Loài động vật nuôi cháu
Theo sự hiểu biết của mình thì tôi thấy trên trái đất của chúng ta chỉ duy nhất có một loài động vật nuôi cháu, đó là loài người.
Tôi chưa tìm thấy một loài thứ 2 nào có cách thức tổ chức như thế cả. Tất cả đều cùng lắm là nuôi con, và thông thường thì cũng chỉ nuôi trong một thời gian rất ngắn cho đến khi con non có thể tự kiếm được thức ăn thì chúng buộc phải rời mẹ. Con cá rồng bố ấp trứng trong miệng 60 ngày (và cũng không ăn uống trong suốt 60 ngày ấy), nhưng chỉ sau 2 tuần thì cá con đã phải tự tách khỏi cha mẹ và tự lập. Tất nhiên là cá rồng không bao giờ nuôi cháu rồi.
Tôi nhìn nhận rằng, “nuôi cháu” là một cách “ứng xử” rất phi tự nhiên của con người, đặt trong bối cảnh của thế giới tự nhiên và cả bức tranh rộng lớn của nhân loại.
Trong các sách nhân chủng và lịch sử mà tôi đã đọc (và cả các chương trình thế giới động vật phong phú đã xem), thì thấy từ cổ sơ, loài người cũng không có cái tập tính là nuôi cháu rất kỳ dị này. Đặc biệt, trong các xã hội hiện đại của Tây phương, hiện tượng ấy cũng rất hiếm. Cha mẹ nuôi dưỡng con cái theo hướng cho chúng sớm tự lập, và ông bà thì dường như không có nuôi cháu theo kiểu Việt Nam.
Ông bà Việt, trẻ thì nuôi con, già thì nuôi cháu. Họ gần như không có thời gian để sống cuộc đời của mình, mà là sống bằng chính cuộc đời con cháu. Có một cái vòng tròn hết sức kỳ quặc ở đây: cả gia đình dồn “tổng lực” vào nuôi những đứa trẻ. Ông bà, cha mẹ Việt gần như không có thời gian để sống cho mình và vì mình; cứ như thế, những cuộc đời sinh ra và bị đánh mất trong cuộc đời kẻ khác.
Điều kiện kinh tế có ảnh hưởng lớn đến thứ tập quán này thì đã đành, nhưng có lẽ nguyên nhân lịch sử, văn hóa và tâm lý dân tộc cũng lớn không kém. Cái tư tưởng “tam đại đồng đường” trong quá khứ, và đặc biệt nhất là sự nhỏ yếu của ý thức cá nhân (cái mà trước đây gần như hoàn toàn chưa có) mới chính là nguyên nhân chủ yếu.
Ông bà nuôi cháu hay dựa dẫm vào cháu? Có một thực tế kinh tế - xã hội không thể gạt bỏ: đó là gánh nặng mưu sinh. Cha mẹ sinh con ra nhưng thu nhập ít ỏi, vì thế mà ông bà phải phụ đỡ. Đó là một vấn đề đang tồn tại.
Tuy thế, nó vẫn không phải là lý do chính. Ông bà Việt lấy cháu chắt làm niềm vui sống, trong khi ở cùng lứa tuổi đó, các ông bà già ở Tây vẫn lao động và sống độc lập. Đời sống cá nhân, tự làm, tự sống, tự tạo niềm vui tự thân bằng chính đời sống cá nhân của mình đã gần như trở thành một thứ tinh thần và tâm thức hết sức tự nhiên đối với họ.
Phải chăng, nuôi cháu là một sản phẩm hậu kỳ chỉ tồn tại trong các xã hội chưa phát triển cả về kinh tế lẫn ý thức cá nhân, khi mà những tập tính tự nhiên lành mạnh của động vật đã bị mất đi nhưng nền văn minh chưa kịp hình thành?
Bằng một cách thức như thế, ông bà cha mẹ Việt không những đánh mất cuộc sống của mình mà còn giành giật luôn cả cuộc đời của các thế hệ kế tiếp khi chăm bẵm, bảo bọc, theo sát, lo thay, làm thay, sống thay…
“Nuôi cháu” là môt biểu hiện điển hình cho tư tưởng gia đình trung tâm, cái mà Phan Châu Trinh gọi là “luân lý gia đình” đang là chủ đạo lấn át tất cả luân lý quốc gia và luân lý xã hội khiến ngăn cản Việt Nam bước lên trên con đường của văn minh.
“Hi sinh đời bố, củng cố đời con” thậm chí còn hi sinh đời ông bà củng cố đời cháu chắt, đã dẫn tới việc thu vén cho mỗi gia đình mình và lựa chọn sự an ổn hơn là thay đổi; “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, “cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại” cũng từ cái tư tưởng gia đình trung tâm này mà ra.
Nếu không cởi bỏ cái tư tưởng và lối sống này để mà trao lại độc lập cho con trẻ cũng như vực dậy đời sống cá nhân của chính mình thì những thế hệ người Việt nối tiếp sẽ khó có thể xây dựng được một xã hội lành mạnh, tiến bộ. Khi con người chưa bước ra khỏi cánh cổng gia đình của mình thì làm sao có thể nói đến chuyện kiến tạo xã hội hay ý thức công lợi cho được?
Tổ chức gia đình làm sao để tình cảm ấm áp không mất đi nhưng mỗi người đều có điều kiện phát triển độc lập và tận hưởng tự do, đó là câu hỏi mà mỗi người Việt, đặc biệt là ông bà và cha mẹ, cần tự mình đặt ra và trả lời nghiêm túc.
Thái Hạo