Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng - Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

4.9/5 (136 đánh giá)

Sao lại viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng? Có đứa con nào mà chẳng là con đầu lòng? Có đứa nào giống với đứa nào đâu? Mỗi đứa là một khám phá mới, một ngạc nhiên mới cho ta. Nhưng dù sao, với đứa con đầu lòng chúng ta cũng bỡ ngỡ nhiều hơn, vụng về nhiều hơn mà lo lắng cũng nhiều hơn... Bởi lần đầu chúng ta “bỗng dưng” làm cha mẹ, chúng ta bị xáo trộn cả nếp sống, nếp nghĩ có từ trước, chúng ta phải đối phó với những việc... vặt vãnh hằng ngày làm ta lúng túng không ít: săn sóc bé, tắm rửa, vệ sinh, ăn mặc, bú mớm... rồi là những đêm quên ngủ, những ngày quên ăn, khi bé ốm đâu bệnh hoạn.

Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng - Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Nuôi trẻ là một bản năng, một nghệ thuật hay một khoa học? Cả ba, có lẽ thế. Là một bản năng, bởi không cần học hỏi ở bất cứ đâu, người mẹ cũng có thể nuôi con đến ngày khôn lớn. Đói cho ăn, khát cho uống. Nóng làm cho mát. Lạnh làm cho ấm. Nếu không bị lệch lạc đi, bản năng có thể là một hướng dẫn viên tốt. Là một nghệ thuật, bởi hơn bất cứ một nghệ sĩ nào khách, người mẹ đã tạo nên một tác phẩm sống: đứa con, một con người, một cá nhân. Săn sóc bé, dạy dỗ bé, nhìn ngắm bé lớn lên là cả một nghệ thuật uyển chuyển đầy sáng tạo có mục đích cuối cùng là giúp bé phát triển trọn vẹn nhất theo một khuôn mẫu định sẵn, nhưng là một khuôn mẫu cá biệt, không giống một khuôn mẫu nào khác. Là một khoa học bởi nếu có đôi lúc bản năng ngần ngại, nghệ thuật phân vân thì chính kiến thức khoa học sẽ soi sáng con đường phải lựa chọn. Khoa học giúp ta hiểu rõ hơn để hứng dẫn hữu hiệu hơn, khoa học giúp ta ngăn ngừa cho trẻ những bệnh tật hiểm nghèo...

Trong thời gian làm việc tại khoa Cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng Sài Gòn, nay là bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. Hồ Chí Minh, tôi đã được chứng kiến hằng ngày những cảnh bệnh hoạn, chết chóc của trẻ thơ mà phần lớn có thể tránh được hay giảm thiểu được. Có những thứ bệnh mà ở các nước tiên tiến ngày nay chỉ có giá trị lịch sử hay rất hiếm hoi như lao màng não, sốt bại liệt, uốn ván, bạch hầu... thì ở xứ ta trẻ con vẫn còn gách chịu những tai ương đó không biết đến bao giờ!

Một vị giáo sư ngoại quốc chuyên về Cấp cứu Nhi khoa, nhờ tôi đưa đi thăm trại bệnh truyền nhiễm để được xem... tân mắt cái “màng giả” trong bệnh bạch hầu và những cơn co giựt của những bé bị phong đòn gánh vì cắt rún dơ bẩn. Ông thú thực mới thấy lần thứ... hai. Trong khi đó sách của ông mô tả rất kỹ về những trường hợp “cấp cứu” vì thúi tai, vì... trốn học. Còn thành kiến sai lầm thì kể sao cho hết! Những thành kiến đã giết hại bao nhiêu trẻ thơ vô tội không thấy có trong sách giáo khoa y học. Có những bé bị tiêu chảy không đáng nằm nhà thương mà phải nằm nhà thương vì mẹ bé không dám cho uống nước; không đáng chết mà đành chết vì bị cho uống sái phiện, nhựa bông... Có những bé bị làm kinh không đến nỗi nguy hiểm đến tính mạng mà đành bỏ mạng vì tam xà đởm, mật gấu... hay mù mắt, sưng phổi vì sả, chanh... Và thương tâm hơn hết là những bé bị bỏ đói đến còn da bọc xương – được gọi là ban khỉ – hay sưng phù, lở loét, khờ khạo, quáng gà, lao phổi chỉ vì bà mẹ bắt ăn kiêng quá đáng! Sốt xuất huyết là ban đen, sốt thương hàn là ban trắng... và nhất định chỉ chữa thầy... ban! Nhiều khi tôi tưởng không dằn nổi cơn tức giận, muốn gây gổ với những bà mẹ đó, nhưng nhìn lại họ, lòng bỗng thấy ăn năn. Có phải lỗi ở họ đâu! Họ rất thành thật, rất tin tưởng những điều họ làm, họ nghĩ, mà như thế cũng chỉ quá thương con.

Cho nên dù không có bao nhiều kinh nghiệm, tôi cũng xin gắng sức viết ra những điều thông thường, mà tôi biết được, gởi đến các bà mẹ với thực tâm ước mong sẽ không còn ai mắc phải những thành kiến sai lầm đó nữa.

Một phần lớn, tập sách này được dành viết về vệ sinh, về dinh dưỡng, về phòng bệnh – tìm hiểu sự phát triển bình thường của bé – khi bé mắc bệnh thì biết phải làm gì tạm thời trong khi đợi đi khám bác sĩ và giúp các bà mẹ bình tĩnh theo dõi, cộng tác với thầy thuốc chữa trị bệnh cho con. Vì nghĩ rằng một cuốn sách y học không thể nào thay thế được một bác sĩ, tôi đã không ghi các tên thuốc sau những chứng bệnh. Làm sao ta biết được cơn nóng sáng hôm nay của bé là nóng mọc răng, biết bò hay vì thúi tai, viêm họng, hay sưng ruột dư, sốt thương hàn, sốt xuất huyết...? Dĩ nhiên, tôi đã không quên chỉ dẫn cách săn sóc sơ khởi, cách cấp cứu những khi cần thiết. Tôi vẫn nghĩ rằng nuôi trẻ hợp vệ sinh, ăn ngủ điều độ, đầy đủ; ở chỗ thoáng khí, có ánh nắng mặt trời; chính ngừa những bệnh hiểm nghèo rồi thì bé sẽ mạnh, ít bệnh tật. Thuốc mem bất đắc dĩ mới phải dùng và càng ít càng tốt.

Bé LN., con đầu lòng tôi đang học lớp một, KH. vào vườn trẻ, và cu V. mới biết đi. Trong cuốn sách nhỏ này tôi chỉ dám viết đến... 3 tuổi, chỉ vì sách được viết phần lớn bằng những kinh nghiệm sống thực, những khó nhọc, những lo âu, những hy vọng, những vui mừng của chúng tôi đã và đang trải qua. Trong khi viết tôi luôn nghĩ đến bạn bè tôi, anh TH. ôm mền xuống bếp ngủ vì không chịu nổi tiếng khóc của con; anh chị Tr. 6 năm mới được mụn con đầu lòng, hỏ tí là lo sốt vó; chị L. em Ph. Sắp sinh, em Q. vừa lập gia đình... Chính vì thế ở đây không có “ông bác sĩ” viết cho thân nhân trẻ bệnh mà chỉ có người bạn viết cho người bạn, chỉ có người trong gia đình viết cho anh chị em mình, cho nên tôi đã viết bằng một giọng thân mật và cố gắng tránh những lý thuyết, những danh từ chuyên môn dễ nhàm chán.

Tôi mong các vị thày khả kính của tôi, các đàn anh, các đồng nghiệp chỉ dạy tôi những chỗ sai lầm, thiếu sót và các bà mẹ chỉ cho tôi những chỗ sơ suất cùng những kinh nghiệm quý báu khác. Giáo sư Robert Debré đã chẳng luôn nhắc nhở sinh viên y khoa “Hãy nghe các bà mẹ. Các bà luôn có lý” đó sao?

Mới đó mà đã hơn 30 năm! Thời gian trôi nhanh thật. Những chú nhóc ngày nào được các bà mẹ, ông bố trẻ lo âu thắc thỏm bế đến tôi thì nay đã lại thấy ẵm những chú nhóc khác – là con của chú – đến nữa rồi... Vẫn những lo âu đó. Vẫn những băn khoăn thắc mắc đó. Dù khoa học kỹ thuật, dù y học đã thay đổi, tiến bộ không ngừng mà tấm lòng người làm cha, làm mẹ thời nào cũng vậy, chẳng mấy chút đổi thay. Còn các bà mẹ, ông bố lúng túng lọng cọng ngày nào bây giờ đã là những ông bà nội ngoại, mà vẫn cứ còn lọng cọng lúng túng như xưa, dù tóc đã bạc màu với tháng năm, vẫn tất tả lo toan thay ba mẹ bé bận bịu trăm công ngàn việc. Nhiều bà nội bà ngoại kêu ca vất vả mà trong ánh mắt như tràn ngập niềm vui bởi được nựng nịu, bồng bế, chăm sóc bé, đôi khi còn không tin tưởng lớp trẻ, bảo chúng nó chẳng biết gì, chỉ biết... đẻ thôi! 

Thời đại chúng ta bây giờ mọi việc trở nên không đơn giãn, hình như còn lắm nỗi khó khăn hơn cho bà mẹ trẻ. Truyền thông tiếp thị đi vào mọi ngõ ngách, vào giấc ngủ, bữa ăn, gây bao nỗi hoang mang. Con người như ngày càng xa rời thiên nhiên, ngày càng bị cuốn hút vào dòng xoáy của những lệ thuộc, của những nhu cầu giả tạo. Nhiều ông bố bà mẹ bây giờ mặc sức tranh cãi và thậm chí đem đủ thức sách trích dẫn Tây, Tàu để giành phần thắng mà cuối cùng chỉ tội nghiệp đứa trẻ bơ vơ hơn bao giờ hết! Mọi thứ cứ như máy móc hóa, kế hoặc hóa. Bố mẹ thì bận bịu làm ăn, đầu tắt mặt tối, khoán trắng cho người khác nuôi con mình. 

Tôi có dịp gặp những bà mẹ cân đong, đo đếm đến từng gram bột đường, từng gram trái cây, mà bé cứ ngày càng còm cõi, bơ phờ; tôi có dịp gặp những bà mẹ có hẳn một thực đơn phong phú tính từng calori, với hằng chục thức ăn thay đổi liên tục trong tuần mà trẻ cứ còi cọc, không phát triển! Trẻ không biết nói, không biết kêu ca, bị ép ăn như một cái máy, ép nghe nhạc cổ điển Tây phương... Nếu trẻ kêu lên được, tôi nghĩ có lẽ chỉ kêu một tiếng: Mẹ ơi, con cần mẹ, con cần mùi mồ hôi của mẹ, cần tiếng ru của mẹ, cần vòng tay của cha, bờ vai của cha. Điều thú vị là trong khi đó, tại các nước phát triển lại có phong trào “về nguồn”, sinh đẻ tự nhiên, nuôi con phù hợp với từng đứa trẻ, cho bú sữa mẹ lâu dài, cho trẻ gần gũi với thiên nhiên...

Tôi chân thành cảm ơn Nhà Xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh đã cho tái bản cuốn sách này – được cập nhật và bổ sung đầy đủ – nhân dịp tôi chính thức về hưu như một món quà nhỏ gởi đến các ông bố, bà mẹ trẻ mới sinh con đầu lòng. Cuốn sách là những lời tâm tình, chia sẻ của một người vừa là thầy thuốc, vừa là người cha những năm xưa, nay đã trở thành ông nội, ông ngoại của mấy nhóc nhỏ rồi! Thời gian trôi nhanh thật!

Do yêu cầu của đơn vị sở hữu bản quyền, Mamibabi tạm dừng việc cung cấp ebook cuốn sách này. Rất mong bạn thông cảm. Bạn có thể đặt mua sách giấy với giá ưu đãi tại đây.
ĐÁNH GIÁ
4.9 / 5

Bài hay? Đánh giá ngay!
Chọn số sao
           
Gửi thành công! Cảm ơn bạn đã đánh giá!
Tư vấn 1:1 qua chat và video Zalo
Chat ngay!
- Chuyên gia hàng đầu về THAI GIÁO và GIÁO DỤC SỚM (không phải bác sĩ)
- Trực tiếp nghiên cứu và ứng dụng thai giáo, giáo dục sớm cho con trai nên các bài học có tính ứng dụng RẤT CAO, không lý thuyết hàn lâm
- CEO App Mamibabi
- Tác giả TOP sách thai giáo bán chạy tại TIKI: Rủ chồng thai giáo
- Chuyên gia Phát triển Ứng dụng cho Mẹ và bé được sử dụng bởi hàng triệu người
CÂU HỎI CÙNG QUAN TÂM
Nhận ngay 5,000+ hoạt động Thai giáo, Giáo dục sớm, Tập nói sớm, Ăn dặm VIP
Thai giáo
Giáo dục sớm
EASY, Luyện ngủ
Tập nói sớm
Ăn dặm VIP
Tư vấn 1:1
Sách nuôi dạy con
BÀI MỚI ĐĂNG