Hằng Tuấn VIP
Trẻ “lo sợ xa cách”, ba mẹ phải làm sao?
Dành cho ba mẹ có bé từ 7-18 tháng tuổi

Khi được khoảng 7 tháng tuổi, các em bé bắt đầu bước vào một giai đoạn phát triển quan trọng, được gọi là “lo sợ xa cách” (separation anxiety) hay giai đoạn “bám mẹ khủng khiếp” - một trong những “cơn ác mộng” của các ông bố bà mẹ. Giai đoạn lo sợ xa cách là gì và tại sao nó lại khiến các bậc phụ huynh sợ hãi đến vậy?

✳️ Khái niệm Lo sợ xa cách

Tình trạng lo sợ xa cách - Separation Anxiety là một trong những giai đoạn phát triển cảm xúc quan trọng, khi bé bước vào hành trình khám phá ra rằng sự vật và con người tồn tại ngay cả khi chúng/họ không xuất hiện trước mắt bé.

Khi trẻ bước vào giai đoạn lo sợ xa cách tức là trẻ đã nhận thức được rằng mẹ hoặc người chăm sóc chính cho bé rất quan trọng với bé và bé luôn cảm thấy lo lắng, bất an, đôi khi là tuyệt vọng khi bị tách rời khỏi mẹ/người chăm sóc bé. Giai đoạn này là một bước ngoặt lớn trong nhận thức và cảm xúc của bé yêu Một vài bé vượt qua giai đoạn này chỉ với vài tiếng khóc thút thít trong khi vài bé khác lại bám mẹ/người chăm sóc chính như sam.

✳️ Thời điểm “Lo sợ xa cách” xuất hiện

Bé bắt đầu hiểu về khoảng cách và có biểu hiện bám mẹ khi bé được khoảng 6-7 tháng tuổi, đỉnh điểm của nỗi bất an là khi bé được 10-18 tháng tuổi. Cảm giác lo sợ xa cách sẽ giảm dần và kết thúc khi bé thổi nến chúc mừng sinh nhật lên hai của mình.

✳️ Khi nào thì bạn biết con bước vào giai đoạn “Lo sợ xa cách”

Giai đoạn lo sợ xa cách thường rất dễ nhận biết, bởi đơn giản đó là khi em bé thiên thần của bạn bỗng nhiên bám mẹ khủng khiếp. Kể cả với những em bé vốn đã tự ngủ và chơi tự lập rất giỏi, thì khi bước vào giai đoạn này, các con vẫn bám riết lấy mẹ, thậm chí nhiều mẹ còn tưởng chừng như con đã mất khả năng tự chơi và tự ngủ.

Sau đây là những biểu hiện khi bé yêu bước vào giai đoạn lo sợ xa cách:

✅ Bám mẹ khủng khiếp, khóc khi mẹ không ở trong tầm mắt của mình.

Ngay khi mẹ đứng dậy là trẻ đã dói theo bước chân của mẹ, và nếu như mẹ đi khuất thì bé sẽ khóc rất to, thậm chí gào thét nếu mẹ không quay lại ngay lập tức, những trẻ biết bò sẽ vội vàng bò theo mẹ dù mẹ ở nơi đâu. Đây là khởi đầu cho những câu chuyện dở khóc dở cười khi mẹ đi toilet mà cũng có một vệ sĩ tí hon kè kè đi theo để bảo vệ.

✅ Bé không muốn được ai bế, ngoài mẹ, càng ra chỗ đông người thì bé càng bám mẹ. Bé bám mẹ/người chăm sóc chính hơn bình thường và chỉ thích chơi/ở cạnh người đó thôi.

✅ Khi bé bước vào giai đoạn lo sợ xa cách cũng đồng nghĩa với việc bé có thể gặp khủng hoảng ngủ. Do bé luôn muốn thức để chơi và gần gũi với mẹ, nên việc mẹ đưa bé đi ngủ được bé coi là quá trình ngắt kết nối với mẹ nên bé thường không có tín hiệu buồn ngủ, bé thức rất lâu và gào khóc khi mẹ đưa bé đi ngủ. Nhiều em bé khi tỉnh dậy giữa chừng của giấc ngủ (đặc biệt là giấc ngủ ban đêm) sẽ cảm thấy khó chịu và gào khóc nếu không có mẹ ở bên cạnh.

✅ *Bé sợ người lạ hơn, và không muốn được người lạ bế. *Nhiều bé thậm chí còn khóc ngay khi có người ra nựng nịu mình

Cha mẹ nên làm gì để có thể vượt qua giai đoạn sóng gió này?

✅Gây dựng thói quen chơi tự lập từ sớm

Bước đầu tiên để giúp giai đoạn lo sợ xa cách bớt mệt mỏi hơn đối với các bậc cha mẹ đấy là cần tạo tiền đề và thói quen chơi tự lập từ sớm cho bé. Nghiên cứu và thực tế cho thấy rằng những em bé đã có nếp chơi tự lập từ trước khi giai đoạn lo sợ xa cách xuất hiện sẽ giảm bớt cảm giác khó chịu và bám mẹ dai dẳng so với các em bé vốn luôn được cha mẹ túc trực bên cạnh 24/24.

Trước tiên, mẹ có thể tập cho bé tự chơi mà không cần mẹ phải chơi với bé trong cùng một không gian. Tức là dù ở trong một phòng, bé nhìn thấy mẹ nhưng bé tự chơi những trò chơi của mình theo cách của mình và mẹ sẽ làm việc của mẹ. Thỉnh thoảng bạn có thể đáp lại những âm thanh của bé với âm lượng vui vẻ, từ tốn và sau đó hãy tạo cơ hội cho bé vui vẻ trong không gian riêng của bản thân.

Tiếp theo, mẹ hãy tập cho bé kỹ năng chơi tự lập mà không cần có mẹ ở trong cùng một không gian. Kỹ năng này có thể được hình thành và rèn luyện từ khi bé còn là em bé sơ sinh cho đến khi lớn hơn với việc bé có thể tự vui vẻ chơi một mình trong thời gian tăng dần. Tuy việc bé yêu có thể chơi một mình sẽ không làm cho giai đoạn "lo sợ xa cách" không xảy ra, nhưng điều này sẽ giúp cho bé dễ dàng đối phó với sự vắng mặt của mẹ hơn.

✅ Chơi cùng bé một số trò chơi giúp bé hiểu về việc sự vật vẫn tồn tại dù bé không nhìn thấy

Dạy và tích cực chơi trốn tìm, ú òa với bé để bé biết rằng dù bé không thấy mặt mẹ (Vì mẹ lấy tay che mặt rồi hoặc mẹ trùm chăn kín rồi) nhưng mẹ sẽ trở lại trong chốc lát và mẹ sẽ ở bên em.

✅ Khuyến khích bố, ông bà hoặc những người chăm sóc bé tạo lập một mối quan hệ tin tưởng với bé, để bé biết rằng khi mẹ không ở cạnh thì bé vẫn có thể vui đùa cùng nhiều người khác.

✅Tập cho bé làm quen với sự vắng mặt của mẹ.

🔸 Ngày 1: Mẹ dành 3 phút để vắng mặt vào mỗi lần chơi với bé. Hãy đảm bảo rằng việc bé ngồi chơi một mình là an toàn.

Trước khi đi, hãy dùng giọng điệu tích cực và vui vẻ để giải thích cho bé hiểu vì sao mẹ cần rời đi . Thông báo thời gian mẹ cần đi và đặt bên cạnh bé một chiếc đồng hồ bấm giờ, cho bé nghe tiếng chuông đồng hồ rồi nói cho bé biết rằng khi nào đồng hồ kêu thì mẹ sẽ “về”. Ví dụ, “Cốm ơi, mẹ đi rửa rau một chút. Khi nào em đồng hồ kêu, thì mẹ sẽ vào với Cốm nhé. Cốm chơi vui nhé!”

Bé yêu tuy chưa có khái niệm về thời gian nhưng có khái niệm âm thanh và hình ảnh. Nên mẹ chỉ cần lặp đi lặp lại việc xuất hiện khi đồng hồ kêu là dần dần bé sẽ hiểu ra. Sau khi nghe đồng hồ kêu, lập tức đến cửa và nói vọng vào : " Đến giờ rồi, mẹ đây rồi" - Chờ 10 giây rồi mới đi vào, sử dụng giọng điêu tích cực để khen ngợi bé :" Con đã tự chơi rất ngoan" rồi chơi tiếp với bé. Tuyệt đối không tỏ ra lo lắng hay to tiếng, quát nạt bé.

🔸 Ngày 2: Mẹ tăng lên thành 5 phút với mỗi lần chơi cùng bé. Nếu bé nín khóc trước thời gian đồng hồ kêu hoặc bé không khóc mà tự chơi ngoan, khen ngay khi vừa xuất hiện trước mặt bé.

🔸 Các ngày sau tăng thêm mỗi ngày 5 phút, tối đa 40 phút với bé dưới 10 tháng, 60 phút với bé trên 10 tháng . Nếu bé nín khóc trước thời gian đồng hồ kêu hoặc bé chơi ngoan, khen và có thể thưởng cho bé nếu bạn thấy cần thiết.

Trong quá trình tập cho bé quen với sự vắng mặt của mẹ, bạn có thể nhờ một người thân khác ở trong phòng cùng bé nếu bạn không muốn để bé ở lại một mình. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng người đó chỉ có trách nhiệm giám sát để giữ an toàn cho bé chứ không nên can thiệp vào quá trình tập tự chơi của bé.

✅Giới thiệu “bạn” trấn an - bạn xoa diu

Một đồ vật trấn an/xoa diu hay còn gọi là dou dou có thể phát huy tác dụng trong thời điểm này. “NGười bạn” trấn an này có thể là ti giả, chiếc túi ngủ/chăn/quấn quen thuộc của bé, hoặc một con thú nhồi bông - khăn trấn an (dou dou) sẽ luôn ở bên bé cả khi ngủ và khi thức dậy. Khi mẹ giới thiệu những “người bạn” này cho bé lúc ngủ và lúc thức, thì khi bé không thấy mẹ đâu, bé có xu hướng tìm tới các vật này để xoa dịu cảm giác bất an của bản thân, từ đó bớt cảm thấy khó chịu khi “xa cách” mẹ,

✅Giải quyết khủng hoảng ngủ

Nếu nỗi lo sợ xa cách của con bạn còn đi kèm với khủng hoảng ngủ, bạn lưu ý cần cho bé đi ngủ theo đúng lịch sinh hoạt bình thường của bé, thay vì đợi đén khi bé buồn ngủ mới cho đi ngủ bởi nếu đợi bạn có thể phải đợi rất lâu vì các bé tầm này thường không có tín hiệu buồn ngủ rõ ràng. Bạn cũng sử dụng cho bé những công cụ trấn an như ti giả, tiếng ồn trắng, quấn/túi ngủ, thú bông để bé cảm thấy an tâm hơn.

✅Một số nguyên tắc mẹ cần nhớ trong giai đoạn lo sơ xa cách của bé yêu

LUÔN GIỮ ĐÚNG LỜI HỨA VỚI CON. Nếu bạn hẹn đồng hồ 5 phút thì đúng 5 phút sau bạn phải có mặt ở trong phòng với bé.

🟠TUYỆT ĐỐI KHÔNG ĐƯỢC BỎ ĐI LÚC BÉ KHÔNG ĐỂ Ý, TRỐN BÉ ĐI HOẶC ĐI MÀ KHÔNG BÁO TRƯỚC CHO BÉ, điều đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của bé với mẹ và càng làm bé bám mẹ hơn.

🟠Trong trường hợp mẹ cần phải đi khỏi tầm mắt bé hãy luôn ghi nhớ rằng cần thông báo với bé việc bạn đi và đặt đồng hồ. Nếu sau khi đồng hồ kêu mà bạn vẫn còn bận việc, hãy cứ tạm ngừng công việc một chút để vào chơi với con sau đó lại hẹn thêm giờ. Sau khi xong hoàn toàn công việc hãy vào và nói lời khen ngợi bé. Con hoàn toàn có thể hiểu rằng mình được khen thông qua giọng điệu và cử chỉ của cha mẹ

🟠Dành cho con thật nhiều thời gian chất lượng trong khi chơi cùng bé, cùng chơi các trò chơi với con mà không để các công việc các nhân chi phối như kiểm tra email, sử dụng điện thoại ...

🟠 Nếu mẹ phải đi làm, hãy dành thời gian trước khi ngủ đêm và trước khi đi làm để trò chuyện và vui chơi nhiều hơn với bé

Cre: Mẹ Ong Bông

0 Trả Lời
Lưu lại

Tải app để tham gia
Hoặc quét mã trên điện thoại để tải
Lưu ý: Thông tin tư vấn tại Mamibabi chỉ mang tính chất định hướng, không có giá trị thay thế chỉ định của bác sĩ. Mamibabi không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.
Nhận ngay 5,000+ hoạt động Thai giáo, Giáo dục sớm, Tập nói sớm, Ăn dặm VIP
Thai giáo
Giáo dục sớm
EASY, Luyện ngủ
Tập nói sớm
Ăn dặm VIP
Tư vấn 1:1
XEM THÊM CHỦ ĐỀ
Nuôi dạy con
Chia sẻ, học hỏi cách nuôi dạy con khoa học nhất
TÌM KIẾM