Đau đầu khi mang thai: Cách chữa an toàn nhất cho mẹ bầu

4.6/5 (229 đánh giá)

Đau đầu là cảm giác khó chịu phổ biến khi mang thai. Có rất nhiều lý do khiến bạn bị đau đầu khi mang thai như thay đổi hormone hay đột ngột đừng uống cà phê hoặc ngủ không ngon giấc. Cơn đau đầu cũng có thể là đau vùng cổ nhưng thường không nguy hiểm cho mẹ và bé. Vậy nguyên nhân mẹ bầu đau đầu trong thai kỳ là gì, cách phòng tránh và điều trị ra sao, hãy cùng Mamibabi tìm hiểu trong bài viết dưới đây!

Đau đầu khi mang thai: Cách chữa an toàn nhất cho mẹ bầu

Nguyên nhân gây đau đầu khi mang thai

Phụ nữ thỉnh thoảng bị đau đầu, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi tình trạng này xuất hiện khi mang thai. Tuy nhiên, khi mang thai bị đau đầu, nhiều chị em rất băn khoăn và lo lắng đến các trường hợp như đau đầu khi mang thai có phải thiếu máu, có phải thiếu chất,... Thực tế, rất khó để xác định chính xác nguyên nhân nhưng mẹ bầu có thể tham khảo một số nguyên nhân phổ biến sau. 

  • Thay đổi nội tiết tố.
  • Bị đói.
  • Lượng đường trong máu thấp.
  • Mất nước.
  • Cai “nghiện” caffeine.
  • Thiếu ngủ.
  • Mỏi mắt vì thị lực thay đổi hoặc xem điện thoại, máy tính quá nhiều.
  • Căng thẳng về mặt cảm xúc hoặc thể chất.
  • Căng cơ do tư thế thay đổi khi em bé lớn lên, trọng lượng cơ thể mẹ bầu tăng. 
  • Huyết áp cao trong thai kỳ.

Phương pháp điều trị đau đầu khi mang thai

Trước khi mang thai, phương pháp điều trị đau đầu chủ yếu có thể là dùng thuốc giảm đau. Tuy nhiên, chắc hẳn mẹ bầu nào cũng muốn tìm một phương pháp khác để đối phó với cơn đau, và chỉ khi không còn cách nào khác mới dùng đến thuốc. 

Phương pháp thay thế thuốc

Khoảng thời gian 3 tháng đầu thai kỳ là lúc cơ thể có nhiều sự thay đổi nên mẹ bầu có thể gặp phải chứng đau đầu. Vậy chữa đau đầu cho bà bầu 3 tháng đầu như thế nào? Dưới đây là một số biện pháp điều trị thay thế thuốc bạn có thể tham khảo, những phương pháp này có thể áp dụng trong suốt thai kỳ. 

  • Nghỉ ngơi trong phòng tối: Tắt đèn và giảm âm lượng của TV hoặc tắt đèn đồng thời cố gắng chợp mắt. 
  • Sử dụng khăn nóng và lạnh: Chườm nóng và lạnh luân phiên lên vùng đầu bị đau nhức. 
  • Tắm: Nếu bạn không gặp phải các biến chứng khi mang thai và bác sĩ nói rằng việc tắm là an toàn, bạn có thể thư giãn trong bồn tắm nước ấm để giảm thiểu tình trạng đau đầu. 
  • Thử các liệu pháp chăm sóc sức khỏe tự nhiên: Các dịch vụ như mát-xa, trị liệu thần kinh cột sống hoặc châm cứu có thể giúp giảm đau đầu. Mẹ bầu hãy chọn các chuyên gia uy tín và tham khảo ý kiến bác sĩ sản khoa trước khi thực hiện. 
  • Đặt lịch khám với bác sĩ nhãn khoa: Mang thai có thể ảnh hưởng đến mắt như gây ra tình trạng mắt bị khô hoặc thay đổi thị lực. Trường hợp phát hiện nguyên nhân là các vấn đề về mắt, bác sĩ nhãn khoa có thể đưa ra các lựa chọn điều trị để giúp giảm đau đầu.
  • Tìm sự giúp đỡ: Nếu đã có một bé đầu lòng, mẹ hãy nhờ các thành viên khác trong gia đình giúp mình chăm bé để có thêm thời gian nghỉ ngơi. Những người quan tâm, yêu thương rất sẵn lòng giúp đỡ bạn lúc này.
  • Khám sức khỏe tổng quát: Đối với những cơn đau đầu dai dẳng hoặc trầm trọng, mẹ bầu nên đặt lịch khám với bác sĩ để được chẩn đoán cụ thể hơn. 

Đau đầu khi mang thai uống thuốc gì? 

Nếu thỉnh thoảng bạn có thể vượt qua cơn đau đầu mà không cần dùng đến thuốc giảm đau, điều đó thật tuyệt. Nhưng đôi khi, những cơn đau đầu mãn tính hoặc chứng đau nửa đầu nghiêm trọng không thể giải quyết được bằng thuốc giảm đau. Trong trường hợp đó, bạn không nên chịu đựng đau đớn mà nên tìm cách điều trị. 

Tuy nhiên, bạn cũng không nên dùng thuốc không kê đơn hoặc thuốc trị đau đầu có sẵn trong tủ thuốc gia đình. Khi mang thai, bạn cần cẩn trọng với những gì đưa vào cơ thể. Vậy đau đầu khi mang thai uống thuốc gì an toàn, hiệu quả nhất? Những loại thuốc được khuyến nghị chung bao gồm:

  • Tylenol (acetaminophen) được coi là an toàn để sử dụng khi bạn đang mang thai, nhưng chỉ nên dùng với liều lượng thấp khi cần thiết.
  • Đối với chứng đau nửa đầu, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để điều trị tình trạng bà bầu bị đau đầu buồn nôn. 

Một thông tin quan trọng các mẹ bầu cần quan tâm đó là thuốc chống viêm không steroid và aspirin không được khuyến nghị sử dụng trong thời kỳ mang thai, đặc biệt với bà bầu mang thai 20 tuần tuổi trở lên. Đây là khuyến cáo của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ. Những loại thuốc này có liên quan đến các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm các vấn đề về tim và thận, lượng nước ối thấp, sinh non, sảy thai và thai chết lưu.

Điều trị đau đầu do cai Caffeine

Caffeine là một chất kích thích, có thể gây nghiện và khiến cơ thể bạn phụ thuộc vào nó. Những người yêu thích cà phê hoặc soda nếu ngừng uống đột ngột khi biết mình có thai thường phải trải qua giai đoạn “cai caffeine”. Quá trình này có thể gây ra mệt mỏi, khó chịu, run rẩy và đau đầu.

Vì vậy, nếu bạn bị đau đầu ngay sau khi ngừng uống cà phê, đó có thể là do cai caffeine. Cơ thể bạn có thể mất vài ngày để thích nghi với việc không có caffein, bạn nên áp dụng một số mẹo sau để vượt qua. 

  • Cắt giảm lượng caffein từ từ: Nếu bị đau đầu, mẹ bầu có thể uống một lượng nhỏ caffeine, cách này hữu ích và khá an toàn. Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể thử các loại cà phê hoặc trà đã khử caffeine.
  • Tìm cách khác để nạp năng lượng, duy trì sự tỉnh táo: Đồ uống chứa caffeine cung cấp cho bạn năng lượng, vì vậy bạn có thể cảm thấy mệt mỏi và thiếu năng lượng khi chuyển sang cà phê hoặc soda không chứa caffein, đặc biệt là vào những khoảng thời gian như buổi trưa hay đầu giờ chiều. Nếu cảm thấy uể oải, bạn có thể cố gắng tăng cường sức khỏe một cách tự nhiên bằng cách ăn nhẹ lành mạnh , hít thở không khí trong lành hoặc đi dạo.
  • Thay cà phê bằng thứ khác: Bạn hãy thay thế cà phê bằng nước lọc hoặc nước trái cây, các loại trà không có caffeine để đảm bảo mình uống đủ lượng nước cần thiết trong ngày. 
  • Đi ngủ sớm: Để duy trì năng lượng của bạn trong ngày, hãy cố gắng nghỉ ngơi đầy đủ vào ban đêm.

Điều trị đau đầu do bị xoang

Dị ứng hoặc nhiễm trùng xoang có thể gây đau nhức và tạo ra áp lực ở vùng trán, xung quanh mắt và sống mũi của bạn. Bạn cũng có thể bị nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi và sốt. Nếu gặp tình trạng này, mẹ bầu hãy gọi cho bác sĩ nếu nghi ngờ bị đau đầu do viêm xoang. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh nếu bạn bị nhiễm trùng xoang.

Ngoài ra, bạn cũng có thể điều trị đau đầu do viêm xoang bằng cách:

  • Cố gắng tránh xa những tác nhân gây dị ứng.
  • Sử dụng nước muối sinh lý xịt mũi hoặc bình xịt mũi để làm lỏng và làm sạch chất nhầy trong mũi. 
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc máy xông hơi để tránh không khí trong phòng bị khô. 
  • Uống nhiều nước.
  • Nghỉ ngơi nhiều hơn. 

Các loại thuốc trị viêm xoang, dị ứng và giảm đau không kê đơn khó có thể đảm bảo tính an toàn cho phụ nữ mang thai. Vì vậy, nếu bạn nghĩ rằng bạn cần một loại thuốc kháng histamin hoặc thuốc giảm đau, bạn nên nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn sử dụng loại thuốc an toàn nhất. 

Điều trị đau đầu do căng thẳng

Bạn có thể bị đau đầu do lo lắng hoặc căng thẳng. Khi đó bạn sẽ cảm thấy như bị căng cứng quanh đầu, sau đầu và ở cổ. Để giảm bớt tình trạng này, bạn có thể làm như sau:

  • Đặt một túi đá hoặc khăn lạnh vào sau cổ để giảm căng thẳng.
  • Nghỉ ngơi, đứng dậy và đi lại nếu bạn thường ngồi trước máy tính hoặc bàn làm việc cả ngày.
  • Thử tập yoga khi mang thai, các bài tập kéo giãn cổ nhẹ nhàng và các bài tập thở có thể giúp giảm căng cơ ở cổ và lưng.
  • Tắm nước ấm.
  • Gác chân lên cao trong khi nghỉ ngơi.

Điều trị đau nửa đầu

Chứng đau nửa đầu dữ dội hơn những cơn đau đầu thông thường. Cơn đau nhói cùng cảm giác giật mạnh thường đi kèm với các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn, chóng mặt, mờ mắt, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh. Dù một số phụ nữ bị chứng đau nửa đầu nhận thấy họ khỏe hơn khi mang thai nhưng không phải tất cả thai phụ đều cảm thấy như vậy. 

Nếu bạn bị đau nửa đầu, bạn nên cố gắng xác định tác nhân gây đau và tránh những điều thường gây ra chứng đau nửa đầu như:

  • Một số loại thực phẩm có mùi khó chịu hoặc có thể gây dị ứng.
  • Rượu - vốn được khuyên nên hạn chế tuyệt đối trong quá trình mang thai. 
  • Caffeine.
  • Căng thẳng.
  • Kiệt sức.
  • Tiếp xúc với đèn quá sáng.

Ngoài ra, các bà bầu có thể tham khảo những phương pháp điều trị sau để thoát khỏi chứng đau nửa đầu khó chịu:

  • Nghỉ ngơi ở một nơi yên tĩnh, ít ánh sáng.
  • Sử dụng các kỹ thuật thư giãn.
  • Chườm túi đá lên đầu.
  • Thử các phương pháp điều trị thay thế như xoa bóp hoặc châm cứu.

Nếu chứng đau nửa đầu của bạn quá nghiêm trọng và cần dùng thuốc, bạn nên thăm khám bác sĩ để nhận tư vấn. Những trường hợp đau đầu dữ dội, liên tục khiến bạn mất ngủ cần được điều trị kịp thời. 

Phòng ngừa chứng đau đầu khi mang thai

Đau đầu là triệu chứng quen thuộc và không phải lúc nào cũng có nguyên nhân rõ ràng. Đôi khi, bạn có thể bị đau đầu vì những nguyên nhân thường gặp như cảm lạnh. Không có cách nào để ngăn hoàn toàn chứng đau đầu. Tuy nhiên, có một số biện pháp bạn có thể thực hiện để giảm thiểu chứng đau đầu trong thai kỳ: 

  • Tránh các yếu tố gây đau đầu: Nếu bạn tìm ra loại thực phẩm hoặc mùi nào là tác nhân gây đau đầu, bạn cần tránh tiếp xúc tuyệt đối.
  • Đảm bảo đủ lượng nước cho cơ thể: Không uống đủ nước hoặc mất quá nhiều nước trong cơ thể vào ngày nắng nóng hoặc khi tập thể dục có thể dẫn đến đau đầu. Vì vậy, mẹ bầu hãy uống nhiều nước để duy trì đủ lượng nước cho cơ thể.
  • Không bỏ bữa: Bị đói và hạ đường huyết có thể gây đau đầu, vì vậy hãy cố gắng ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Vậy ăn gì để giảm đau đầu khi mang thai? Theo các chuyên gia, mẹ bầu nên ăn đủ ba bữa một ngày cùng một vài món ăn nhẹ lành mạnh để giữ lượng đường trong máu ổn định. Bạn cũng nên mang theo đồ ăn nhẹ với đầy đủ protein và ngũ cốc nguyên hạt để tránh tình trạng bị đói.
  • Cố gắng nghỉ ngơi đầy đủ: Chống lại sự mệt mỏi bằng cách ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi, chợp mắt vài lần trong ngày.
  • Sử dụng các kỹ thuật thư giãn: Thiền, nghe nhạc, tập thể dục nhẹ nhàng như tập yoga hoặc áp dụng các liệu pháp giảm căng thẳng khác có thể hạn chế đau đầu. 
  • Nhận thức được mức độ căng thẳng: Nếu bạn đang bị căng thẳng quá nhiều và cần được giúp đỡ, bạn cần nói chuyện với bác sĩ và người thân trong gia đình. 
  • Cố gắng cải thiện tư thế: Bà bầu đi lại rất nặng nề nên mẹ hãy cố gắng ngồi thẳng lưng và ngả vai về phía sau khi đi. Tư thế tốt sẽ giúp hạn chế tình trạng căng cơ ở lưng và cổ, đặc biệt là khi thai nhi và bụng của bạn đang lớn dần lên. 

Khi nào nên thăm khám bác sĩ? 

Thông thường, đau đầu là triệu chứng không nghiêm trọng và sẽ biến mất sau khi bạn ăn uống, nghỉ ngơi hoặc áp dụng các mẹo dân gian chữa đau đầu cho bà bầu. Tuy nhiên, nếu cơn đau đầu dữ dội không biến mất trong vài giờ, thậm chí đau hơn hoặc tiếp tục tái phát, đó có thể là dấu hiệu của biến chứng thai kỳ. Khi gặp tình trạng đó, bạn nên gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị. 

Trước khi dùng bất kỳ loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng từ thảo dược nào để điều trị chứng đau đầu, mẹ bầu cần chắc chắn về tính an toàn của chúng. Bạn cũng nên gặp bác sĩ sớm trong trường hợp:

  • Phương pháp điều trị tự nhiên của bạn không hiệu quả.
  • Bạn bị sốt, cảm thấy áp lực quanh mắt hoặc nghẹt mũi.
  • Bạn bị đau đầu và có tiền sử cao huyết áp.
  • Bạn bị đau đầu sau khi mang thai được 20 tuần.
  • Bạn bị đau cùng với các triệu chứng khác như buồn nôn, mờ mắt, đau bụng hoặc sưng tấy trên cơ thể.
  • Bạn bị đau đầu sau khi ngã và va đập đầu.

Nhức đầu có thể gây đau đớn và khó chịu, triệu chứng này thậm chí còn tồi tệ hơn khi bạn đang mang thai. Bạn nên cẩn thận khi dùng thuốc, đồng thời cần ngăn chứng đau đầu bằng cách hiểu rõ nguyên nhân và chuẩn bị sẵn các phương pháp điều trị. 

Rất may, hầu hết các cơn đau đầu khi mang thai không gây nguy hiểm cho mẹ hoặc thai nhi. Tình trạng này thường tự biến mất khi mẹ bầu nghỉ ngơi, ăn uống, thư giãn. Tuy vậy, nếu tình trạng này kéo dài, trở nên tồi tệ hơn hoặc bạn có bất kỳ triệu chứng nào khác kèm theo đau đầu, bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ để được điều trị kịp thời. 

---

Mamibabi là app Thai giáo phong phú hàng đầu tại Việt Nam với hơn 3000 hoạt động Thai giáo và 1 triệu mẹ tin dùng. Mamibabi được xây dựng, kế thừa và phát huy những kinh nghiệm thai giáo từ nhiều nền văn hóa phát triển trên thế giới như Nhật, Hàn Quốc, Anh, Mỹ... Các bài thai giáo trên Mamibabi đã được thiết kế chi tiết cho từng ngày mang thai, rất tiện lợi và không mất thời gian tìm hiểu. Tải Mamibabi miễn phí tại đây: https://mamibabi.com.vn/app

 

 

ĐÁNH GIÁ
4.6 / 5

Bài hay? Đánh giá ngay!
Chọn số sao
           
Gửi thành công! Cảm ơn bạn đã đánh giá!
Tư vấn 1:1 qua chat và video Zalo
Chat ngay!
- Chuyên gia hàng đầu về THAI GIÁO và GIÁO DỤC SỚM (không phải bác sĩ)
- Trực tiếp nghiên cứu và ứng dụng thai giáo, giáo dục sớm cho con trai nên các bài học có tính ứng dụng RẤT CAO, không lý thuyết hàn lâm
- CEO App Mamibabi
- Tác giả TOP sách thai giáo bán chạy tại TIKI: Rủ chồng thai giáo
- Chuyên gia Phát triển Ứng dụng cho Mẹ và bé được sử dụng bởi hàng triệu người
CÂU HỎI CÙNG QUAN TÂM
Nhận ngay 5,000+ hoạt động Thai giáo, Giáo dục sớm, Tập nói sớm, Ăn dặm VIP
Thai giáo
Giáo dục sớm
EASY, Luyện ngủ
Tập nói sớm
Ăn dặm VIP
Tư vấn 1:1
BÀI MỚI ĐĂNG