Bùi Thanh Thuỷ VIP
YÊU THƯƠNG VÔ ĐIỀU KIỆN

Đấy là lời khuyên của tôi cho những bậc cha mẹ không biết dạy con thế nào. Trong suốt gần 15 năm làm đại diện giáo dục cho Úc và đã từng đi dạy nghệ thuật ở 3 trường, tôi đã được hỏi nhiều lần câu hỏi phải dạy con như thế nào. Bởi không phải cha mẹ nào cũng biết dạy con. Và ngay cả tôi cũng vậy.

Tôi là một người mẹ tồi, nếu nói về khía cạnh dạy dỗ. Tôi là người mẹ đã phải xin lỗi con mình nhiều lần vì nổi xung do bipolar. Tôi không thể kèm các con về Toán vì dốt môn này và đến giờ vẫn sợ. Là một họa sỹ thực hành tròn 20 năm và có bằng cao học thị giác từ đại học số 1 của Úc , nhưng khi làm thủ công lớp 4 cho con, tôi “ được” cô giáo chấm điểm B. Và bị chồng bảo “ cheating” ( chơi ăn gian lừa đảo).

Khi sang Úc, tôi được mở mắt trước những ngộ nhận của cha mẹ người Á. Được mở mắt bởi một người gốc Việt, làm điều phối viên ở 1 trường tiểu học. (Thực ra, cô ấy rất nổi tiếng - đã từng đạt giải thưởng Người Úc của Năm).

Năm lớp 5, trường tiểu học nơi con tôi học gọi đến chỗ tôi làm và hỏi tôi có biết con bé đã cắt tay mình không. Giờ thể dục, các thầy nhìn thấy sẹo ở trên cánh tay cháu. Tôi gần như ngã khuỵu. Người tiếp tôi ở trường là cô X. Cô ấy có 2 người con ở độ tuổi 40, đều thành đạt. Hỏi thăm chuyện gia đình, cô biết tôi còn 1 đứa con trai nhỏ tự kỷ cấp độ 2. Tôi không e ngại nói với cô rằng tôi quyết phải đi định cư ở Úc, vì tôi biết ở Việt Nam, con tôi sẽ bị coi là tàn tật.

Cô X kể cho tôi nghe rằng khi mới vượt biên qua Úc, cô làm trong viện dưỡng lão. Các ông bà già ở viện dưỡng lão rất đáng yêu, cả cuộc đời lao động vất vả, tài sản cuối đời của họ là những cuốn album gia đình. Họ khoe hình con cháu, đứa này làm luật sư , đứa kia là bác sỹ. Vậy mà, đến khi họ mất, cô gọi điện báo tin, các con nói “ cứ chuyển đến dịch vụ mai táng. chúng tôi sẽ tới sau”. Cô bàng hoàng.

Tôi thì hiểu tại sao. Tôi nói với cô về 3 mô hình xã hội.

1 là Xã hội truyền thống , mô hình của các nước đang phát triển đi theo; có mối quan hệ ràng buộc giữa các cá nhân trong gia đình và dòng họ để “ dựa vào nhau mà sống”, giúp đỡ tương trợ và cùng sản xuất để duy trì đời sống. Xã hội này con cái phải nghe theo cha mẹ, thuận theo sự sắp đặt và kế thừa kiểu gia truyền, sự ràng buộc là rất lớn. Việt Nam ta là mô hình này. Những câu tiêu biểu như “ một người làm quan cả họ được nhờ” “ cha truyền con nối”, “ con vua thì lại làm vua..”…vv…

2 là Xã hội nội tại định hướng, mô hình các nước phát triển theo, nơi cha mẹ không bắt con cái chịu bất cứ áp lực nào; ko phải chịu trách nhiệm theo nghề truyền thống gia đình, ko phải chịu trách nhiệm kéo dài dòng giống, ko phải chịu trách nhiệm nuôi cha mẹ khi về già..vv…Ngoài ra, nếu con là người gay hay người les, hay người gi gỉ gì gi , cha mẹ đều yêu con. 500 năm của văn minh Châu Âu đã tạo ra xã hội nội tại định hướng - trao quyền tự do bát ngát cho 1 cá nhân phát triển. Thật nhân văn.

3 là Xã hội ngoại tại định hướng, là mô hình xã hội phát triển nhất theo quan điểm của David Riesman. Là những xã hội có đủ tài nguyên để không bị lệ thuộc vào bất cứ hệ thống nào khác ngoài đất nước. Trên thế giới hiện nay, chỉ có 3 nước có điều kiện để theo được mô hình này nhờ cơ cấu dân số và tài nguyên, cũng như vị trí địa lý , đó là: Mỹ, Úc và Canada.

Cô X gật gù. Cô hỏi tôi nghĩ cha mẹ Á yêu con hơn hay cha mẹ Tây yêu con hơn? Tôi nói, cha mẹ Á chăng. Cô phá lên cười. Con có bao giờ tham gia hoạt động ngoại khóa với con của con ở trường ko? Tôi đỏ mặt. Cô bảo “ đề tài viết về hoạt động cuối tuần của học sinh với cha mẹ, trong khi các học sinh da trắng có đến nghìn hoạt động đa dạng như đi bảo tàng nghệ thuật, đi câu cá , đi thăm ông bà, đi camping, nấu ăn đọc sách xem phim, làm vườn, tạo kiểu lông cho chó mèo, học bắn cung vẽ nặn tượng…vv…thì học sinh gốc Việt ta chỉ có khoảng 2 hoạt động “ tôi đi shopping với cha mẹ , tôi ở nhà đánh game”. Về hoạt động ngoại khóa, 100% cha mẹ da trắng tham gia với con, còn chủng khác tỷ lệ là chưa đến 30%.

Cô X bảo “ con đừng thấy có lỗi. con ko có lỗi gì cả. cô đã từng rơi vào tình huống tệ hơn khi con cô đi tự tử mà cô ko hề biết. năm 18 tuổi, con cô biến mất. khi báo cảnh sát người ta chỉ tìm thấy xe hơi của nó đậu ở phi trường. 1 ngày hàng chục ngàn người ra vào phi trường Melbourne , biết nó đi đâu. 1 tháng sau nó về nhà. nó buồn chuyện tình cảm định đi du lịch một nước Châu Á để tự tử. trên chuyến bay, thật may mắn người phụ nữ bên cạnh nhận ra tâm trạng của nó nên đã rủ về nhà cô ấy ở nước đó chơi. Dần dà, cô ấy khuyên bảo “ mình chết thì xong cho mình nhưng không công bằng cho cha mẹ”. nó nghe ra, về Úc.

Cha mẹ Á hiểu gì về con cái, có thực sự nói chuyện hàng ngày với con cái hay không ? “ Con ăn gì, con làm bài chưa?..” Hết. Mình không hề nói chuyện đúng nghĩa với con.

Trong những năm đầu ở Úc, một cô giáo Úc mới hơn 20 tuổi tên là Anne, là người đã dạy tôi làm mẹ đúng nghĩa. Cô ấy gọi cho tôi đến nói chuyện về con gái tôi” một người tài năng nổi bật, nhưng không tự tin và luôn đánh giá thấp bản thân”. Tôi bất ngờ khi nghe. Con gái tôi? Ko tự tin? Ko thể! Cô ấy nói, con tôi vẽ rất đẹp, các thầy cô trong trường đều thích và thậm chí còn đề nghị nó bán cho họ giá 3 đô/bức. Nhưng nó trả lời rằng các bức vẽ của nó ko đáng giá, chỉ là “rác rưởi vớ vẩn”. Cô ấy bắt đầu chú ý và theo dõi nó. Cô ấy nhận thấy sự tự ti được che đi dưới lớp vỏ bất cần. Cô ấy nắm lấy tay tôi và nhìn vào mắt tôi nói “ chúng ta phải giúp cô bé. nó sắp đến tuổi dậy thì. chị biết khi con gái đến tuổi dậy thì mà tự ti thì sẽ dễ trở thành con mồi cho bọn con trai hư lợi dụng. đấy là lí do chúng ta cần có kế hoạch hành động giải cứu cô bé khỏi sự tự ti!”. Tôi trào nước mắt. Ở một đất nước tử tế, thì cha mẹ không phải chịu trách nhiệm giáo dục một mình. Họ được hỗ trợ.

Cách đây 4-5 năm, có một nghiên cứu nổi bật của Harvard University kết hợp với 1-2 tổ chức giáo dục khiến tôi chú ý. “ Loại cha mẹ nào thì sẽ có con cái thành đạt?” 1. Cha mẹ biết dạy con và yêu thương con. 2.Cha mẹ chỉ biết dạy con. 3. Cha mẹ chỉ biết yêu thương con. 4. Cha mẹ không yêu thương ko dạy. Tất nhiên, 99% chúng ta sẽ đoán được loại 1 sẽ có con thành đạt nhất ; vừa biết dạy dỗ vừa biết yêu thương. Nhưng điều bất ngờ nhất của nghiên cứu này là loại cha mẹ đứng thứ 2 trong bảng có con cái thành đạt không phải là cha mẹ biết dạy, mà là cha mẹ ko biết dạy mà chỉ biết yêu thương.

Vâng, chỉ cần biết yêu thương vô điều kiện. Yêu thương vô điều kiện, không phải là chiều chuộng vô điều kiện. Yêu thương là cho con mình thứ quý giá nhất của mình , thời gian và tâm trí. Còn chiều chuộng là đáp ứng nhu cầu vật chất để “thoát thân”. Yêu thương mới làm nên chuyện. Chiều chuộng, ngược lại, làm hỏng chuyện.

Con gái tôi năm nay học năm thứ nhất đại học Melbourne. Cháu đạt học bổng John & Olga Ziegler Lawless trị giá 30,000 đô. Khi nghỉ học và cuối tuần cháu vẫn chăm chỉ đi làm thêm. Quan hệ của chúng tôi không phải lúc nào cũng êm đẹp nhưng chúng tôi yêu thương nhau. Tôn trọng nhau. Hỗ trợ nhau.

Con trai tôi tự kỷ cấp độ 2, lớp 5 vẫn không thuộc bảng cửu chương và vô cùng ngẫu hứng. Luôn là một nhân vật quan ngại ở trường. Nhưng tôi ko hề lo lắng hay chịu bất cứ áp lực nào. Tôi từ chối lo lắng và áp lực từ lâu rồi. Nếu con mình không may, tôi sẵn sàng gánh phần không may đó với nó. Vì tôi là mẹ. Đối với tôi, con tôi quan trọng hơn cả cái xã hội hỗn độn luôn biến động ngoài kia. Đối với tôi, nếu con tôi sống cả đời với tôi cũng chả có gì là tệ, thậm chí tôi tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong hoàn cảnh đó. Khái niệm đáp ứng sự trông đợi của xã hội là một thứ quan niệm cực kỳ sai lầm. Tôi thà làm kẻ lạc lõng còn hơn phải tuân theo cái của dở hơi đó.

Hồi 20 tuổi, tôi không nghĩ mình sẽ lập gia đình và nhất là sẽ không có con. Không phải chỉ vì tôi muốn toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật mà vì tôi nhận thấy làm cha mẹ đòi hỏi một trách nhiệm lớn lao mà tôi cảm thấy không đủ sức.
Giờ đây, tôi đã có câu thần chú của mình mà tôi muốn chia sẻ với các cha mẹ, nhất là những cha mẹ Việt Nam.

Hãy Yêu Thương Con Mình Vô Điều Kiện!
Hãy Yêu Thương Con Mình Vô Điều Kiện!
Hãy Yêu Thương Con Mình Vô Điều Kiện!
Hãy Yêu Thương Con Mình Vô Điều Kiện, trước khi quá muộn!

Credit: Hoa Nguyen
0 Trả Lời
Lưu lại

Tải app để tham gia
Hoặc quét mã trên điện thoại để tải
Lưu ý: Thông tin tư vấn tại Mamibabi chỉ mang tính chất định hướng, không có giá trị thay thế chỉ định của bác sĩ. Mamibabi không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.
Nhận ngay 5,000+ hoạt động Thai giáo, Giáo dục sớm, Tập nói sớm, Ăn dặm VIP
Thai giáo
Giáo dục sớm
EASY, Luyện ngủ
Tập nói sớm
Ăn dặm VIP
Tư vấn 1:1
XEM THÊM CHỦ ĐỀ
Nuôi dạy con
Chia sẻ, học hỏi cách nuôi dạy con khoa học nhất
TÌM KIẾM