Mamibabi Tư vấn
THỂ HIỆN CẢM XÚC KHÔNG PHẢI LÀ HƯ

👌 Quyền của trẻ: nhận được sự chú ý

Một trong những điều cha mẹ hay than thở nhất là về chuyện con cái cố gắng thu hút sự chú ý của họ. Vì vậy, người lớn lờ đi nhiều hành vi họ không thích vì cho đó “chỉ là” cách để gây chú ý. “Đừng bận tâm về nó”, chúng ta nói, “nó làm vậy chỉ để gây chú ý mà thôi”.

Khi trẻ dùng những cách loanh quanh để thu hút sự chú ý, chẳng hạn như gây náo loạn, phóng đại hoặc giả vờ đau, trêu chọc trẻ khác, thể hiện, khoe khoang, chúng có nguy cơ bị phớt lờ hoặc bỏ qua, bởi vì những người lớn gần đó trợn mắt giận dữ. Đôi khi, điều này cũng xảy ra với trẻ ngay cả khi chúng trực tiếp và công khai kêu gọi sự chú ý mà chúng khao khát.

Thay vì tỏ ra ‘biết tỏng’ đứa trẻ, tại sao chúng ta không hỏi: Khi một đứa trẻ, thay vì đề đạt trực tiếp, thì lại định thao túng người lớn, thì nó đã học được cách này như thế nào? Bằng cách nào mà nó đi đến cảm giác rằng không nên công khai đòi hỏi một cái ôm, một câu trả lời cho câu hỏi của mình, một sự cảm thông, hay đơn giản là được chú ý hoặc được chơi cùng?

Tất cả trẻ em bắt đầu cuộc sống với sự chân thật tuyệt đối về nhu cầu của mình. Trẻ sơ sinh và em bé bộc lộ những khao khát của chúng mà không hề lăn tăn: những gì bạn thấy đúng là những gì chúng muốn. Nếu một đứa trẻ vươn tay ra để được chú ý và tìm sự ấm áp, và bé nhận được điều đó, thì khả năng cởi mở thẳng thắn và quyết đoán của trẻ sẽ được củng cố. Khi ta tỏ ra miễn cưỡng với những hành vi thu hút sự chú ý lành mạnh của con trẻ, ta đã âm thầm huấn luyện chúng trở nên không thẳng thắn. Ta dành cho chúng quá ít cơ hội để bày tỏ, vì vậy trẻ sẽ tìm kiếm sự chú ý bằng cách “đi đường vòng”, sự chú ý mà chúng cần và xứng đáng có được.

Xã hội của chúng ta có xu hướng coi nhu cầu được chú ý của trẻ em là một sự phiền toái. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi trẻ em tìm mọi cách gián tiếp để gây chú ý, một số thậm chí cố tình bị ốm hay bị thương để được chú ý đến. Những đứa trẻ bị phớt lờ, không được đáp ứng nhu cầu được chú ý một cách quá thường xuyên thì có thể trở nên không thể thỏa mãn, như thể về sau này bao nhiêu sự chú ý cũng không thể làm chúng thỏa mãn. Sự chú ý là món quà của cuộc sống, một nhu cầu cơ bản và quyền con người. Trẻ em xứng đáng nhận được tất cả sự chú ý mà chúng muốn.

Khi bạn hết lòng dành sự chú ý cho một đứa trẻ khi chúng yêu cầu ngay từ đầu, chúng sẽ sớm được đáp ứng đầy đủ. Điều này rất quan trọng để giúp trẻ trở nên tự chủ hơn. Khi trẻ lớn lên, nó ít đòi hỏi sự chú ý của bạn hơn (nghiên cứu cho thấy rằng những em bé được yêu thương tốt sẽ phát triển thành những đứa trẻ độc lập hơn), và khi trẻ thực sự muốn được chú ý, trẻ sẽ thẳng thắn thể hiện, mạnh dạn và rõ ràng.

👌 Bị trừng phạt vì cảm xúc

Hết lần này đến lần khác, trẻ bị trách mắng nặng nề vì phạm tội khóc lóc hoặc tức giận. Hãy nhìn nhận thẳng thắng: Cảm xúc không phải hành vi xấu. Cảm xúc không làm tổn thương ai. Ngược lại, đàn áp cảm xúc của trẻ thì có, nó làm hại trẻ: Theo thời gian, nếu lặp lại việc này thường xuyên, nó sẽ làm mất cân bằng hóa học trong não bộ của trẻ, nó gây căng thẳng hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa, và nó phá hoại khả năng kết nối với người khác của trẻ.

Kiểm duyệt cảm xúc thường bắt đầu sớm. Một trong những điều phổ biến nhất mà chúng ta nói với một em bé đang khóc là “Suỵt!” Chúng ta nói điều đó một cách nhẹ nhàng, nhưng chính xác thì tại sao chúng ta lại suỵt em bé? Hãy nghĩ về tất cả những bài hát ru, được bắt đầu bằng việc bảo với những đứa trẻ bé bỏng rằng chúng “hãy im lặng” và “đừng khóc nữa”. Đã bao giờ bạn dừng lại và tự hỏi tại sao, khi cố gắng an ủi trẻ sơ sinh, chúng ta lại yêu cầu chúng phải im lặng? Dường như điều đầu tiên mà ta muốn là việc trẻ ngừng khóc – chứ không phải kết nối với con mình cho tới khi lý do làm con khóc thực sự biến mất.

Thay vì mắng mỏ con bạn vì cảm xúc của nó, hãy cho con không gian để cảm nhận, và an ủi, động viên con nếu con cần điều đó. Thỉnh thoảng khi con cái chúng ta khóc, nức nở hoặc la hét trong cơn tức giận, chúng ta cảm thấy bất lực, bực bội và nặng nề. Con cái chúng ta không đáng bị đổ lỗi cho điều đó. Khi cảm xúc của trẻ tác động lên ta, ta cần làm chủ vấn đề. Bằng cách nào đó, chúng ta cần đáp ứng nhu cầu được hỗ trợ hoặc nghỉ ngơi của bản thân, mà không bắt con cái chúng ta phải gánh trách nhiệm.

👌 Lắng nghe có nghĩa là gì?

Việc lắng nghe mà tôi đang nói đến ở đây không chỉ là về việc tiếp nhận và lưu trữ thông tin, không chỉ về việc ghi nhớ con của bạn đã nói gì. Tôi đang nói về việc bạn lắng nghe với cả trái tim mình, không chỉ với đôi tai.

Lắng nghe thực sự là về sự cảm nhận. Tất cả những gì bạn cần để trở thành một người biết lắng nghe là quan tâm thực sự tới thế giới cảm xúc của con. Khi bạn thực sự muốn nghe, chẳng cần bất cứ kỹ năng đặc biệt nào. Con bạn cảm nhận được sự quan tâm trong giọng nói, trong ngôn ngữ cơ thể và bằng cách nhìn vào mắt bạn. Bạn biết bạn đã lắng nghe khi bạn cảm thấy xúc động. Bạn có thể cảm thấy lòng trắc ẩn, sự che chở, bạn có thể cảm thấy đau đơn về nỗi đau của con, niềm tự hào hoặc phấn khích về thành tựu của con, hay là niềm vui khi thấy con vui. Lắng nghe nghĩa là để chính cảm xúc của bạn được chạm vào bằng cách nào đó, và nhận thức được cảm xúc đang chuyển động trong bạn.

👌 Lắng nghe không phải là:

Đôi khi việc lắng nghe đến dễ dàng. Bạn thấy bản thân đang chú lắng nghe trong sự tĩnh lặng, chẳng cần phải quyết định cho điều đó, và có một dòng chảy tự nhiên tuyệt vời giữa bạn và con. Nhưng đôi khi lắng nghe có thể rất khó khăn. Cảm xúc của trẻ khuấy động cảm xúc của chính ta, và trong sự khó chịu, chúng ta quay đi, hoặc ta cố gắng để bảo trẻ ra khỏi cảm xúc của chúng. Bất kể nguyên nhân là gì, vì chúng ta không thể chịu được việc nhìn thấy con mình trong nỗi đau, hay vì trẻ đang cảm nhận một cách tự do điều gì đó mà ta không cho phép thể hiện – tức giận, niềm vui, nỗi buồn, sợ hãi, đam mê – ta khóa chúng lại, ta bóp nghẹt sự kết nối từ trong trứng nước.

Tôi nhớ sự bối rối mà nhiều người trong chúng tôi cảm thấy khi còn là sinh viên ngành tâm lý tư vấn khi chúng tôi lúng túng thực hành kỹ năng lắng nghe cùng nhau trong lớp học, chúng tôi đã đến lớp để thực hành lắng nghe ra sao, trong khi đầu óc thì cách xa hàng dặm, hoàn toàn tách biệt khỏi người đang nói chuyện với mình. Thường rất buồn cười, và luôn đối đầu, khi tự hỏi chính mình và hỏi người khác: Bạn có đang lắng nghe, hay chỉ là gật gù trong khi đợi đến lượt mình nói? Bạn đang lắng nghe, hay chỉ là đang ngồi và phán xét? Bạn đang lắng nghe, hay chỉ đơn thuần ghi chép và lưu trữ dữ kiện? Bạn đang lắng nghe, hay chỉ nghĩ về việc bạn có thể làm tôi thay đổi như thế nào?

Chúng ta thường xuyên nói với bản thân rằng chúng ta đang chăm chú lắng nghe ra sao trong khi thực tế tâm trí của chúng ta đang lang thang ở nơi nào đó khác. Dường như không tồn tại những người biết lắng nghe một cách nhất quán. Với hầu hết chúng ta, lắng nghe tốt là một kỹ năng thay đổi theo tâm trạng. Tất cả các nhà tư vấn, nhà tâm lý học và bất cứ chuyên gia giúp đỡ nào cũng là những người lắng nghe không hoàn hảo (và đôi khi tệ hại), và chúng ta nên trau dồi khả năng lắng nghe của mình trong suốt quãng đời còn lại. Phải nói thêm một cách hổ thẹn rằng, thật ra bất cứ ai cũng đều có thể trở thành một người lắng nghe tốt mà chẳng cần qua đào tạo nào, vì tất cả những gì ta cần chỉ là mở rộng trái tim và quan tâm đến người khác.

👌 Ngăn chặn sự đồng cảm

Một thực tế trong mối quan hệ của con người là khả năng lắng nghe của chúng ta khó nắm bắt: ta mất nó, ta lấy lại, rồi đánh mất một lần nữa. Đôi khi thật khó để biết liệu chúng ta có đang lắng nghe đến mức con cái thực sự cảm thấy chúng được lắng nghe hay không. Ta tự lừa dối chính mình. Ta nghĩ ta đang lắng nghe trong khi thực sự chúng ta đang né tránh giao tiếp – và rồi ta bối rối và ngạc nhiên trước nỗi thất vọng của con cái. Sẽ hữu ích khi phân tích rõ ràng, thế nào là lắng nghe và thế nào là không. Khi nỗi sợ hãi của chính chúng ta, sự xấu hổ của chúng ta, sự ghen tị hoặc sự kiệt quệ về cảm xúc của chúng ta cản trở, chúng ta có xu hướng chơi một số trò chơi khá thông minh để làm chệch hướng những giao tiếp của con cái, để cảm xúc của chúng không chạm được vào ta. Một trong những lý do lớn nhất khiến chúng ta trốn tránh lắng nghe là: sự thất vọng của con cái khiến chúng ta cảm thấy tội lỗi. Chiến thuật lẩn tránh của chúng ta được gọi là “ngăn chặn sự đồng cảm” (empathy blockers). Ngăn chặn sự đồng cảm giúp chúng ta tránh được vấn đề khi lắng nghe, nhưng lại khiến chúng ta trả giá bằng sự mất kết nối với nhau.

Thỉnh thoảng chúng ta sử dụng một cách bừa bãi các biện pháp ngăn chặn sự đồng cảm bởi ta đang cố gắng một cách bất an, hòng giúp con cái vượt qua cảm xúc đau đớn. Trớ trêu thay, điều an ủi tuyệt vời nhất cho con cái lại đến từ việc được lắng nghe, chứ không phải từ việc ta cố gắng thay đổi cảm xúc của chúng. Vì tất cả những lý do này, tất cả chúng ta đều sử dụng các biện pháp ngăn chặn sự đồng cảm hết lần này đến lần khác, khá tự động và vô thức. Có thể nói, chúng ta đã thành thạo hành động ngăn chặn đồng cảm này. Đây là một vài ví dụ thường gặp khi con trẻ trở nên xúc động:

- Giảm nhẹ (downplaying): “Đừng khóc. Mẹ chắc chắn nó không tệ đến thế. Đấy không phải là chấm hết.”

- Phủ nhận (denial): “Chẳng có vấn đề gì nghiêm trọng cả, con không cần phải thất vọng về điều gì hết. Mọi thứ đều ổn.”

- Lý luận (reasoning): “Đừng khóc. Con có thấy, bạn ấy đâu có cố tình làm đau con?”

- Xoay hướng tích cực (positive spin): “Hãy lạc quan lên. Con không thấy rằng, chuyện này xảy ra hẳn là vì một lý do tốt đẹp?”

- Động viên (cheering up): “Đừng lo. Để mẹ kể cho con nghe vài chuyện vui. Đây, hãy ăn một cây kem. Nó sẽ làm con vui lên”.

- Khuyên nhủ/ đưa phương án (advising/giving options): “Sao con không cố gắng làm thế này, làm thế kia? Mẹ nghĩ con nên phớt lờ thế này, thế kia…”

- Kỳ vọng (expectation): “Lẽ ra con nên hiểu biết hơn. Hãy vượt qua chuyện đó. Đừng để nó làm con phiền”

- Chê bai (put down): “Đừng có ngốc nghếch. Đừng có lố bịch!”

- Chẩn đoán /Dán nhãn (Diagnosing/labeling): “Con đang quá nhạy cảm”

- Đánh lạc hướng (Distracting/diverting): “Này, nhìn con búp bê xinh đẹp kia xem!”

- Chuyển sự chú ý sang mình (Stealing the thunder): “Giờ thì con biết mẹ cảm thấy thế nào khi chuyện tương tự xảy đến với mẹ”

Như bạn có thể thấy, bề ngoài hầu hết các biện pháp ngăn chặn sự đồng cảm không có ác ý, bề ngoài chúng không cố ý làm xấu hổ đứa trẻ, và đôi khi chúng thậm chí có thể có ý tốt, nhưng chúng không giúp trẻ cảm thấy được lắng nghe và kết nối với bạn. Bạn có thể ngạc nhiên thậm chí là bối rối khi nghe rằng, khi bạn cố gắng làm đứa trẻ đang buồn bực vui lên, thì việc này lại thường có thể phản tác dụng – chúng thậm chí có thể cảm thấy khổ sở hơn, thậm chí tức giận.

Đó là vì trẻ cảm thấy rằng cảm xúc của mình không được chấp nhận và những gì trẻ thực sự cần chỉ là được khuyến khích cảm nhận theo cách của trẻ. Nếu điều đó khó hiểu, hãy nghĩa tới lần cuối cùng bạn cảm thấy thất vọng sâu sắc, bị xúc phạm hoặc lo lắng và ai đó nói với bạn rằng hãy vui lên. Bạn đã cảm thấy thế nào? Cách ngăn chặn sự đồng cảm khiến bất kỳ ai tiếp nhận chúng cảm thấy bế tắc, thất vọng, và cứ như thể là họ đã sai khi đã có cảm xúc như vậy.

Phải nói thêm rằng, không phải tất cả các câu trả lời trong danh sách trên đây luôn là không phù hợp. Có những lúc cần đến việc đưa ra lời khuyên hay ý kiến hữu ích, nhưng trừ khi chúng ta đã dành thời gian để lắng nghe cảm xúc của con cái trước đã, nếu không thì lời khuyên đến quá sớm sẽ khiến con trẻ xa lánh ta.

Trước khi đưa ra lời khuyên, ta hãy hỏi xem con có muốn được khuyên hay không. Điều quan trọng nhất mà chúng ta cần biết là con cái chỉ muốn được lắng nghe. Đầu tiên và quan trọng nhất, chúng muốn có bằng chứng rằng mình không cô độc, rằng ai đó hiểu điều chúng cảm thấy và quan tâm đến chúng. Điều đó tạo nên sự khác biệt hơn mọi lời khuyên trên đời này.

Ngăn chặn sự đồng cảm thực sự làm vẩn đục mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái, chúng tạo ra sự tách biệt và khoảng cách, và chúng khiến lũ trẻ nản lòng khi cố bày tỏ. Càng sử dụng những phương pháp ngăn chặn sự đồng cảm, con cái chúng ta càng ít bộc lộ cảm xúc, càng ít muốn kể cho chúng ta về cuộc sống của chúng và chúng càng ít muốn lắng nghe ta. Khi nào cảm thấy lo lắng vì con cái không chịu lắng nghe, có lẽ ta cần nhìn nhận một cách trung thực rằng chúng ta đã lắng nghe chúng đủ tốt chưa.

Thật buồn khi sự đồng cảm bị ngăn chặn làm giảm bớt cảm giác gần gũi của chúng ta với nhau, và đặc biệt đáng lo ngại khi con cái chúng ta cảm thấy mất mát hoặc gặp một số vấn đề nào đó nhưng lại không tìm đến chúng ta để được giúp đỡ. Sự tin tưởng của con cái vào chúng ta là một chức năng cho thấy chúng cảm thấy an toàn như thế nào khi cởi mở cảm xúc mà không bị chúng ta thao túng, kỳ vọng, phán xét, hạ thấp hay chỉ trích. Lắng nghe là trái tim của sự kết nố, và nếu chúng ta không thể lắng nghe tốt, chúng ta sẽ không thể tạo ảnh hưởng đến cuộc sống của con cái.

Trích từ “Heart to Heart Parenting” với sự cho phép của tác giả Robin Grille. Ông là một nhà tâm lý học tại Sydney và là tác giả cuốn sách Parenting for a Peaceful World.

Nguồn: Emotions are Not Bad Behavior by Robin Grille, trên website The Natural Child Project.
Quỳnh Anh dịch, DatPP hiệu đính

0 Trả Lời
Lưu lại

Tải app để tham gia
Hoặc quét mã trên điện thoại để tải
Lưu ý: Thông tin tư vấn tại Mamibabi chỉ mang tính chất định hướng, không có giá trị thay thế chỉ định của bác sĩ. Mamibabi không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.
Nhận ngay 5,000+ hoạt động Thai giáo, Giáo dục sớm, Tập nói sớm, Ăn dặm VIP
Thai giáo
Giáo dục sớm
EASY, Luyện ngủ
Tập nói sớm
Ăn dặm VIP
Tư vấn 1:1
XEM THÊM CHỦ ĐỀ
Nuôi dạy con
Chia sẻ, học hỏi cách nuôi dạy con khoa học nhất
TÌM KIẾM