ tháng thứ sáu. Bé sẽ được bú dặm từ từ rồi dứt hẳn.
Nếu người mẹ có điều kiện thì bé có thể bú lâu hơn, đến 12 tháng hoặc 18 – 24 tháng. Ngày trước các bà mẹ thường cho dứt sữa vào lúc thôi nôi (12 tháng). Có nhiều bé đến ba bốn tuổi còn đeo cứng vú mẹ là không nên. Dứt sữa là một nghệ thuật vì không những thường gây phiền phức cho bé mà còn cho cả mẹ bé nữa.
Phải “có can đảm” lắm mới dứt sữa nổi bé chứ không chơi đâu. Nguyên tắc là phải dứt sữa từ từ: thay sữa mẹ một cữ nào đó bằng một bình sữa bò, bột vị ngọt, bột vị mặn, cháo thịt cho đến lúc dứt hẳn.
Có người cho rằng sữa mẹ là hình thức của một cuống rún nối dài. Không! Khác xa chứ! Cuống rún chỉ là một ống dẫn chất bổ dưỡng từ người mẹ chuyền qua đứa con để nuôi nó, còn sữa mẹ thì chính là thân xác mẹ, sữa mẹ chính là những tế bào của mẹ vỡ ra mà thành. Ta không lấy làm lạ thấy bé bú sữa mẹ thường khỏe mạnh, thông minh.
Bé tìm thấy sự an toàn, lòng tự tin trong sữa mẹ, khi bú mẹ; và người mẹ nữa cũng thấy lòng tự tin, sự an toàn khi được cho con bú. Tình mẫu tử nhờ đó mà phát triển trọn vẹn. Cho nên dù sao, dù bận bịu thế nào cũng nên cố gắng cho bé bú ít nhất là 6 tháng đầu.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc
---
Mamibabi là app Giáo dục sớm với hàng trăm bài chơi đơn giản chỉ từ 5 phút/ngày giúp bé phát triển trí thông minh vượt trội và tăng cường khả năng vận động. Tải Mamibabi miễn phí tại đây: https://mamibabi.com.vn/app