Hằng Minhminh VIP
GIÚP TRẺ TÌM THẤY NIỀM VUI TRONG VIỆC HỌC 🥰☘️

Bản năng của học sinh tiểu học là sự tò mò, sáng tạo, nhưng cũng còn ham chơi, và không duy trì hứng thú được lâu dài. Đặc biệt ở giai đoạn lớp 1-2-3 bố mẹ sẽ thường xuyên chứng kiến việc trẻ than thở “Bài khó lắm con không làm được”, hoặc “Con không hiểu”, làm được một chút là bỏ giữa chừng. Đó là những điều rất bình thường, nhưng nếu bố mẹ quá để ý đến những cảm xúc tiêu cực đó của trẻ để than thở, thuyết giáo hoặc mắng mỏ vào những thời điểm ấy sẽ càng khiến trẻ mất đi hứng thú học tập.

1. Khi con kêu chán hãy đồng cảm

Những năm đầu tiểu học chỉ là quá trình để trẻ dần làm quen với việc học vì thế không tránh khỏi nhiều khi trẻ mất hứng, không muốn làm. Khi ấy bố mẹ hãy lặng im lắng nghe và đồng cảm với trẻ trước đã. Đây là một hình thức rất hiệu quả tôi đã làm với Bon.

Có những lúc Bon bảo mẹ ơi hôm nay con không muốn làm bài, con không muốn học thêm bài của mẹ tôi cũng gật đầu “Hôm nay con không có tâm trạng học à. Ừ thế thì mình nghỉ ngơi hôm nay nhé. Mẹ hi vọng là sau khi nghỉ ngơi hôm nay thì hôm sau con lại có hứng học trở lại”. Tôi thấy ánh mắt vui sướng của Bon và con ôm chầm lấy mẹ “Con cảm ơn mẹ. Hôm sau con sẽ cố gắng”. Nếu hôm đó là bài tập trên lớp con phải hoàn thành mà con chưa muốn làm tôi sẽ bảo “Vậy con hãy nghỉ ngơi một chút, khi nào sẵn sàng hãy chủ động làm nhé. Nhìn xem thời gian biểu để cân nhắc cần hoàn thành vào lúc nào”.

Đương nhiên nếu như ngày nào trẻ cũng kêu chán và không có hứng thú thì không thể đáp ứng theo cách này. Nếu những trẻ ngày nào cũng kêu chán thì bố mẹ ngồi xuống lắng nghe con chia sẻ, và cùng trao đổi về ý nghĩa của việc học.

Tôi luôn có niềm tin vào sự cố gắng của trẻ, nhất là trẻ tiểu học. Bản năng của các em là những đứa trẻ cực kì nỗ lực và luôn muốn cố gắng. Đôi khi một chút thả lỏng, để các em tự quyết sẽ giúp các em cảm thấy thoải mái, có lấy năng lượng tiếp tục cố gắng. Cha mẹ chỉ cần là người cho các con sự bao dung, sự tin tưởng, nhất định con sẽ luôn cố gắng.

2. Hạn chế thúc giục “Học bài đi”

Vì đó là câu nói khiến trẻ cụt hứng nhất, nhưng lại là câu nói bố mẹ nói nhiều nhất với con. Thay vì luôn giục con học bài đi, bố mẹ có thể đặt câu hỏi “Mấy giờ con sẽ vào học?”, “Thời gian biểu của mình bây giờ là làm gì con nhỉ?”, nó có tác dụng hơn nhiều.

3. Tạo hứng thú từ những sở thích của trẻ

Trẻ tiểu học rất thích kết hợp việc học trong các trò chơi, hoặc được khích lệ bằng những phần thưởng nho nhỏ. Ví dụ như khi làm xong bài tập con sẽ được xem bộ phim hoạt hình mình yêu thích như một phần thưởng nho nhỏ. Nếu trẻ yêu thích nhân vật hoạt hình hay nhân vật truyện tranh nào đó bố mẹ có thể mua nó làm phần thưởng cho trẻ. Nếu trẻ thích món ăn, hãy thưởng cho trẻ khi trẻ hoàn thành một nhiệm vụ nho nhỏ.

Bon rất thích bộ phim hoạt hình One Piece và điều tôi có thể làm là nghe con đố về các nhân vật của phim. Con cũng rất thích chơi Pokemon nên tôi sẽ khích lệ con là học bài xong rồi mình chơi bài Pokemon. Ngoài ra biết Bon rất thích ô tô nên tôi thường khuyến khích con xem kênh youtube về ô tô để luyện nghe thêm tiếng Anh. Muốn con làm những đồ chơi thủ công tôi rủ hai mẹ con cùng xem video trên youtube rồi cùng nhau làm. Việc lồng ghép sở thích của trẻ vào việc học sẽ luôn khiến trẻ thấy hứng thú hơn.

4. Khích lệ và ghi nhận những điều con đã làm được

Không thể có thành quả to lớn nếu không bắt đầu từ những cố gắng nhỏ, và bố mẹ đừng bỏ qua việc khen ngợi và ghi nhận những cố gắng nho nhỏ của trẻ. Hãy khen ngợi thật cụ thể và chân thành những điều con đã làm.

Khi con làm được việc gì đó hãy khen ngợi “Con đã rất chăm chỉ đấy” hoặc “Con đã rất cố gắng”, “Con rất tự giác không cần bố mẹ phải nhắc” để trẻ biết điều mình làm là tốt. Nhưng nếu con lỡ làm sai hay thất bại hãy khích lệ con rằng “Bố mẹ đánh giá cao tinh thần thử thách của con. Sai không quan trọng. Hãy cùng xem lại vì sao mình làm sai nhé”, để trẻ không sợ sai.

5. Tạo môi trường học tập giúp ích cho việc học

Muốn trẻ tập trung và hứng thú với việc học thì tạo môi trường học tập rất quan trọng.
Đầu tiên là bàn học phải luôn ngăn nắp gọn gàng để giúp trẻ có hứng thú ngồi vào bàn học. Đó là lí do vì sao nguyên tắc số 7 tôi dạy Bon “Dọn dẹp bàn học sau khi học xong”. Bởi vì nếu bàn học bừa bộn, sách vở, bút, tẩy,…vứt lung tung thì chúng ta có muốn bắt đầu ngồi học khi nhìn bàn học như vậy không? Trẻ tiểu học chưa thể tự giác ngay được điều này, nên bố mẹ hãy cùng con duy trì thói quen dọn dẹp bàn học, sắp xếp sách vở gọn gàng, đồ dùng được phân loại rõ ràng nhé.

Khi con học hãy để những thứ dễ gây xao lãng ra ngoài tầm mắt và tầm tay, tầm nghe của con như là tivi, thiết bị điện tử, truyện tranh, đồ chơi…. Bố mẹ không nên dùng điện thoại trong tầm mắt trẻ đang học, nếu muốn trẻ tập trung học.

Ngoài ra trong cuốn sách “Thói quen học tập trong gia đình” tác giả Kageyama Hideo chia sẻ rằng với học sinh tiểu học việc học tập ở môi trường phòng khách hay phòng ăn nơi gần với mẹ cũng giúp ích cho trẻ. Phòng khách có sức hấp dẫn đặc biệt, vì nơi đó trẻ sẽ được ở cạnh mẹ, có thể được nũng nịu mẹ lúc muốn. Nhất là trẻ mới đi học, tâm lí học cũng chính là chơi, nên môi trường phòng khác rất phù hợp cho tâm lí đó. Và động lực để trẻ học tập phần nhiều là “để mẹ vui” chứ chưa phải là “học vì bản thân mình”. Nên ngồi ở nơi nào gần có mẹ ở bên sẽ tạo cho trẻ cảm giác an toàn, và khi được mẹ khen trẻ sẽ lại càng có động lực để cố gắng. Khi lợi dụng phòng khách để hình thành thói quen học tập cha mẹ cần để tâm đến những điều sau:

- Tư thế ngồi học
Bàn học và ghế phải vừa tầm để trẻ có thể chạm chân đến đất. Hãy để sách vở và dụng cụ học tập, bảng viết ở nơi trẻ dễ với tay lấy nhất ở phòng khách. Trên bàn không cần dọn sạch mà có thể để một vài thứ dẫn dụ trẻ với tay đọc.

- Không sợ âm thanh ồn ào ảnh hưởng đến khả năng tập trung vì những âm thanh hay mùi thơm của thức ăn là chất kích thích cho não hoạt động hiệu quả và khả năng ghi nhớ.

- Điều cần chú ý nhất là cha mẹ đừng can thiệp, đừng kè kè ngồi cạnh con khi học, hay thường xuyên nhòm con làm bài ra sao. Hãy thể hiện sự tin tưởng và tôn trọng để lúc nào cần tập trung thì tập trung và không có cảm giác bị giám sát. Thể hiện tâm thế học cùng con khi con muốn.

6. “Đừng có suốt ngày học, đi ngủ sớm đi con”

Có thể nhiều cha mẹ cho rằng con càng học nhiều càng tốt, và khi thấy con vẫn miệt mài học đến khuya thì vui mừng và an tâm rằng con sẽ học tốt sau này. Nhưng các nhà giáo dục đã khuyên rằng nếu muốn con có đủ sức khỏe và tinh thần bền bỉ để chạy cuộc đua đường dài cho nhiệm vụ học tập suốt đời, thì việc hình thành thói quen sinh hoạt có quy tắc ngủ sớm, dậy sớm ngay từ những năm tháng đầu đời mới là điều quan trọng nhất. Vì giấc ngủ buổi tối rất quan trọng với trẻ, ngủ đủ giấc sẽ giúp trẻ có tinh thần sảng khoái để bắt đầu cho một ngày mới vào hôm sau. Nếu thiếu ngủ đầu óc trẻ sẽ hoạt động kém đi, dễ sinh ra bực bội, cáu gắt, hoặc cảm giác hồi hộp. Trẻ vẫn cần được ngủ ngày 9-10 tiếng/ngày cho đến tuổi trưởng thành. Nhiều kết quả điều tra cho thấy trẻ ngủ đủ giấc luôn có thành tích học tập tốt hơn so với trẻ thức khuya và ngủ muộn.

Hơn nữa việc bị quy định giờ đi ngủ còn là một động lực giúp trẻ biết tăng tốc sử dụng thời gian học hiệu quả hơn, và háo hức muốn học tiếp vào hôm sau. Giả sử hôm trước trẻ chưa làm xong bài mà vẫn bị bắt đi ngủ, thì chắc chắn hôm sau nếu không muốn bị tái diễn hậu quả hôm trước, trẻ sẽ nỗ lực tập trung học tốt hơn.

7. Hãy thiết lập thời gian biểu, XÂY DỰNG MỤC TIÊU và quy tắc rõ ràng

Trẻ tiểu học chưa có khả năng tự mình kiểm soát được thời gian, và khả năng tự kiểm soát mong muốn, chính vì thế đôi khi bố mẹ sẽ thấy trẻ mải mê xem phim hoạt hình, mải mê chơi đồ chơi, đọc truyện, vẽ tranh….mà quên mất nhiệm vụ cần làm. Chính vì thế phương pháp hữu ích nhất để bố mẹ giúp trẻ nâng cao năng lực tự kiểm soát, duy trì được hứng thú với việc học đó là xây dựng thời gian biểu rõ ràng, dễ hiểu.
Có mục tiêu cụ thể để phấn đấu.
Quy định cụ thể về thời gian học-chơi-làm việc nhà….
Trong những phần tiếp theo tôi sẽ chia sẻ cụ thể hơn về điều này.

Nguồn: Aki Nguyen

0 Trả Lời
Lưu lại

Tải app để tham gia
Hoặc quét mã trên điện thoại để tải
Lưu ý: Thông tin tư vấn tại Mamibabi chỉ mang tính chất định hướng, không có giá trị thay thế chỉ định của bác sĩ. Mamibabi không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.
Nhận ngay 5,000+ hoạt động Thai giáo, Giáo dục sớm, Tập nói sớm, Ăn dặm VIP
Thai giáo
Giáo dục sớm
EASY, Luyện ngủ
Tập nói sớm
Ăn dặm VIP
Tư vấn 1:1
XEM THÊM CHỦ ĐỀ
Nuôi dạy con
Chia sẻ, học hỏi cách nuôi dạy con khoa học nhất
TÌM KIẾM