Sau khi sinh, đôi khi các bà mẹ trẻ sẽ bối rối trước rất nhiều lời khuyên về việc ăn uống, vận động, kiêng cữ của những người lớn tuổi xung quanh. Vậy bạn cần làm gì cho đúng?
Trong thời gian đầu mới sinh, bạn không nên ngồi nhiều để tránh lực ép lên các mũi khâu, nên vệ sinh mũi khâu sạch sẽ bằng nước ấm sau khi đi vệ sinh.
Nếu cho con bú, bạn có thể bị đau quặn ở bụng. Đó là do tử cung co thắt để trở lại kích thước bình thường, đây là một dấu hiệu cho thấy sự co hồi tử cung tốt. Cơn đau này có thể kéo dài nhiều ngày.
Ban đầu tiểu tiện sẽ khó khăn vì đau, tuy nhiên bạn không nên nhịn mà cố đi tiểu càng sớm càng tốt, trong những ngày đầu bạn sẽ đi tiểu nhiều hơn vì cơ thể bạn tháo đi nước dư tích lại trongh lúc mang thai.
Nếu bạn không thấy muốn đi cầu trong vài ngày sau sinh thì nên đứng dậy đi lại nhiều hơn, uống nhiều nước và ăn nhiều rau quả để kích thích nhu động ruột.
Nên sử dụng một băng vệ sinh sạch áp vào mũi khâu khi đi cầu và tránh rặn quá mạnh. Nếu bị táo bón, bạn nên hỏi bác sĩ để được dùng thuốc nhuận tràng.
Sau khi sinh, bạn sẽ thấy dịch chảy ra ngoài âm hộ. Những ngày đầu thường nhiều và có màu đỏ tươi, sau 4-5 ngày sẽ giảm dần với màu nâu và hết trước 2 tuần hậu sản. Tuy nhiên, ở tuần thứ 2-3 bạn có thể thấy ra chút huyết đỏ tươi từ âm đạo khoảng 1-2 ngày. Đó là kinh nan, được coi như một hiện tượng sinh lý bình thường. Còn kỳ kinh thực sự đầu tiên sau khi sinh thường kéo dài hơn và ra máu nhiều hơn bình thường. Nếu bạn cho con bú, kỳ kinh đầu tiên thường có khi 6-8 tháng sau hoặc có thể đến khi bạn cai sữa cho bé. Nếu bạn cho bé bú bình, kỳ kinh đầu thường có vào khoảng tuần thứ 4-6 sau khi sinh.
Nghỉ ngơi là việc rất cần thiết sau sinh, tuy nhiên, bạn nên vận động càng sớm càng tốt khi có thể với nguyên tắc không quá sức. Đi lại sớm sẽ giúp khởi động nhu động ruột, bạn dễ tiểu tiện, sản dịch mau ra và tử cung co hồi tốt hơn.
Ngay từ ngày thứ nhất khi nằm trên giường, bạn có thể gập lên thả xuống bàn chân ở khớp mắt cá, việc này sẽ làm giảm sưng chân và giúp máu lưu thông tốt hơn.
Sau tuần thứ 2, bạn có thể tập nhẹ nhàng các động tác cho cơ bụng, tuy nhiên nếu bạn sinh mổ thì chỉ bắt đầu tập khi vết khâu đã lành hoàn toàn và phải ngưng tập nếu vẫn còn cảm giác đau.
Trong 6 tháng đầu sau sanh, nếu bạn cho con bú thì mức năng lượng nhu cầu là 2750Kcal/ngày, còn cao hơn cả lúc có thai. Như vậy, năng lượng tăng thêm mỗi ngày là 550Kcal, trong đó hai thành phần đáng lưu ý nhất là protein (chất đạm) và calci. Nhu cầu protein tăng thêm mỗi ngày là 28gr, gần gấp đôi nhu cầu cần tăng khi mang thai. Còn lượng calci cần là 1000mg/ngày, gấp đôi nhu cầu bình thường. Ngoài ra các vitamin A, B, C, PP cũng cần tăng đôi chút.
Để đáp ứng được nhu cầu tăng như trên, hàng ngày bạn cần ăn thêm: 1-2 bát cơm (2 bát cơm tương đương 100g mì, 250g phở hay 300g bún); 50-100g thịt heo, bò, gà (tương đương khoảng 100-200gr tôm, cá); 1-2 ly sữa bột; rau xanh và trái cây tươi.
Để có đủ sữa cho bé bú, bạn không nên ăn thức ăn quá khô và ram mặn, nên ăn đủ nước canh, nước soup, uống sữa khoảng 1-2 lít/ngày. Dù bạn không cho con bú thì trong tháng đầu sau sanh vẫn nên ăn uống đầy đủ như trên để cơ thể mau phục hồi sau một cuộc vượt cạn
Ngoài việc mang nặng đẻ đau, sau khi sinh, sản phụ còn phải xử lý khá nhiều tình huống: đau bụng, đường ruột... Biết cách chăm sóc bản thân sẽ giúp bạn khỏe mạnh để nuôi dưỡng đứa con thân yêu của mình.
Đau quặn ở bụng dưới, đau từng cơn, khi đau thấy nổi một cục cứng, nhất là khi cho bé bú, đó là do dạ con đang co thắt. Đây là dấu hiệu tốt, chứng tỏ cơ thể đang từ từ trở lại bình thường. Các cơn đau xuất hiện nhiều ở 3 ngày đầu sau sinh, giảm dần và hết đau khoảng 7 ngày sau đó. Không nên tự ý uống thuốc giảm đau, sẽ ảnh hưởng đến sữa mẹ.
Đi tiểu nhiều hơn bình thường trong những ngày đầu, vì cơ thể phải thải một lượng nước dư bị tích lại trong thời gian mang thai. Đây cũng là nguyên nhân làm cho các bà mẹ sau khi sinh đổ mồ hôi rất nhiều. Một số bà mẹ lại đi tiểu khó hoặc đi không được, do trong lúc sinh, thai nhi đè ép lên bàng quang, làm bàng quang bị tê liệt tạm thời. Cố gắng đi tiểu càng sớm càng tốt, ngay sau khi sinh. Cần chú ý uống nhiều nước vì như vậy bàng quang mới có nước tiểu để làm việc. Đứng dậy, vận động đi lại, tập cho bàng quang hoạt động, làm cho dòng nước tiểu mạnh hơn.
Có thể ngâm mình trong nước ấm, rồi rửa sạch và lau khô. Nếu tập rồi mà đi tiểu vẫn khó, hãy báo với bác sĩ.
Ra máu ở âm đạo từ sau khi sinh cho đến 2 tuần sau, một số bà mẹ có thể gặp hiện tượng này đến 6 tuần. Lúc đầu máu ra nhiều, đỏ tươi, sau đó sậm, ít dần, thành màu hồng nhạt, rồi lầy nhầy như máu cá, và hết hẳn. Bạn có thể dứt nhanh hơn nếu cho con bú, vì khi ấy, dạ con co thắt nhiều, siết chặt các mạch máu bị tổn thương và sẽ cầm máu tốt hơn.
Trong thời kỳ này, bạn phải mang băng vệ sinh để thấm máu, không nên dùng vải hoặc giấy dơ. Tuyệt đối chỉ đeo băng vệ sinh ở bên ngoài chứ không nhét bông gòn vào âm đạo, làm sản dịch không thoát ra được, gây nhiễm trùng, rất nguy hiểm.
Có thể một vài ngày đầu sau sinh bạn sẽ không đi cầu, do thụt tháo trước sinh, hoặc trong khi sinh, em bé chui ra đến đâu, đẩy hết phân trong ruột ra đến đó. Sau khi sinh, nằm một chỗ, ít vận động khiến ruột cũng giảm nhu động nên khó đi cầu, hoặc do ăn uống kiêng khem, thiếu rau, chất xơ để kích thích ruột, rồi do đau ở vết may làm bạn sợ, mất cảm giác đi cầu...
Để khắc phục, bạn hãy đứng dậy, vận động đi lại, càng sớm càng tốt. Uống nhiều nước và ăn thức ăn có nhiều chất xơ. Khi thấy mắc đi cầu hãy đi ngay, tuy nhiên, đừng rặn thái quá. Nếu thấy bị bón quá, bạn có thể dùng thuốc bơm hậu môn để đi cầu cho dễ hơn. Khi đi cầu, nên dùng một miếng băng sạch áp vào vết may tầng sinh môn cho bớt căng, bớt đau, và cũng để cho bạn yên tâm hơn.
Thường đau nhiều sau sinh, lúc đã tan hết thuốc tê, giảm dần, và hết đau sau sinh một tuần. Tuy nhiên, để có thể ngồi được như bình thường thì phải 2 tuần sau, thậm chí có bà mẹ đau gần một tháng. Để bớt đau đớn, bạn nên vận động, tập luyện sàn khung xương chậu càng sớm càng tốt cho mau lành vết thương. Giữ vệ sinh vết may thật sạch, sau khi đi cầu, đi tiểu, nên rửa sạch và lau khô. Khi ngồi nhiều bị đau, nên nằm xuống để tránh lực ép lên vết may.