6 giờ đầu sau đẻ là thời gian dễ có biến chứng chảy máu, cần được sự theo dõi chăm sóc của cán bộ y tế.

Sản phụ nghỉ tuyệt đối tại giường, ăn những thức ăn dễ tiêu hóa, giàu chất dinh dưỡng, uống nước hoa quả để bổ sung vitamin, chất khoáng.

Sản phụ cần được sự quan tâm chăm sóc, động viên của những người thân tạo tâm lý yên tâm thoải mái, vui vẻ, hạnh phúc.

Khi đã hết nguy cơ chảy máu, sản phụ có thể vận động nhẹ nhàng giúp cho sự lưu thông sản dịch được dễ dàng, tránh ứ đọng, gây nhiễm khuẩn cơ quan sinh sản.

Trong thời gian này, sản phụ cần ngủ hơn 10 giờ/ngày, ăn uống đủ chất dinh dưỡng (khoảng 3.500 calo/ngày), thành phần cân đối để phục hồi sức khỏe và giúp cho quá trình tạo sữa được tốt.

Khẩu phần ăn có thể chia làm nhiều bữa, ăn nhiều rau xanh để tránh táo bón, uống nhiều nước (2-2,5 lít/ngày).

Sau đẻ 6 tuần, cần áp dụng biện pháp tránh thai phù hợp.

Sản phụ nếu không được theo dõi, chăm sóc đầy đủ, không có chế độ ăn uống, ngủ, nghỉ hợp lý, không bảo đảm chế độ vệ sinh cá nhân sẽ dễ bị các biến chứng nguy hiểm như băng huyết, nhiễm khuẩn, nhiễm nấm.

Người mẹ phải lao động nặng, sớm sẽ ra nhiều mồ hôi, mất nước dẫn đến thiếu sữa, hoặc những biến chứng lâu dài như sa sinh dục, táo bón và trĩ, sa trực tràng...

Trong thời gian 4-6 tháng đầu sau đẻ, chỉ nên tham gia lao động nhẹ nhàng với điều kiện lao động mát mẻ, tránh mưa, nắng, tránh môi trường độc hại.

Dược thiện chữa suy nhược cơ thể sau sinh

Người phụ nữ mang thai mất nhiều sức lực để nuôi dưỡng thai dần lớn lên trong mình, nếu bị chứng ốm nghén nôn ói không ăn uống được bình thường thì sẽ không có đủ dưỡng chất để duy trì công năng của các cơ quan và hệ thống trong cơ thể. Khi sinh lại bị mất nhiều máu nên dễ có khả năng mắc chứng suy nhược cơ thể mà y học cổ truyền gọi là chứng hư lao.

Một số dược thảo điển hình điều trị suy nhược cơ thể sau sinh

• Bạch truật: Là vị thuốc bổ dưỡng, trị nôn ói, ăn chậm tiêu. Ngày dùng 6-12g sắc uống.

• Câu kỷ tử: Là vị thuốc bổ toàn thân, dùng chữa cơ thể suy nhược, hoa mắt, thị lực giảm. Ngày dùng 6-12g sắc uống.

• Đảng sâm: Dùng chữa cơ thể suy nhược, thiếu máu, vàng da, kém ăn. Ngày dùng 16-30g sắc uống.

• Đương quy: Dùng chữa cơ thể gầy yếu, thiếu máu xanh xao, đau đầu, mệt mỏi, đau lưng. Ngày dùng 10-20g sắc uống.

• Hoàng kỳ: Hoàng kỳ dạng tẩm mật sao chữa suy nhược cơ thể, ra nhiều mồ hôi. Ngày dùng 4-10g, dạng thuốc sắc, cao, viên.

• Kê huyết đằng: Chữa thiếu máu, lưng gối mỏi đau, chân tay tê bại. Ngày dùng 10-15g sắc uống.

• Thục địa: Chữa suy nhược cơ thể, thiếu máu, chảy máu, đánh trống ngực, chóng mặt, ù tai. Ngày dùng 8-16g sắc uống.

• Ngũ vị tử: Được dùng làm thuốc bổ để hồi phục sức khỏe. Ngày dùng 6-12g sắc uống.

• Long nhãn: Cùi nhãn chế biến thành long nhãn là thuốc bổ, chữa suy nhược thần kinh, hồi hộp, mất ngủ. Ngày dùng 6-15g sắc uống, hoặc chế thành cao, viên hoàn.

• Nhân sâm: Là vị thuốc bổ quý dùng chữa cơ thể suy yếu, kiệt sức, mệt mỏi. Ngày dùng 2-4g dưới dạng cắt lát ngậm, nước sắc hoặc hoàn tán.

• Phục linh: Được dùng làm thuốc bổ chữa suy nhược cơ thể, chóng mặt, mất ngủ. Ngày dùng 4-20g sắc uống.

• Sâm bố chính: Chữa cơ thể suy nhược, kém ăn, kém ngủ, đau lưng, đau mình. Ngày dùng 16-20g dạng thuốc sắc hoặc bột.

• Hạt sen (liên nhục): Dùng điều trị cơ thể suy nhược, hồi hộp mất ngủ, kém ăn. Ngày dùng 12-20g dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán.

• Tam thất: Được dùng chữa băng huyết, rong huyết, sau khi sinh huyết hôi không ra, thiếu máu, người mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, ít ngủ. Ngày dùng 4-6g, dạng thuốc bột hoặc thuốc sắc.

• Toan táo nhân (nhân hạt táo ta): Chữa khó ngủ, hồi hộp, đánh trống ngực, mồ hôi trộm. Ngày dùng 0,8-1,2g, tương đương với lượng nhân của 15-20 hạt. Nếu dùng liều cao (khoảng 6-10g) thì phải sao đen.

• Viễn chí: Chữa suy nhược thần kinh, ngủ kém, giảm trí nhớ, hay quên, yếu sức. Ngày dùng 6-12g dạng thuốc sắc.

Các bài thuốc chữa suy nhược cơ thể sau sinh

Thể tâm huyết hư: Triệu chứng: Hoa mắt, chóng mặt, hồi hộp, mất ngủ, đánh trống ngực, hay quên, sắc mặt vàng nhợt, môi lưỡi nhợt. Phương pháp chữa: Dưỡng huyết an thần.

- Bài 1: Quả dâu chín 16g, câu kỷ tử, hà thủ ô đỏ, long nhãn, liên nhục, đỗ đen sao, lá vông mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

- Bài 2: Thục địa, đương quy mỗi vị 16g; bạch thược, xuyên khung, hà thủ ô đỏ mỗi vị 12g; bá tử nhân, toan táo nhân, phục linh mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

- Bài 3: Đảng sâm 16g; hoàng kỳ, bạch truật, đương quy, long nhãn, đại táo mỗi vị 12g; viễn chí, toan táo nhân, phục thần mỗi vị 8g; vân mộc hương 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Thể can huyết hư: Triệu chứng: Hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, ù tai. Phương pháp chữa: Bổ huyết dưỡng can.

- Bài 1: Bố chính sâm, ích mẫu mỗi vị 20g; kê huyết đằng 10g; tam thất, hương phụ mỗi vị 6g. Tán nhỏ uống mỗi ngày 20g, hoặc sắc uống ngày 1 thang.

- Bài 2 (Tứ vật thang): Thục địa 16g; đương quy, bạch thược mỗi vị 12g; xuyên khung 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Thể tâm âm hư (thường gặp ở phụ nữ mất máu nhiều khi sinh). Triệu chứng: Hồi hộp, trằn trọc, ít ngủ, hay quên, sốt hâm hấp, hay ra mồ hôi trộm, lòng bàn tay, bàn chân nóng, miệng khô, lưỡi đỏ.

- Bài 1: Tam thất tán nhỏ, uống với nước cơm, mỗi ngày 8g.

- Bài 2: Sa sâm, mạch môn, kỷ tử, liên nhục mỗi vị 12g, long nhãn 10g; tâm sen, toan táo nhân mỗi vị 8g; đăng tâm 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chế độ dinh dưỡng khi cho con bú

Bạn ăn gì, uống gì giờ không chỉ cho riêng bạn nữa rồi. Chế độ dinh dưỡng của cơ thể bạn giờ là dành cho bé yêu. Vì bé, bạn hãy chú ý nhé.

1. Cố gắng ăn những thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng. Bạn nên kềm chế cơn thèm với những thứ trước đây bạn thích nhưng có chứa ít hàm lượng calo nhé.

2. Cân bằng chế độ dinh dưỡng hàng ngày với lượng protein, chất béo, cacbonhydrate vừa đủ. Đây không phải là lúc mà bạn thực hiện chiến dịch giảm cân vì thấy mình quá "khổ" sau khi sinh. Hãy để thật tự nhiên. Béo béo một chút nhưng vì sức khỏe của bé thì cũng đáng mà.

3. Mỗi ngày cung cấp thêm hàm lượng calo, không quá 500g.

4. Uống nhiều nước vì khi cho con bú cơ thể sẽ bị thiếu nước. Trước mỗi lần cho con bú, nên uống một cốc nước, tuyệt đối tránh dùng cà phê hay các thức uống khác như: bia, rượu, trà…Nên uống 8 cốc nước mỗi ngày.

5. Nếu bạn nghiện hoặc thèm rượu hoặc uống vì bất kỳ lý do gì thì chỉ uống khi đảm bảo không cho con bú sau đó một vài giờ, và không uống quá 1 hoặc 2 cốc/ngày.

6. Trong chế độ ăn uống hàng ngày nên chú ý tới lượng calci và sắt. Để giúp cho cơ thể bạn hấp thụ chất sắt tốt hơn, kết hợp thực phẩm giàu chất sắt với thực phẩm chứa vitamin C.

7. Vẫn tiếp tục duy trì “nạp” lượng vitamin giống như trước khi sinh. Dành chút thời gian phơi nắng hàng ngày để làm tăng lượng vitamin D trong cơ thể bạn.

Lưu ý:

- Cho con bú chính là phương thức hữu hiệu để giúp bạn giảm cân nên bạn đừng quá e ngại khi ăn nhiều chất dinh dưỡng. Đó chỉ là dành cho bé thôi. Nhiều bà mẹ thấy trọng lượng cơ thể giảm nhanh rõ rệt mặc dù ăn nhiều hơn bình thường.

- Hãy xem xét kỹ lưỡng các loại thuốc mà bạn sử dụng vì thuốc đó có thể truyền vào con bạn qua đường sữa và theo dõi xem nó có làm giảm lượng sữa trong cơ thể không.

- Một chế độ ăn chay hợp lý cũng không quá ảnh hưởng gì đến các bà mẹ khi đang cho con bú. Nhưng nếu vì lý do gì đó mà bạn đang thực hiện chế độ ăn chay thì nên tìm cách cung cấp đủ các dưỡng chất, vitamin cần thiết.

- Nếu như trẻ hay khóc hoặc đau bụng thì có lẽ trẻ rất nhạy cảm với chế độ ăn uống của bạn đấy (đặc biệt trong gia đình bạn có “tiền sử” bị dị ứng thức ăn). Thủ phạm có thể là các thực phẩm chế biến từ sữa, cà phê, thực phẩm có chứa chất acid và chất cay nóng. Hãy cẩn thận!

Các món ăn bồi bổ cho sản phụ

Sau khi sinh nở, phụ nữ cần được bồi bổ để bù đắp lại sức lực bị tiêu hao, kể cả phần máu mất đi. Việc bồi bổ cho người mẹ còn nhằm mục đích cung cấp dinh dưỡng cho đứa trẻ mới ra đời. Một vài món ăn sau đây sẽ giúp cho các bà mẹ rất nhiều đấy...

Thịt lợn hấp lươn: Là một trong những món ăn rất tốt cho người mới sinh. Lươn 250g, thịt lợn 100g, hành, gừng, muối, rượu vang, xì dầu vừa đủ. Làm sạch lươn, bỏ ruột, thái miếng cả lươn và thịt lợn, ướp gia vị rồi hấp, ăn cả nước và cái.

Chè trứng, táo: Trứng gà tươi 2 quả, lạc nhân 100g, đại táo 12 quả, đường đỏ 50g. Luộc chín lạc, sau đó cho trứng gà và đường đỏ vào nấu cùng. Ăn cái, uống nước canh. Mỗi ngày 1 lần, cần dùng liên tục 20 ngày.

Nước lá tía tô, hành: Hành 50g, lá tía tô 10g, đường đỏ 50g. Luộc hành và lá tía tô, sau đó gạn lấy nước cho đường đỏ vào uống. Uống nóng, ngày 1 lần trong một thời gian.

Nếu bị nhiệt sau sinh

Phụ nữ sau sinh bị nhiệt cần ăn kiêng các chất cay nóng: như ớt, tiêu, rượu, thuốc lá, mỡ, các đồ uống lạnh và các thức ăn nóng như: quế, thức ăn rán, thịt cừu… Những món ăn có tác dụng giải nhiệt là:

Canh bầu dục lợn: Bầu dục lợn 1 quả, đậu xị 15g, hành 10g, gạo tẻ 50g. Bầu dục lợn làm sạch cho cùng gạo tẻ, đậu xị vào nồi nấu thành canh, thả hành vào ăn.

Canh mộc nhĩ đen, quả dâu: Mộc nhĩ đen 10g, quả dâu 30g, hồng táo 7 quả, cho vào nồi nấu chín làm món ăn điểm tâm hàng ngày.

Cháo thịt, đậu xị, hành: Đậu xị 10g, hành 10g, cho vào đun lấy nước rồi cho thịt xay vào nấu cháo ăn. Cần ăn vài tuần, hoặc thay món cho dễ ăn.

Cháo chim bồ câu, hạnh nhân: Thịt bồ câu 100g, hạnh nhân ngọt 100g, cho vào nấu ăn.

Nước quýt hoa hồng: Dùng nước quýt 30g, hoa hồng 3g. Sắc lấy nước uống trong ngày thay trà.

Tim lợn hầm muối: Tim lợn 1 quả, cho vào hầm nhỏ lửa chín nhừ nêm muối vào ăn.

Cháo cá đậu xị: Đậu xị 15g, thịt cá chầy bạc 100g, cùng cho vào nồi nấu ăn.

Trà dây mướp: Dây mướp 10g, cho sắc lấy nước uống thay trà trong ngày.

Cháo lươn, nước gừng: Lươn 150g, nước gừng 10-20ml, cho vào gạo tẻ nấu thành cháo ăn.

Cháo rau cải dầu: Dùng 100g cải dầu nấu với gạo tẻ thành cháo ăn.

Nếu bị băng huyết

Trong vòng 24 tiếng sau sinh, nếu như âm đạo ra máu trên 400ml thì được coi là băng huyết, cần báo ngay cho bác sĩ. Nguyên nhân có thể là sót nhau, tử cung co kém, rách phần mềm ở âm đạo hay cổ tử cung, trở ngại chức năng đông máu... Một số món ăn có thể hỗ trợ cải thiện tình hình:

Thịt lợn, bách hợp, đương quy: Bách hợp 30g, đương quy 9g, thịt lợn nạc 60g, cho cả vào nấu chín. Cần ăn 5-7 ngày.

Giấm luộc trứng gà: Dùng giấm và rượu mỗi loại một nửa cho trứng gà vào luộc, ăn trứng gà.

Lòng trắng trứng gà: Trứng gà 1 quả, đập lấy lòng trắng, cho giấm lượng tương đương lòng trắng trứng gà, cho thêm 15g sơn tra vào nấu lên uống.

Cháo cá chép, nước hoa đậu răng ngựa: Nước hoa đậu răng ngựa 30g, thịt cá chép 250g, cho gạo vào nấu cháo ăn.

Cháo hoa phù dung: Hoa phù dung 15g, sắc lấy nước, cho gạo và đường vào nấu cháo ăn.

Nếu ra sản dịch kéo dài

Chè cà đường đỏ: Cà 2 quả thái lát, đường đỏ 50g, cho vào nấu cùng, mỗi ngày 1 lần, ăn liên tục 7 ngày.

Nước ngó sen: Ngó sen tươi 500g giã nát, vắt lấy nước uống ngày một lần.

Nước đậu: Đậu đen, đậu đỏ mỗi loại 200g, cho cả 2 thứ vào rang qua, sau cho nước cùng men rượu nấu lấy nước uống, ngày uống một lần.

Nước sơn tra, lá chè: Sơn tra (táo mèo) 50g, lá chè 6g, đường đỏ 100g, cho cả vào nấu cùng, lấy nước uống. Ngày uống 2 lần.

Canh trứng: Đậu phụ 2 bìa, trứng gà 2 quả, một ít đường trắng, cho tất cả vào nấu thành canh để ăn vào sáng sớm khi đói, ngày ăn một lần và ăn thường xuyên.

Nước gừng: Gừng tươi 50g nướng cháy, đường đỏ 50g, hai thứ nấu lấy nước uống, ngày uống 2 lần.

Canh trứng vịt: Trứng vịt 1 quả, tô mộc 6g, ngó sen 30 g. Cho tô mộc và ngó sen vào sắc lấy nước bỏ bã, sau cho trứng vịt đã luộc bỏ vỏ vào đun một lát, ăn trứng, uống nước canh, ngày 1 lần, ăn liền 5 ngày.

Nếu mất máu nhiều gây choáng

Sau khi sinh nếu đột nhiên thấy chóng mặt, hoa mắt, nôn mửa, có khi bất tỉnh thì đó là biểu hiện mất máu, cần báo ngay cho bác sĩ. Một số món ăn hỗ trợ làm khỏi bệnh:

Nước sâm: Hồng sâm 10g, thái lát cho nước vào nấu uống.

Cháo a giao: A giao 15g, gạo nếp 30g, cho gạo nếp vào nấu thành cháo chín thì cho a giao vào, vừa đun vừa khuấy, sôi nhào lên là ăn được.

Gà hầm thuốc: Gà mái 1 con, đương quy 30g, xuyên khung 15g, làm sạch thịt gà cho vào hầm cùng đương quy, nấu chín, ăn thịt gà uống nước canh.

Trứng gà, rau cần: Rau cần 100g, trứng gà 2 quả, nấu chín ăn trứng, bỏ canh.

Đậu đen, hồng hoa sắc: Đậu đen 30g, hồng hoa 6g, sắc lấy nước cho 60g đường đỏ vào uống nóng.

Mộc nhĩ đen hầm: Mộc nhĩ đen, đường phèn, lượng như nhau, đem hầm nhừ, mỗi lần uống 1 thìa, ngày 2 lần. 

Các món đậu phụ cho người mới sinh con

Nếu thấy mệt mỏi sau ca vượt cạn, bạn có thể ăn món canh đậu phụ chân giò hun khói. Còn món canh đậu phụ giá đỗ có tác dụng bổ máu thông sữa, thích hợp cho mọi sản phụ.

Canh đậu phụ, chân giò hun khói

Tác dụng: Làm tăng hứng thú ăn uống cho sản phụ đối với những người sau sinh mệt mỏi.

Nguyên liệu : Đậu phụ 250 g, trứng gà 1 quả, chân giò hun khói 30 g, mỡ lợn, canh xương lợn, rượu, gia vị, tinh bột, muối tinh, hành lá... lượng vừa đủ.

Chế biến : Đập trứng vào bát sứ, cho tinh bột lượng vừa phải và trộn đều. Chân giò hun khói, rửa sạch, thái nhỏ hạt lựu, đậu phụ cắt hình tam giác nhỏ, xếp phẳng trên đĩa đã thoa mỡ, đổ trứng lên, trộn khuấy đều, bên trên xếp các viên chân giò hun khói, đưa vào chõ hấp chín rồi lấy ra. Đun sôi canh xương lợn, đổ đậu phụ đã hấp chín vào, để sôi lại, thêm muối tinh, hành lá. Ăn cùng cơm hằng ngày.

Trứng gà, váng sữa đậu nành

Món ăn này phù hợp cho phụ nữ bị sản hậu dạng âm hư, nóng trong, sản dịch không hết. Nó giúp thanh nhiệt, mát máu, cầm máu.

Nguyên liệu : Váng sữa đậu nành 1 tấm, trứng gà 2 quả, đường kính 30 g.

Chế biến : Cắt đậu phụ thành từng miếng nhỏ, đập trứng gà lấy lòng đỏ, đun canh bằng lửa to, khi nước sôi đổ đậu đã thái vào cùng đường kính và lòng đỏ trứng gà, tiếp tục đun to lửa để lòng đỏ chín là được, có thể ăn với cơm hoặc ăn riêng.

Canh đậu phụ giá đỗ

Tác dụng bổ tỳ ích vị, bổ máu thông sữa, thích hợp dùng cho sản phụ.

Nguyên liệu : Giá làm từ đậu nành dài 2-2,5 cm, đậu phụ 250 g, mỡ lợn 50 g, muối tinh, hành cọng đủ dùng.

Chế biến : Nhặt rửa sạch giá, để ráo nước, cho vào bát ngâm nước nóng để khử mùi ngái. Đậu phụ thái vuông khoảng 1 cm2. Đặt nồi lên bếp, cho mỡ lợn vào đun nóng 70%, cho cọng hành phi dậy mùi thơm thì cho giá đậu nành vào xào chín một nửa, đổ 1 lít nước sôi, cho to lửa để 30 phút thì cho đậu phụ vào đun tiếp 20 phút khi nước canh có màu trắng sữa, cho muối vào là được, ăn cùng cơm.

Tương dầu đậu phụ

Dùng cho phụ nữ thiếu máu sau sinh. Có tác dụng bổ thận cứng xương, kiện tỳ, sinh huyết, thanh nhiệt hạ hỏa, bảo vệ da, làm trơn cơ.

Nguyên liệu : Đậu phụ dầu tức là đậu phụ ngâm 100 g, thịt lợn nạc 100 g, dầu thực vật 5 ml, xì dầu 15 ml, tinh bột ướt vừa dùng.

Chế biến : Rửa sạch thịt nạc, băm vụn, trộn cùng với một chút dầu, xì dầu, sau vê viên để nhồi vào đậu phụ, bỏ vào hầm trong nồi, cho một chút nước và xì dầu, đến khi thịt chín cho tinh bột vào là được, ăn với cơm.

10 món ăn làm tăng sữa mẹ

Nếu đã chán món cháo móng giò mà vẫn muốn có nhiều sữa cho con, sản phụ có thể ăn tôm nõn nấu cùng rượu. Tôm nõn 100 g, rượu gạo 250 g, nấu đến khi tôm nõn chín nhừ, ăn nóng cả nước lẫn cái. Cần ăn trong 5-6 ngày.

Một số món ăn tăng tiết sữa khác:

Canh móng giò, hoàng kỳ: Móng giò 500 g, hoàng kỳ 30 g, đương quy 15 g, thông thảo 4 g. Tất cả cho vào nồi hầm nhừ, cho thêm ít rượu và mấy lát gừng nấu thêm chút nữa là ăn được, ăn hết cả nước lẫn cái. Ăn trong 5-7 ngày.

Sườn lợn hầm sơn giáp: Sườn lợn 500 g, xuyên sơn giáp 10 g, hoàng kỳ 30 g. Tất cả nấu cùng đến nhừ, thêm chút rượu vào, ăn thịt uống canh. Cần ăn 4-5 ngày.

Thịt cừu hầm đương quy: Thịt cừu 500 g, đương quy 20 g, cho cả vào hầm nhừ, sau thêm chút rượu và mấy lát gừng tươi, ăn thịt uống canh. Ăn trong 4-5 ngày.

Canh móng giò: Móng giò 1 cặp, gia vị vừa đủ, luộc chín vớt ra, giữ nước cho mì vào, ăn mì nước với móng giò. Cần ăn trong 7-10 ngày.

Canh móng giò, thông thảo: Móng giò 1 chiếc, thông thảo 2 g, cho vào cùng luộc nhừ, nêm gia vị vừa miệng, ăn thịt, uống nước canh. Mỗi ngày ăn 1 lần, cần ăn 4-6 ngày.

Canh móng giò, lá quýt, thanh bì: Móng giò 500 g, lá quýt diệp 10 g, thanh bì 10 g, nấu chín nhừ ăn thịt uống nước canh. Ăn trong 5-7 ngày.

Canh mạch nha, cá diếc: Cá diếc sống 1 con, mạch nha 20 g, nấu chín, nêm đủ gia vị, ăn cá uống nước canh. Cần ăn 5-7 ngày.

Canh cá diếc, thông thảo: Cá diếc sống 1 con, thông thảo 3 g, đương quy 5 g, nấu cùng, chín ăn cá, uống nước canh. Cần ăn 5-7 ngày.

Gà mái hầm hoàng kỳ: Gà mái 1 con, hoàng kỳ 50 g, cho hầm nhừ pha chút rượu và mấy lát gừng, ăn cái uống nước canh. Cần ăn 4-5 lần, ngày 1 lần, có thể ăn cách nhật.

ĐÁNH GIÁ
4.5 / 5

Bài hay? Đánh giá ngay!
Chọn số sao
           
Gửi thành công! Cảm ơn bạn đã đánh giá!
Tư vấn 1:1 qua chat và video Zalo
Chat ngay!
- Chuyên gia hàng đầu về THAI GIÁO và GIÁO DỤC SỚM (không phải bác sĩ)
- Trực tiếp nghiên cứu và ứng dụng thai giáo, giáo dục sớm cho con trai nên các bài học có tính ứng dụng RẤT CAO, không lý thuyết hàn lâm
- CEO App Mamibabi
- Tác giả TOP sách thai giáo bán chạy tại TIKI: Rủ chồng thai giáo
- Chuyên gia Phát triển Ứng dụng cho Mẹ và bé được sử dụng bởi hàng triệu người
CÂU HỎI CÙNG QUAN TÂM
Nhận ngay 5,000+ hoạt động Thai giáo, Giáo dục sớm, Tập nói sớm, Ăn dặm VIP
Thai giáo
Giáo dục sớm
EASY, Luyện ngủ
Tập nói sớm
Ăn dặm VIP
Tư vấn 1:1
Sau sinh
BÀI MỚI ĐĂNG