Bích Nguyễn VIP
Ảo tưởng của những bà mẹ đơn thân và những ông bố gà trống nuôi con.

Bài viết này tôi muốn gửi tặng những cô gái đã, đang, sẽ trở thành mẹ đơn thân, và những người cổ vũ cho hiện tượng mẹ đơn thân này. Vì bài có dính dáng tới trẻ con nên tôi không muốn nói cái suy nghĩ MUỐN làm mẹ đơn thân là một của nợ. Các cô không nên MUỐN làm mẹ đơn thân chỉ vì muốn chứng tỏ bản thân mạnh mẽ và ra vẻ không cần đàn ông. Mẹ đơn thân là một sự kiện bất hạnh xảy ra đối với phụ nữ. Đi kèm với nó là cả một đống hệ lụy và khó khăn mà các cô sẽ phải đối mặt. Tôi sẽ trình bày rõ những khó khăn đó ở bài viết này. Tôi sẽ gọi chung hiện tượng nuôi con một mình là “mẹ đơn thân” vì đa số nó xảy ra với phụ nữ, ở đàn ông, hiên tượng gà trống nuôi con chỉ chiếm thiểu số.

Ranh giới giữa PHẢI làm và MUỐN làm mẹ đơn thân.

Mẹ đơn thân bất đắc dĩ.

Trước hết, tôi muốn nêu rõ góc nhìn của tôi về những người phụ nữ PHẢI làm mẹ đơn thân. Họ là những người chẳng may mang thai ngoài ý muốn trong thời gian sống thử, và họ là những người phụ nữ đã li dị chồng. Do mối quan hệ với đàn ông của họ bị đổ vỡ và không được trọn vẹn, họ phải chăm sóc con cái một mình mà không còn lựa chọn nào khác. Đại diện cho những người phụ nữ này có một cuộc sống không được suôn sẻ. Gánh nặng tài chính và thời gian chăm sóc con cái của họ không thể san sẻ cho một người đàn ông trong gia đình.

Còn một nhóm người nữa mà tôi cũng liệt kê vào nhóm “PHẢI làm mẹ đơn thân”. Họ là những người phụ nữ quá lứa lỡ thì. Họ đã ngoài 30, sắp tới tuổi 40. Những người phụ nữ này muốn có con. Họ không thể tìm được chồng đúng thời điểm, mà chất lượng trứng và khả năng mang thai thì lại đang suy giảm. Vì lí do thời gian gấp rút, những người phụ nữ này phải bỏ qua bước tìm một ông chồng và tiến thẳng tới ngân hàng tinh trùng để thụ thai trước khi quá muộn. Đây là trường hợp đặc biệt và chỉ chiếm thiểu số trong các bà mẹ đơn thân bất đắc dĩ.

Các cô gái MUỐN làm mẹ đơn thân thân mến.

Các cô bị truyền thông nhồi nhét những tư tưởng mà các cô cho là “hiện đại” và “cấp tiến”. Các cô thấy những bà mẹ đơn thân ngoài kia có cuộc sống thật bình yên và hào nhoáng. Các cô sống thử và quan hệ tình dục thiếu trách nhiệm và nhẹ dạ nghĩ rằng: “Không sao đâu. Con mình không có bố cũng vẫn phát triển và hạnh phúc như bao đứa trẻ khác thôi.” Các cô nhầm to rồi.

Đa số các bà mẹ đang phải nuôi con một mình ngoài kia là vì hoàn cảnh đưa đẩy. Họ thường xuyên đăng hình ảnh hạnh phúc cùng đứa con của họ lên mạng xã hội. Họ tự hào vì họ là mẹ đơn thân, rằng họ và con họ vẫn sống tốt và ổn định mà không cần có một người đàn ông ở bên cạnh. Họ, những bà mẹ đơn thân bất đắc dĩ này đang gửi cho các cô gái trẻ một thông điệp ngầm rằng: “làm mẹ đơn thân không sao cả đâu. Thậm chí các em nên làm mẹ đơn thân. Không cần phải lo cho bất cứ thằng đàn ông vô ơn bạc nghĩa nào cả, mình chỉ lo cho con, hết sức mình vì con mà thôi. Đỡ mệt mỏi hơn một nửa hehe. Nó không có gì sai trái hết. Tôi là mẹ đơn thân và tôi hanh phúc!”

Đây là một thông điệp mà các cô phải hết sức cảnh giác. Mẹ đơn thân bất đắc dĩ là không thể tránh khỏi, nhưng nếu các cô không tìm cách thay đổi tình trạng nuôi con một mình thì các cô sẽ phải gánh chịu hậu quả rất lớn. Những bà mẹ đơn thân đang cổ súy và cổ vũ cho phong trào nuôi con một mình này là những người tôi không để yên. Họ đang bình thường hóa hiện tượng này mà không lường trước được những hệ lụy tệ hại vô cùng. Và tôi phải lên tiếng để các cô không được vượt quá giới hạn và làm hỏng hàng loạt thế hệ tương lại sau này.

Những đứa trẻ không có bố bị thiệt thòi rất nhiều so với những đứa trẻ có bố và mẹ. Đa số những đứa trẻ này có kết quả học tập kém hơn những đứa trẻ được sinh ra trong một gia đình truyền thống. Chúng còn có nguy cơ bỏ học, quan hệ tình dục sớm và lạm dụng chất kích thích cao hơn. Vì không có thêm một giám hộ nào ngoài người mẹ để chăm sóc và chỉ dạy, chúng không được phát triển toàn diện là chuyện đương nhiên. Mẹ bận phải đi làm, không có bố chở đi học. Mẹ bận dọn dẹp, nấu cơm, không có bố để giúp chúng làm bài tập về nhà.

Các bé trai thì không có một hình mẫu lí tưởng để cho chúng hình dung như thế nào mới là một người đàn ông tốt. Thế rồi chúng la cà nhậu nhẹt, chén chú chén anh, tham gia băng đảng để đi tìm cái hình mẫu đó. Có ai chỉ cho chúng rằng những hình mẫu đó là những thằng bặm trợn đầu gấu, sống dưới đáy của xã hội đâu? Có bao nhiêu lần các anh chị bắt gặp các bài báo về những thằng ăn trộm, giết người cướp của chỉ sống với một mẹ già đơn côi? Một người phụ nữ sẽ không bao giờ có khả năng chỉ cho một bé trai học cách trở thành một người đàn ông.

Các bé gái không có bố cũng phải hứng chịu những số phận không khá khẩm hơn là mấy. Chúng sẽ học kém hơn bạn bè cùng trang lứa. Chúng lớn lên mà không có một ý tưởng gì về một người đàn ông tốt bụng, biết lo cho gia đình. Chúng sẽ ghét đàn ông và quay lưng lại với một nửa dân số thế giới. Chúng sẽ có nguy cơ mang thai và trở thành mẹ đơn thân giống hệt mẹ của chúng. Rồi chúng sẽ sinh ra những đứa trẻ có số phận y hệt vậy. Cái vòng tròn luẩn quẩn cứ lặp đi lặp lại không có hồi kết.

Cái xã hội không có cha là một xã hội bất ổn. David Blankenhorn, tác giả cuốn “Nước Mỹ không cha” chỉ ra rằng, thiếu bóng người cha trong một gia đình là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới tương lai của các em nhỏ. Tương lai của trẻ em không được đảm bảo đồng nghĩa với việc khả năng phát triển kinh tế của một quốc gia bị kềm hãm. Một thế hệ thiếu vắng người cha là một thế hệ bất tài, thiếu khả năng sáng tạo và phát triển. Hiện tượng mẹ đơn thân cũng là một trong những lí do khiến tỉ lệ tội phạm tuổi vị thành niên tăng mạnh. Đây là thống kê khoa học, tôi không bịa để hù dọa các bà mẹ đơn thân về số phận của con cái họ.

Mẹ đơn thân có cuộc sống nghèo khó và khổ sở hơn những gia đình vợ chồng truyền thống. Gánh nặng tài chính không phải là một trò đùa. Đa số cuộc sống mẹ đơn thân không hào nhoáng như người ta nghĩ. Hầu hết những hình ảnh vui vẻ đầm ấm một mẹ một con mà các cô nhìn thấy tràn lan trên mạng xã hội chỉ là vỏ bọc bề ngoài của những bà mẹ đơn thân bất hạnh. Tài chính của họ bao giờ cũng ở trong tình trạng mai không nay có và họ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, sức khỏe kém hơn so với những bà mẹ khác.

Hai người có thu nhập chung tay nuôi dưỡng một đứa trẻ bao giờ cũng suôn sẻ hơn với một người lủi thủi một mình. Nuôi con rất tốn kém và vất vả: tiền bỉm sữa, tiền gửi trẻ, quần áo, sách vở, ăn uống đủ chất lượng, tiền gửi con đi học trường tốt, học thêm với thầy nọ cô kia,… Nhu cầu phát triển của trẻ con là rất lớn, đa số các cô, nếu để cho tự kiếm tiền để chi trả tất cả các khoản tiền kia, không sớm thì muộn các cô sẽ bị áp lực mà chết sớm.

Trong một nghiên cứu được thực hiện trên 8000 bà mẹ đơn thân ở Mỹ, các nhà khoa học chỉ ra rằng những phụ nữ này có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn, lạm dụng chất kích thích, béo phì và chết sớm nhiều hơn so với phụ nữ có gia đình ổn định. Cho dù ở các nước phát triển như Anh và Mỹ, nơi mà phúc lợi xã hội cho các bà mẹ đơn thân này tốt hơn rất nhiều so với ở Việt Nam, tỉ lệ mẹ đơn thân mắc bệnh và chết sớm cũng không hề giảm đi chút nào.

Tôi có quen một người mẹ đơn thân điển hình ở Mỹ. Tôi gọi bác là bác gái. Từ hồi còn trẻ tuổi, bà có rất nhiều mối quan hệ lành mạnh với đàn ông nhưng không thể duy trì chúng. Ba đứa con của bà, hai trai, một gái là từ hai người đàn ông khác nhau. Bà chia tay người thứ hai ngay khi đứa lớn nhất mới chỉ 5 tuổi. Một nách ba con, từ làm chạy bàn, làm bánh dạo để bán cho đến lái xe bus, bà cố gắng nuôi dưỡng cho 3 đứa lớn lên trọn vẹn.

Nhưng số phận trớ trêu thay (hay tôi phải nói là về mặt xác xuất mà tiên đoán), đứa con trai đầu của bà bị bắn chết trong một lần đụng độ băng đảng khi anh ta mới 21 tuổi. Đứa con trai thứ hai thì chỉ học hết cấp 2 rồi bỏ học. Ngày đêm anh ta chỉ biết nhậu nhẹt và gái gú. Đứa con gái thì chật vật không thể phát triển và thăng tiến bản thân. Suốt 9 năm lạc lối và trì hoãn, chị vẫn chưa hoàn thành xong bậc học đại học.

Vì thiếu kĩ năng tìm đàn ông tốt mà chị vội vàng kết hôn với một anh chàng nhập cư Mễ la-tinh làm nghề lắp cáp truyền hình. Anh ta không có chí tiến thủ, tiêu xài hoang phí và không biết tiết kiệm. Tệ nhất là chị bị bạo hành gia đình. Lúc mang thai tháng thứ 5 thì bị anh chồng đấm vào bụng như một con thú hoang lên cơn điên.

Cả 4 người, bác gái, anh con trai thứ hai, bà chị tôi kể và anh chồng của chị ấy sống trong một căn nhà ngập ngụa trong đồ đạc mà bác gái tích trữ từ hàng năm nay. Bà mắc nhiều chứng bệnh tâm lí mà chưa được chẩn đoán, trong số đó có bệnh tích trữ đồ đạc và bệnh trầm cảm. Cuộc đời của những con người này là một chuỗi bất hạnh và khổ sở. Bác gái tôi kể trên chính là nhân chứng, nạn nhân thực tế đại diện cho đa số những bà mẹ đơn thân ngoài kia.

Kết bài, tôi không có ý nói rằng các cô, những bà mẹ đơn thân phải tự xấu hổ vì điều này. Cứ tự hào rằng mình là mẹ đơn thân vì các cô đã phải trải qua rất nhiều thăng trầm nhưng vẫn sống tốt. Tôi không có ý kiến vì tôi hiểu. Đa số các cô không có lựa chọn được làm mẹ đơn thân. Vượt qua nghich cảnh và nuôi dưỡng thành công con cái là một điều đáng mừng. Nhưng các cô chỉ là thiểu số rất nhỏ. Các cô không thể đại diện cho số đông những bà mẹ đơn thân trên thế giới.

Hơn nữa, tôi cảnh cáo các cô, có một giới hạn mà các cô không được vượt qua, các cô không được cổ vũ và dẫn đường cho các cô gái độc thân khác trở thành mẹ đơn thân như các cô. Đây chính là cái vạch ranh giới gây ra bất ổn xã hội mà các cô nên cảm thấy khiếp sợ cho chính mình và thay cho đứa con của các cô. Và các cô gái trẻ, khoa học chứng minh rồi nhé. Con của các cô sẽ có xuất phát điểm kém xa so với những đứa trẻ khác, chúng sẽ học kém hơn, dễ lạm dụng chất kích thích và sa ngã vào con đường tội phạm hơn. Còn chính các cô có thể sẽ phải trả giá cho hành động thiếu hiểu biết của mình bằng bệnh tật, nghèo đói và chết sớm. Tôi không đùa đâu. Tỉnh dậy đi.

6 Trả Lời
Lưu lại

Tải app để tham gia
Hoặc quét mã trên điện thoại để tải
Lưu ý: Thông tin tư vấn tại Mamibabi chỉ mang tính chất định hướng, không có giá trị thay thế chỉ định của bác sĩ. Mamibabi không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.
Nhận ngay 5,000+ hoạt động Thai giáo, Giáo dục sớm, Tập nói sớm, Ăn dặm VIP
Thai giáo
Giáo dục sớm
EASY, Luyện ngủ
Tập nói sớm
Ăn dặm VIP
Tư vấn 1:1
BÀI HỌC LIÊN QUAN
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
BÀI CÙNG QUAN TÂM
XEM THÊM CHỦ ĐỀ
Mẹ đơn thân
Góc tâm sự dành riêng cho mẹ đơn thân
TÌM KIẾM