Nuôi con sao cho giỏi

4.9/5 (335 đánh giá)

Trẻ con khác với người lớn chúng ta ở chỗ trẻ đang lớn và đang phát triển. Đặc biệt trong năm đầu, trẻ lớn rất nhanh, có thể nói là “lớn như thổi” và một bé hai tuổi thôi, đã có chiều cao bằng nửa chiều cao lúc trưởng thành!

Nuôi con sao cho giỏi

Khi mới sinh, trung bình trẻ nặng 3kg và cao 50cm. Lúc 4 tháng, trẻ đã nặng gấp đôi tức 6kg và khi đầy tuổi đã nặng gấp 3 , tức 9kg. Chưa có giai đoạn nào người ta lên cân nhanh như vậy!

Tới 2 tuổi, trẻ đã nặng gấp 4, tức 12kg! Còn chiều cao cũng tăng nhanh: tới một tuổi, trẻ đã cao 75cm, tức gấp rưỡi lúc mới sinh và tới hai tuổi đã cao 85cm, bằng nữa chiều cao lúc trưởng thành (170cm).

Về bộ não, càng đáng để ý: lúc mới sinh ra, não đã nặng 300gr, đến 6 tháng, đã nặng gấp đôi, 600gr, và đến một tuổi đã tăng gấp ba, 900gr. Khoảng 2 tuổi, não đã phát triển đạt 80% rồi.

Bộ não người chỉ nặng hơn 1kg thôi. Điều đáng nói là sự thông minh của trẻ tùy vào bộ não. Nếu não kém phát triển, trẻ kém thông minh là chuyện dĩ nhiên. Do đó, nuôi con giỏi chính là nuôi trong những năm đầu này. Về sau, thì đã muộn, dù có hối hận, có bồi dưỡng đặc biệt gì nữa cũng trễ rồi! Không thể làm cho bộ não lớn ra được nữa, không thể làm cho xương mọc ra được nữa!

Câu hỏi đặt ra cho chúng ta là nhờ gì mà bé lớn và phát triển nhanh như vậy? Chính là nhờ ăn, nói khác đi là nhờ nuôi giỏi, nhờ dinh dưỡng tốt! Nuôi giỏi, ta mới có đứa con khỏe mạnh, ngoan ngoãn, thông minh, phát triển thể chất, tinh thần và vận động tốt.

Nuôi dở, ta sẽ có một đứa con òi ọp, bệnh hoạn, đau ốm liên miên, tốn tiền thầy, tiền thuốc không biết bao nhiêu mà kết quả là sẽ còi xương, ốm yếu, khờ khạo!

Nuôi con sao cho giỏi

Vậy nuôi trẻ như thế nào cho giỏi? Có khó không?

Rất dễ! Chỉ cần có tí hiểu biết về khoa dinh dưỡng, tức là cách ăn uống đúng là được!

Như chúng ta biết, có 3 yếu tố trong sự phát triển của trẻ: Lớn (cao và lên cân nhanh), có trí khôn (biết cười, biết nói...) và vận động (biết lật, biết bò, biết đi, biết chạy...).

Thức ăn phải làm sao đáp ứng được cả 3 mặt đó: Có thứ thức ăn làm cho mau lớn, gọi là thực ăn xây dựng; có thứ thức ăn giúp bé thông minh, chống bệnh tật gọi là thức ăn bảo vệ và có thứ thức ăn giúp có đủ “nhiên liệu” để hoạt động gọi là thức ăn vận động.

Thiếu thứ nào cũng bị lệch lạc, bệnh hoạn. Để cho dễ hiểu, ta hãy so sánh với một cái xe gắn máy: máy tốt chưa đủ, còn phải có bougie tốt (lửa tốt) và phải có xăng nữa thì mới chạy được.

  • Thức ăn giúp đủ “nhiên liệu” (xăng) là những thứ cung cấp năng lượng như đường, bột, gạo, bắp, khoai củ, mỡ, dầu (dầu phộng, dầu mẹ, dầu đậu nành...)
  • Thức ăn giúp phát triển trí khôn, mắt sáng, tai thính, linh hoạt, hoạt bát như “lửa đốt” trong xe chính là những thức ăn có nhiều sinh tố, muối khoáng như rau, trái cây (chuối, đu đủ, xoài, bí đỏ, cà rốt, rau muống, rau dền...)
  • Thức ăn giúp cao lớn, mau lên cân, tức thức ăn xây dựng gồm có cá, thịt, trứng, sữa, đậu (đậu nành, đậu đen, đậu trắng...).

Nhiều bà mẹ ngạc nhiên thấy cho con ăn bột rất nhiều mà sao không thấy lớn? Bởi vì còn thiếu hai thứ kia! Bột chỉ giúp nhiên liệu thôi, cũng như có xăng mà máy hỏng, bougie chết thì cũng chịu! Ba nhóm thức ăn đó phải luôn luôn cân đối, cũng như ba cái chân của một cái ghế, gãy một chân là ghế ngã liền!

Để cho dễ nhớ có lẽ ta nên lấy thí dụ đơn giản hơn nữa: Đó chính là hình ảnh ba ông táo! Bếp ăn của chúng ta xây dựng bằng ba ông táo! Thiếu một ông táo là đổ nồi cơm ngay! Ta có thể gọi ba ông táo một cách khoa học là “Ông táo xây dựng”, “Ông táo bảo vệ” và “Ông táo vận động” cho dễ nhớ vậy.

Hiểu ba nhóm thức ăn như vậy rồi vẫn chưa đủ, còn phải biết phối hợp các loại thức ăn đó là sao cho ăn được ngon, ăn được nhiều và có đủ chất:

  • Khi ta ăn một chén xôi nấu với đậu, thêm nước cốt dừa, ăn với muối mè thì ta có chất xây dựng (đậu), có chất bảo vệ (dừa) và chất vận động (dầu trong mè, dầu trong dừa và nếp).
  • Khi ăn khúc bánh mì có thêm thịt, phết tí bơ và ít rau xanh, ta có đủ các chất: bánh mì (bột), thịt (đạm), bơ (chất béo, cung cấp năng lượng) và rau xanh (vitamin, khoáng).

Ngoài ra còn phải biết cho ăn theo lứa tuổi. Trẻ sơ sinh thì làm sao mà ăn bánh mì thịt, xôi đậu được! Trẻ sơ sinh thì phải có sữa chứ! Điều kỳ diệu là trong sữa có đủ cả “3 ông táo” một cách cân đối, cho nên trẻ chỉ cần sữa mẹ thôi là đủ trong 6 tháng đầu sau đó mới bắt đầu cho ăn dặm thêm.

Ăn thêm dầu mỡ sợ khó tiêu?

Không sợ! Tốt nhất là dùng dầu ăn như dầu đậu nành, dầu mè, dầu phộng rất tốt lại có sẵn. Các loại bơ, phó mát cũng là chất béo lấy từ sữa thôi không tốt gì hơn dầu ăn của ta.

Khi trẻ lên 6 tháng, ăn cháo thịt, cháo cá, nên nấu với nhúm rau muống, rồi thêm vào mỗi chén 1 – 2 muỗng cà phê dầu ăn sẽ làm thức ăn mềm hơn, ngon hơn và cũng cấp nhiều năng lượng hơn!

Không nên kiêng dầu mỡ ở trẻ em (trừ trẻ béo phì). Dầu mỡ rất cần cho trẻ như xăng cần để chạy máy vậy.

Nuôi con sao cho giỏi

Vấn đề chất và lượng?

Bé ăn cả tô bự mà không mập mạnh bằng con người ta? Ăn cả tô bự rất tốt, nhưng tốt hơn nữa là ăn hai hay ba tô bự! Trẻ vẫn thèm ăn thì cứ cho ăn! Sau đó cần xem lại cái tô bự như vậy mà có sự góp mặt cả ba “ông táo” chưa? Nghĩa là có đủ các nhóm thức ăn xây dựng, thức ăn bảo vệ và thức ăn vận động chưa? Nếu cứ cháo với muối thì không thể nào lớn và khỏe mạnh được vì mới có một “ông táo”. Nên thêm vào đó ít thịt hoặc cá, ít rau đậu và một tròng đỏ trứng gà, một vài muỗng dầu đậu nành thì chất bổ sẽ tăng lên ngay.

Riêng trẻ còn nhỏ mà vì lý do gì không thể cho bú sữa mẹ được thì phải học kỹ về cách pha chế sữa bò. Một bé hai tháng tuổi đã phải bú ngày 6 bình, mỗi bình từ 100 đến 130ml sữa! Bú ít hơn, bé không đủ sức lớn. Phần lớn các bà mẹ không nắm rõ nhu cầu của bé, cho bú thiếu nên bé đói mà không biết! Tội là bé không biết nói để kêu ca!

Lúc bé bệnh có nên cho ăn không?

Sao lại không! Chính lúc bé đang bệnh mới cần ăn hơn hết để có sức chống bệnh. Cũng như muốn cái đèn cháy, ta cần phải châm dầu vậy! Nuôi con giỏi là nuôi lúc trẻ mạnh cũng như lúc trẻ đau ốm đều tốt, không để trẻ mất sức.

Một bà mẹ có con bị tiêu chảy, “can đảm” cho con ăn cháo muối hằng tháng đến nỗi còi xương với da thì thật đáng trách! Ngay người lớn chúng ta đây mà ăn cháo với muối hay với đường chừng 2 ngày thôi, đã đi không nổi, té xỉu, huống hồ trẻ con!

Dĩ nhiên, lúc bé nóng sốt, đau miệng, không ăn được nhiều, ta phải nghĩ ra cách cho ăn tốt: nên ăn làm nhiều lần, mỗi lần một ít, và đủ chất bổ dưỡng. Thức ăn nên loãng hoặc sệt và nếu miệng đau quá thì nên dùng thức ăn lạnh, không nên ăn nóng, càng đau.

Trong mọi trường hợp, bé nóng sốt đều khát nước, nhớ cho uống thêm nước. Thiếu nước bé sẽ sốt cao hơn, có khi làm kinh. Khi bé bớt bệnh thì cho ăn lại ngay, càng sớm trở lại bình thường càng tốt.

Trong trường hợp bé bú sữa mẹ mà bị tiêu chảy thì không bao giờ nên ngưng sữa, cứ cho bú, không sao cả. Tóm lại, lúc bé bệnh, càng chú ý cho ăn đầy đủ chất bổ dưỡng, cho uống nhiều nước, để bé có đủ sức chống bệnh, mau khỏi!

Cữ ăn, cữ uống là sai lầm, trừ trường hợp có lời khuyên của thầy thuốc: thí dụ bị bệnh thận, không nên ăn muốn (phải ăn lạt). Lúc đi khám bệnh, phải hỏi “nên cho trẻ ăn gì” mà đừng hỏi “nên cho trẻ kiêng ăn gì?” thì tốt hơn.

Những bệnh do sai dinh dưỡng

Ở trẻ em, bếp ăn còn quan trọng hơn là tủ thuốc. Đa số bệnh trẻ me có thể tự khỏi, không cần phải dùng thuốc gì cả, ngược lại, không được ăn uống đầy đủ thì trẻ sẽ bệnh nặng hơn, bệnh lâu lành hơn và gây ra nhiều bệnh khác nguy hiểm hơn, đó là những bệnh gọi chung là sai dinh dưỡng!

Khi đã sai dinh dưỡng rồi, phải kiên nhẫn sửa chữa lại, có khi hằng tháng mới có kết quả. Thí dụ, cho bé bú sai về chất cũng như về lượng, bé bị rối loạn tiêu hóa, gầy ốm, bụng to, ói ỉa hoài thì phải sửa chữa cách cho ăn, từ từ bé mới phục hồi được. Phải kiên nhẫn. Thuốc men lúc đó chỉ là phụ. Cái chính là ăn uống.

Các bệnh còi xương, suy dinh dưỡng phù, suy dinh dưỡng teo, thiếu sinh tố A (quáng gà, mù mắt), thiếu sinh tố B1 (liệt, suy tim cấp rất dễ chết!), thiếu sinh tố C bị xuất huyết, cong xương... đều là những bệnh do sai lầm trong ăn uống mà ra, phải chữa bằng ăn uống!

Thiếu máu ở trẻ chính là do thiếu sắt vì thế mua B12, Campolon chích không có lợi bằng ăn trứng gà, rau dền, rau muống! Chỉ cần ăn cà rốt, ăn trứng là đủ ngừa mù mắt ở trẻ! Nhiều trẻ bị mù lòa oan uổng vì cái dốt của chúng ta, rất đáng trách!

Sữa non rất quý

Nhiều bà mẹ cho sữa non là sữa xấu vì còn trong quá và nặn bỏ đi, đợi có sữa “thực thụ” mới bắt đầu cho bú! Không có gì sai lầm hơn! Cũng chính vì lý do đó mà trẻ sơ sinh bị sụt cân trong mấy ngày đầu vì đói.

Các nghiên cứu gần đây đều cho thấy sữa non là thứ sữa đặc biệt, rất tốt, dành cho bé lúc mới sinh. Trong sữa non có nhiều chất đạm, nhiều gấp 10 lần sữa thực thụ để giúp bé “xây dựng” cơ thể.

Những chất đạm đó là những viên gạch đầu tiên cho bé, bỏ phí đi rất uổng. Trong sữa non có nhiều IgA, là chất miễn dịch tác động tại ruột, giúp bé tránh được các bệnh đường ruột nguy hiểm ở thời sơ sinh. Lactoferrine giúp trẻ tạo máu và chống nhiễm trùng, lysozyme vừa chống cả vi trùng lần siêu vi có nhiều trong sữa non.

Sữa non có lượng bạch cầu cao, đến 4000 bạch cầu trong mỗi mililit, chính các bạch cầu này đã tạo ra IgA, Lactoferrine, Lysozyme và Interferon. Trong sữa non ít mỡ và đường, do đó dễ tiêu, phù hợp với bộ tiêu hóa còn yếu của trẻ.

Ngoài ra trong sữa non còn nhiều vitamini A, chất Na và Zn cần thiết cho trẻ. Tóm lại, sữa non là sữa tốt nhất dành cho trẻ mới sinh, đừng “dại dột” nặn bỏ đi rất uổng! Trái lại, không nên cho uống nước đường, nước cam thảo trong những ngày đầu như xưa nữa. Nếu bé yếu quá không nút được cũng nên nặn sữa non ra cho uống bằng muỗng, coi như “thuốc bổ và thuốc chống bệnh tật” vậy!

Sữa mẹ ít quá, phải làm sao?

Ít quá thì làm cho nhiều lên. Muốn cho có nhiều sữa, đủ cho trẻ bú nên theo những nguyên tắc sau đây:

Cho bú sớm ngay khi bé mới sinh để tạo phản xạ tiết sữa tốt ở bà mẹ. Khi bé nút thường xuyên núm vú mẹ thì phản xạ tiết sữa mới được thành lập.

Phải cho bú nhiều lần trong ngày. Mỗi ngày có thể bú 10–12 lần, thậm chí 15 lần, kể cả đêm, không cần theo giờ giấc gì cả.

Phải tự tin: Mẹ có tự tin, vui vẻ, thoải mái thì sữa mới tốt, mới nhiều.Mẹ cứ lo âu, buồn bực, băn khoăn suy tính thì sữa sẽ cạn đi! Những lời nói ra, nói vào chung quanh ảnh hưởng đến bà mẹ rất rõ. Do đó, người cha và bà nội, bà ngoại ở đây có vai trò vô cùng quan trọng. Phải khuyến khích động viên và tạo hoàn cảnh nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ để bà mẹ có nhiều sữa.

Có nên dùng thuốc?: Các loại thuốc làm lên sữa phải có sự hướng dẫn của thầy thuốc. Riêng các phưong pháp cổ truyền do kinh nghiệm của các thế hệ trước có thể dùng được: đắp lá mít, đắp xôi, dùng lá từ bi, lá ích mẫu... Ngoài ra “giò heo hầm đu đủ” với đậu thì ngon tuyệt. Cũng đừng quên trong sữa mẹ có đến 90% là nước, vậy nên bà mẹ muốn có nhiều sữa phải uống nước nhiều, uống thêm sữa đậu nành, sữa bò nếu có và ăn nhiều rau trái, kể cả trái cây chua để có nhiều vitamin C.

Nếu đã làm đủ cách mà vẫn thiếu sữa?

Thì hoặc cho bú thép, hoặc cho bú thêm sữa nhân tạo vậy. Bú thép là bú nhờ. Nhờ một người có nhiều sữa quá phải nặn bỏ bớt, có người vì bận đi làm, không về cho con bú được, có thể cho bú thép. Bé không chịu bú thì nặn sữa đó ra lý cho uống bằng muỗng cũng được. Ở các nước tiên tiến hiện nay người ta có “ngân hàng sữa” để dành sẵn sữa mẹ, ai cần đến đó mua.

Còn dùng sữa nhận tạo thì sữa gì cũng tốt: sữa bò, sữa trâu, sữa dê, sữa lừa ... cũng được. Dĩ nhiên là không sao bằng sữa mẹ. Ở ta, hiện chỉ quen dùng sữa bò và gần đây có dùng thêm sữa trâu. Trong trường hợp mẹ thiếu sữa thì nên cho uống thêm sữa bò, sữa trâu, nhưng không nên cho bú bằng bình bú. Bú bình, bé sẽ quen đi mà bỏ sữa mẹ luôn! Chỉ nên làm sữa trong ly, cho bé uống là tốt nhất. Uống thêmsau cữ bú mẹ. Phải pha sữa đúng cách và vệ sinh để bé không bị rối loạn tiêu hóa.

Mẹ bận đi làm?

Hiện nay thời gian nghỉ hộ sản là 6 tháng. Trong tương lai, có lẽ được nâng lên để bà mẹ cho con bú mẹ. Vì vậy, phải tận dụng thời kỳ hộ sản này để cho bé bú. Bú đầy đủ, đúng cách, sáu tháng đó sẽ là một “gia tài” vô cùng quý giá mà mẹ đã truyền cho con.

Các bà mẹ bận đi làm có thể “tranh thủ” cho bú sáng, nghỉ giữa giờ, trưa, chiều và bú đêm thêm 3 – 4 cữ nữa cũng tạm đủ... Giờ khác, cho uống thêm sữa bò. Lúc đi làm, căng sữa, nên nặn bỏ. Như vậy sữa sẽ ra nhiều hơn và tốt hơn.

Chú ý, lúc mẹ gần về, không nên cho bé ăn gì cả, để bụng được đói, đợi mẹ về bú tốt hơn. Các bạn “đồng nghiệp” của mẹ cần khuyến khích, tạo điều kiện cho bà mẹ về cho con bú mẹ.

Nếu bị hết sữa đột ngột, làm sao có lại?

Có trường hợp do đi xa lâu ngày và không biết cách nặn bỏ sữa hoặc do dùng kháng sinh, dùng aspirin có thể làm hết sữa đột ngột. Muốn có sữa lại nên:

Tiếp tục cho bú nhiều lần trong ngày. Có thể 12 – 15 lần. Dù không có sữa cũng cứ cho bú, bú mỗi bên 5 phút thôi và bú cả 2 bên. Bú như vậy sẽ kích thích các tuyến sữa làm việc lại.

Sau cữ bú, cho trẻ ăn thêm sữa bò hay thức ăn gì khác (cháo, bột thịt, bột sữa... ) cho trẻ đỡ đói, nhưng thức ăn hơi loãng để trẻ vẫn còn thèm bú. Nhớ chỉ cho ăn sau cữ bú mẹ.

Mẹ tự tin, thoải mái, ăn uống đầy đủ, kể cả sử dụng các phương pháp làm lên sữa cổ truyền đều có tác dụng rất tốt đối với tâm lý bà mẹ. Thuốc men phải hỏi ý kiến thầy thuốc.

Có thể cho bú mẹ tới lớn không?

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất của trẻ và hiện nay các nhà khoa học khuyên nên cho trẻ bú đến 18 tháng tuổi, tuy vậy sữa mẹ cũng chỉ cung cấp đầy đu các chất bổ dưỡng cho trẻ tới 4 tháng tuổi mà thôi, sau đó phải cho ăn dặm thêm. Nhiều bà mẹ ngạc nhiên thấy con lớn nhanh trong mấy tháng đầu rồi dừng lại, chậm lớn hẳn đi và còn thêm biếng ăn, da xanh xao, mệt mỏi. Lý do: Lúc đó trẻ cần thêm những thức ăn khác, đặc biệt là chất sắt, mà sữa mẹ không đủ cung ứng.

Các thống kê cho thấy trẻ ở châu Âu, châu Á và châu Phi gì thì trong 6 tháng đầu đều phát triển bằng nhau, nhưng từ 6 tháng trở đi, trẻ em châu Âu vượt hẳn lên và châu Phi thấp nhất. Lý do vì từ 6 tháng tuổi trở đi, bà mẹ châu Âu biết cho con ăn thêm một cách khoa học, còn bà mẹ ở châu Á, châu Phi chỉ cho bú mẹ suông, nên con không đủ chất bổ.

Cũng ví như ba chiếc xe cùng chạy, nhưng sau một quãng thì một xe đủ xăng chạy tiếp, hai xe kia bị tụt sau. Tóm lại, phải cho ăn dặm thêm từ 4 tháng tuổi nếu muốn bé tiếp tục phát triển tốt.

Thức ăn dặm còn gọi là thức ăn chuyển tiếp, để dần dần tiến tới dứt sữa, bỏ bú. Từ 10 – 12 tháng tuổi trở đi sữa mẹ chỉ còn cung cấp 1⁄4 nhu cầu của bé còn thì phải ăn thêm ở ngoài. Không hiểu điều này thì sẽ thất bại trong việc nuôi con.

Thời kỳ ăn chuyển tiếp: là thời kỳ khó khăn nguy hiểm nhất của bé vì:

Bé dễ mắc các bệnh nhiễm trùng. Sức đề kháng chống bệnh của bé yếu ớt vì kháng thể truyền từ mẹ sang con đã cạn mà khả năng “tự túc” của bé còn yếu: bé bắt đầu mắc một số bệnh như ban đỏ, ho gà, viêm phổi, quai bị... Mặt khác, do tiếp xúc nhiều nên bé dễ bị lây bệnh hơn.

Bé biết lật, biết bò... nên sử dụng nhiều năng lượng hơn.
Các bệnh suy dinh dưỡng thường gặp từ tuổi này do nhiễm trùng, làm biếng ăn, mệt mỏi...

Mẹ đã đi làm, xa mẹ, bé không được chăm sóc như cũ...

Bị dứt sữa đột ngột làm xáo trộn cả tâm sinh lý, gây biếng ăn,bỏ ăn...

Muốn tránh những chuyện không hay này, chỉ có một cách là chuẩn bị tốt giai đoạn chuyển tiếp.

BS. Đỗ Hồng Ngọc

---

Mamibabi là app Giáo dục sớm với hàng trăm bài chơi đơn giản chỉ từ 5 phút/ngày giúp bé phát triển trí thông minh vượt trội và tăng cường khả năng vận động. Tải Mamibabi miễn phí tại đây: https://mamibabi.com.vn/app

ĐÁNH GIÁ
4.9 / 5

Bài hay? Đánh giá ngay!
Chọn số sao
           
Gửi thành công! Cảm ơn bạn đã đánh giá!
Tư vấn 1:1 qua chat và video Zalo
Chat ngay!
- Chuyên gia hàng đầu về THAI GIÁO và GIÁO DỤC SỚM (không phải bác sĩ)
- Trực tiếp nghiên cứu và ứng dụng thai giáo, giáo dục sớm cho con trai nên các bài học có tính ứng dụng RẤT CAO, không lý thuyết hàn lâm
- CEO App Mamibabi
- Tác giả TOP sách thai giáo bán chạy tại TIKI: Rủ chồng thai giáo
- Chuyên gia Phát triển Ứng dụng cho Mẹ và bé được sử dụng bởi hàng triệu người
Nhận ngay 5,000+ hoạt động Thai giáo, Giáo dục sớm, Tập nói sớm, Ăn dặm VIP
Thai giáo
Giáo dục sớm
EASY, Luyện ngủ
Tập nói sớm
Ăn dặm VIP
Tư vấn 1:1
Bé 0 - 12 tháng
BÀI MỚI ĐĂNG