Tư vấn
Tâm An VIP
CẦN BIẾT, ĐỂ KHÔNG HIỂU SAI VỀ CAN-CHI

Mặc dù những khái niệm can-chi quen thuộc với người Việt Nam tới nỗi gần như không có ai không biết tới, và thậm chí nhiều người còn rất coi trọng việc tính ngày tháng, tính tuổi theo những yếu tố này, nhưng thực tế là đa số người Việt Nam không hề biết tới ý nghĩa thật sự của chúng.

Hầu hết người Việt Nam tin rằng "tí" có nghĩa là chuột, "sửu" có nghĩa là trâu, ... Đó là nhận thức HOÀN TOÀN SAI!

Vào dịp Tết năm Tân Sửu (2021), tôi có viết một bài vì thấy rất nhiều người, trong đó - thật đáng buồn và đáng chán - có cả những phương tiện truyền thông hàng đầu - nơi mà đa số người dân rất tin tưởng - diễn giải "Tân Sửu" là "trâu mới".

Xin trích lại một đoạn trong bài của tôi về cái sai cơ bản này:

Sai đầu tiên là ở thói quen dịch "Sửu" là trâu, cũng như Tuất là chó, Hợi là lợn. Đây là sự ngộ nhận phổ biến. 12 địa chi (từ Tí đến Hợi) không phải là 12 con vật mà có nguồn gốc ám chỉ 12 giai đoạn từ khi thai nghén, nảy mầm cho tới khi già héo và chết đi của cây cối. Sau này, các chi được gán thêm các con vật vào. Như vậy, mỗi con vật đại diện cho một chi. Chẳng hạn, con trâu đại diện cho Sửu, nhưng không đồng nghĩa với việc Sửu là con trâu (giống như nói công an là người đại diện pháp luật, chứ pháp luật không đồng nghĩa với công an được).

Các thiên can (từ Giáp đến Quý) cũng có nguồn gốc tương tự. Đó là 10 giai đoạn và đặc điểm phát triển của cây cối, mùa màng.
Tân (辛) là chỉ thời điểm một mùa mới đang đợi, sẵn sàng để sinh trưởng.

Sửu (丑) là giai đoạn mầm cây vừa nảy và chuẩn bị vươn khỏi mặt đất.

Hai yếu tố can và chi này độc lập với nhau, khi đứng cạnh nhau thì tạo nên những tổ hợp khác nhau, nhưng không phải một từ ghép để dịch theo kiểu "Tuấn Sơn là núi cao". Không có từ nào bổ nghĩa cho từ nào ở đây cả (ai thấy khó hiểu thì học lại môn tiếng Việt cấp 2, giảng ra đây cái tối cơ bản đó thì rất dài). Do đó Tân Sửu (辛丑) không phải trâu mới hay sửu mới gì cả.

(hết trích)

Một cách chính xác thì: Dựa vào vòng đời sinh trưởng của cỏ cây, người Trung Quốc đã đặt tên cho các can và chi để mô tả các giai đoạn khác nhau. Dưới đây là danh sách và ý nghĩa của từng can và chi mà thông thường còn ít người biết tới.

⚡️ 10 thiên can, hàm ý về các đặc điểm và quá trình phát triển của cây cối và mùa màng.

1. Giáp (甲): Vỏ, ngụ ý rằng vạn vật đều nảy nở từ những hạt cây trong đất.
2. Ất (乙): cỏ cây bắt đầu lớn lên và lá xuất hiện.
3. Bính (丙): đón ánh nắng và sáng lên
4. Đinh (丁): trưởng thành và khỏe mạnh
5. Mậu (戊): cây cỏ cùng vạn vật phát triển tươi tốt khắp nơi
6. Kỉ (己): phát triển mạnh mẽ và đơm hoa kết trái
7. Canh (庚): mùa thu hoạch đã tới gần
8. Tân (辛): một mùa mới đang chờ
9. Nhâm (壬): sau thu hoạch, hạt lại nằm trong lòng đất đợi ngày ra đời
10. Quý (癸): những cỏ cây mới đã sắp nảy mầm để bắt đầu chu kỳ mới

⚡️ 12 địa chi tương ứng với 12 giai đoạn liên tiếp từ khi gieo hạt, nảy mầm cho tới khi phát triển và cuối cùng là chết đi của cây.
1. Tý (子): hạt nảy mầm và hút nước
2. Sửu (丑): mầm đã nảy và vươn khỏi mặt đất
3. Dần (寅): cây vươn về phía ánh Mặt Trời
4. Mão (卯): cành và lá mọc rậm rạp
5. Thìn (辰): tăng trưởng nhanh chóng
6. Tỵ (巳): phát triển đầy đủ và trưởng thành
7. Ngọ (午): sung mãn hoàn toàn
8. Mùi (未): quả đã chín
9. Thân (申): bắt đầu già đi
10. Dậu (酉): khô héo dần
11. Tuất (戌): úa tàn
12. Hợi (亥): chết đi

Như vậy, ý nghĩa ban đầu của các chi vốn không phải là chỉ các con vật như hầu hết chúng ta vẫn thường nghĩ. Việc gán các chi với các con vật diễn ra sau đó, được cho là vào thời nhà Hán ở Trung Quốc. Ở Việt Nam ta, các con vật vẫn được gán giống như cách người Trung Quốc đã làm, trừ chi Mão ở Trung Quốc vốn là thỏ nhưng người Việt ta lại đặt là mèo, có lẽ vì trong văn hóa dân gian của chúng ta thì con mèo gần gũi hơn.

⚡️ Vậy nói năm 2022 là năm con hổ, năm 2023 là năm con mèo có sai không?

Không sai, vì đó là qui ước văn hóa đã được sử dụng rộng rãi. Bài viết chỉ muốn nhấn mạnh rằng:

1- "Sửu" không có nghĩa là trâu ("Ngưu" mới là trâu), "Tuất" không có nghĩa là chó ("khuyển" mới là chó), ...

2- Người sinh năm Dần không có nghĩa là có đặc điểm gì đó giống con hổ, các năm khác cũng như vậy (vì rõ ràng là nó chỉ là qui ước văn hóa, và còn được ghép vào sau đó chứ không phải nguyên gốc của các địa chi).

3- Can và Chi ghép cạnh nhau vẫn là hai từ độc lập, không được coi là từ ghép và cho rằng Can là một tính từ bổ sung ý nghĩa cho Chi.

Hi vọng bài viết cung cấp một số kiến thức hữu ích về văn hóa cho độc giả!

[Đặng Vũ Tuấn Sơn]
0 Trả Lời
Lưu lại

Tải app để tham gia
Hoặc quét mã trên điện thoại để tải
Lưu ý: Thông tin tư vấn tại Mamibabi chỉ mang tính chất định hướng, không có giá trị thay thế chỉ định của bác sĩ. Mamibabi không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.
Nhận ngay 5,000+ hoạt động Thai giáo, Giáo dục sớm, Tập nói sớm, Ăn dặm VIP
Thai giáo
Giáo dục sớm
EASY, Luyện ngủ
Tập nói sớm
Ăn dặm VIP
Tư vấn 1:1
TÌM KIẾM