TI MẸ TRỰC TIẾP & EASY, LUYỆN TỰ NGỦ, CAI TI ĐÊM, NGỦ CHUYÊN CŨI XUYÊN GIẤC ĐÊM
Hi Vừng,
Nhân một ngày cuối tuần mưa gió mẹ quyết định ngồi tổng kết lại quá trình đưa con vào EASY, luyện tự ngủ, cai ti đêm, ngủ chuyên cũi xuyên giấc đến sáng và lưu lại để áp dụng khi em con ra đời nhé ❤
Con ra đời vào một ngày nắng đẹp, đúng 40w – trùng ngày dự sinh 23/6, nặng 3.7kg. Là bé trai đầu lòng, những 3.7kg nhưng con ra nhanh như 1 cơn gió, mọi thứ liên tục, dồn dập khiến mẹ hứng combo rách thêm 2 đường ngoài đường bác sĩ rạch sẵn ở tầng sinh môn.
May mà ngưỡng chịu đau của mẹ tốt. Và may nhất là mẹ vẫn sinh con hoàn toàn tự nhiên không phải gây tê màng cứng.
Mẹ nhớ mãi nụ cười đầu tiên của con khi bác sĩ đưa con đến gặp mẹ ngay sau khi ra khỏi bụng. Một nụ cười tươi thiên thần. Đẹp vô cùng con trai ạ ❤
Mẹ nằm lại để bác sĩ khâu lại 3 vết rách còn con về phòng riêng với bố trước. Ngày sinh con, bệnh viện chỉ cho 1 người nhà chăm sóc nên gia đình nhỏ của mình hội ngộ như đi nghỉ dưỡng vậy (Nếu không có gì thay đổi mẹ vẫn chọn sinh em con tại Phương Đông nè).
Ngay khi được đẩy về phòng với 2 bố con mẹ đã cho Vừng ngậm tập ti luôn. May quá, có lẽ nhờ thế mà con được ăn dòng sữa non quý giá và sữa mẹ thì về tràn trề ^^.
Ngay khi ở viện, mẹ đã cho con cách mỗi 2-3h ăn 1 lần và khi về nhà thì theo E3 luôn. 1-2-3 tuần đầu thật là khoảng thời gian dễ chịu vì em bé cứ ăn rồi ngủ mỗi 3h cho đến ww5.
WW5 này theo mẹ nhớ thì ghê gớm đấy, con khóc hết sức bình sinh mỗi khi đói (thời gian đầu mẹ đau lại sơ suất không nói bố vỗ ợ hơi cho con nên con ọc ạch khó chịu và xì hơi rõ to nhiều lần, ngay cả khi ngủ). Bố mẹ đã thức đêm thức hôm mệt rã với ww5 này của con. Cho đến giờ khi con đang 18w3d thì ww5 vẫn là vô lối nhất (cũng chẳng thể tốt hơn được khi mẹ còn đau bởi 3 vết rách riêng biệt) nhưng không sao vẫn trong ngưỡng chịu đựng của mẹ.
Thật may vì gần 1 tháng đầu tiên con và mẹ được bà ngoại chăm sóc. Phải nói là thời gian vất vả nhất chăm cả 2 mẹ con đã có bà ngoại rồi, mẹ biết ơn bà ngoại con rất nhiều…Cũng may là bà ngoại chăm trước vì mẹ nói bà chịu làm theo những gì mẹ hướng dẫn. Mẹ gần như chẳng phải làm gì vì bà làm hết, kể cả rửa mặt, thay bỉm, cho con vào giấc, giúp con ngủ lại khi bị giật mình,…Gần 1 tháng trời, mỗi ngày mẹ ăn 2-3 bữa cháo bà nấu đó con.
Có lẽ suốt thời gian bầu Vừng, mẹ tập yoga đều và uống bổ sung canxi này nọ đầy đủ đều đặn nên xương cốt con cứng cáp. Mới có 4 ngày tuổi từ viện về, trong buổi tắm dịch vụ đầu tiên khi bác Thu lật úp để mát xa cho con, còn chưa kịp mát xa con đã bò lổm ngổm khiến cả bà nội, bà ngoại và bác Thu và mẹ trố mắt nhìn chẳng kịp quay lại. Đến giờ mẹ vẫn còn tiếc vì con chỉ biểu diễn xuất sắc nhất lần đó thôi! (bò thực sự, đều tay đều chân, động tác nhanh, mạnh, dứt khoát). Nhưng cũng vì quá cứng cáp nên khi mẹ mua chũn Cocoon về làm thế nào con cũng giẫy đạp tung và khóc thét dù mẹ có xem video hd, cuốn cẩn thận thế nào, bỏ 1 tay ra ngoài,… thì cũng không ăn thua. Lại là một khoảng thời gian khó khăn, canh từng giấc ngủ cho con vì không thể dùng chũn hỗ trợ, con ngủ giật mình liên tục, lại khóc lại gọi bà, gọi mẹ…
Rồi cũng đến ngày con được 2 tháng – 6kg mẹ ngắm con ngủ, 2 tay lúc nào cũng để ngang tai ngay từ những ngày đầu, mẹ nghĩ có thể con đã dùng nhộng được rồi. Thế là mẹ lại mua nhộng ở shop Bố Ken (mẹ mua nhiều đồ ở shop bố Ken cho Vừng lắm đấy, tốn kém phết nha). May ơi là may, con mặc nhộng ngày đầu ngủ ngon luôn, ngày 2-3 thì quạo (kiểu phản kháng cái mới) rồi sau đó cũng yên, hợp tác tốt. Mẹ mừng lắm! Thời gian này (tháng thứ 2 và 3) bà nội xuống thay bà ngoại, cũng là khoảng thời gian mẹ phải kiên nhẫn nhất. Căng thẳng. Bà liên tục chỉ trỏ phải làm thế này thế kia, bla, bla. Mẹ chỉ có 1 bài “vâng để đấy” bởi những gì bà bảo toàn là cách nuôi dạy con thời các cụ. Chưa kể bà nội con còn cao huyết áp, mẹ đành kiên nhẫn chờ đến khi bà về mới hoàn toàn đưa con vào nếp easy với đầy đủ bộ công cụ: nhộng, white noise, ti giả; đặc biệt là áp dụng nút chờ theo ý mình được.
Wow!
Hành trình 4 tháng qua sẽ dài lắm nếu mẹ cứ viết như thế này. Và để các ba mẹ khác còn kiên nhẫn đọc bài, mẹ đi vào điểm chính của quá trình thôi nhé:
1. Ti mẹ trực tiếp và Easy: Tia sữa của mình mạnh nên Vừng bị sặc khiến con rất sợ không dám bú, cuối cùng mình quyết định hút sữa đầu đi để giảm tốc độ chảy của sữa khi cho con ăn và Vừng cũng được ăn sữa sau giúp phát triển não bộ, cơ xương và tăng cân tốt. Mình hút trước mỗi cữ ăn của con, đều đặn. Tuỳ lượng sữa ở 2 bầu ngực mà phân bổ cho từng bữa. Ví dụ: bên trái mình nhiều sữa hơn hẳn bên phải theo tỉ lệ ~ 10/6-7 nên mình thường cho Vừng ăn bên trái trước vào đầu ngày và căn để cuối ngày con được ăn bên trái là chính, đảm bảo con đủ no. Khi cho Vừng ăn, mình chuẩn bị chỗ nằm cho 2 mẹ con giống nhau ở mọi ngày (mình chuyên nằm cho con ăn, chỉ đi tiêm phòng thì mới ngồi), đóng cửa, tắt điện tối chỉ đủ nhìn và cho con ngậm đúng khớp ti. Vừng chỉ cần thấy bối cảnh đó là biết sắp được mẹ cho ăn nên lên tiếng “khóc đòi” cho đủ bộ 😣 .Mình luôn mang điện thoại và để chỗ khuất cạnh người, đếm thời gian con ti, đánh giá lượng sữa thông qua thời gian bú, cách bú, tốc độ và lực mút + nuốt của con cũng như cảm giác về độ nặng của bầu ngực trước và sau khi Vừng ăn xong. À, sờ bụng con nữa các ba mẹ nha. Chú tâm cao độ và thi thoảng thì thầm với con những điều mình mong muốn. Ví dụ: “Vừng ăn no để chơi vui và ngủ sâu giấc con nhé,…” lặp lại. Nếu con buồn ngủ (có thể nhận diện thông qua cách ngậm, mút, nuốt sữa của con có xu hướng cầm chừng vì giống mút ti giả để trấn an cho dễ ngủ hơn là bú mẹ; đồng thời tay chân thả lỏng không còn khua khoắng nữa) thì mình vuốt lòng bàn tay của con, xoa dọc sống lưng, dùng khăn ướt chấm vào 2 mắt con, bặp môi như gọi gà , đủ cách (có hiệu quả, đặc biệt khi hút sữa đầu đi con cũng đã đỡ bị buồn ngủ khi bú hơn rồi). Vào những tuần ww con biếng ăn sinh lý, có những cữ mình phải kiên nhẫn tối đa 45p để con ăn đủ cho giấc ngủ tiếp theo. Mình luôn quan sát tín hiệu đòi ăn của con theo nguyên tắc “ đói mới cho ăn” chứ không cứng nhắc đúng 3h hay 4h. Như khoảng thời gian còn theo E4, có những hôm ww mình kéo đến 4.5h mới cho Vừng ăn mà con cũng không ăn nhiều đâu nạ. Vì sự linh hoạt đó, đặc biệt thời gian con ham mê lẫy, dậy cái là mẹ cho lẫy luôn, tầm 30p mới cho ăn. Bé Vừng nhà mình là bé năng động, luôn chân luôn tay, nhờ tích cực cho lẫy ban ngày nên đêm bạn chịu nằm yên ngủ hơn.
2. Ti giả: chỉ dùng khi đưa con vào giấc ngủ. Khi rèn con tự ngủ được rồi, cai luôn. (Kể cả khi còn dùng, bé Vừng nhà mình chỉ mút 1 chút tự phụt ra rồi ngủ, mình không đút lại vào miệng con khi thấy con đã bước đầu vào giấc). Thời điểm dứt ti giả: Vừng 3 tháng tuổi.
3. Nhộng: bắt đầu dùng khi con tròn 2 tháng, 6.04kg. Hiện vẫn đang dùng.
4. White noise: Dùng từ đầu với khoảng cách 2m đến cũi con và volume nhỏ nhất (vào ban ngày) và nấc tiếp theo (vào giấc đêm, vì lúc 9-10h tối các anh chị hàng xóm lớn hơn nô đùa ồn ã ngoài hành lang, mình ở chung cư). White noise mình để 30p – 1h.
5. Nhiệt độ phòng: Điều hoà mình để 22 – 26 độ tuỳ điều kiện nhiệt độ ngoài trời, mùa hè/thu kết hợp check cơ thể con khi vừa ngủ dậy vùng bụng, sau gáy ấm là được. Có bật quạt kết hợp phun sương khi cần.
6. Vừng ngủ riêng cũi đặt cách 1 lối đi và song song với giường bố mẹ.
7. Tự ngủ: Bắt đầu rèn khi Vừng được 3 tháng tuổi, áp dụng ngay, đồng thời cả giấc ngày và đêm bằng CIO vs check sau đó là CIO. Mình mất 2-3 ngày đầu, xót hết cả ruột vì bé Vừng khóc mãnh liệt, hết sức bình sinh (âm thanh tiếng khóc của bé mình cực kỳ nội lực có thể khiến bố và bà cuống quýt hết cả lên, trừ mình). Kết quả: con tự ngủ cả ngày và đêm; tự ngủ lại nếu tỉnh giấc giữa đêm. Đặc biệt, từ lúc tự ngủ, đêm chưa khóc bao giờ, nếu dậy chưa ngủ lại được, Vừng tự chơi sau đó ngủ lại, sáng ít nhất 6:00 trở ra mới gọi bố mẹ dù có dậy từ trước đó rồi). Ban ngày, nếu Vừng có khóc mà đến lúc có thể cho dậy (theo dõi thời gian ngủ và áp dụng nút chờ), mình sẽ thò tay bật điện trước, ~15p sau mới vào sau khi bạn tự nín. Bé biết khóc mè nheo không có tác dụng gì nên ít khóc lắm nạ.
8. Ngủ chuyên cũi: Khi còn ăn DF thì con kết hợp ngủ cũi (ban ngày và đêm trước khi cho ăn dream feed) và ngủ giường với bố mẹ (mẹ vào cho ăn xong mẹ ngủ luôn). Sau khi luyện tự ngủ được 5 ngày, mình cho Vừng ngủ chuyên cũi luôn, ăn DF xong thì đặt lại vào cũi cho ngủ.
9. Cai ti đêm: Vừng luôn được ăn DF lúc 22:30 – 23:00. Vào các ngày con khó ở hoặc ww có dậy đòi ăn thêm 2-3 lần nhưng không phải lúc nào mẹ cũng cho ăn thêm (nếu không cho ăn do kết luận không phải con đói thì dùng ti giả). Sau khi biết tự ngủ, ngủ chuyên cũi và 1 tuần trước khi con tròn 4 tháng tuổi, mình luyện ngủ xuyên đêm cho Vừng. Nói là luyện nhưng vì đã có tự ngủ làm bước đệm, đêm đầu tiên con ọ ẹ khóc tí 1-2 lần lúc 23:00 và 3-5:00 sáng còn các đêm tiếp theo thì không khóc nữa. Con vẫn nhớ DF theo thói quen lúc 23:00 2 chân phành phạch 1 lúc rồi im luôn.
10. Giờ ngủ: mình cho Vừng theo E3 -> E3,5 -> E4 và hiện tại khi con đang 18w3d mình dần cho con lên E2-2,5-3,5 như hôm qua là ngày thứ 3 kéo dài wt thành E2-3-4 thấy vẫn chấp nhận được. Theo dõi nếu con thích ứng được thì mình theo E2-3-4 như hướng dẫn của chị Hà Chũn trước khi lên E5-6.
11. Sách: mình rất yêu đọc sách, ba mẹ hãy đọc những cuốn sách mà BK giới thiệu nha. Những cuốn sách đó mình đọc rồi, thiết thực và áp dụng triệt để mới có kết quả như trên nạ.
12. Ghi chép: ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG VỚI MÌNH, mình ghi chép từng ngày, từng cữ, từng biểu hiện của con, thời gian ăn, thời gian ngủ, lúc nào bị thức giấc, thời gian để tự ngủ lại, nhiệt độ, bla bla. Đây chính là phần QUAN TRỌNG NHẤT mà mình khuyến khích ba mẹ nhất định nên làm vì Vừng chỉ là con của bố mẹ Vừng thôi ^^. Mỗi bé khác nhau nạ.
13. BẢN LĨNH CỦA BA MẸ (đặc biệt là MẸ): kiên định, dứt khoát, quyết tâm và tỉnh táo. Cái gì cũng phải tường tận hãy áp dụng chứ không nửa vời kẻo tội con nha ba mẹ.
Chúc ba mẹ thành công!