Bốn loại cha mẹ vị kỷ và ảnh hưởng đến con cái
Nếu trẻ lớn lên trong một gia đình có cha mẹ vị kỷ (egocentric), thì khi trưởng thành, chúng có khả năng phải đối mặt với những hậu quả tiêu cực kéo dài của mối quan hệ không lành mạnh này. Nhà trị liệu tâm lý Nina Brown đưa ra những công cụ thiết thực để giúp bạn nhận ra những hậu quả này. Cuốn sách của Brown “Họ sẽ KHÔNG thay đổi” nói về phản ứng của trẻ em đối với các kiểu nuôi dạy con khác nhau.
Các kiểu phụ huynh vị kỷ (coi mình là trung tâm)
Có nhiều phương án khác nhau của hành vi và thái độ coi mình là trung tâm, và rất khó để xác định liệu cha mẹ bạn có một số hành vi này và không có những cái khác. Để tiện thảo luận, chúng ta sẽ chia những cha mẹ tự luyến thành 4 loại: thiếu thốn, nóng nảy, gian trá và thể hiện. Mỗi loại đều có một định nghĩa cơ bản, danh sách các hành vi, và các phản ứng có thể có của đứa trẻ tuân phục và đứa trẻ nổi loạn.
Thiếu thốn: Một bậc cha mẹ tự yêu bản thân thuộc nhóm thiếu thốn tỏ vẻ bên ngoài là rất quan tâm và lo lắng. Thông thường, họ rất chú ý, cố gắng lường trước mọi nhu cầu và vô cùng quan tâm đến việc nhận được lời khen ngợi của mọi người. Chỉ riêng cái nhu cầu được công nhận này đã chỉ ra một cách hùng hồn tính vị kỷ của họ. Cha mẹ này chờ đợi sự chú ý, lòng biết ơn và sự ủng hộ đối với bất kỳ hành động nuôi dạy con nào, cả từ đứa trẻ và từ người ngoài. Cha mẹ này không quan tâm đến con theo cách vị tha, nghĩa là con sẽ phải “trả giá” cho sự chăm sóc bằng tình cảm. Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy những nỗ lực của cha mẹ không được chấp nhận và không được đánh giá cao – ví dụ, khi đứa trẻ đang lớn bắt đầu bộc lộ những nhu cầu về sự độc lập – sẽ khiến cha mẹ không hài lòng và muốn kiểm soát (ví dụ có thể được thể hiện dưới hình thức bảo bọc quá mức). Cha mẹ sẽ làm mọi thứ cần thiết để người khác thấy rằng họ làm việc chăm chỉ như thế nào, hy sinh và quan tâm ra sao – tất cả là để mọi người không dám quên họ.
Những hành vi và thái độ chỉ ra một người cha hoặc mẹ thuộc nhóm thiếu thốn là: dính chặt vào đứa trẻ, quan tâm quá mức và xu hướng bảo bọc thường xuyên. Những cha mẹ như vậy luôn làm lớn chuyện từ những thứ mà họ cho là hy sinh cá nhân, thường phàn nàn về mọi thứ và lo lắng nếu bị bỏ lại một mình. Họ bám dính đứa trẻ để biết mọi suy nghĩ, cảm xúc và việc làm của trẻ, không bao giờ quên những xúc phạm, họ rất dễ bị tổn thương, vì đặc biệt nhạy cảm với những lời chỉ trích. Những bậc cha mẹ như vậy không biết cách cảm thông, nhưng có thể tỏ ra thông cảm.
Nóng nảy: Cha mẹ vị kỷ thuộc nhóm nóng nảy là những người rất khắt khe và muốn con thực hiện ngay lập tức và chính xác các yêu cầu của họ, ngay cả khi họ không nói ra những nhu cầu đó. Hàm ý là những người khác phải “có những hành vi đúng” và luôn luôn “làm đúng” mà không có bất kỳ lời giải thích chính xác nào về việc “đúng” nghĩa là gì. Ngoài ra, kiểu phụ huynh này rất dễ tự ái, rất nhạy cảm với sự không đồng tình hay phê bình, và tìm thấy những lời buộc tội trong hầu hết mọi thứ mà người khác nói hoặc làm, ngay cả khi chẳng ai có ý đó. Kết quả là đứa trẻ luôn trong tình trạng căng thẳng khi ở bên cạnh cha mẹ, cẩn thận lựa chọn lời nói và cân nhắc hành động, không ngừng cố gắng “làm đúng”, hoặc tìm cách xa lánh về thể chất và cảm xúc.
Những hành vi và quan điểm của cha mẹ như vậy bao gồm: luôn không hài lòng, thái độ phê phán người khác và kén chọn – mọi thứ cần được thực hiện theo cách cha mẹ muốn, mọi thứ phải đáp ứng tiêu chuẩn của họ. Người cha hoặc người mẹ đòi hỏi sự hoàn hảo, đổ lỗi cho đứa trẻ và người khác khi họ khó chịu, đưa ra những nhận xét nhục mạ người khác, và dễ tự ái bởi những lời chỉ trích mà họ nghĩ là người khác đang nói.
Gian trá: Cha mẹ nhóm này luôn cố gắng là kẻ chiến thắng, đứng đầu, chứng tỏ mình vượt trội hơn người khác và cho người khác thấy rằng họ ở bậc dưới. Điều này thể hiện ở hầu hết các khía cạnh của cuộc sống, bao gồm cả giao tiếp với trẻ em. Những cha mẹ như vậy sẵn sàng nói dối, lừa, bóp méo sự thật và vặn vẹo logic của câu chuyện để đạt được mục đích. Đối với họ, hoàn toàn công bằng khi thao túng và bóc lột người khác, kể cả khi liên quan đến con cái của họ. Kiểu cha mẹ này có khả năng đoán trước nhu cầu và trạng thái cảm xúc của người khác, và sử dụng kiến thức này để thao túng và khai thác. Sống với những cha mẹ như vậy để lại dấu ấn cho trẻ khi trưởng thành – chúng trở nên cảnh giác, liên tục phân tích động cơ của người khác, có xu hướng tham gia vào các mối quan hệ mà đối tác sẽ ép chúng làm điều gì đó không phù hợp với mong muốn và sở thích của chúng.
Các hành vi và thái độ bộc lộ những cha mẹ gian trá bao gồm: thao túng, mong muốn chiến thắng bằng mọi giá, sẵn sàng nói dối, lừa, ngụy tạo và vặn vẹo sự thật để đạt được điều mình muốn — đôi khi chỉ để xem liệu có thể đánh lừa người khác hay không. Những cha mẹ như vậy phải dùng đến sự ép buộc, dụ dỗ và xu nịnh để có được cái họ muốn. Họ lợi dụng người khác cho mục đích của mình, đánh giá thấp, coi thường, hay trả thù và luôn tìm cơ hội để có lợi thế hơn người khác. Các cha mẹ kiểu này tin rằng những người còn lại phải hành động theo mong muốn của họ, rằng mọi người cũng như họ, và do đó cần giành lấy phần của mình trước.
Thể hiện: Cha mẹ thích thể hiện có thể được mô tả là người “luôn đứng trên sân khấu”, “hướng đến công chúng” và “làm lóa mắt”. Trong thế giới của những người như vậy, những người khác được giao vai trò phụ trợ, để ủng hộ và nhấn mạnh cái nhận thức của họ về việc làm cha mẹ. Con cái của những người như vậy chỉ tồn tại với tư cách là sự tiếp nối của họ, cha mẹ cần chúng để nhân lên và mở rộng các lĩnh vực mà cha mẹ có thể nhận được sự ngưỡng mộ, sự chú ý, thuận lợi trong hành động, v.v. Đứa trẻ không có quyền thất bại. Khi đứa trẻ thành công, thành công của nó được coi là kết quả của những nỗ lực và sự giúp đỡ của cha mẹ. Sự nuôi dạy như vậy tạo ra đứa trẻ nhút nhát, thận trọng, nó liên tục tìm kiếm sự chú ý và ngưỡng mộ, hoặc làm mình làm mẩy để có được những thứ như cha mẹ đang nhận.
Các đặc điểm cho thấy sự thích biểu diễn phô trương của cha mẹ nhóm này bao gồm: hành vi thái quá và kịch tính, thường xuyên khoe khoang, xu hướng phóng đại công lao cũng như bệnh tật của mình. Kiểu phụ huynh này luôn bồn chồn, nhảy từ mối quan hệ này sang mối quan hệ khác, từ dự án này sang dự án khác, và liên tục chuyển sang gì đó mới. Họ dành nhiều công sức cho việc quảng bá bản thân, đánh giá quá cao khả năng, kỹ năng và tài năng của mình, họ giận dỗi với người khác nếu những người đó là tâm điểm của sự chú ý một cách xứng đáng. Những người như vậy xâm phạm ranh giới tâm lý của người khác, không coi trọng tài sản và không gian cá nhân của người khác, và tin rằng họ có trách nhiệm cho tất cả mọi thứ.
Phản ứng của trẻ đối với các kiểu cha mẹ coi mình là trung tâm
Có hai loại phản ứng của trẻ đối với cha mẹ vị kỷ: tuân phục và nổi loạn. Trẻ sử dụng chúng để bảo vệ bản thân khỏi những hành động tàn phá hơn trong việc nuôi dạy con. Hãy xem những phản ứng này thể hiện ra như thế nào để đối phó với bốn loại vị kỷ.
Phản ứng của trẻ đối với cha mẹ thiếu thốn
Phản ứng tuân phục: Nếu đứa trẻ đáp lại bằng sự nhượng bộ trước hành vi của cha mẹ vị kỷ kiểu thiếu thốn, thì ngay cả khi đã trưởng thành sẽ vẫn quá nhạy cảm với nhu cầu của người khác. Phản ứng vô thức của nó thể hiện ở việc muốn theo dõi những dấu hiệu căng thẳng nhỏ nhất ở người khác, cố gắng tính toán những nhu cầu chưa được đáp ứng và “đọc suy nghĩ của người khác” để tìm ra cách phản ứng và cách cư xử ngay cả trước khi có yêu cầu. Khi trưởng thành, những đứa trẻ này tiếp tục sợ hãi và rất lo lắng về những bất đồng và các hình thức xung đột khác, có xu hướng đặt nhu cầu cá nhân xuống dưới, cảm thấy tội lỗi và xấu hổ khi người khác thất vọng, và sẵn sàng làm những gì mình không muốn làm, chỉ để người khác hài lòng. Ở tình trạng thái như vậy, họ dễ bị dụ dỗ và dễ bị cuốn vào cảm xúc của người khác.
Phản ứng nổi loạn: Những đứa trẻ phản ứng nổi loạn trước hành vi của cha mẹ vị kỷ dạng thiếu thốn, ngay cả khi trưởng thành, thích giữ khoảng cách với người khác, từ chối giao tiếp và hợp tác. Con cái trưởng thành của các bậc cha mẹ này có xu hướng vô cảm và xu hướng phớt lờ nhu cầu của người khác. Họ công khai phản đối người khác, nhưng sau đó tránh xa xung đột. Họ giận dỗi khi người khác cố gắng dụ dỗ hoặc ép buộc họ.
Phản ứng của trẻ đối với cha mẹ nóng nảy
Phản ứng tuân phục: Khi đứa con có tính tuân thủ của những cha mẹ này lớn lên, chúng sẽ cố gắng làm hài lòng người khác và sợ xung đột. Những đứa trẻ trưởng thành thường dễ trở thành người cầu toàn, nhưng chúng tự cảm thấy như những kẻ giả mạo, không xứng đáng với thành quả của mình, không chấp nhận lời khen và không tin tưởng vào chúng. Cả khi nhỏ và khi trưởng thành, họ đều xấu hổ trước những lời chỉ trích hoặc buộc tội dù là nhỏ nhất, họ nhạy cảm đến đau đớn với sự khinh miệt, cố gắng lường trước các sự kiện và nhượng bộ.
Phản ứng nổi loạn: Những đứa trẻ phản ứng với cha mẹ nóng nảy thường không nghe lời, ngang ngược, và thể hiện thái độ phòng thủ quá mức trước những lời chỉ trích. Hành vi này tiếp tục đến tuổi trưởng thành. Đối với họ, cách phòng thủ tốt nhất là tấn công, họ không quan tâm đến việc làm hài lòng người khác, họ không công nhận và không chấp nhận sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Phản ứng của trẻ đối với cha mẹ gian trá
Phản ứng tuân phục: Đứa trẻ tuân thủ của một cha mẹ nhóm này sẽ nấp sau cái mặt tiền của nhân cách giả, và sẽ mang theo khi trưởng thành. Nó cố gắng tỏ ra cực kỳ dễ chịu và ve vuốt, nhưng đồng thời vẫn là một người thích bóp méo sự thật. Người như vậy rất dễ bị dụ dỗ và ép buộc, họ sợ bị đẩy ra, luôn lo lắng và không bao giờ biết mình chờ đợi điều gì.
Phản ứng nổi loạn: Những đứa trẻ bất trị của những cha mẹ nhóm này luôn nghi ngờ người khác và không tin vào động cơ của người khác. Khó mà gần họ, vì họ sợ người khác muốn dụ dỗ và ép buộc họ làm điều gì đó. Họ cho rằng những người khác đang cố gắng sử dụng họ cho mục đích riêng của mình, và thận trọng tìm cách vạch trần những âm mưu đó.
Phản ứng của trẻ đối với cha mẹ thể hiện
Phản ứng tuân phục: Những đứa trẻ ngoan ngoãn đáp lại hành vi của cha mẹ nhóm thể hiện thường có xu hướng phục tùng, khiêm tốn và tự hạ thấp. Họ thường xuyên bị quá tải, cố gắng lường trước những điều bất ngờ, lo sợ, chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất và không thể bảo vệ ranh giới tâm lý cá nhân.
Phản ứng nổi loạn: Những đứa trẻ nổi loạn trước hành vi của cha mẹ hay thể hiện có xu hướng tham gia vào những việc rủi ro có thể đe dọa đến cuộc sống của họ. Họ sẵn sàng dùng đến những lời xu nịnh, cố tỏ ra cởi mở để hợp tác, nhưng âm thầm hoặc ngấm ngầm thách thức và kiên quyết chống lại ý tưởng của người khác. Đồng thời, họ khéo léo che giấu cảm xúc thật của mình.
Dịch từ Forbes RU, người dịch: Phan Phương Đạt