👩👩👧👦 CẨM NANG CHO BỐ MẸ KHI CON LẦN ĐẦU ĐI NHÀ TRẺ.
🍀 Làm thế nào để những bé mới bắt đầu đi học có thể nhanh chóng thích nghi với ngôi nhà thứ hai của mình? Trong vài tháng đầu gửi trẻ phụ huynh thường chịu rất nhiều áp lực tâm lý như con khóc không nín, con đi nhà trẻ về chỉ bám mẹ ăn vạ, con không chịu hợp tác với cô và nhà trường, con bị chấn động tâm lý, không chịu ăn…
🍀 Mình xin được chia sẻ vài điều dưới đây từ chính kinh nghiệm của 1 người mẹ gửi con đi từ hồi 1 tuổi, cũng là một người đang làm việc trong lĩnh vực mầm non, và hy vọng nó có thể là “cẩm nang” giúp ích phần nào cho ba mẹ trong thời kỳ “Giông bão nho nhỏ” này.
🍀 Muốn trẻ yêu trường lớp hòa đồng cùng cuộc sống tập thể cần phải có thời gian để xây dựng cảm giác an toàn, lòng tin, sự tin tưởng và yêu thương với cô giáo và bạn bè. Mất bao lâu để trẻ có được cảm giác ấy, cũng như quá trình hình thành sợi dây tin tưởng ấy với cô giáo diễn ra như nào?
1. Con trẻ cần ít nhất 3-4 tháng (6 tháng với trẻ dưới 1 tuổi) để hình thành sự tin tưởng, yêu thương với cô giáo và nhà trường)
🍀Những em bé sơ sinh thường mất 6 tháng để hình thành sợi dây yêu thương gắn kết với mẹ. Bởi vì trải qua 6 tháng được mẹ vỗ về ôm ấp, đáp ứng mọi nhu cầu của mình về mặt tình cảm, sinh lí, trong nhận thức của trẻ sẽ hình thành sợi dây yêu thương-tin tưởng với người đặc biệt này, người mà bé biết khi ở bên người ấy bé sẽ luôn cảm thấy an toàn.
🍀Vậy thì với những bé tầm 1 tuổi khi bắt đầu đi nhà trẻ, tức là bắt đầu làm quen với một môi trường mới, với những con người mới, bé sẽ phải tốn bao lâu để tạo dựng niềm tin và cảm nhận được tình yêu của cô giáo? Thường thì trẻ 1 tuổi sẽ mất 3-4 tháng để làm quen, còn trẻ lớn tuổi hơn có thể là 2-3 tháng (tùy cá tính mỗi trẻ). Vì thế ban đầu khi tiếp xúc với môi trường mới lạ, trẻ sẽ khóc vì cảm giác xa người thân, cảm giác bất an đi nữa phụ huynh đừng sốt sắng mất hết kiên nhẫn. Chỉ cần khi ở nhà phụ huynh dành thời gian chất lượng để ôm ấp, vỗ về, khen ngợi và chơi với con thật nhiều thì trẻ sẽ dần thích nghi với môi trường mới.
2. Giúp con cùng vượt qua tâm lý sợ hãi bất an
️🎯 Với nhà trường: Việc làm quan trọng nhất ở trường mầm non giai đoạn đầu 3-4 tháng đầu khi trẻ đi học là xây dựng cho trẻ sự tin tưởng-yêu thương, giúp trẻ có tinh thần ổn định (lấy được sự tin tưởng ở trẻ) với mình, sau đó mới bắt đầu đến giai đoạn hòa đồng, sinh hoạt theo nền nếp của trường.
🍀Khóc khi sợ hãi, bất an là phản ứng tâm lý hoàn toàn bình thường của trẻ. Đôi khi khóc là cách giúp trẻ giải tỏa stress (giống người lớn) bên cạnh dấu hiệu gây sự chú ý muốn cho người lớn biết nhu cầu của mình.
🍀Khi con khóc cô giáo chỉ cần vỗ về, nói tên cảm xúc cho con hiểu để thể hiện sự đồng cảm. “Cô biết con đang rất buồn, bất an vì phải xa mẹ. Có cô ở đây rồi. Cô rất yêu Bon”. sau đó đưa đồ chơi để giúp trẻ quên đi nỗi buồn, nhớ mẹ. Không ngừng khích lệ khi trẻ nín khóc hoặc nỗ lực chơi “Ôi Bon cố gắng lắm. Con giỏi lắm. Mẹ sẽ rất vui nếu con chơi ngoan như này”.
🍀Chỉ khi tụi trẻ con cảm thấy chúng được yêu thương, tin tưởng ở cô giáo chúng mới hợp tác. Các cô giáo phải hiểu điều ấy để ứng xử nhẹ nhàng, ưu tiên đáp ứng nhu cầu về mặt cảm xúc với trẻ trước đã. Có thể coi đây là tiêu chí đầu tiên khi chọn trường cho con.
️🎯 Với ba mẹ:
🍀Ban đầu nếu có thể cho trẻ đi học thử vài buổi để làm quen với môi trường mới. Sau đó khoảng 1 tuần thì có thể rút ngắn thời gian bên con, và kéo dài thời gian gửi con ở trường từ độ 2-3 tiếng đến giao con cả ngày.
🍀Hãy tin tưởng rằng con có thể mạnh mẽ để vượt qua giai đoạn chuyển biến khó khăn này. Mỗi ngày trước khi vui vẻ tạm biệt, hãy ôm con 1 cái thật chặt 3 giây: “Con hãy chơi thật vui vẻ cùng các bạn nhé. Mẹ đi làm đây”, và khi đón con hãy ôm con và nói “Con mẹ cố gắng lắm. Mẹ rất vui vì có thể an tâm đi làm”. Về đến nhà hãy dành ra 15 phút để ôm ấp, khích lệ con thật nhiều vào.
🍀Đối với con trẻ cái ôm của mẹ, nụ cười của mẹ cùng lời nói khích lệ là món quà quý giá hơn mọi phần thưởng vật chất.
3. Làm gì khi con về nhà mè nheo, khóc lóc bám mẹ
🍀 Bao dung: Khi mới đi nhà trẻ, cả một ngày chịu nhiều mệt mỏi, áp lực tâm lí rồi, nên khi được ở cạnh mẹ bé nào cũng chỉ muốn được ôm, được bế và làm nũng thôi. Hãy bao dung với những đòi hỏi ấy của trẻ.
🍀 Hãy đáp ứng nhu cầu của bé ngay khi có thể: Đặc biệt dưới 3 tuổi trẻ vốn chưa học được cách kiềm chế cảm xúc, chưa biết kiên nhẫn nên những câu như “Đợi mẹ một lát đã. Từ từ đã mẹ đến…” sẽ hầu như không hiệu quả khi trẻ lên cơn ăn vạ đâu. Vì thế khi con khóc đòi bế là con đang muốn được thỏa mãn nhu cầu tình cảm, nên ba mẹ cố gắng dừng hết mọi việc đang làm, chạy đến ôm con vào lòng một chút và vỗ về “Ừ, mẹ đây. Con mẹ buồn à. Hôm nay đi nhà trẻ cả ngày mệt quá mà. Mẹ biết rồi. Con của mẹ cố gắng lắm”.
🍀 Đừng thuyết giáo khi con đang khóc: Dù đang bực tức hay mệt mỏi cũng đừng thuyết giáo, đừng mắng mỏ “Mẹ bảo đợi mẹ một tí rồi mà. Có nín ngay không. Mẹ còn phải nấu cơm chứ”.
🍀 Chỉ cần ôm con trong yên lặng: Chỉ cần mẹ ôm con, yên lặng vỗ về, thừa nhận cảm xúc của con, chứ càng giảng giải, càng nói lý càng không hiệu quả. Còn nếu quát mắng lại càng khiến trẻ nghĩ rằng ba mẹ không yêu mình nữa. Đợi khi con nín khóc, con bình tĩnh hơn hãy chuyển sự chú ý qua chơi đồ chơi hoặc xem mẹ đang làm việc nhà. Nếu bé bắt đầu tự ngồi chơi rồi thì đi làm việc nhưng đừng quên trò chuyện với bé, thi thoảng đến bên vỗ về khen ngợi.
🍀Qua mỗi trải nghiệm khi trẻ bình tĩnh lại ba mẹ sẽ nói cho trẻ lí do con cần cố gắng chơi một mình để ba mẹ còn làm việc, trẻ sẽ dần tự hiểu, vui vẻ mà không cần mè nheo mẹ nữa. Giống như một trẻ bú no sẽ cười tươi, chỉ đứa trẻ chưa được thỏa mãn đầy đủ nhu cầu về mặt cảm xúc thì chúng mới mè nheo, đòi bế mà thôi. Nên giai đoạn 0-3 tuổi đừng lo con nhõng nhẽo, đừng lo con bám mẹ và không tự lập. Chỉ cần lo con có được lắng nghe và thỏa mãn nhu cầu cảm xúc không thôi ba mẹ nhé. Có tự tin, có tin tưởng thì mới có tự lập.
4. Thay đổi thói quen sinh hoạt phù hợp với nhà trẻ: dậy sớm-ngủ sớm
🍀Để trẻ nhanh chóng thích nghi với nhịp sinh hoạt ở nhà trẻ thì hãy dần thay đổi thói quen ngủ sớm-dậy sớm cho trẻ. Hãy đánh thức trẻ dậy sớm lúc 6-7g sáng đẻ trẻ đón ánh sáng buổi sáng, giúp cho bộ não có tinh thần sáng khoái. Nếu như trẻ dậy quá muộn sau 8g sáng sẽ khiến trẻ không hứng thú với bữa trưa và không muốn ngủ trưa ở trường. Nếu vài tối hôm trước trẻ ngủ quá trễ và phụ huynh lo con không ngủ đủ giấc thì vấn áp dụng cách thay đổi thói quen là đánh thức trẻ dậy sớm, để giúp trẻ điều chỉnh nhịp sinh học của cơ thể. Vì chỉ khi dậy sớm, ban ngày vận động đầy đủ thì tối mới dụ trẻ đi ngủ sớm được. Từ đó sau 1-2 tuần là trẻ sẽ quen với nếp sinh hoạt ngủ sớm-dậy sớm.
5. Những điều ba mẹ nên tránh:
🍀 Đừng lo lắng thái quá khi con khóc, không ăn, thi thoảng ngủ nói mơ. Vì đôi khi ba mẹ lo lắng quá cũng sẽ khiến con cái bị ảnh hưởng mà căng thẳng theo. Hãy vui vẻ, lạc quan và tin rằng ừ không sao đâu, con làm được thôi.
🍀 Đừng hỏi ”Con thích cô nào hơn” và dựa vào câu trả lời của con để đánh giá giáo viên. Vì tầm tuổi này trẻ con chưa ý thức được trách nhiệm với lời nói của mình, tâm trạng còn thay đổi thất thường, và đôi khi còn tùy thuộc thái độ biểu cảm của ba mẹ mà đưa ra câu trả lời. Vấn đề phán đoán giáo viên phải chính bản thân mình cảm nhận. Đôi khi chỉ vì câu nói của con mà có cái nhìn định kiến với giáo viên là điều rất đáng tiếc.
🍀 Tránh hỏi các câu nhàm chán “Hôm nay con chơi ở lớp có vui không” vì nó chỉ có đáo án có-không chứ không khơi gợi hứng thú cho trẻ trả lời. Hãy để tự trẻ bắt đầu kể hoặc hỏi câu hỏi mở: Hôm nay con đi học thế nào?
🍀 Ngày nghỉ hay cuối tuần đừng nhắc gì liên quan đến nhà trẻ hay việc đi trẻ, hãy để ngày đó hoàn toàn là ngày nghỉ ngơi với trẻ.
Cre: Aki Nguyen