CHA MẸ KHÔNG CHÊ CON “KHÓ” 🌹
Tục ngữ Việt Nam có câu “con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo” khuyên chúng ta sống hiếu thuận, tình nghĩa với những người đã sinh thành, dưỡng dục mình. Phận làm con không chê trách, xấu hổ vì cha mẹ mình nghèo nàn, khắc khổ, khó tính, nghiêm khắc. Ngay cả loài chó 🐕 cũng biết trung thành, quấn quýt với chủ vì dẫu có nghèo, chủ vẫn nuôi nấng và thương nó hết lòng.
Cha mẹ cần yêu thương, dạy dỗ tử tế và làm gương tốt cho con để không phụ lòng kính trọng của chúng; chủ nhân cũng không nên ngược đãi/ bỏ rơi thú nuôi khi không cần nữa. Mối quan hệ nào cũng phải có hai chiều. Lòng tôn trọng là thứ phải phấn đấu để đạt được chứ không dưng mà có.
Làm gì có phụ huynh tồi và chủ nhân vô trách nhiệm vẫn nhận được lòng trung thành và cúc cung tận tụy như trong câu chuyện thời Trung cổ ở châu Âu, khi một ông nọ dạy vợ 😟: “Hãy học cách cư xử của con chó biết vâng lời chủ - ngay cả khi bị đánh, vẫn cúp đuôi chạy theo”.
Vậy mà thế kỷ 21 vẫn có người cố chấp giữ lối suy nghĩ ấy, lại còn tin rằng cứ lớn tuổi hoặc lên chức cha mẹ/ ông bà là phải được kính trọng vô điều kiện, toàn quyền sai bảo và kiểm soát con cháu trong nhà. Các bậc “trưởng lão” này có thể mặc nhiên la mắng, đòi hỏi “hậu bối” phải thế này, thế nọ 🥸. Nếu chúng “có ý kiến” là chụp mũ “bất hiếu, hỗn hào”, sau đó kể lể công ơn sinh thành, tốn tiền đầu tư cho chúng ăn học,... Đúng là tiêu chuẩn kép.
*
🔹 Một cậu bé học chăm chỉ, đạt kết quả loại khá nhưng cha mẹ vẫn không hài lòng. Mỗi lần họp phụ huynh về, người mẹ lại ca bài: “Sao con không thể giỏi toàn diện như bạn A, bạn B, hay ít nhất giỏi toán như bạn C, bạn D”. Sau khi đã chán ngán nghe những lời trách mắng, cậu bé bật lại mẹ: “Sao mẹ không giỏi như cha mẹ các bạn ấy?”
Bà mẹ bảo cha mẹ bạn A thì liên quan gì tới mẹ, cậu bé đáp: “Vâng, thế thì chuyện bạn ấy học giỏi liên quan gì đến con?”, rồi nói tiếp: “Mẹ luôn so sánh con với bạn A, nhưng cha mẹ bạn ấy không chơi điện thoại lúc bạn ấy học bài mà ngồi đọc sách bên cạnh. Mỗi khi bạn không hiểu bài trên lớp, cha mẹ bạn sẽ giảng giải đến khi nào hiểu thì thôi”.
Người mẹ đỏ bừng mặt quát con mình tí tuổi đã trả treo, láo toét nhưng từ đó bớt hẳn so sánh con mình với bạn cùng lớp.
🔹 Trong một chủ đề trên mạng xã hội, các thanh niên bàn về tuổi thơ của mình từng bị gia đình trêu “nhặt từ bãi rác hoặc bụi chuối về nuôi” 🙄. Vài bạn cả tin bị sốc nặng một thời gian vì tưởng mình là con nuôi; vài bạn bỏ nhà ra đi tìm bố mẹ ruột nhưng vẫn mò về vì… đói. Cũng có bạn từng mơ về tình huống như phim: Một ngày nọ, bỗng có chiếc xe hơi cáu cạnh đỗ xịch trước cửa nhà. Từ trên xe, cặp vợ chồng ăn mặc sang trọng bước xuống, bảo mình là con ruột của họ bị thất lạc mấy năm nay, hồi xưa bị y tá giao nhầm! 😛 :v
Không chỉ người lớn mới cân đo so sánh, vọng tưởng về hình mẫu con cái hoàn hảo, thông minh, xinh đẹp, ngoan ngoãn. Con trẻ cũng có thể mơ về người cha và người mẹ hiền từ, tâm lý, hào phóng, tử tế và uyên bác 😇. Có điều đa số trẻ em không muốn so sánh cha mẹ mình với người khác vì sợ cha mẹ sẽ buồn.
Trẻ con hiểu chuyện là thế, vậy mà nhiều người lớn lại tùy tiện làm chúng tổn thương bằng việc so đo, áp đặt, đòi hỏi quá đáng. Khi con cái trở nên xa lánh, lạnh nhạt hoặc sống nhu nhược, nhạt nhẽo thì họ trách chúng bất hiếu, bất tài chứ không tự xem mình đã nuôi dạy chúng ra sao.
**
Đức Jesus đã nói: “Đừng phán xét người khác nếu ngươi không muốn bị phán xét.” (Matthew, 7:1). Nếu các bậc phụ huynh “độc hại” cứ thích mắng mỏ, phán xét con mình, hãy chuẩn bị cho việc bị đáp trả bằng cách này hay cách khác, như chiếc boomerang luôn bay ngược về phía người ném.
Nền văn hóa Á Đông luôn đặt nặng chữ hiếu, khuyên con cái phải hết mực yêu kính, vâng lời, thậm chí hy sinh ước mơ riêng vì cha mẹ. Có lẽ bây giờ ngoài lời dạy “con không chê cha mẹ khó”, cần hiểu rằng “cha mẹ cũng không chê con khó” (khó nuôi, khó dạy, khó bảo, khó chiều 😬). Chỉ khi hai bên cùng bao dung, đón nhận, yêu thương tôn trọng lẫn nhau, gia đình mới thực sự hạnh phúc.
Bs Nguyễn Lan Hải
Bài đăng trên báo Công giáo và Dân tộc.
***
Hình minh họa tìm trên pinterest.