Tư vấn     Thai giáo
Mamibabi Tư vấn
THAI NHI 6 TUẦN TUỔI PHÁT TRIỂN NHƯ THẾ NÀO? MỌI ĐIỀU MẸ CẦN LÀM ĐỂ CON PHÁT TRIỂN TỐT NHẤT

Dưới đây là những chia sẻ của anh Phạm Ngọc Thắng, nhà sáng lập ứng dụng thai giáo Mamibabi, đồng thời là tác giả cuốn sách “Rủ chồng thai giáo” về sự phát triển của thai nhi 6 tuần tuổi:

THAI NHI 6 TUẦN TUỔI DÀI BAO NHIÊU?

Mang thai 6 tuần nghĩa là mẹ và bé đang ở tháng thứ 2 của thai kỳ. Ở tuần này, con nặng khoảng 1g và dài khoảng 6mm, tương đương kích thước của 1 hạt đậu nành.
Con lúc này mới chỉ như một mầm cây tí hon thôi mẹ nhé. Và cũng chưa thể nhìn thấy rõ các đường nét của con đâu ạ.

THAI NHI 6 TUẦN TUỔI PHÁT TRIỂN NHƯ THẾ NÀO?

Tuy con bé xíu nhưng con đã thành hình rồi. Nếu mẹ xem trên mạng các hình ảnh phóng to thai nhi 6 tuần tuổi thì sẽ thấy con giống như một chú nòng nọc to với phần thân cong hình chữ C, phần đầu đã phát triển. Các nét trên khuôn mặt con đang ngày một thành hình hơn. Mắt của con lúc này trông chỉ như 2 chấm đen nhỏ xíu thôi, và cách nhau khá xa, có cảm giác gần về phía thái dương hơn. Và các cơ quan nội tạng cũng đang phát triển từng ngày.

Tay và chân của con ở tuần này bé tí hon, có lẽ phải dùng từ mầm tay, mầm chân nghe sẽ đúng hơn. Tuy vậy, bàn tay và bàn chân con vẫn đang từng ngày nhô ra từ cánh tay và cẳng chân. Sau một thời gian nữa mẹ sẽ thấy tay chân con rõ hơn.

KHÁM THAI TUẦN THỨ 6

Nếu những tuần trước mẹ nào chưa đi khám thai thì nên đi khám ở tuần này các mẹ nhé. Bác sĩ sẽ giúp mẹ cân đo, tính chỉ số BMI xem cân nặng có bị thừa hay thiếu không, nên tăng bao nhiêu cân, tính ngày dự sinh, xem tình trạng phôi thai thế nào, thai đã vào tử cung chưa, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu.

THAI 6 TUẦN TUỔI CRL BAO NHIÊU?

Khi đi khám thai, có một chỉ số thường được các mẹ quan tâm, đó là CRL, Đây là số đo chiều dài từ đầu đến mông, và thể hiện tốc độ phát triển của thai nhi. Chỉ số CRL ở tuần này của con là khoảng 4 – 7mm

THAI 6 TUẦN TUỔI NỒNG ĐỘ BETA HCG BAO NHIÊU?

Ngoài chỉ số CRL, 1 chỉ số khác nhiều mẹ cũng quan tâm đó là nồng độ Beta HCG. Việc xét nghiệm định lượng nồng độ Beta HCG sẽ giúp theo dõi nhai nhi đề phòng xảy ra những bất thường như sảy thai, thai ngoài tử cung, hay các bệnh lý thai kỳ. Ở tuần thứ 6, nồng độ Beta HCG là 1.080 – 56.500 mIU/mL. Tuy vậy nồng độ này chỉ mang tính tương đối thôi vì thực tế có nhiều mẹ đo thấy nồng độ này thấp hoặc cao hơn bình thường nhưng thai nhi vẫn khỏe mạnh. Nếu có vấn đề gì bất thường thì khi khám thai cụ thể bác sĩ sẽ nói cho mẹ.

NHỊP TIM THAI 6 TUẦN – THAI 6 TUẦN CÓ TIM THAI CHƯA?

Ở tuần thứ 6 này, nhịp tim thai trung bình của con là 110 nhịp/phút. Khi đi khám thai, mẹ hãy bảo các sĩ bật loa to lên chút để bố mẹ được nghe nhịp tim con nhé.

THAI 6 TUẦN CHƯA CÓ PHÔI CÓ SAO KHÔNG?

Ngoài tim thai, có một vấn đề nữa khá nhiều mẹ quan tâm ở tuần này, đó là đi khám thai cho kết quả đã có yolksac, tức là túi noãn hoàng, nhưng chưa có phôi thai. Như vậy liệu có sao không.

Điều mình có thể khuyên các mẹ là hãy chờ đợi thêm 1 tuần nữa và khám thai lại. Trong một số trường hợp, thai 6 tuần đã có túi noãn hoàng nhưng chưa có phôi thai do các nguyên nhân như mẹ nhớ nhầm ngày cuối của kỳ kinh nên tính sai tuổi thai, hoặc phôi thai quá nhỏ chưa thấy được, hoặc xảy ra sai sót khi siêu âm. Như vậy sẽ không có gì nguy hiểm.

Nhưng cũng có trường hợp siêu âm 6 tuần có yolksac nhưng chưa có phôi thai là do thai bị hỏng hoặc các vấn đề không mong muốn khác. Vì vậy, mẹ hãy cố gắng nghỉ ngơi, suy nghĩ tích cực và khám lại sau 1 tuần nhé.

DẤU HIỆU THAI 6 TUẦN KHÔNG PHÁT TRIỂN

Đặc biệt nếu mẹ không thấy mình có các dấu hiệu sảy thai thường gặp như đau bụng dưới, đau lưng, ra máu, dịch âm đạo bất thường, mất triệu chứng ốm nghén… thì nhiều khả năng con vẫn đang phát triển bình thường, mẹ càng cần suy nghĩ tích cực và nghỉ ngơi đầy đủ mẹ nhé.

THAI 6 TUẦN BỤNG TO CHƯA?

Ở tuần thứ 6 này, cơ thể mẹ sẽ có một số thay đổi. Nhưng có 1 điểm chắc sẽ ít thay đổi nhất, đó là bụng của mẹ. Thường ở tuần này chưa thấy bụng rõ đâu ạ, nhất là với các mẹ mũm mĩm, phần bụng dày thịt thì gần như sẽ không thấy bụng có gì khác biệt.

Tuy bụng không thay đổi nhưng tâm trạng và sức khỏe của mẹ sẽ có chút thay đổi. Các triệu chứng ốm nghén rõ rệt hơn, mẹ thường xuyên buồn nôn, khó chịu, chán ăn, đi tiểu nhiều, tính tình sáng nắng chiều mưa, vừa mới vui xong tự dưng lại buồn… Tất cả đều là bình thường đối với mẹ bầu các mẹ nhé!

MANG THAI 6 TUẦN ĐAU BỤNG LÂM RÂM

Một số mẹ sẽ thấy hiện tượng đau bụng lâm râm. Việc này có thể do nhiều nguyên nhân, thường là do thai làm tổ, do căng cơ, do ốm nghén, các vấn đề về tiêu hóa. Chỉ một số ít trường hợp do thai gặp các vấn đề xấu. Tốt nhất, khi khám thai, mẹ hãy nói với bác sĩ về việc mình bị đau bụng. Dựa trên kết quả khám thai cụ thể, bác sĩ sẽ có lời khuyên cho mẹ.

MANG THAI 6 TUẦN RA MÁU NÂU

Ngoài đau bụng lâm râm, 1 hiện tượng nữa cũng khiến nhiều mẹ lo lắng, đó là ra máu nâu. Có mẹ mang thai 6 tuần hỏi là ra máu nâu có phải là bị sảy thai rồi không. Chưa chắc các mẹ nhé. Nếu chỉ dựa vào 1 yếu tố là ra máu nâu thôi thì không thể kết luận là sảy thai luôn được. Việc ra máu này có thể do chảy máu màng, do quan hệ tình dục hoặc sau khi khám thai. Nếu mẹ thấy lượng máu ít, chỉ lốm đốm, màu không đậm, không đau bụng, đau lưng, chóng mặt thì không cần lo lắng nhé. Tới lịch mẹ hãy đi khám thai và bác sĩ sẽ giúp mẹ biết được chính xác tình trạng của thai nhi.

THAI GIÁO TUẦN THỨ 6

Ở thời điểm 6 tuần, một số mẹ do các vấn đề về sức khỏe nên không thể đi lại vận động nhiều, khi đó nghe nhạc chính là cách thai giáo tốt nhất. Mẹ có thể nghe đa dạng nhạc cổ điển, nhạc thiếu nhi, nhạc nhẹ…

Nếu có sức khỏe tốt, mẹ có thể làm đồ thủ công cho con. Việc này vừa là thai giáo mỹ thuật, vừa là thai giáo trí tuệ, mẹ chỉ cần ngồi một chỗ để làm, không phải vận động mạnh. Đây cũng là cách giúp mẹ vừa thư giãn, vừa rèn luyện sự kiên nhẫn cho mình. Mẹ có thể học cách làm các món đồ thủ công đơn giản qua sách vở hoặc Internet. Và trong các hoạt động thai giáo hàng ngày của Mamibabi cũng có hướng dẫn làm đồ thủ công đó ạ.

Và một việc quan trọng nữa mẹ nên làm khi thai giáo, đó là trò chuyện cùng chồng. Khi thai 6 tuần tuổi, mẹ có thể có nhiều thay đổi về cả thể chất lẫn tâm lý. Mẹ nên dành thời gian trò chuyện nhiều hơn với bố và bé yêu. Đây là hình thức thai giáo tinh thần và thai giáo ngôn ngữ tốt, không chỉ giúp mẹ có tâm trạng tốt hơn trong thai kỳ, mà còn giúp bé yêu được làm quen với giọng nói của bố nữa.

THAI NHI 6 TUẦN TUỔI CẦN BỔ SUNG GÌ?

Về mặt thai giáo dinh dưỡng, ở tuần này, mẹ hãy chú trọng tới các cách ăn uống giúp giảm triệu chứng ốm nghén nhé. Mẹ có thể:
• Chia nhỏ bữa ăn, không ăn quá nhiều trong một bữa
• Ăn nhiều bữa ăn nhẹ trong ngày với thực phẩm lành mạnh như trái cây, ngũ cốc, các loại hạt
• Hạn chế tối đa đồ ăn chiên rán, dầu mỡ, cay nóng
• Uống nhiều nước và uống đa dạng loại nước như nước rau củ quả, trà cho bà bầu, sữa tươi
• Tránh ngửi những mùi gây buồn nôn
• Không ăn quá no gây ậm ạch, khó chịu
• Có thể bổ sung thêm đa dạng loại sữa như: sữa bò, sữa hạt, sữa bầu…

VẬN ĐỘNG TUẦN THỨ 6 THAI KỲ

Ngoài ăn uống, vận động hợp lý cũng đem lại rất nhiều lợi ích cho mẹ và bé như
• Giảm chuột rút, mệt mỏi, đầy hơi, phù nề, táo bón
• Giảm hiện tượng đau thắt lưng
• Tăng năng lượng cho mẹ bầu
• Giúp mẹ bầu thư giãn và ngủ ngon hơn

Mẹ không bắt buộc phải đến phòng tập dành cho bà bầu mà có thể vận động trong nhà với đa dạng hình thức như: làm việc nhà, tập thể dục, tập yoga, đi bộ… Đặc biệt trong bối cảnh covid vẫn đang phức tạp như hiện nay thì việc tập luyện trong nhà luôn là lựa chọn an toàn nhất mẹ nhé.

#thai_nhi_6_tuần_tuổi
#thai_giáo_tuần_thứ_6

0 Trả Lời
Lưu lại

Tải app để tham gia
Hoặc quét mã trên điện thoại để tải
Lưu ý: Thông tin tư vấn tại Mamibabi chỉ mang tính chất định hướng, không có giá trị thay thế chỉ định của bác sĩ. Mamibabi không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.
Nhận ngay 5,000+ hoạt động Thai giáo, Giáo dục sớm, Tập nói sớm, Ăn dặm VIP
Thai giáo
Giáo dục sớm
EASY, Luyện ngủ
Tập nói sớm
Ăn dặm VIP
Tư vấn 1:1
BÀI HỌC LIÊN QUAN
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
BÀI CÙNG QUAN TÂM
XEM THÊM CHỦ ĐỀ
Thai giáo
Giải đáp, chia sẻ mọi thắc mắc về Thai giáo
TÌM KIẾM