Cá Thu VIP
VỀ SỮA BÒ

Ngoài sữa mẹ là thứ sữa thiên nhiên, các thứ sữa dùng thế sữa mẹ để nuôi trẻ gọi chung là sữa nhân tạo: sữa bò, sữa trâu, sữa dê, sữa... đậu nành, chẳng hạn. Nhưng sữa bò là thứ sữa thông dụng nhất nên bài này có tên là “SỮA BÒ”.

Tôi có được xem một tấm hình khác đặc biệt trong một tạp chí y học. Tấm hình chụp một cô chuyên viên dinh dưỡng đang bồng một đứa bé cho ngoặm vú một con dê để bú. Con dê đứng yên trên một cái bàn cao, có vẻ trầm tư như ý thức đang làm một việc cao quý! Cạnh đó một đứa bé khác lớn hơn đang đứng bú tay chờ tới phiên mình. Đặc biệt, vì rất hiếm khi người ta cho trẻ bú... thú vật một cách trực tiếp như thế. Đáng lẽ sữa đó phải được vắt ra khủ trùng, pha chế rồi mới cho bé bú.

Có một dạo ở ta những người... văn minh chỉ cho con bú sữa bò, nhất là các loại sữa bột có những tấm lịch quảng cáo lộng lẫy in hình những em bé bụ bẫm dễ thương. Họ nhìn một cách thương hại – có một chút kinh khi nữa, những người đàn bà “nhà quê” cho con bú sữa mẹ. Họ viện ra đủ những lý lẽ để binh vực sữa bò, nào vệ sinh, nào tiết kiệm thì giờ, nào giữ gìn sắc đẹp, và sữa bò từ đó tràn ngập thị thường!

Đến nỗi những bà mẹ quê... có hàng mấy ngàn năm kinh nghiệm nuôi con bằng sữa mẹ, đâm ra hoang mang và nhiều bà đã dấn thân vào con đường “văn minh hóa”. Nhưng vì không được hướng dẫn để sử dụng cho đúng, các bà thay vì có những đứa con bụ bẫm như trong hình quảng cáo, đã khổ sở vì những đứa con đau yêu triền miên. Tôi không có nhiều dịp gặp các bà ngoại, bà mẹ mang con cháu đến bệnh viện trong tình trạng ốm đói, ói ỉa kinh niên. Có đứa thịt săn cứng lại như con mắm khô, ốm như con khỉ được các bà gán cho một cái tên là ban... khỉ.

Bé khác thì mập bệu, thịt nhão (không phải là mập thực mà chỉ là sưng đó thôi) da lở loét chỉ vì bú sữa bò không đúng cách. Thay vì một muỗng sữa bột A, pha thành 30 phân khối nước, bà mẹ pha thành 180 phân khối, bảo sao bé không ốm đói. Sữa loại B pha một muỗng thành 60, thì bà pha 30. Còn núm vú, còn bình bú, còn cách khử trùng, cách cho bú... ôi chao, bao nhiêu thứ rắc rối! Các bà tưởng bú sữa bò cũng dễ như bú sữa mẹ, chỉ cần mở một cái nút áo và có thể cho bú trên... xe buýt. Có bà mẹ khi được hỏi cho con bú sữa gì đã hãnh diện: cho bú sữa si rô (Guigoz), có bà nói cho bú ma-ri (Meiji).

Dĩ nhiên sữa bò không có... lỗi, các bà mẹ cũng không có lỗi.

Những năm gần đây một phong trào cực đoan khác lại đả kích sữa bò dữ dội. Có người đã quả quyết rằng cho trẻ bú sữa bò sẽ không thể thành một con người bình thường được và chỉ có thể trở thành một con... bò! Như vậy những bé bú sữa dê như tấm hình tôi được trong thấy kia sau này sẽ ra sao?

Một cách công bình ta phải nhận rằng sữa bò giúp ích nhiều cho người mẹ, nhất là hiện nay người phụ nữ cũng phải gánh vác nhiều chuyện ngoài xã hội, phải đi làm thêm nên khó lòng cho con bú mẹ đến lớn như xưa. Trong những trường hợp người mẹ bệnh hoạn, sữa bò là cứu tinh của bé. Dĩ nhiên, cho bú sữa bò là một việc trái tự nhiên và thường gây những rối loạn về dinh dưỡng nếu người mẹ không chuẩn bị một kiến thức tối thiểu để sử dụng sữa bò đúng cách.

So sách sữa bò và sữa mẹ:

Các thành phần căn bản sữa bò cũng gần giống với sữa mẹ. Tuy nhiên đi vào chi tiết mới thấy sữa mẹ có nhiều tính chất tốt hơn, chẳng hạn chất đạm ở sữa mẹ tuy ít (12gr – 15gr trong khi sữa bò 35gr) nhưng lại chứa nhiều chất Lactalbumine bổ hơn trong sữa bò. Trái lại, trong sữa bò có nhiều caséine, khó tiêu, đóng cục. Sữa bò ít ngọt hơn sữa mẹ nên phải thêm đường, sinh tố cũng ít hơn và dễ bị hủy hoại, nhất là sinh tố C. Ngoài ra, còn phải kể những men giúp sự tiêu hóa và các kháng thể chống bệnh tật chỉ có trong sữa mẹ.

Vì thế, các hãng sữa đua nhau biến chế sữa bò của hãng mình sao cho càng gần giống sữa mẹ chừng nào tốt chừng đó. Chúng ta há chẳng thấy các quảng cáo của hãng sữa cho rằng sữa hãng họ tốt nhất vì giống sữa mẹ nhất đó ư? Cách chế biến dựa trên nguyên tắc là làm giảm chất đạm (cho dễ tiêu), tăng chất đường (ngọt dễ uống) và thêm sinh tố A, C, D, khử trùng cho sạch sẽ.

Các loại sữa thường dùng:

Các loại sữa thường dùng là sữa tươi, sữa đặc có đường và sữa bột. Sữa tươi ở ta ít được dùng cho trẻ em. Hiện nay sữa tươi có nhiều, nhưng không nên dùng nếu không được tiệt trùng đúng phương pháp. Sữa đặc có đường và sữa bột đều đã được khử trùng kỹ lưỡng và làm sao để có thể giữ được lâu.

Sữa đặc có đường chứa 10% chất đạm, 10% chất béo nhưng đến 35% chất đường, do đó rất ngọt. Bé bú sữa đặc mau lên cân vì đường có tính chất giữ nước trong cơ thể. Bé bụ bẫm nhưng yếu đuối, hay đau ốm, sợ nước. Sữa cũng tương đối khó tiêu và bé hay bị bón. Cách pha chế khá đơn giản nếu ta dùng loại bình có chia độ sẵn. Trên bình tương ứng với tuổi bé có khắc hai vạch: ta đổ nước sôi đến vạch dưới, múc sữa đổ thêm vào cho đến vạch trên, lắc đều, để nguội vừa bú (khoảng 35 – 37 độ) là xong. Nhiều người có thói quen đục hai lỗ trên nắp hộp cho sữa chảy ra, có khi còn trợ lực bằng cách thổi một hơi dài, mất vệ sinh quá!

Tốt hơn hết là dùng cây khui, khui bật cả nắp hộp ra và dùng muỗng sạch để múc sữa. Có loại nắp hộp bằng nhựa đậy kín hộp sữa có thể để lâu được vài hôm. Chỉ nên giữ sữa đã khui dùng trong 48giờ thôi. Số sữa còn dư tốt hơn nên dành cho... ba bé pha cà phê! Đừng tiếc, dùng sữa cũ, bé sẽ bị tiêu chảy. Nếu là một bình bú không có chia độ sẵn thì trung bình mỗi muỗng cà phê sữa vun pha thành 50ml sữa (cho bé dưới 1 tháng) và thành 40ml sữa cho bé ngoài 1 tháng. (Hiện nay ít người còn dùng loại sữa này).

Các loại sữa bột hiện nay đang tràn ngập trên thị trường – thỉnh thoảng khan hiếm một cú cho các bà mẹ chạy sốt vó chơi – và sữa nào cũng quảng cáo bằng những chương trình hấp dẫn thấy mà ham cả. Đại khái có hai loại chính là sữa nguyên vẹn (lait entier) và sữa đã lấy bớt một phần chất béo (lait demi – écrémé). Loại thứ hai dễ tiêu, dùng cho các trẻ dưới 6 tháng, còn loại thứ nhất dành cho trẻ trên 6 tháng.

Các bé sinh thiếu tháng, trẻ bị rối loạn dinh dưỡng, trẻ trong thời kỳ dưỡng bệnh thường được cho dùng loại sữa lấy bớt mỡ. Cũng có những loại sữa có thể dùng cho trẻ sơ sinh đến lớn, không phân biệt gì cả. Loại này dễ sử dụng hơn. Loại sữa bột chua (lait sec acidifíe) được cho thêm một chất chua để giúp sự tiêu hóa mau chóng thường được dùng cho các trẻ sinh thiếu tháng, trẻ ăn lâu tiêu, trẻ bị tiêu chảy, ói mửa... nhưng cũng có thể dùng cho trẻ bình thường nữa. Bú loại sữa này, bé không bị bón và phân có màu hơn trắng.

Ngoài các thứ sữa thông dụng kể trên, còn có những thứ sữa đặc biệt dành cho những trường hợp đặc biệt, có sự chỉ dẫn của bác sĩ: sữa có nhiều chất đạm, sữa không có mỡ, sữa không có đường disaccharide... Các loại sữa này dùng để chữa bệnh rối loạn dinh dưỡng ở trẻ, do bác sĩ chỉ định tùy trường hợp, không thể tự ý mua dùng được.

Cách pha chế:

Các loại sữa thông dụng pha chế không giản đơn như ta tưởng. Trước khi sử dụng nên đọc kỹ bảng chỉ dẫn hay hỏi ý kiến bác sĩ. Pha chế sai lầm không sớm thì muộn cũng làm trẻ bị rối loạn dinh dưỡng như tiêu chảy, ói mửa, biếng ăn, suy dinh dưỡng...

Chẳng hạn, loại sữa có muỗng lường chứa 5gr mỗi muỗng gạt, pha thành 30 phân khối sữa, và loại chứa 10gr phải pha thành 60 phân khối. Đó là không kể trường hợp bé đâu yếu, cách pha chế còn phải thay đổi chút đỉnh tùy trường hợp do bác sĩ chỉ định. Chính cái chỗ pha chế lôi thôi đó mà đã gây không biết bao nhiêu tai hại cho trẻ, nếu ta không biết sử dụng đúng loại sữa và đúng cách. Đọc kỹ nhãn hiệu hộp sữa, ta luôn luôn thấy có dòng chữa “Phải hỏi ý kiến bác sĩ” nhưng có bà mẹ nào hỏi ý kiến bác sĩ trước khi mua sữa cho bé đâu!

Khẩu phần:

Chọn sữa đúng tình trạng bé, pha sữa đúng cân lượng, chưa đủ: Còn phải biết khẩu phần của bé trong ngày là bao nhiêu để cho bé bú không quá dữ hay quá thiếu. Vì qua dư, hay quá thiếu cũng sinh bệnh cả. Thực ra không có con số chính xác nào về vấn đề này. Bé có thể bú bao nhiêu tùy thích. Miễn là bé lên cân đều, khỏe mạnh là được. Trung bình trong ba tháng đầu mỗi tuần bé lên được 150 – 175gr, ba tháng sau mỗi tuần lên 125 – 150gr, và ba tháng kế tiếp lên khoảng 100gr mỗi tuần.

Đến tháng thứ 5 bé thường có số cân nặng gấp đôi lúc mới sinh, lúc một tuổi bé nặng gấp ba là tốt. Cách tốt nhất để biết khẩu phần của bé là sự thèm ăn và sự lên cân đều của bé như đã nói trên, nhưng ta khó biết rõ sự thèm ăn của bé ra sao, còn cân bé không thể hiện mỗi ngày được.

Có lẽ nên nhắc lại một lần nữa rằng bảng trên đây chỉ là bảng chỉ dẫn, trong bốn tháng đầu và không bắt buộc phải theo đúng. Bé cũng có thể bú 6 bình mỗi ngày hoặc 7 – 8 bình cũng không sao. Có bé mau đói, bú ít thôi nhưng bú nhiều lần. Có bé bú nhiều một lần rồi ngủ liền 3 – 4 giờ. Thường sau cữ bú mà no nê rồi thì bé sẽ ngủ ngay và ngủ ngon giấc.
Có một số vấn đề lỉnh kỉnh khác, tuy nhỏ nhặt nhưng không kém phần quan trọng nếu không để ý tới cũng gây nhiều phiền phức cho bé:

Vệ sinh bình bú:

Sữa bò không những là một thức ăn ngon của trẻ con, nó còn là một thức ăn khoái khẩu của... vi trùng. Một bình sữa còn chút sữa dư sẽ trở thành một môi trường cấy vi trùng lý tưởng và chỉ với một vài con vi trùng trong bình vài giờ sau có thể trở thành một ổ vi trùng lúc nhúc rồi! Vì thế phải súc ngay bình bú khi bé vừa bú xong.

Tốt hơn hết là có một lúc 6 bình bú với một cái soong dành cho việc hấp bình. Buổi sáng, bà mẹ sau khi hấp bình xong, pha luôn một lúc 6 bình bú, đậy kỹ, cất trong tủ lạnh, đến giờ đem ra hâm đủ ấm cho bé uống. Xong súc bình ngay và đến tối hết 6 bình sẽ luộc luôn một lúc. Cách này thích hợp với những bà mẹ tương đối khá giả, bận đi làm, không tiện giao cho người vú hay một người nào khác pha sữa cho bé. Tuy nhiên, trên thực tế rất ít người thao được. Tôi thấy một số lớn các bà mẹ chỉ sắm mỗi một cái bình bú. Nhiều khi sữa còn dư để dành lại cho lần bú sau, theo đúng “chính sách tiết kiệm”... Bình bú chỉ được súc hoặc trụng nước sôi lấy lệ. Vì thế mà trẻ em bú sữa bò thường mắc những bệnh tiêu chảy, ói mửa rất mệt cho bà mẹ. Nếu chỉ dùng một bình bú thôi thì nên lựa thứ bình tốt có chia độ đàng hoàng và chịu được sức nóng khi nấu sôi 10 – 15 phút. Mỗi lần bú xong súc bình ngay và nấu lại trước khi pha bình sữa mới, nếu có thể được.

Núm vú: Núm vú cũng phải lựa thứ tốt, dùng lâu được phải có nắp đậy. Núm vú lẫn nắp đậy sẽ được nấu hoặc hấp cùng với bình bú. Có loại
núm đã soi lỗ sẵn, loại chưa. Nếu dùng loại chưa soi lỗ phải soi cho khéo: lỗ lớn quá, sữa xuống mau bé bú không kịp bị sặc, lỗ nhỏ quá bé nút hoài mỏi miếng không thèm bú nữa! Sữa xuống mau quá, bé bú chưa đã thì đã hết sữa, có thể sinh tật bú tay. Một bà cụ bồng một đứa nhỏ ba tháng đến xin nằm bệnh viện chữa bệnh. Khám không thấy có bệnh gì cả ngoài bệnh ốm ròm; ba tháng mà chỉ cân nặng bằng lúc mới sinh. Đến lúc tình cờ thấy bà cho cháu bù mới biết nguyên nhân: bé nút mạnh một lúc chừng 5 phút rồi bỏ. Sữa chưa xuống được 1/10 chai.

Thì ra bà cụ soi núm vú không đúng cách, sữa xuống ít quá và bé mệt không nút nổi phải bỏ. Ta khổng thể soi núm vú bằng một cây kim nguội được, phải soi với đầu kim đốt đỏ, cao su cháy xèo một lỗ nhỏ thì sữa mới xuống. Nhiều khi phải soi nhiều lần mới được một núm vú vừa ý. Phải soi thành hai lỗ, sao cho khi nghiêng bình, sữa chảy thành một vòi nhỏ là được. Một thời gian sau, lỗ soi đó cũng bị rộng hơn và nếu sữa xuống quá mau, ta phải thay núm vú mới. Núm vú nên nhúng thường xuyên trong một dung dịch thuốc muối (tiêu mặn) để bé khỏi bị đẹn.

Lúc pha sữa, ngoài việc pha đúng theo cân lượng của từng loại sữa, cũng nên để ý là phải đổ nước vào bình trước rồi cho sữa vào sau. Nếu là loại sữa bột, không nên dùng nước đang sôi mà phải đợi nguội bớt, nóng vừa đủ. Nước sôi thường làm sữa đóng cục và hủy diệt các sinh tố trong sữa. Pha xong, trước khi cho bé bú, đừng quên thử xem sữa có nóng quá không, bằng cách nhỏ vài giọt trên lưng bàn tay, nếu thấy không nóng quá là được. Nhiệt độ thích hợp là nhiệt độ cơ thể (37°C).

Cách cho bú: Tốt hơn hết là nên bồng bé trên tay ở tư thế giống như cho bú sữa mẹ. Bé nằm hơi nghiêng, đầu dốc cao. Bình bú dựng sao cho lúc nào sữa cũng ngập núm vú, tránh cho bé khỏi phải nút quá nhiều hơi, làm sình bụng. Nhiều bà mẹ đặt bé nằm trên một cái gối, có bà còn dùng cái gối khác kê bình bú, bỏ mặc bé làm sao đó thì làm. Nếu vì lý do gì không thể cho con bú sữa mẹ được thì người mẹ cũng nên bỏ nhiều thì giờ săn sóc cữ bú của bé.

Trong lúc bú, bé cần có sự hiện diện của bà mẹ bên cạnh – hay một người cũng yêu thương bé như mẹ – nói với bé bằng những lời ngọt ngào, nhìn bé bằng cái nhìn trìu mến để sữa được dễ tiêu hơn và để cho sự phát triển tâm cơ bé tốt đẹp hơn. Các loại sữa bò dù tốt đến đâu chắc chắn cũng thiếu sinh tố Y (xem Sinh tố Y). Người ta thấy trẻ bú sữa bò dễ bị đau ốm, tiêu chảy, ói mửa, sình bụng... và số tử vong cao hơn trẻ bú sữa mẹ; có nhiều trường hợp cũng chậm đi, chậm nói, kém thông minh hơn trẻ bú mẹ, không phải chỉ vì bình bú dơ, núm vú soi không đúng, pha sữa sai lầm mà còn vì thiếu tình mẫu tử. Vậy nếu bắt buộc cho bé bú sữa bò (một thiệt thòi lớn cho bé) thì người mẹ phải thương yêu trìu mến bé nhiều hơn, chăm sóc bé nhiều hơn để bù lại sự thiệt thòi đó.

Bé bú xong nên nâng dậy, vuốt hay vỗ vỗ nhè nhẹ ở lưng để giúp bé ợ hơi. Nếu trong khi bú, giữa bình bú đứng vị trí thì bé không bị nuốt hơi nhiều.

Phân của một bé bú sữa bò thường vàng bệch, sệt và thường bón. Do đó, nên cho bé ăn thêm nước trái cây (cam, chanh...) rau cải. Hiện nay các loại sữa bột cho trẻ thường thêm sắt để tránh thiếu máu, do vậy phân trẻ có thể có màu xám đen. Nhiều bà mẹ rất sợ khi thấy phân trẻ xám đen như vậy.

Từ tháng thứ tư cần cho bé ăn thêm bột rồi xúp, thịt, trứng, cá... (xem Thực phẩm cho bé) cho đủ chất.

Tóm lại nếu vì một lý do chính đáng khiến người mẹ đành phải cho con bú sữa bò thì cần hiểu rõ cách dùng sữa, cách pha chế, cho bú..., để
tránh những rối loạn về dinh dưỡng và không quên âu yếm trẻ nhiều hơn.

- Bs. Đỗ Hồng Ngọc

0 Trả Lời
Lưu lại

Tải app để tham gia
Hoặc quét mã trên điện thoại để tải
Lưu ý: Thông tin tư vấn tại Mamibabi chỉ mang tính chất định hướng, không có giá trị thay thế chỉ định của bác sĩ. Mamibabi không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.
Nhận ngay 5,000+ hoạt động Thai giáo, Giáo dục sớm, Tập nói sớm, Ăn dặm VIP
Thai giáo
Giáo dục sớm
EASY, Luyện ngủ
Tập nói sớm
Ăn dặm VIP
Tư vấn 1:1
BÀI HỌC LIÊN QUAN
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
BÀI CÙNG QUAN TÂM
XEM THÊM CHỦ ĐỀ
Dinh dưỡng - Món ăn
Ăn gì để vào con không vào mẹ?
TÌM KIẾM