LÀM CHA MẸ THỜI NAY CÓ KHÓ KHÔNG? 🌹
Tham gia các nhóm phụ huynh học sinh của các trường phổ thông, từ bậc tiểu học đến phổ thông trung học; từ khối công lập, tư thục đến quốc tế; từ thành phố đến tận vùng sâu,… thỉnh thoảng tôi lại đặt cho họ câu hỏi 🤔: “Làm cha mẹ thời nay có khó không?”, “Tận tụy hy sinh tất cả vì con, liệu đã đảm bảo có được đứa con hiếu thảo, biết ơn, tử tế chưa?”
☘️Nuôi con (không) khỏe và dạy con (chưa) ngoan
Nhiều bậc cha mẹ chia sẻ: Gia đình sinh 2 con theo đúng chỉ tiêu SĐKH của Nhà nước nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu "nuôi con khỏe, dạy con ngoan".
Thôi thì đủ chuyện:
• Con cái học hành chưa đến nơi đến chốn.
• Sống dựa dẫm, không biết tự lập lo cho bản thân huống hồ chăm sóc được cha mẹ, ông bà, phục vụ cộng đồng.
• Đổ lỗi cho cha mẹ mải mê phấn đấu sự nghiệp hoặc vất vả mưu sinh, để con sa vào tệ nạn xã hội (tụ tập băng nhóm, rượu bia, đua xe, số đề, bài bạc, nghiện ngập, bụi bặm,…)
• Một số có nghề nghiệp thì lại sống vô cảm, vô ơn, vô trách nhiệm.
Tìm hiểu thêm, các bậc cha mẹ thao thức một nỗi niềm, rằng con cái ngày nay dường như thừa thông tin nhưng vẫn thiếu hiểu biết. 🙄 Đã vậy, tiếp xúc với các phương tiện kỹ thuật số khó “lọc” phần độc hại, các trang “web đen” tràn lan không kiểm soát nổi, kéo theo những thay đổi về chuẩn mực đạo đức, những quan niệm dễ dãi, dung tục. Xã hội càng hiện đại, con người càng cô đơn. Quan hệ xã hội thì làm quen trên mạng dễ, kết bạn ngoài đời khó.😕
Cả cha mẹ lẫn con cái đều đang sống trong môi trường tự nhiên nhiều khói, bụi, kẹt xe, ô nhiễm không khí. Dinh dưỡng thì do nhịp sống công nghiệp bận rộn, bữa cơm gia đình không đều đặn, các thành viên trong nhà dùng nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, trái cây đóng hộp. Môi trường xã hội thì nhiều mối nguy trẻ bị xâm hại, bắt cóc, bạo lực, tẩy chay học đường,…
☘️Con cái cũng có nỗi khổ riêng
Học sinh ngày càng “khôn ra” nhờ có nhiều phương tiện giúp tìm kiếm thông tin, hỗ trợ học tập nhưng ngược lại, bị thiếu kỹ năng sống.
Học tăng giờ tăng tiết, con cái ít lao động, ít làm việc nhà. Những em ở nông thôn ít tham gia công việc đồng áng để được hòa mình với thiên nhiên. Có người nói vui: “Gái làng thời nay không biết đi cấy, gái phố thì không biết đi chợ. Ưu tiên cho cha mẹ làm tất”.😉
• Chưa biết tìm hiểu sâu về giá trị bản thân, kiềm chế cảm xúc, ứng phó với cơn giận, thương lượng khi cãi nhau, không biết cách giải quyết xung đột và “không biết cách thua”.
• Khó chia sẻ mỗi khi gặp thất bại.
• Trường lớp kín cổng cao tường, toàn cửa kính: đúng là an ninh, tránh bụi bặm và tiếng ồn hơn nhưng lại ít vận động dễ bị gù vẹo, cận thị, béo phì, thiếu kỹ năng giao tiếp.
• Chương trình học tập nhiều, học hết ngày này qua ngày khác,… dẫn đến quá tải, stress cả cha mẹ lẫn con cái.
☘️Kiến thức không phải là sự khôn ngoan
Trẻ ngày nay "mau lớn" hơn: Thay răng sớm trước cả khi cắp sách đến trường. Thức ăn chất lượng hơn, có nhiều thời gian nghỉ ngơi, chơi thể thao, không bị phát triển mất cân đối do lao động nặng trước tuổi.
Con cái dậy thì sớm hơn thời cha mẹ: Nữ có kinh sớm hơn 2 năm so với bà nội, bà ngoại. Nam mộng tinh sớm hơn thế hệ ông nội của mình. Chưa học hết cấp 2, một số cậu đã có khả năng… có con.
Bản năng tình dục thức dậy sớm hơn nhưng sự chín chắn về mặt tâm lý xã hội lại chậm hơn các thế hệ trước. Thời kỳ mạo hiểm của lớp trẻ ngày nay được kéo dài ra; điều kiện sống thuận lợi cũng góp phần kích thích ham muốn. Nếu không được trang bị, dạy dỗ một cách chu đáo, khi bước vào tuổi dậy thì, chúng dễ bị gục ngã dưới sức ép của bản năng.
Rõ ràng thế hệ trẻ ngày nay "biết nhiều hơn" so với các thế hệ trước nhưng lại "không chín chắn bằng". Có nhiều cái hôm nay vốn rất thông thường, quen thuộc thì ngày xưa chưa hề có. Ông bà ta xưa thỉnh thoảng khăn gói ra khỏi làng mới “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Nay trẻ em chỉ cần bấm phím, lập tức thu nhận hàng loạt thông tin từ các nước khác trên thế giới. Rất nhiều thứ chúng chưa kịp hiểu đã có thể bị nhiễm. Thế giới mỗi ngày một đa dạng, phức tạp, tìm được một chỗ đứng, một thái độ phù hợp với mình đâu phải đơn giản, dễ dàng.
☘️Làm cha mẹ thời nay khó lắm!
Chính con cái cũng góp phần “đào tạo lại” các đấng sinh thành. Chẳng thế mà người xưa đã dạy: “Sinh con rồi mới sinh cha. Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”.
Các bâc làm cha mẹ ngộ ra một điều: Đừng nghĩ lúc nào mình cũng dạy được con (chỉ vì mình là cha mẹ), mà thực ra trong thời đại này, cha mẹ cần phải học không kém gì con cái.
Đó chính là động lực cho tất cả các cuộc học hỏi trao đổi của các bậc làm cha mẹ. ❤
Bs Nguyễn Lan Hải.
Bài đăng trên tuần san Công giáo & Dân tộc.
----------
Hình xăm gia đình trên cánh tay của teen, từ trang 1984 Studio 🍁