SỐNG CHUNG VỚI MẸ CHỒNG
(Truyện viết trên 100% của một câu chuyện rùng rợn có thật, những trang nhật ký đẫm nước mắt)
1. NHỊN THÔI ĐỪNG NHỊN QUÁ
Ngân quyết định lấy chồng chỉ vỏn vẹn trong vòng 4 tháng sau khi “yêu lại từ đầu”. Mùa hè năm đó, khi cả tháng 6 nắng như thiêu đốt thì ngày cưới của Ngân thời tiết lại dễ chịu, mát mẻ lạ thường.
Cưới xong, vợ chồng Ngân bóc phong bì được 80 triệu tiền mừng cưới của bạn bè hai bên và 1 cây vàng của ông bà ngoại cho làm của hồi môn. Sau khi cộng các khoản chi phí tổ chức hết 40 triệu, còn dư lại 40 triệu, Ngân có nói với Hải “Vì em còn đi học, chúng mình chưa lên kế hoạch có con, nhà chỉ có 3 người nên số tiền còn dư này gửi mẹ giữ hộ nhé. Còn vàng thì gửi lại cho ông bà ngoại. Dẫu sao bố mẹ cũng đầu tư cho em ăn học nước ngoài quá nhiều rồi, em không muốn lấy thêm”. Hải đồng ý và có nói rõ là nhờ mẹ cất hộ, khi cần bọn con sẽ xin lại sau. Anh nghỉ ở nhà được mấy hôm thì về đơn vị trả phép, ở nhà thỉnh thoảng mẹ chồng hay bóng gió khoản vàng cưới nhưng Ngân một là im lặng không nói gì, hai là lảng sang chuyện khác. Dù thế nào, Ngân thấy việc mẹ chồng muốn giữ tài sản của con là điều rất kì cục.
Ngân ở nhà được 2 tuần thì tiếp tục sang Đài Loan học. Trước khi bay khoảng 5 ngày thì Hải làm Ngân khóc một trận rất to vì tủi thân. Hôm đó hai vợ chồng vừa ở quê ngoại lên đơn vị. Anh nói muốn Ngân về quê chồng ở mấy hôm trước khi đi cho mẹ con gần gũi nhau, Ngân thì ớn cả người vì những ngày anh không ở nhà, cỗ cưới còn thừa ăn triền miên từ ngày này sang ngày khác, mẹ chồng thấy Ngân đến bữa cơm ngắc ngứ không nuốt nổi cũng chỉ hỏi Ngân ăn có ngon không, cố gắng ăn hết để dọn tủ lạnh chứ không hề có ý định mua thức ăn mới đổi bữa. Ngân giận dỗi hỏi chồng, nếu anh là vợ, anh sẽ xử lý như nào. Anh trầm ngâm một lúc không nói gì. Tối hôm ấy, Hải dẫn vợ đi ăn đồ nướng và quyết định trước ngày bay 2 hôm sẽ cùng vợ về chuẩn bị hành lý, đồ đạc.
Cùng đợt cưới xong đó, nhà Ngân đi bốc nhận nhà chung cư. Ngay từ lúc xác định cưới và mua nhà, Ngân luôn nói với chồng đăng kí mua căn rộng rãi nhất để sau này đón mẹ về ở cùng. Trời thật chiều lòng người, anh bốc được căn nhà hướng đẹp, view đẹp với diện tích như mong muốn của hai vợ chồng.
Ngân bay sang Đài được khoảng 10 ngày thì ở nhà rục rịch đặt cọc tiền nhà. Số tiền cọc là 120 triệu. Ngân nhớ lúc trước khi đi mẹ chồng có nói nếu hai đứa mua nhà thì bà cho 40 triệu, còn lại vợ chồng tự lo, không mua thì bà cho để làm vốn. Ngân đi làm thêm, vay mượn bạn bè được 20 triệu, chắc mẩm với 40 triệu bà cho cộng với 40 triệu tiền mừng cưới và 20 triệu của mình là được 100 triệu, còn thiếu thì Ngân gọi điện về vay bố mẹ. Thế nhưng khi Ngân gọi điện về cho bà thì mới biết 40 triệu mà bà nói là cho để mua nhà ấy, thực chất là 40 triệu tiền mừng cưới của hai vợ chồng gửi (!!!), tính ra vẫn còn thiếu 60 triệu để đặt cọc khi thời hạn chỉ còn 2 ngày. Ngân gọi về cho bố mẹ, nói dối là nhà con mua rộng hơn so với diện tích ban đầu nên còn thiếu 60 triệu cọc, bố mẹ cho con vay, 3 tháng nữa con trả. Bố Ngân có nói rằng, mấy năm ở Đài Loan, số tiền Ngân làm thêm gửi về cho bố mẹ, các cụ không tiêu đến nên mở một quyển sổ tiết kiệm, giờ cần thì rút về dùng. Ông bảo ông bà sẽ cho thêm để đủ một nửa giá trị căn nhà. Ngân vui mừng hết nấc, nhắn tin cho chồng nói ông bà đã đồng ý cho vay 60 triệu, gọi điện giục chồng xin nghỉ phép về quê để cảm ơn và nhận tiền. Khi Ngân nói chuyện với mẹ chồng, chưa kịp kể chuyện ông bà ngoại quyết định như nào thì bà bảo “Mẹ chỉ có 40 triệu, không vay được ai nữa đâu. Các bác các cậu trong nhà nói là bọn nó vừa mới cưới nhau mua nhà mua cửa làm gì, còn chưa biết sau này nó ( tức là Ngân ) làm ở chỗ nào, ở Hà Nội thì đắt đỏ, về quê làm cũng được chứ sao. Biết được chúng nó có ở với nhau cả đời hay không. Nếu hai đứa vẫn quyết mua nhà thì tự xoay sở vay mượn, nhưng để cho chắc thì mẹ đứng tên nhà nhé”. Ngân á luôn khẩu, tai ù đi vì choáng váng, khi bình tĩnh lại, cô vâng vâng dạ dạ nói mấy chuyện phiếm rồi chào cụ tắt máy.
Ngân - ngay lập tức gọi điện cho bố nói : con không mua nhà nữa. Bố mẹ cô vô cùng ngạc nhiên hỏi lí do. Cô trình bày câu chuyện, nói rành rọt “Bố mẹ cho vợ chồng con nửa căn nhà còn chưa đòi đứng tên sở hữu thì không ai có quyền đòi hỏi vô lí đó. Bố không phải rút tiền về nữa, chồng con có hỏi thì bố bảo năm nay lo cho em con đi Nhật nên con đổi ý rồi”. Bố nói Ngân hãy suy nghĩ kĩ về quyết định này, hai vợ chồng nên bàn bạc lại với nhau. Nếu không muốn lấy nửa căn nhà thì bố cho 2 đứa 60 triệu tiền cọc.
Chồng Ngân có lẽ cũng vì ngại nhờ ông bà nên khi nghe vợ nói không muốn mua nhà, anh đồng ý luôn. Anh luôn miệng nói với Ngân rằng mẹ bảo sau này vợ làm ở đâu thì mua nhà ở đó cho tiện, vướng bận con cái mà đi làm xa thì chỉ có mệt vợ thôi. Anh nhắc lại vài lần câu đấy, cô bực quá nói thẳng “Thôi, không có tiền mua nhà thì nhận là không có đi, nói oai thế làm cái gì, em không thích”.
Tháng 10 năm đấy Ngân về đám cưới bạn thân, tiện thể đi niềng răng luôn. Ngân mang 20 triệu về, biếu hai bên nội ngoại mỗi bên 3 triệu, đặt cọc tiền làm răng 10 triệu, còn lại là mua sắm linh tinh. Hôm cô vừa xuống sân bay còn đang ở đơn vị thì anh bạn chồng Ngân qua, đưa một cọc tiền nói là trả nợ. Hải thấy Ngân bực mình nên kể bạn anh hỏi vay 20 triệu lúc dồn tiền nhà, anh về lấy ở chỗ mẹ. Ngân hỏi lý do tại sao cho vay mà không nói gì với vợ, dù sao nó cũng là tài sản chung của hai vợ chồng, anh biết sai nên không nói gì, chỉ lấp liếm câu chuyện bằng những nụ hôn cháy bỏng. Buổi tối Hải nói với Ngân muốn gửi tiết kiệm số tiền này, không mang về cho mẹ nữa, anh cũng nói, số tiền 20 triệu còn lại mẹ đã cho bác chồng vay mà không hỏi ý kiến hai vợ chồng lúc nào, nếu hai đứa không giữ tiền của mình, sẽ chẳng bao giờ có giá trị trong mắt mọi người ở nhà cả. Ngân đồng ý.
Duyên số thế nào, sau kì nghỉ đó hơn một tháng thì Ngân phát hiện ra mình có bầu Sò. Ngày anh báo tin cho hai bên gia đình biết, mẹ chồng cô làm rơi chìa khóa trên đường từ nhà bác chồng về nhà, tìm mãi không thấy. Ngân thỉnh thoảng vẫn hay gọi điện về hỏi thăm sức khỏe bà nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ bà hỏi han một câu hai mẹ con cô bên đó ra sao.
Đầu năm sau, em chồng Ngân lên xe hoa. Ngân nói với chồng rút 10 triệu tiền tiết kiệm ra, mua một cái kiềng vàng 2 chỉ để mẹ chồng trao cho em trước lúc đón dâu, còn 10 triệu lại gửi ngân hàng tiếp. Khi ấy cô đang bầu được 14 tuần, bị động thai nhưng vẫn cố về dự đám cưới. Trưa Ngân về đến nhà thì ngay buổi chiều, giữa trời mùa đông lạnh buốt, một mình cô theo chỉ thị của mẹ chồng ngồi rửa 20 mâm bát đĩa để chuẩn bị dọn cỗ. Tay Ngân lạnh cóng lại, mười đầu ngón chân tím ngắt. Hải bận lo việc khác nên chẳng để ý. Chỉ đến tối, khi thấy vợ nằm không nhúc nhích trong phòng, anh giục vợ ra bên ngoài cho “có lệ để mọi người thấy mặt”, cô cáu kỉnh đáp lại anh mới giật mình. Anh nói ngày mai Ngân không phải làm gì nữa, ai bắt làm việc gì thì cứ gọi anh.
2 ngày tổ chức đám cưới mẹ và hai đứa em Ngân đều có mặt. Mẹ vốn nhanh nhẹn nên chẳng nề hà gì, lao ra bếp núc cỗ bàn cùng mọi người. Ngoài tiền mừng cưới cho em chồng, bà còn mang thêm 40kg gạo thơm và đóng riêng một phong bì mừng thông gia. Mẹ Ngân cho con gái một ít tiền mua vé máy bay nhưng Ngân không lấy. Tối hôm Ngân rửa bát xong nằm bẹp rên rỉ vì đau bụng, mẹ mắng cô không biết lo cho em bé, đã yếu lại còn ngồi máy bay về. Bà vốn luôn chu đáo và lo lắng cho con cái như vậy nên Ngân càng tủi thân tợn.
Đám cưới xong buổi trưa, buổi chiều mẹ và các em Ngân bắt xe về Thái Bình luôn. Hôm sau Hải đi công tác Thanh Hóa, nhà đã vắng lại càng thêm vắng. Mẹ chồng thấy Ngân ăn sáng xong đi lấy cốc uống thuốc thì hỏi thuốc gì. Cô thật thà đáp lại thuốc bổ tổng hợp. Bà bảo “uống làm cái gì, ăn ít thôi, ăn nhiều con nó to lại phải đẻ mổ”. Ngân cười giải thích với bà rằng con bị thiếu máu nên cần uống bổ sung, bà chép miệng “Chúng mày còn trẻ không lo làm ăn đi, đẻ con sớm làm gì. Đẻ cũng không xem tuổi xem mệnh, để nó kị cả tuổi cả mệnh với bố nó”. Ngân đứng hình vì không ngờ câu nói ấy được phát ra từ bà nội của con mình.
Buổi trưa khi cô đang nằm ngủ thì mẹ chồng gọi dậy, bà nhờ Ngân bê hộ bao gạo hôm trước mẹ cô mang lên để bỏ vào thùng xốp cho khỏi mọt. Ngân nhìn bao gạo 40kg, nhìn xuống bụng mình, cô nói với mẹ “con đang bị động thai, con không làm được mẹ ạ. Mẹ đợi mấy hôm nữa chồng con về rồi để sau”. Bà lừ mắt nhìn Ngân, cái nhìn khiến cô rợn cả tóc gáy.
Trưa hôm sau bà mang về nhà hai quả đu đủ cương và một ít rau ngót để nấu canh. Bà khen đu đủ ngọt lắm và giục Ngân gọt. Cô chiều theo ý bà nên gọt, còn cắt tỉa rất đẹp mắt nhưng không ăn. Bà có vẻ đoán được ý Ngân nên sẵng giọng “Cái đứa khỏe thì bảo nó cũng chả ra, đứa không khỏe thì nằm một chỗ vẫn ra như thường”. Ngân nhẫn nhịn không nói gì. Thực lòng cô mong nhanh đến tối để Hải về, cô sẽ nói với anh việc cô đổi vé bay sang Đài Loan vào 2 hôm nữa, thay vì một tuần sau như dự định ban đầu.
Ngân sang Đài đi làm được hai tuần thì lại về Việt Nam ăn tết, lòng cô đã tổn thương vì những chuyện đã xảy ra nên cả kì nghỉ tết trôi qua đầy buồn tẻ. Tối mùng một bà kêu trúng gió, Hải cạo gió đánh cảm cho bà. Sáng mùng hai, bà nói bà khỏe rồi, việc ai người nấy cứ làm đi. Vậy là 2 vợ chồng yên tâm bà đã khỏe nên khăn gói về chúc tết bên ngoại. Ngày nào cũng hai buổi sáng và tối Ngân gọi điện hỏi thăm sức khỏe bà, hỏi han bà ăn uống như nào ... Bà cũng trả lời bình thường, kể hôm nay ai đến nhà, ăn gì ... Sáng ngày mùng bốn, em chồng gọi điện cho Ngân, hai chị em nói chuyện với nhau gần một tiếng. Ngân gần như hóa đá khi nghe lời “hay ho” bà dành cho cô với họ hàng. Bà chê cô nấu ăn dở khiến bà không ăn được trong khi bà không nói với cô là bà ghét ăn miến. Bà nói Ngân không cho chồng chuyển hộ khẩu của cô về Hà Nội, thích điều khiển chồng trong khi cô chủ động nhắc anh làm việc này nhưng anh bận mải công việc chưa chuyển được. Bà kể lể cô đòi tiền của bà cho bác vay trong khi đó là số tiền mừng cưới của vợ chồng Ngân, bà tự ý đem cho vay không hỏi. Mà cô cũng rất tế nhị khi nói với bà rằng muốn lấy về để gửi tiết kiệm, mấy nữa sinh cháu còn có đồng ra đồng vào. Rồi bà nói cả chuyện con dâu bảo sinh cháu ở đâu, cách chăm cháu như thế nào … không hỏi qua ý kiến của bà. Bà vừa kể vừa khóc như thể bà bị con dâu ức hiếp làm bà chịu ấm ức nhiều lắm. Hải không muốn không khí bên đằng ngoại nặng nề nên bảo vợ chịu khó nhịn, tối về rồi nói chuyện với mẹ sau.
Tối hôm đấy về, anh sang phòng mẹ nói chuyện. Hai mẹ con ầm ầm một hồi. Ngân nghe không rõ những chuyện gì, nhưng có 2 câu cô hứa cả đời này cô sẽ không bao giờ quên. Bà bảo “nhà này cái An gửi nhiều tiền về xây chứ mày gửi về được mấy” và “đấy mày xem, giờ chúng mày lấy gì mà nuôi con”. Ngân không hiểu bà muốn gì ở con trai khi biết rõ anh với đồng lương sĩ quan mới ra trường còm cõi, mỗi tháng để giành ra 2 triệu gửi về biếu bà, lấy đâu ra như làm bên ngoài để mà có tiền xây nhà các kiểu. Còn Ngân từ lúc bầu đã bao giờ phải ngửa tay xin tiền bà, ngoài đi học còn vác bụng bầu đi làm thêm tối đến 1h sáng hôm sau, kiếm tiền mua vé máy bay, tiền thuốc bổ, tiền khám thai định kì, tiền giành gửi ngân hàng chờ sinh đẻ ... mỗi lần về còn biếu bà được dăm bảy triệu. Bà đã nuôi được cô ngày nào mà nỡ buông lời khinh nhau đến thế ?
Sáng sớm hôm sau chồng Ngân lên đơn vị khai xuân, mẹ chồng cô đi khám bệnh về tạt qua chợ huyện mua cho Ngân được mấy nghìn bánh cuốn và con cá chép. Ngân nhìn thấy cảm kích lắm, vì nghĩ rằng mẹ hiểu lầm thì mẹ nói xấu cô vậy thôi, mẹ biết cô nghén bánh cuốn nên mua cho con dâu ăn cơ mà. Thế mà lúc ăn xong Ngân như mắc cục nghẹn khi mẹ bảo “Tính hôm nay xem tiêu hết bao nhiêu nào …” Rồi bà kể chi li từng khoản, rau cần, bún, bánh cuốn, cá chép, xe ôm … Tính xong bà buông 1 câu cảm thán “Ở nhà chỉ chơi không mà ăn uống, tiêu pha thế này thì chết”. Cổ họng cô nghẹn ứ lại. Tiền với bà to quá, to hơn cả thằng cháu nội đang lớn lên trong bụng mỗi ngày.
Nghỉ tết xong, Ngân đi liền sang Đài 3 tháng học rồi về nước chờ sinh. Những ngày ở Đài tâm trạng cô không ổn định, cô cảm thấy uất hận vì những gì bà đối xử với hai mẹ con. Lòng Ngân nguội lạnh và thực sự không muốn trở về. Ngân biết bà vụng về nấu ăn nên ngỏ ý với chồng thuê nhà gần đơn vị hoặc về ngoại sinh con. Bà chì chiết cô “Chỉ có loại vô chính phủ, chết cha chết mẹ mới về nhà ngoại đẻ”. Chồng Ngân ở giữa không biết xử lý thế nào, cô đành cắn răng nín nhịn về quê chồng đẻ. Phải nói thêm là nhà chồng Ngân tuy hộ khẩu Hà Nội nhưng vẫn là vùng ngoại ô hẻo lánh, nơi ở cách khu xử lý rác của cả thành phố có 3km, Ngân hầu như không ra đường vì xe rác đi qua hàng ngày, bụi mù mịt và mùi hôi thối bốc lên giữa mùa hè vô cùng ngột ngạt. Ấy thế nhưng bà lại rất tự hào về khẩu Hà Nội này, thỉnh thoảng lại nói Ngân là cái đồ nhà quê, dân tỉnh lẻ. Ahihi.
Ngân có bàn với chồng việc mua điều hòa để lúc nằm cữ hai mẹ con không bị nực. Ngay ngày đầu tiên cô về, mẹ chồng đã lên tiếng phản đối. Bà nói ra nói vào đến nỗi em chồng cô xuống chơi phải gắt lên “Sao cứ phải nặng lời với nhau thế nhỉ ?”. Ngày thứ 2, Ngân vừa bảo “Mẹ ơi, con đi mua ít thức ăn”, khi cô ra đến hàng tôm cá thì quay lại đã thấy bà ở đằng sau. Bà chọn cho Ngân 3 con cá mương, cân lên được đúng 1 lạng, mua thêm 1 lạng tôm rồi giục cô mang về, Ngân trả tiền xong dặn cô hàng cá “mai có cá chép cô nhớ để phần cháu 1 con nhé”. Về nhà mẹ chồng cô bắt đầu bài ca, cá chép chẳng có gì, chỉ được mỗi cái ngọt thịt chứ lắm xương, cá chép 60,70k/ 1 kg còn cá rô phi có 30k/ kg, mua 1 con nửa cân về có mà ăn cả nhà. Ngân im lặng không nói gì. Tối hôm ấy cô gửi mẹ 2 triệu nhờ mẹ đi chợ mua thức ăn. Bà không nhận, bà bảo “tiền của con cũng như của mẹ. Cất đi”. Ngân nhắn tin cho chồng bảo anh cuối tuần về gửi tiền ăn cho mẹ, thà mẹ cầm tiền rồi cô tự mua đồ ăn ngoài về để mẹ đỡ kêu còn hơn là cứ để mẹ kiểm soát ăn uống như thế. Ngày thứ 3, Ngân đi siêu âm. Trước đấy bác sĩ nói cô đang bị cạn ối, 2 ngày phải đi siêu âm 1 lần để có gì còn xử lý kịp. Bà nghe thấy vậy rít lên “Không việc gì phải siêu âm lắm, giờ là đủ ngày đủ tháng, đẻ được rồi, siêu âm lắm tốn tiền, bọn bác sĩ nó chỉ làm tiền thôi”. Ngân 1 lần nữa lại im lặng, chỉ biết khóc và kể lại cho chồng, cho bố mẹ đẻ nghe. Mẹ Ngân gọi điện lên bảo nếu như vậy thì nói khéo với chồng xin về đây đẻ đi, chứ như thế nguy hiểm đến 2 mẹ con lắm. Hải bận nhiệm vụ ở đơn vị nên cô lại tự nhủ mình sẽ cố chịu đựng, mẹ nói thì kệ mẹ nói, việc đi khám cô vẫn sẽ cứ đi. Ngày thứ 4, Ngân nhờ chị chồng mua hộ con 1 gói mì chính, 1 gói hạt nêm, 1 bó rau thơm, cà rốt, hành tây để làm nem rán vì tối hôm đấy chồng về. Bà về quát ầm lên chuyện cô mua mì chính mà không hỏi ý kiến bà. Thế mà hôm tết không thấy túi bột canh đâu, Hải hỏi thì bà bảo bây giờ là chủ gia đình rồi, thấy nhà thiếu cái gì thì tự đi mà mua. Bà cất mì chính vào trong cái thùng xốp ở phòng bà thì Ngân biết tìm kiểu gì để thấy ? Bà nói chán ra không thấy cô phản ứng gì, lại quay sang trách chị chồng không tâm lí, bà mới cho 1 gói mì chính to mà không biết đường nói “Bà ấy đầy mì chính”. Ngân thấy vậy mới bảo mẹ “Con trót mua rồi thì thôi, mẹ trách chị ấy làm gì, chị chỉ mua hộ con thôi chứ chị ấy biết làm sao được để mà nói”. Ngày thứ 5 mẹ nhờ một chị chồng khác mua cho Ngân 5 quả dừa và 1 quả đu đủ. Tối ấy chồng Ngân đang bổ dừa thì nghe bà nói “Chưa hết tuần đã tiêu hết gần 1 triệu, cứ thế này thì 1 tháng 3 triệu cũng không đủ”. Cả 2 vợ chồng Ngân đều giật mình, Hải hỏi bà mua những cái gì mà tốn thế, bà kể ra mua dừa hết bao nhiêu tiền, mua thịt hết bao nhiêu – sáng mẹ mua 300k tiền thịt, để tủ đông ăn dần đến tận hôm sinh cháu được 5 ngày tuổi mới hết, tiền điện tủ lạnh chả dùng gì mà một tháng cũng hết hơn 70 nghìn … Đêm hôm ấy Ngân khóc, cô năn nỉ chồng cho cô về quê ngoại đẻ, Ngân biết cứ thế này thì sau sinh cô sẽ stress mất, đi khám thai bác sĩ đã nói cô có dấu hiệu của trầm cảm trước sinh rồi. Hải lại dỗ dành vợ, anh bảo sinh con thì anh sẽ xin nghỉ 2 tuần ở nhà với con, rồi mẹ và em Ngân lên, anh sẽ không để vợ ăn uống kham khổ hay để cô bị tác động bởi lời nói của mẹ nữa. Tối thứ 7, hai vợ chồng Ngân lên nhà bác chồng thăm chị chồng mới sinh, gặp cả chị cả nhà bác - là bác sĩ ở viện Nhi ở đấy. Bác chồng kể đã phân tích cho mẹ hiểu chuyện đi siêu âm lúc cạn ối quan trọng như thế nào, chị cả cũng nói về tính của bà để mong Ngân hiểu mẹ hơn. Nhưng phải nói rằng những gì bà thể hiện với các bác, các chị khác hẳn với cách bà đối xử với Ngân. Tính bà không phải là tiết kiệm cho con, mà là mẹ kẹt xỉ với Ngân, với cháu nội của bà lắm lắm.
Chiều thứ 3 tuần sau đấy, em chồng chở Ngân đi siêu âm, chỉ số ối đã ở mức nguy hiểm rồi. Cô lo đến dại cả người đi vì Sò mới ở tuần 37. Tối ấy chị họ chồng gọi về cho mẹ chồng Ngân. Cô không biết bà nói với chị những gì, nhưng cách nói để chị phải bảo là nếu hai đứa không có tiền đi khám thì anh chị sẽ cho làm Ngân xấu hổ vô cùng. Hóa ra bà chẳng thay đổi như lời em chồng Ngân nói, bà vẫn nghĩ cô là đứa không có tiền - hoặc cố tình nói thế để cô sĩ lên mà đưa hết tiền cho bà cầm, vẫn nghĩ hai đứa không lo nổi cho con. Rồi bà lại ngọt nhạt nói đẻ trên thành phố tốn kém lắm, trên đấy mùi bệnh viện mẹ không ngủ được, đi lại xa xôi, ối cạn quá thì đẻ mổ cũng được … Thế mà lúc trước Ngân ăn uống gì cũng bảo ăn ít thôi, con to khó đẻ, giờ lại bảo đẻ mổ, lúc thế này lúc thế kia. Ngân tức giận vì cảm giác mình như một cái máy đẻ, đẻ ở đâu, đẻ như thế nào cũng không được quyết định. Người ta bảo “gái chửa cửa mả”, thế mà mạng sống của Ngân, của con Ngân - cháu nội bà mà bà coi nhẹ không bằng lông hồng.