Các cuộc sinh thường diễn ra suôn sẻ với sự trợ giúp của cán bộ y tế. Tuy nhiên, quá trình chuyển dạ có thể gặp một số biến cố không lường trước như băng huyết, sa dây rau, kiệt sức... đòi hỏi người đỡ phải theo dõi sát và xử lý kịp thời để tránh nguy hiểm cho mẹ và con.
Xảy ra nhiều nhất là trong thời kỳ xổ rau. Nguyên nhân là rách toác đường sinh dục. Rách cổ tử cung, âm đạo gây băng huyết mạnh nhất, rồi đến rách âm môn (tầng sinh môn). Vỡ tử cung không chỉ nguy hiểm vì gây chảy máu mà còn vì gây đau và choáng toàn thân nặng, tỷ lệ tử vong rất cao. Chẩn đoán không khó vì có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Nếu được xử trí cầm máu ngay lập tức thì ít nguy hiểm nhưng nếu để chậm (chậm chẩn đoán hoặc chậm xử trí), tình trạng sản phụ nặng lên rất nhanh, nguy cơ tử vong sẽ tăng lên nhiều. Những người đã sinh con nhiều lần hoặc đã có tiền sử chảy máu nặng, người trên 35 tuổi mới sinh con lần đầu hoặc đã có sẹo ở tử cung do mổ... dễ bị tai biến này.
Thường xảy ra lúc vỡ ối do áp lực nước ối tăng và ngôi thai (thường là ngôi đầu, ngôi mông hay ngôi vai) chưa xuống thấp. Dây rau có thể sờ thấy ngay trong âm đạo, nhiều hay ít tùy từng trường hợp. Nếu là ngôi đầu, nguy cơ thai chết lớn sẽ hơn trường hợp ngôi ngược hay ngôi ngang. Sa dây rau là một cấp cứu tức thời khi thai còn sống. Sản phụ phải lập tức nằm chổng mông (kể cả khi chuyển đi mổ hoặc nằm trên ô tô chuyển tuyến) để ngôi thai không đè vào dây rau. Nếu cứ để sản phụ nằm ngửa trên cáng, nguy cơ thai chết sẽ cao hơn. Người hộ sinh cần có gạc ấm thấm nước, đặt trong âm đạo để không cho dây rau thụt xuống.
Vỡ ối non là tình trạng khi chưa có dấu hiệu chuyển dạ mà ối đã vỡ.
Vỡ ối sớm là khi đã có chuyển dạ nhưng cổ tử cung chưa mở hết.
Về bản chất, vỡ ối non nguy hiểm hơn vì chỉ chừng 5-6 giờ sau là nước ối đã có thể bị nhiễm khuẩn trong buồng tử cung. Thai nhi sẽ rất dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, gặp nguy hiểm khi chuyển dạ và cả sau khi sinh. Cả bà mẹ cũng có thể bị nhiễm khuẩn hậu sản nặng. Do vậy, sản phụ vỡ ối non và sớm cần được dùng kháng sinh ngay và can thiệp lấy thai ra sớm bằng đẻ chỉ huy hoặc phẫu thuật, không để chuyển dạ kéo dài vì nguy cơ tử vong rất cao cho cả mẹ và con.
Vào cuối thời kỳ thai nghén, tử cung đã co bóp nhưng không đau, chỉ làm cho cứng bụng mà thôi. Khi chuyển dạ, cơn co tử cung mạnh lên nhiều lần và gây đau. Các cơn co tăng dần cả về áp lực lẫn tần số, nhất là lúc rặn đẻ. Nếu được hiểu biết từ trước về sinh lý chuyển dạ và có những hỗ trợ chu đáo về tâm lý, sản phụ sẽ ít đau, thậm chí không đau. Cơn co tử cung làm sản phụ tốn nhiều năng lượng (nhiều hơn lao động nặng nhọc) và toát nhiều mồ hôi. Do vậy, cần cung cấp đủ nước và năng lượng trong khi chuyển dạ. Thiếu nước, năng lượng, thiếu hỗ trợ về tâm lý, tình trạng cô đơn... sẽ càng làm cho sản phụ đau nhiều hơn và kiệt sức nhanh hơn. Đau nhiều, thở dốc và kiệt sức làm cho nồng độ ôxy trong máu mẹ giảm, gây suy thai hoặc ngạt.
Phương pháp giảm đau tốt nhất khi chuyển dạ là chuẩn bị đầy đủ kiến thức cho các bà mẹ, thực hành hô hấp nhịp nhàng khi có cơn co, giữ đúng phong thái và vệ sinh ăn uống, cách nằm, cách đi lại, cách đứng khi đang chuyển dạ và cuối cùng là cách rặn đẻ, phối hợp nhịp thở với cơn co sao cho không bị thiếu ôxy trong máu. Sự chăm sóc ân cần chu đáo của cán bộ y tế cũng như sự động viên của thân nhân có tác dụng giảm đau nhất định.
Những cô gái làm mẹ lần đầu tiên mà ngủ ít trong tháng cuối của thai kỳ sẽ trở dạ lâu hơn và có khả năng phải sinh mổ so với những bà bầu ngủ tốt.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học California, San Francisco, Mỹ, tìm thấy trong số 131 phụ nữ họ theo dõi, những ai ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi tối trong tháng mang thai thứ 9 sẽ tăng 4 lần khả năng phải can thiệp khi sinh so với những phụ nữ ngủ nhiều hơn. Còn những bà bầu hay mất ngủ ban đêm sẽ có nguy cơ phẫu thuật cao gấp 5 lần.
Nhìn chung, những người ngủ kém cũng chịu các cơn đau đẻ lâu hơn. Trung bình, phụ nữ ngủ chưa tới 6 tiếng mỗi tối bị lên cơn co dạ trong 29 tiếng, so với chưa đầy 18 tiếng ở những phụ nữ ngủ 7 tiếng hoặc nhiều hơn.
Kết quả cho thấy việc ngủ đủ và chất lượng trong thời kỳ mang thai là rất quan trọng trong việc sinh nở. Các bác sĩ khuyên rằng các bà bầu nên ngủ ít nhất 8 tiếng mỗi tối.
Đi bộ rất tốt cho hệ tim mạch của thai phụ đồng thời cũng là một hoạt động thể dục an toàn mà bạn có thể áp dụng trong suốt thai kỳ. Hãy thực hiện một cách nhẹ nhàng, mỗi ngày khoảng 20-30 phút đi dạo.
Trong 3 tháng đầu, bạn không cần phải thay đổi thói quen đi bộ nhiều lắm. Nên đi giày thể thao hợp với cỡ chân. Khi đi ngoài trời nắng, cần đội nón và "che chắn" cẩn thận cho da. Bạn nên uống nhiều nước sau khi đi bộ, thậm chí mang nước theo để tránh mất nước lúc trời nóng bức và khi thân nhiệt tăng, mồ hôi ra nhiều, có thể gây bất lợi cho em bé.
Bạn vẫn tiếp tục đi bộ 30 phút mỗi ngày trong ba tháng tiếp theo. Lúc này, dáng đi của bạn có thể sẽ trở nên vụng về hơn, do đó phải chú ý đến tư thế để không ảnh hưởng tới lưng. Giữ đầu thẳng, cằm ở tư thế bình thường, tránh lắc hông quá mạnh dẫn đến lưng cũng di chuyển theo bước đi.
Ba tháng cuối, bạn nên rút ngắn đoạn đường lại, chỉ đi trong khả năng có thể. Tránh những con đường xấu, không bằng phẳng hoặc trơn ướt.
Lưu ý: Không được đi bộ nếu bạn thấy mệt mỏi hoặc khi thở hổn hển không ra hơi. Ngưng ngay và gọi bác sĩ khẩn cấp nếu đang đi thì bị xuất huyết âm đạo, hoa mắt chóng mặt, ngất, nhìn không rõ hoặc có hiện tượng co thắt dạ con.