Nguyễn Lan Hải VIP
DẠY CON KỸ NĂNG PHÒNG VỆ (Phần 2)🌹🌹

Một cậu bé trên đường đi học về bị nhóm đàn ông tóm chặt và lôi lên ô tô, cậu đơ người, “ngoan ngoãn sợ sệt” nghe theo. Dọc đường cậu bị “say xe”, hỏi gì chỉ gật đầu hoặc lắc, lúc nào cũng chỉ chực ói, phải dựa vào người ngồi cạnh. 😉
Trời sẩm tối, đến đoạn vắng người, cả xe dừng lại “tiểu đường”, cậu bé cũng loạng choạng bưng miệng ngồi thụp xuống vệ đường nôn ọe, hai tay lén buộc lại dây giày.

Đúng lúc mấy anh em xã hội đứng rải ra bên đường vạch quần “xả nước cứu thân”, nhanh như cắt, cậu bỏ chạy băng qua ruộng lúa, hướng về phía mấy ngôi nhà ven làng, miệng hét to: “Cháy! Cháy!”. Nhiều bóng điện được bật lên, nhiều nhà mở toang cửa chạy ra xem, bọn người kia đành lên xe chuồn mất.

Ngạc nhiên chưa? 84% vụ bắt cóc thất bại không phải do các đội giải cứu ra tay, mà trẻ thoát được nhờ biết tự cứu lấy mình: 35% chống cự quyết liệt, 49% bỏ chạy.

Phần nối tiếp bài báo tuần trước đây ạ, Lan Hải vừa đăng ở tuần san Công giáo & Dân tộc, mời quý vị và các bạn cùng xem:

VÀI CHIÊU "BỎ TÚI" KHI CON ĐI DÃ NGOẠI, DU LỊCH.

Ngay từ lúc ba tuổi, nhiều bé đã được nhà trường cho đi công viên “chơi mà học”, lên cấp một thì tham gia các buổi tham quan vườn thú, nông trại, nhà ga, viện bảo tàng,… đến bậc phổ thông trung học đươc học ngoại khóa ở ngân hàng, khách sạn, nhà hàng hay các di tích lịch sử hoặc đi cắm trại vài ngày, nhiều bạn còn được gia đình thưởng cho một kỳ du lịch trong nước hoặc nước ngoài khi đạt kết quả học tập tốt.
“Cẩn tắc vô áy náy”, các bậc cha mẹ hãy dạy con đảm bảo an toàn cho bản thân:

☘️Đi dã ngoại:

🔹Không giống như tham gia biểu diễn văn nghệ hay đi dự liên hoan, sinh nhật, cha mẹ đừng cho con ăn mặc cầu kỳ, khác lạ đến nỗi chính cô phụ trách lớp cũng không nhận ra học sinh của mình! Hãy mặc đồ đồng phục và đeo chiếc ba lô quen thuộc (không ghi tên con mà ghi số ĐT của bố mẹ) để các thầy cô và bạn học dễ dàng nhìn thấy con khi đi lạc. Ban tổ chức phát mũ, áo cũng là để dễ quan sát và tập hợp các thành viên ở chỗ đông người.

🔹Đừng đi giày dép mới, dễ bị đau chân. Đã có bé đi đôi dép mẹ mua “trừ hao, phòng lớn” bị ngã nhào vì bạn đi sau giẫm vào phần đế dép dư ra. Nếu đi giày, hãy sắm đôi tất len vừa vặn, ôm chân, giúp thoải mái trong các hoạt động, tránh được những tổn thương không đáng có (tàn thuốc lá, tàn nhang, thức ăn rơi vãi, côn trùng đốt…).

🔹Nên rủ ba người mỗi khi đi W.C, nếu gặp tình huống cánh cửa bị hỏng chốt, cửa kẹt khóa không đẩy ra được, hết giấy chùi, không có nước dội,… thì một bạn đứng canh ngoài cửa nói chuyện cho bạn mình đỡ sợ, bạn kia chạy về báo người lớn đến giúp.

🔹Chia thành nhóm vài người, luôn để mắt đến nhau, người phụ trách hỏi bạn này là biết tình hình của các bạn kia, tránh tình trạng có bạn lủi thủi chơi một mình hoặc mạo hiểm tự lang thang khám phá, không ai biết mà tìm.

🔹Chẳng may ở nơi xa lạ, đông đúc, không ai biết con, gặp kẻ xấu dàn cảnh lôi đi, đừng kêu “á, á” hoặc khóc lóc, vì chúng đã có sẵn kịch bản “Mày còn la hả, lấy tiền của bà đi chơi điện tử, tao nắm đầu lôi về cho ba mày dạy”, “Dám to gan trốn nhà theo bạn trai à”, “Việc nhà tôi, không khiến ai xía mũi vào”, … làm người xung quanh ngỡ là chuyện gia đình, không can thiệp. Hãy bình tĩnh và mưu trí:
Nếu bị kẻ tấn công túm áo khoác, ba lô, hãy tuột áo/ba lô lại và bỏ chạy, hét to.
Nếu bị kéo tay, ôm ngang người kéo đi, hãy nắm vào bất cứ thứ gì trên đường (dù che, cánh cửa tiệm, sạp hàng,…), ngồi thụp xuống, lấy hết sức ghì lại. Tưởng tượng xem, nếu con đánh đổ, rơi vỡ hàng hóa, người bán sẽ tóm lại bắt bồi thường, có khi còn gọi thêm bảo vệ phân xử chứ ai con cho đi? Lúc ấy con sẽ có cơ hội kêu gọi sự giúp đỡ: “Cứu cháu với! Đây không phải bố mẹ cháu!”.

🔹Mang theo áo mưa, tránh trùm chung áo mưa với “người anh quốc dân” hay “ông chú tốt bụng” nào đó. Đừng quá mải check-in, nhìn ngắm, mua sắm,… mà quên bám sát đoàn.
Không vi phạm các cảnh báo "nguy hiểm".

☘️Khi đi du lịch xa:

🔹Ngoài hành lý cần thiết mang theo, cần trang bị: đèn pin, còi báo động hình móc chìa khóa nhấn vào kêu rất to, và… nước hoa. Về mặt hoá học, nước hoa có lượng alcohol (cồn) chiếm đến 70% tùy từng loại, xịt vào mắt rất xốn và tạm thời không nhìn thấy gì. Dù gì nước hoa cũng mắc tiền nên có bạn tận dụng chai nước hoa cũ (loại to) bơm tinh dầu hòa với nước lã vào thành "bình xịt hơi cay tự chế".

🔹Không mang hộ/xách giùm đồ cho người lạ ở sân bay, ga tàu,… nơi luôn có đội ngũ nhân viên hỗ trợ người già, bệnh tật, con mọn. Nhiều trường hợp gặp rắc rối vì trong đó chứa hàng cấm, ma túy!

🔹Khi tìm nhà nghỉ/khách sạn, chú ý các đánh giá liên quan đến an ninh như có nằm trong khu vực tội phạm không, có người trực gác, camera theo dõi không...

Chọn phòng: Một trong những cách đơn giản nhất để bảo mật thông tin là tránh sử dụng tên, mà dùng họ hoặc tên đệm khi đặt phòng. Nữ đi du lịch một mình nên sử dụng chức danh “Bà” (Mrs. tức người đã kết hôn) để tạo cảm giác đi cùng ít nhất một người nữa.
Hãy chọn tầng nào mà thang cứu hỏa thông thường chạm tới được trong trường hợp hỏa hoạn, phòng gần cầu thang thoát hiểm. Tránh ở tầng trệt - địa điểm dễ trở thành mục tiêu bị tấn công và đột nhập nhất.

🔹Khi đến nơi, đề phòng có người biết trước số phòng mình ở, nếu có linh cảm xấu hãy yêu cầu đổi phòng.
Sau khi nhận phòng, dùng điện thoại di động gọi cho quầy lễ tân và hỏi liệu có thể nói chuyện với… chính mình không. Nếu lễ tân tiết lộ số phòng là dở, câu trả lời phải là: “Để tôi nối máy cho bạn”.
Khi đóng cửa nhớ kéo chốt có móc xích. Lấy băng cá nhân dán lên che lỗ ngắm trên cửa, tránh người tò mò nhòm vào phòng.

🔹Kiểm tra gương hai chiều: Nếu thấy một tấm gương âm tường mà gắn vào một bức vách quá mỏng hoặc sau lưng nó là hành lang thì bình thường. Nếu phía sau là một căn phòng kín hay một bức tường lớn bất thường thì hãy cẩn thận: 1/ Chạm đầu ngón tay vào gương, thấy tạo ra hình ảnh phản chiếu ngay tại bề mặt tiếp xúc với gương. 2/ Chụm tay lại che xung quanh mắt, nhìn sát trực tiếp vào gương, có thể thấy phần sau gương. 3/ Tắt hết đèn, rọi đèn pin trực tiếp vào gương, ánh đèn sẽ thắp sáng căn phòng đó.

🔹Phát hiện camera quay trộm: 1/ Tắt đèn, kéo hết rèm cửa đảm bảo trong phòng càng tối càng tốt, chậm rãi rọi đèn pin khắp nơi, kiểm tra bất kỳ vị trí nào đáng ngờ từ các góc độ khác nhau để tìm ánh phản chiếu từ một vật thể nào đó. 2/ Vừa gọi điện vừa quan sát, tìm kiếm, thấy điện thoại bị nhiễu tín hiệu. 3/ Đưa romote vào những nơi nghi ngờ rồi bấm bất kì nút nào trên điều khiển, thấy tín hiệu đèn led trên remote phát sáng. 4/ Bật thiết bị chuyên dụng lên và quét phòng, khi phát hiện tín hiệu của camera nó sẽ kêu “bíp”.

🔹Khi ra ngoài, treo biển “Xin đừng làm phiền” (Please do not disturbu) dù ít tác dụng, có thể bật tivi để tạo âm thanh có người nói chuyện bên trong. Lấy thêm danh thiếp từ quầy lễ tân, ngộ nhỡ bị lạc đường mà không biết tiếng địa phương, ít nhất còn có địa chỉ và số điện thoại khách sạn.

Tránh ghi tên mình lên tờ giấy (KS đưa để lấy thêm đồ ăn hay dọn phòng) treo ở cửa. Ai đó gõ cửa nhận là người của khách sạn, nên gọi điện cho quầy lễ tân để xác nhận trước khi cho họ vào phòng.

🔹Hãy dùng máy sấy hong khô “vùng sâu” thay vì dùng khăn của khách sạn. Hơ gan bàn chân, hõm bả vai, vùng thắt lưng,… phòng cảm cúm đau nhức do đi lại nhiều và thay đổi thời tiết.

🔹Chịu khó đun sôi nước để dùng thay vì uống nước đóng chai miễn phí có sẵn trong phòng, “lạ nước lạ cái” gây chột bụng, rối loạn tiêu hóa là có thật.

🔹Nếu có động đất, nổ, rung chuyển tòa nhà, hãy tìm “tam giác sự sống” và nằm cuộn tròn theo tư thế thai nhi/chó, mèo (link phần bình luận)

Các bậc cha mẹ và các em học sinh SV quý mến! Phim kiếm hiệp có câu “Không sợ nhất vạn, chỉ sợ vạn nhất”, hãy đề phòng những rủi ro mà khả năng xẩy ra chỉ là 1/10.000 (một phần vạn)!

Bs Nguyễn Lan Hải
(Hình minh họa tìm trên mạng)

0 Trả Lời
Lưu lại

Tải app để tham gia
Hoặc quét mã trên điện thoại để tải
Lưu ý: Thông tin tư vấn tại Mamibabi chỉ mang tính chất định hướng, không có giá trị thay thế chỉ định của bác sĩ. Mamibabi không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.
Nhận ngay 5,000+ hoạt động Thai giáo, Giáo dục sớm, Tập nói sớm, Ăn dặm VIP
Thai giáo
Giáo dục sớm
EASY, Luyện ngủ
Tập nói sớm
Ăn dặm VIP
Tư vấn 1:1
BÀI HỌC LIÊN QUAN
XEM THÊM CHỦ ĐỀ
Nuôi dạy con
Chia sẻ, học hỏi cách nuôi dạy con khoa học nhất
TÌM KIẾM